Từ lâu, học môn lịch sử của dân tộc tôi luôn trăn trở nghĩ về một thế hệ Việt Nam vô cùng đông đảo, hết sức trẻ trung, chấp nhận hy sinh tất cả để bảo tồn Tổ quốc mình, đó là thế hệ liệt sĩ. Chỉ riêng thế kỷ 13, đời các vua Trần, chúng ta chống giặc phương Bắc xâm lăng 30 năm dài, rồi đến đời các vua Lê, thế kỷ 15, phải chống suốt 20 năm, và đến những đời kế tiếp, liên tục chống giặc phương Bắc, đến giặc phương Nam lại giặc phương Tây. Sau Cách mạng tháng Tám thành công vào năm 1945, chúng ta mừng vui chào đón hòa bình thì lại đối đầu liên tiếp với đủ loại giặc, đến từ nhiều hướng, dưới sự cầm đầu của các cường quốc sừng sỏ, và con số của thế hệ liệt sĩ không ngừng gia tăng suốt 40 năm.
Ai cũng thừa hiểu những người trong thế hệ liệt sĩ đều có mẹ cha, người thân trong gia đình, có vợ con hoặc có người yêu và hầu hết có những ước mơ, khát vọng về cuộc sống mình, nhưng tất cả đã phải dập vùi trong cát bụi hoặc trong rừng sâu, biển thẳm.
Nếu ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay thì ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua. Sự tồn tại của chúng ta ngày nay đã được vun đắp bởi bao nhiêu thế hệ trẻ trung, hào hùng, đã chịu vùi thây trên các chiến trường, và lòng biết ơn đối với những người đã chịu chết để cho ta sống hôm nay là một nghĩa tình rộng hơn biển cả, lớn hơn non cao. Chính vì lẽ đó mà mỗi khi đọc một tập thơ nào của các tác giả nổi danh hay chưa nổi danh, tôi luôn muốn gặp được một thi phẩm nói lời sâu đậm cái nghĩa tình ấy, nhưng qua nhiều năm săn tìm, tôi chưa tìm thấy được tuyệt tác nào - nói về thế hệ liệt sĩ - ghi được dấu ấn sâu đậm nơi lòng mình. Chỉ khoảng hai mươi năm trước đây, trong tập thơ Giọt mưa bất chợt của cô Nguyễn Thị Ánh Huỳnh tôi mới đọc được hai câu mà tôi còn ghi nhớ mãi, đó là:
Tìm trong thớ đất quê hương,
Nghẹn ngào mảnh vải gói vuông một đời.
Cả một cuộc đời của người liệt sĩ chỉ được gói gọn trong một mảnh vải vùi lấp đâu đó dưới lòng đất quê hương, và ở nhiều nơi trên quê hương này vẫn còn khá nhiều cuộc đời đáng quý còn bị lấp vùi. Nhiều câu thơ khác của tác giả Nguyễn Thị Ánh Huỳnh cũng đề cập đến sự bi thảm ấy, nhưng không có được lời nào giản dị, sâu lắng và rất thắm thiết như hai câu trên. Khi tìm hiểu sâu xa sự cảm thông ấy, tôi mới được biết nhà thơ từng có nghĩa tình với người đã khuất - một người chị tên là Nguyễn Thị Hồng Phượng đã bị bom Mỹ sát hại khi còn rất trẻ - và mấy mươi năm sau ngày đất nước đã được giải phóng, nhà thơ nhớ lại:
Chị giờ tuổi đã năm mươi,
Bom thù trút xuống vẫn mười sáu thôi.
Câu chuyện nghĩa tình đối với thế hệ liệt sĩ, mấy mươi năm qua, rất là đa dạng, phong phú nhưng ít được cây bút nào ghi lại đủ đầy. Ngoài cái nghĩa tình với những người đã hy sinh, sự ghi chép những cuộc tìm người, tìm mộ, tìm thi thể kẻ qua đời với nhiều khó nhọc, hiểm nguy còn là cái vốn quý giá cho các thế hệ đến sau hiểu về cuộc chiến, về lòng yêu nước, về nghĩa đồng bào… Nhưng nhiều người đã chi phí quá nhiều thời gian và tiền bạc cho đủ loại trò lạc lõng hơn là nuôi dưỡng, phát huy cho sự biết ơn khiến ta nhớ lại câu nói của văn hào Balzac: “Lòng biết ơn mau phai còn hơn nhan sắc”.
Trong nhiều câu chuyện đã được báo chí nhắc đến, có lẽ câu chuyện của ông Hồ Ngọc Khiết, ở huyện Cát Tiên, thuộc tỉnh Lâm Đồng - được hai tác giả Đào Phan và Thanh Trần viết đăng trên báo Tiền phong số chủ nhật 26-4-2015 - là một chuyện đáng ghi nhớ. Ông lão nông này - ở tuổi 76, vào năm 2015 - sau nhiều năm chắt chiu dành dụm được 10 triệu đồng đã không quan tâm đến chuyện vợ con phản đối quyết liệt, đạp xe trong chuyến hành trình 2.200km, dự kiến kéo dài 50 ngày từ Cà Mau đến Lạng Sơn và kết thúc tại lăng Bác Hồ, đúng dịp 19 tháng 5. Mỗi ngày ông dậy lúc 5 giờ sáng, đạp xe khoảng gần 10 tiếng đồng hồ, ghé thăm, dọn cỏ, thắp hương tất cả các nghĩa trang ở bên quốc lộ 1A. Có lần qua tỉnh Vĩnh Long trời tối, không tìm được chỗ ngủ trọ, ông ghé xin nghỉ qua đêm ở chùa Phật Học. Nghe câu chuyện của ông, các Phật tử đã ân cần đón tiếp và góp số tiền gần 3 triệu đồng để ông làm lộ phí. Một lần ông đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, thì bị lạc đường, may gặp cô bé khoảng 13 tuổi hướng dẫn lối đi ra Bắc. Rồi cô bé nói đã đến giờ học nên vội nhét thứ gì vào áo của ông và khoanh tay chào tạm biệt. Sau đó, ông mới được rõ cô bé biếu ông 12 ngàn đồng, có lẽ là tiền ăn sáng của cháu. Và điều đặc biệt là ông luôn mang theo một cuốn nhật ký để ghi chép lại mỗi ngày những gì ông gặp gỡ trên đường. Ông luôn tâm niệm những gì chúng ta có được hôm nay là nhờ công ơn của những bà mẹ anh hùng, của các anh hùng liệt sĩ, và phải uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây.
Nhưng có một người mà ít ai biết, là một cụ bán vé số dọc các con đường thuộc quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Một hôm ghé thăm người bạn trên đường Bùi Đình Túy, tôi thấy ông cụ dắt chiếc xe đạp bước ra và mời tôi mua vé số. Người bạn bảo tôi: “Nghe nói ông này trước đây là biệt kích Mỹ”. Sau đó, tôi đã tìm hiểu, biết ông tên là Nguyễn Lò, sinh năm 1924, quê ở Quảng Bình. Vào năm 1947, ông đã đi lính cho Pháp. Sau này khi Mỹ đưa Diệm về chiếm miền Nam thì ông được Mỹ chọn làm biệt kích, được cho huấn luyện ở Đài Loan và Philippines. Năm 1963, ông được Mỹ thả xuống La Trọng, Quảng Bình, lúc 10 giờ đêm. Mới xuống mặt đất chưa được nửa giờ, ông bị các cô du kích bắt giữ. Rồi bị ra tòa, xử án 20 năm tù. Tôi hỏi: “Trong thời gian ấy ông có bị tra khảo gì không?”. Ông đáp: “Không, người ta không hề tra tấn hay hành hạ tù. Cũng không nói một câu gì xúc phạm tôi cả”. Ông ở trong tù đến ngày đất nước giải phóng thì chưa đủ số hạn tù nên phải đến năm 1982 mới được tự do. Trở về, không tìm gặp được vợ con, ông vào TP.Hồ Chí Minh, rồi kết duyên với một bà góa chồng, mỗi ngày hai người đi bán vé số nuôi nhau. Tôi hỏi: “Sao ông không đi nước ngoài? Trường hợp của ông thì Hoa Kỳ sẽ tạo mọi điều kiện để mà đi chứ”. Ông im lặng rồi nói: “Tôi nghĩ cuộc đời của mình đã chẳng giúp ích gì cho đất nước, nay già rồi, sắp chết, chẳng lẽ lại đem thân xác ra nuôi cây cỏ xứ người. Thôi thì ở lại quê nhà, có chết cũng được nuôi cây cỏ của quê hương mình”. Tôi rất quý câu nói ấy, và mỗi khi gặp ông ta, nếu trong túi còn tiền tôi vẫn ghé lại để mua ít tờ vé số, để mong có trúng thì tặng cho ông ít nhiều…