Sau ngày Nam Bộ kháng chiến, quân Pháp chiếm lại Sài Gòn (lúc bấy giờ Sài Gòn gồm cả Chợ Lớn - Sài Gòn - Gia Định) và các tỉnh.
Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp được ký kết ngày 6-3-1946, bọn Pháp cố tình vi phạm, đổ quân càn quét vào vùng căn cứ của bộ đội ta. Ở Sài Gòn, bọn phản động tung tin Chính phủ Hồ Chí Minh bán nước.
Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Bộ chủ trương phải ra một tờ báo phát hành công khai giữa Sài Gòn. Nội dung chủ yếu của tờ báo là đồng bào Nam Bộ chúc mừng kỷ niệm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cái khó là làm sao tờ báo được rao bán giữa Sài Gòn để đồng bào thành phố tận mắt thấy và được đọc tờ báo, càng thêm tin tưởng vào Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa tuyên bố độc lập.
Chú Hà Huy Giáp là Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Bộ được phân công phụ trách việc ra tờ báo. Chú Giáp từng bị giam trong các nhà tù của Pháp nên bị ho lao nặng, được ra tù và được một bác sĩ là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp che chở chữa trị, đang sống công khai giữa Sài Gòn.
Bài vở cho tờ báo đã chuẩn bị xong, gồm một số bài viết giới thiệu và ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng bào Nam Bộ lúc đó chưa biết Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng đã biết về Nguyễn Ái Quốc trên báo Tiếng chuông rè của Nguyễn An Ninh trước đây. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, người đã từng phụ trách tờ báo Người cùng khổ, đã viết quyển Bản án chế độ thực dân, đã nhiều lần vào tù của đế quốc, một người luôn hy sinh bản thân mình để đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc. Còn có cả bài của vị chủ tịch gửi đến đồng bào cả nước kêu gọi hãy tin tưởng vào chính phủ. Dự kiến báo lấy tên là Phụ nữ để dễ thu hút đồng bào mà ít gây chú ý với bọn mật thám. Thời đó, báo chỉ có đen trắng, chưa có màu. Ngay trang đầu có hình nền một lá cờ, chính giữa có ngôi sao năm cánh và nổi bật lên gương mặt Cụ Hồ thật đẹp, hiền từ và phúc hậu.
Theo quy định thời đó, muốn ra báo chỉ cần có người đứng tên chịu trách nhiệm để liên hệ với nhà cầm quyền và phải lưu lại nhà in 500 tờ.
Má tôi lúc đó cũng đã đưa các con trở lại Sài Gòn sau một năm tản cư về quê ở Cần Giuộc. Dì ba Yêm là người phụ trách công tác dân vận của Thành ủy Sài Gòn, dì đến tìm má tôi, nhờ má tôi đưa đến gặp luật sư B.T.C. - nữ luật sư đầu tiên của Việt Nam, nổi tiếng ở Sài Gòn - nhờ bà luật sư đứng tên cho tờ báo. Nể má tôi nên bà luật sư tiếp, nhưng từ chối vì hoàn cảnh gia đình không cho phép bà làm việc nguy hiểm như vậy.
Má tôi biết tầm quan trọng của tờ báo, một tờ báo lúc này bằng cả chục tờ báo lúc bình thường, nên má tôi đến thẳng nơi chú Hà Huy Giáp đang tá túc ở đường Léon Comb (nay là Sương Nguyệt Anh) và nói:
- Nếu Đảng cần, tôi xin nhận đứng tên cho tờ báo.
Chú Giáp băn khoăn:
- Chị Ninh thì tốt quá, tiếng tăm của anh chị đồng bào cả Nam Kỳ đều biết và kính phục, nhưng anh Ninh mất rồi, chị còn phải lo cho năm cháu đều nhỏ dại, rủi ro có bề gì thì sao?
Má tôi trả lời chú:
- Không còn cách nào khác đâu, thời gian cũng không còn nhiều. Trước đây anh Ninh làm báo phải đối đầu với nhà cầm quyền nên tôi cũng học được cách đối phó theo kiểu của anh Ninh. Đây cũng là tình cảm của anh Ninh đối với Nguyễn Ái Quốc.
Chú Giáp chấp thuận. Còn khâu nhà in, chú hỏi má tôi có quen nhà in nào tin cậy dám in và giữ bí mật không, má tôi nhận lo luôn, chú cảm động nói:
- Những lúc chúng tôi gặp khó khăn, cả anh và chị đều kề vai gánh vác.
Câu nói của chú cũng làm má tôi xúc động. Chú là bạn rất thân của ba má tôi từ ngày chú vào Sài Gòn năm 1926. Chú cũng là người được làm việc cạnh Bác Hồ nhiều năm sau này, chú biết được tình cảm của Nguyễn Ái Quốc dành cho Nguyễn An Ninh và những việc làm của ba má tôi đối với Nguyễn Ái Quốc.
Má tôi đến nhà in Bảo Tồn ở đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) gặp bà giám đốc là vợ của ông Diệp Văn Kỳ, cũng là bạn thân của ba má tôi. Bà Kỳ nói:
- Bà Ninh nhờ là chúng tôi giúp ngay, không lấy tiền đâu, chỉ cần để lại 500 tờ để chúng tôi đối phó khi họ đến khám xét và tịch thu.
Mọi việc tiến hành thuận buồm xuôi gió.
In xong, chú Hà Huy Giáp nhờ anh Tấn lái xe đến nhà in chở đi chỉ để lại 500 tờ.
Sáng 19-5-1946 mới mờ sáng, trước cửa chợ Bến Thành và quanh Bồn Binh (công trường Quách Thị Trang sau này) cả chục người bán báo chào mời bà con mau mau mua tờ báo Phụ nữ khai trương số đầu tiên nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà con vây quanh, chỉ một tiếng đồng hồ, bao nhiêu báo đều bán sạch, người đến chậm không còn. Khi bọn mật thám đánh hơi đến nơi thì mọi việc đã xong, không còn bóng dáng người bán nào, chúng chỉ kịp tịch thu báo của vài người mua đang đọc vì chậm chân chạy không kịp.
Tờ báo Phụ nữ đó chỉ ra một số duy nhất.
Sáng đó má tôi vẫn ở nhà. Khi xe mật thám tới, má tôi bình thản mặc áo dài, đội khăn rồi dặn chị tôi:
- Nếu trưa má không về, hãy báo cho chú Hai biết.
Chú Hai là giáo sư Võ Thành Cứ, ông mở trường tư thục dạy học ở Sài Gòn, ông là ủy viên Hội đồng của thành phố.
Tại bót Catinat, tên chánh mật thám hỏi:
- Chắc bà Ninh biết tại sao chúng tôi cho bắt bà?
- Tôi biết.
- Tại sao bà lại ra báo không xin phép?
- Thưa ông, tôi phải xin phép ai, sau khi ký Hiệp định sơ bộ 6-3 bây giờ có tới hai chính phủ. Còn những quy định khác tôi đã làm đủ.
- Tại nước này chỉ có một chính phủ đô hộ Pháp.
- Thưa ông, nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập, đã có Chính phủ Hồ Chí Minh ký hiệp định với Pháp. Làm báo mà nói sai sự thật thì không được.
- Ông Ninh thích làm báo làm quốc sự nên mới bị tù chết trong nhà lao, bây giờ bà Ninh cũng thích làm báo nữa à?
- Thưa ông, ông Ninh làm báo để làm quốc sự, còn tôi làm báo để kiếm tiền nuôi con.
- Tại bà từ chối sự chu cấp của chính phủ cho gia đình bà, chỉ cần bà biết vâng lời, bà sẽ có mọi thứ.
- Tôi đủ sức nuôi các con tôi, chưa cần sự ban ơn của chính phủ.
Không muốn đối lý với má tôi, hắn chuyển sang:
- Ai cộng sự với bà?
- Thưa ông, không ai dám cộng sự với tôi cả.
- Bà không thể làm một mình được.
- Đó là sự thật, ông Ninh trước đây cũng bị các ông ngăn cấm nên phải tự viết bài, tự in và tự ôm báo đi bán. Có ai dám quan hệ với ông Ninh đâu…
Tên chánh mật thám biết không thể moi được thêm điều gì ở má tôi, chúng muốn tra hỏi để có chứng cứ bắt người chỉ đạo má tôi, còn bắt má tôi chẳng ích gì, sẽ bị dư luận phản đối, hơn nữa về mặt luật pháp không có lý gì để tống giam má tôi. Hắn bỏ đi. Đến 12 giờ trưa hắn đến mời má tôi về ăn cơm và dặn đến 14 giờ phải quay trở lại.
Chiều hôm đó má tôi không quay lại, một ngày rồi hai ngày cũng chẳng có tên mật thám nào đến bắt, chú Võ Thành Cứ cũng không cần đến bót Catinat bảo lãnh cho má tôi. Nhưng từ đó, chúng cho mật thám theo dõi sát. Sau này mấy lần má và chị tôi vào Đồng Tháp Mười, chúng lén chụp hình làm bằng chứng nhưng má tôi đều đối đáp trôi chảy.
TP.Hồ Chí Minh tháng 12-2018, nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của má tôi (3-12-1983 - 3-12-2018)
* Con gái của nhà Cách mạng Nguyễn An Ninh (HV)