Marie-Antoinette là hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng trước giai đoạn cách mạng dân chủ Pháp vào thế kỷ 18. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp kéo dài từ năm 1789 cho đến 1804 là một giai đoạn đẫm máu với nhiều xáo trộn xã hội và chính trị. Sự kiện quan trọng nhất là việc thiết lập chính thể cộng hòa đầu tiên của Pháp và lật đổ, bãi bỏ chế độ quân chủ, vương quyền của dòng họ Capétiens, tên gọi theo người sáng lập Hugues Capet (941- 996), trị vì nước Pháp suốt 8 thế kỷ.
Cuộc đời khởi đầu vương giả với một kết cục thảm khốc của Marie-Antoinette trải qua cơn bão lốc kinh hoàng của cuộc cách mạng dân chủ Pháp là đề tài thường xuyên của báo chí, tiểu thuyết, phim ảnh, nhạc, kịch.
Ngày 10-5-1774, vua Louis XV qua đời sau một cơn bệnh nặng. Louis XVI trở thành vua nước Pháp, Marie-Antoinette lên ngôi hoàng hậu khi mới 19 tuổi. Còn khá trẻ và trong ý muốn làm đẹp, Marie-Antoinette để ý rất nhiều đến sự xuất hiện của mình, nào là quần áo, kiểu tóc và nhất là nữ trang. Và làm gì để quên thời gian buồn chán đang trôi qua? Hoàng hậu chơi đánh bài, săn bắn, dạo xe trượt tuyết mùa đông, xem đua ngựa, diễn kịch, khiêu vũ... Bà cho tu sửa lâu đài Trianon, một quà tặng của chồng, làm nơi ở riêng của mình, với một phí tổn khổng lồ 2 triệu bảng Pháp thời ấy.
Kẻ thù chính của nước Pháp khi ấy, nước Anh và Hà Lan, tận dụng những “điểm yếu” của bà hoàng hậu, trong mục đích chia rẽ phá hoại mối liên kết Pháp - Áo - Đức, tuyên truyền gây bất lợi cho bà, tạo hình ảnh của bà là người bị dân Pháp trách, ghét thậm tệ.
Cho đến khi nổ ra vụ án “chuỗi kim cương” của Marie-Antoinette. Bà bị tố cáo oan ức là đã dùng tiền của quốc gia mua một chuỗi kim cương trị giá 1,6 triệu bảng qua trung gian của Hồng y Rohan. Tuy rằng, vợ chồng La Motte bị kết tội, chính danh là kẻ lường gạt Hồng y Rohan, bà La Motte bị xử án tù và đóng dấu lửa “V” (voleur: ăn cắp) lên vai, còn ông La Motte thì chạy trốn qua nước Anh với chuỗi kim cương ăn cắp, nhưng danh tiếng của hoàng hậu Marie-Antoinette bị tổn hại hoàn toàn trong vụ án này.
Năm 2018, những 225 năm sau, những người thừa kế túng tiền đem bán đấu giá những kỷ vật còn sót lại của bà. Những món nữ trang, tuy về mặt vật chất còn thua kém xa sự hào nhoáng xa xỉ hiện nay, nhưng giá trị lịch sử của nó thì rất lớn. Đây là lần đầu tiên những tư trang của hoàng hậu Marie-Antoinette xuất hiện trước công chúng, bà vốn bị lịch sử chỉ trích là xa hoa phung phí tiền của công quỹ cho nữ trang và kim cương, vì thế cuộc bán đấu giá vài món nữ trang của hoàng hậu Marie-Antoinette đã gây sôi nổi, được thế giới theo dõi và các báo chí đều thông tin những kỷ lục của cuộc đấu giá đặc biệt này.
Những món nữ trang này là tài sản thừa kế của hoàng hậu Marie-Antoinette cho con gái ruột là bà Marie-Thérèse Charlotte de France, người con gái sống sót duy nhất của vợ chồng vua Louis XVI, mang tước vị Madame Royale và nữ công tước d’Angoulême (sau khi lấy chồng là công tước d’Angoulême).
Ngày 22-6-1791, quốc hội lâm thời cách mạng Pháp ra lệnh đánh giá và lập biên bản nữ trang của hoàng gia Pháp. Năm đó người ta ghi nhận những con số gồm có: 9.547 viên kim cương, 506 viên ngọc trai, 230 viên ruby (hồng ngọc), 71 viên topaze, 150 viên emeraude, 35 viên saphir và 19 viên đá màu, ước tính cả thảy là 23.922.195 quan tiền vàng. Riêng ba viên kim cương lớn nhất, viên “Regent” 140,64 carat trị giá 12 triệu quan tiền vàng, viên kim cương màu xanh “bleu de France” 69 carat trị giá 3 triệu quan tiền vàng và viên kim cương màu vàng “Sancy” 55,23 carat trị giá 1 triệu quan tiền vàng.
Nhưng sau đó, trải qua nhiều lần bị ăn cắp, và bị bán lấy tiền cho công quỹ, nên nữ trang hoàng gia bị tiêu hao nhiều.
Đến thời Napoléon I và hoàng hậu Joséphine, nữ trang hoàng gia Pháp được cơ hội phục hưng, có đến 57.771 viên kim cương, 5.630 viên ngọc trai và 1.671 viên đá quý đủ màu sắc. Năm 1830, trị giá nữ trang hoàng gia đạt gần 21 triệu quan tiền vàng. Song số phận chúng không được yên ổn, lại bị tước đoạt, bán tháo và chia năm xẻ bảy, được nhiều tư nhân mua lại. Chính phủ Pháp hiện tại phải tìm cách mua lại những nữ trang hoàng gia Pháp qua các cuộc bán đấu giá.
Trong số nữ trang của bà Marie-Thérèse Charlotte bị bán lại mà bảo tàng Louvre mua được năm 2002 gồm có chiếc vương miện thiết kế năm 1819 (với 40 viên ngọc lục bảo và 1.031 viên kim cương, chính giữa vương miện là viên ngọc xanh ve lục bảo nặng 15,93 carat) và đôi vòng tay bằng kim cương và hồng ngọc.
Bà Marie-Thérèse Charlotte truyền những nữ trang kế thừa của mẹ cho cháu và cũng là con nuôi là bà Louise de France, nữ công tước de Parme. Đến bà Louise de France truyền lại thừa kế cho con trai là Robert I, công tước de Parme. Người bán thừa kế các nữ trang hoàng gia Pháp năm 2018 là gia đình Bourbon Parma.
Có 100 món tư trang được bán đấu giá bởi nhà Sotheby tại Thụy Sĩ ngày 14-11-2018 vừa qua, tổng số tiền thu được lên đến 53.522.875 quan Thụy Sĩ (tương đương 53.577.790 USD), trước thuế và phí đấu giá.
Món nữ trang được đấu giá cao nhất là một mặt dây chuyền đeo cổ bằng kim cương có một ngọc trai hình quả lê của hoàng hậu Marie-Antoinette, giá khởi đầu là 1.990.000 quan Thụy Sĩ rốt cục lên tới con số kỷ lục là 36.427.000 quan Thụy Sĩ. Một chuỗi ba vòng ngọc trai của hoàng hậu được đấu giá từ 300.000 quan lên đến 2.295.000 quan, một chiếc cài áo hình hai cái nơ cánh bướm và một viên kim cương màu vàng được đấu giá từ 80.000 lên đến 2.115.000 quan. Đặc biệt là ba chiếc nhẫn hình hộp bằng kim cương bên ngoài là chữ viết tắt MA, hay chân dung của hoàng hậu, bên trong đựng một lọn tóc của hoàng hậu Marie-Antoinette cũng được đấu giá cao.
Trong số lô được bán có cả chiếc vương miện dành cho hoàng hậu của Pháp với những cánh hoa lys (hoa loa kèn), biểu tượng của vua chúa. Giá bán vượt quá mức đề nghị 550.000 quan thành 975.000 quan Thụy Sĩ. Một bộ chuỗi kim cương hai hàng, bông tai, cài áo giá khởi đầu là 500.000 quan Thụy Sĩ được bán với giá 855.000 quan. Ngôi sao rộng 72mm và cao 109mm của công tước Angoulême, chồng của Marie-Thérèse Charlotte, được mua với giá 1.635.000 quan Thụy Sĩ, mặc dù giá khởi đầu rất thấp là 200.000 quan. Một huy hiệu cài áo khác của công tước Angoulême cũng được đấu giá thành 1.695.000 quan Thụy Sĩ.
Cuộc đấu giá đã cho thấy người hâm mộ đã đưa giá trị lịch sử gắn liền với hoàng hậu Marie- Antoinette lên cao.
Theo kích thước của giày và áo còn lại, hoàng hậu Marie-Antoinette nhỏ nhắn, chỉ cao khoảng 1,63m, vòng ngực 103cm, vòng eo 58cm, đi giày số 36 (theo kích thước hiện tại).
Marie-Antoinette sinh ra và lớn lên là công chúa, lấy chồng là vua Pháp, trở thành hoàng hậu Pháp, sống một đời sống hoàn toàn xa rời thực tế, và không phải là một người có được hạnh phúc cá nhân, cuộc đời bà diễn ra đúng vào buổi giao thời giữa hai nền chính trị hoàn toàn khác biệt.
Bà được sử sách đề cập đến nhiều, vì có những quy tội, kết án bà châm dầu ngọn lửa cho cuộc cách mạng dân chủ Pháp. Sự thật, những nguyên nhân dẫn đến cuộc cách mạng xuất phát từ những diễn biến xã hội chính trị, kinh tế sâu xa. Người đương thời khai thác một hình ảnh tiêu cực về Marie-Antoinette để hâm nóng lòng hận thù gia đình hoàng gia, đồng thời hận thù oán ghét chế độ quân chủ chuyên chế, một đòn chiến tranh tâm lý để thúc đẩy dân chúng nổi dậy.
Tuy nhiên, thỉnh thoảng các sử gia tìm ra vài điểm tích cực của bà, như tạp chí Le Point ra ngày 27-5-2013 diễn tả bà là người chú ý đến môi trường sống, tìm nguồn nước sạch, cho xây dựng nơi ở riêng ngay trong khu vực cung điện Versailles như một trang trại nhà nông với mái rơm, hành lang bằng gỗ, giếng đào, ao cá, đặt tổ ong, nuôi chim bồ câu, dê, bò sữa… nơi bà về ở ẩn, mặc quần áo như một phụ nữ nhà nông, trốn lánh chuyện triều đình rắc rối.