Rất ít người biết cụ Lê Thước có họ Trần, còn Lê là họ mẹ. Bây giờ, nhà lưu niệm Lê Thước nằm trong đất hương hỏa của họ Trần. Họ Lê làng Trung Lễ (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) có rất nhiều danh nhân như Lê Ninh, Lê Văn Huân (những lãnh tụ phong trào Cần Vương), Lê Văn Thiêm (nhà toán học). Chí sĩ Lê Văn Huân chính là cậu ruột cụ Lê Thước. Nhà thờ họ Trần ở cách đó chừng nửa cây số, cũng là nơi lưu giữ, thờ tự nhiều danh nhân.
Các họ tộc ở Hà Tĩnh đều có nhà thờ. Nhà thờ không chỉ để thờ phụng tổ tiên mà còn là nơi tập hợp các thế hệ con cháu ngày lễ tết, để kết thêm tình máu mủ. Giỗ tổ là để tưởng nhớ người lập dòng họ, và một ngày giỗ chung của người từ đời thứ tư trở lên thường tổ chức vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm. Sáng mùng 1 Nguyên đán, mọi người tập trung ở nhà thờ; sau lễ cúng tổ, những người thành đạt trong năm báo cáo với họ hàng, học sinh đạt loại giỏi được xướng danh nêu gương. Sau đó, vị tộc trưởng trao phần thưởng. Có lẽ nhờ thế mà học sinh thi đua học, người lớn phấn đấu cho sự nghiệp không ngừng. Nhân dịp đầu năm này, vị tộc trưởng cũng phê bình gia đình hoặc người nào đó có việc làm không tốt để ảnh hưởng tới danh dự dòng họ. Thời phong kiến, các họ lớn đều có quan hệ thông gia với nhau. Em gái chí sĩ Phan Đình Phùng làm dâu họ Lê làng Trung Lễ này.
Nhà ông tộc trưởng họ Lê - ông Lê Hải - ở gần sát nhà thờ. Có lẽ là tộc trưởng nên ông được hưởng đất hương hỏa của họ. Người Hà Tĩnh đặc biệt quý khách. Bên ấm nước chè xanh và rổ khoai lang luộc bằng nồi đất bở bùi, mọi người kể về cụ Lê Thước với giọng hết sức ngưỡng mộ, tự hào về người con của làng, danh nhân của đất nước. Những câu chuyện tưởng như mới diễn ra gần đây vì người kể hào hứng, chi tiết sống động xác thực. Người Hà Tĩnh trọng người học hành đỗ đạt cao, liêm chính. Kẻ giàu có của cải nhưng ít học, văn hóa ứng xử thấp, họ gọi là trọc phú. Đất này nhiều danh nhân, từ đây nhìn ra xa, phía trái là ngọn đồi có mộ Đình nguyên Phan Đình Phùng, lãnh tụ khởi nghĩa đánh Pháp; bên phải là quê hương và mái đồi nơi an nghỉ Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng ta; phía Can Lộc là quê hương La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Tự, Xuân Diệu; ngược lên Hương Sơn là quê hương Cao Thắng, Lê Hữu Trác, Huy Cận. Sống giữa quầng hào quang của danh nhân, người dân luôn hãnh diện. Họ nhận thấy các danh nhân ấy cũng xuất phát từ làng quê mình đang sinh sống, nhờ hiếu học, ý chí vượt khó mà thành danh.
Phải đến 14 tuổi chú thiếu niên Lê Thước mới theo cha vào Huế học chữ Hán, sau đó học tiếng Pháp. Được vào học trường Quốc Học - Huế, học giỏi, một năm lên hai lớp, chỉ một thời gian ngắn là đỗ Thành Chung, sau đó về dạy trường Pháp - Việt ở Vinh, thi Hương đỗ giải nguyên trong khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn trên đất Trung Kỳ. Cụ không ra làm quan mà chọn con đường dạy học. Trong những buổi dạy chữ, thầy Lê Thước truyền cảm hứng lòng yêu nước cho học trò. Dân làng còn lưu truyền rằng, đỗ đạt cao, là thầy giáo một trường lớn trong vùng, nhưng thầy Lê Thước rất ham làm ruộng, thầy cày bừa giỏi, hướng dẫn nông dân trồng các giống khoai, lúa tốt để tăng năng suất. Vị giải nguyên khiêm nhường, hòa đồng với dân làng, ăn mặc giản dị, nói năng bằng ngôn ngữ hằng ngày của bà con.
Trong thời kỳ chống ba thứ “giặc nội xâm”, Bác Hồ cử ông Lê Thước làm chủ tịch Ủy ban tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hóa. Chính phẩm chất cần cù, ham công tiếc việc của nông dân đã khiến nhà nghiên cứu Lê Thước làm việc không ngưng nghỉ. Là giáo sư hàng đầu của ngành giáo dục, thầy Lê Thước đã biên soạn các bộ giáo trình Phép dạy tiếng Nam, Phép dạy tiếng Hán, Hán văn tân khoa thư. Là nhà nghiên cứu văn học cổ, cụ đã sưu tầm, nghiên cứu, chú giải nhiều văn bản Hán - Nôm. Chính giáo sư Lê Thước trong thời kỳ dạy học ở trường Pháp - Việt tại Vinh đã tìm thấy bản Nôm thơ Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du ở chùa Diệc. Trước kia, khuôn viên chùa rất nhiều cây cổ thụ, chim diệc về xây tổ trên những vòm cao, hàng đàn diệc rợp trời sáng bay đi kiếm ăn, chiều tối lại về nên gọi là chùa Diệc. Tôi đã từng vãn cảnh chùa Diệc và được nghe vị sư trụ trì đọc kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh với giọng Nghệ da diết nỗi đau kiếp nhân sinh thời xưa. Cụ Lê Thước cũng đã dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, tham gia dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du, thơ Nguyễn Công Trứ. Cụ còn viết tác phẩm Truyện cụ Nguyễn Du. Cho đến bây giờ, Truyện cụ Nguyễn Du là tác phẩm có nhiều tư liệu quý, chân thực, sâu sắc về cuộc đời thi hào Nguyễn Du nhất. Cuộc đời thanh bạch của nhà Nho, thành quả cao của nhà nghiên cứu, dịch thuật… đã đưa cụ Lê Thước lên tầm cao của một nhân cách văn hóa được xã hội kính trọng.
***
Tôi tìm về làng Trung Lễ để hiểu thêm về một người con ưu tú của đất nước, sinh ra và lớn lên ở vùng quê này. Đó là Lê Thiệu Huy, con trai cụ Lê Thước, một chiến sĩ cộng sản quốc tế xuất sắc.
Lê Thiệu Huy sinh năm 1921, con trai trưởng của giáo sư Lê Thước. Lúc thiếu thời, Lê Thiệu Huy nổi tiếng học giỏi, học vượt cấp hai năm ba lớp, vậy mà năm nào cũng đứng đầu. Chính giáo sư Burcher, nhà toán học danh tiếng người Pháp, đã phải thốt lên: “Tôi chưa từng thấy có sinh viên nào xuất chúng hơn Lê Thiệu Huy và không bao giờ dám mơ được thấy người thứ hai tài ba đến như vậy”. Toàn quyền Đông Dương đã đích thân mời mẹ Lê Thiệu Huy ra Hà Nội để được gặp người mẹ Việt Nam đã sinh ra một người con thông minh, tài năng đến như vậy. Không chỉ học giỏi kiến thức cơ bản, Lê Thiệu Huy còn có năng khiếu ngoại ngữ tuyệt vời, anh thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng La tinh, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Thái.
Trước Cách mạng tháng Tám, Lê Thiệu Huy hoạt động trong Tổng hội Sinh viên cứu quốc ở Hà Nội. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Lê Thiệu Huy được cử làm thư ký của Bác Hồ. Chàng trai trẻ đã trực tiếp dịch cho Bác trong những lần tiếp khách quốc tế và chuyển ngữ nhiều văn bản quan trọng. Sau đó, Lê Thiệu Huy được Bác và Bộ Quốc phòng cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại nước bạn Lào và tham gia công tác ngoại giao với nước Xiêm (tức Thái Lan). Với kiến thức ngoại ngữ giàu có, đức tính lịch lãm và khiêm nhường, Lê Thiệu Huy đã gắn kết mối quan hệ với chính quyền và lực lượng vũ trang nước bạn. Chính trong đoàn quân tình nguyện ấy, ngày 2-12-1945, Lê Thiệu Huy đã cùng đồng đội đánh tan căn cứ lớn của giặc Pháp ở Keng Khang, thuộc Trung Lào. Ngày 19- 12-1945, Lê Thiệu Huy đã chỉ huy đơn vị bẻ gãy cuộc hành quân của một đơn vị thực dân Pháp, triệt hạ mấy đồn quân Pháp ở Mường Phìn, tiếp đó giải phóng một vùng rộng lớn thuộc địa bàn Trung Lào, đưa hàng ngàn nhân dân trong vùng kìm kẹp về các bản Mường sinh sống. Tài năng quân sự của người chiến sĩ tình nguyện Lê Thiệu Huy bộc lộ trong những trận đánh quy mô lớn hợp đồng tác chiến của liên quân Việt - Lào trên chiến trường Trung Lào. Tháng 3-1946, Lê Thiệu Huy nhận nhiệm vụ bảo vệ Hoàng thân Xuphanuvông.
Đảm nhiệm công tác bảo vệ hoàng thân trong thời kỳ giặc Pháp tung nhiều đơn vị mạnh nhất, hung bạo nhất đánh chiếm nhiều nơi, chúng đã chiếm được một số địa bàn thuộc Tà Khẹt, một tỉnh nằm bên bờ sông Mê Kông. Liên quân Việt - Lào đã bám trụ đánh và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Để bảo toàn lực lượng, liên quân Việt - Lào và Hoàng thân Xuphanuvông đã phải rút khỏi Tà Khẹt. Trong lúc liên quân Việt - Lào vượt sông Mê Kông, máy bay địch sà tới truy kích, chúng nã súng máy xuống thuyền, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình che chở cho Hoàng thân Xuphanuvông. Anh bị trúng đạn địch và hy sinh ngay trên người hoàng thân.
Buổi chiều ấy, đồng đội đã mai táng liệt sĩ Lê Thiệu Huy bên bờ sông Khóng, một nhánh của sông Mê Kông chảy vào đất Thái.
Hoàng thân Xuphanuvông đã gửi thư chia buồn đến gia đình giáo sư Lê Thước với những lời thật thống thiết: “Thưa ngài! Anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý bậc nhất của ngài mất đi, không riêng gì gia quyến mất đi một người con yêu dấu nhất mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất đi một người chiến sĩ đầy tinh thần hy sinh vì công lý.
Sự hy sinh của anh Lê Thiệu Huy đã nhắc nhở thanh niên Lào, nhân dân Lào luôn bền bỉ chiến đấu tiêu diệt bọn đế quốc, giành độc lập cho đất nước”.
Giáo sư Lê Thước khi nhận tin con trai hy sinh đã thể hiện nỗi đau khôn xiết bằng bài thơ:
Đau lòng xiết kể hỡi con ơi
Hăm sáu xuân xanh trót một đời
Thấy ảnh chỉn e tằm đứt ruột
Nghe tin nào khác sét ngang tai
Treo gương nghĩa liệt thờ ba nước
Chỉ tiếc tài hoa mới nửa thời
Lai láng trời Nam hồn cố quốc
Quân thù chưa diệt hận chưa vơi.
Khóc con hy sinh khi mới 26 tuổi, nhìn tấm ảnh con mà đứt ruột, cụ thấy con đã sống, chiến đấu cho độc lập tự do, cho tình hữu nghị của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương - “treo gương nghĩa liệt thờ ba nước”. Đây là một trong những bài thơ tưởng nhớ đến con hay nhất trong văn học chúng ta.
Nhà nước Lào đã trao tặng liệt sĩ Lê Thiệu Huy huân chương cao quý Ítxala. Năm 2011, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng liệt sĩ Lê Thiệu Huy danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Có lần nhà văn Nguyễn Chí Trung đã kể cho tôi nghe về người yêu của liệt sĩ Lê Thiệu Huy. Cô nữ sinh ấy tên là Lộc, là con cô con cậu với nhà văn. Thời sinh viên, cô Lộc xinh đẹp nổi tiếng một trường ở Hà Nội. Trai tài gái sắc, hai người đã yêu nhau. Họ vừa đính hôn, chàng thanh niên tài hoa Lê Thiệu Huy đã lao vào con đường hoạt động cứu dân, cứu nước, sau đó sang giúp nước bạn Lào. Khi biết tin Lê Thiệu Huy hy sinh, cô gái ấy đã bàng hoàng đến độ suốt mấy ngày không thốt nên lời. Thương nhớ người yêu khôn nguôi và cô đã tu tại gia. Ngày ông Nguyễn Chí Trung tới thăm, cô Lộc đã cao tuổi nhưng vẫn giữ vẻ đẹp trong sáng, hiền dịu. Nhà văn Nguyễn Chí Trung nói rằng, chị đẹp sáng ngời như một tượng thánh.
Trong dịp Hội nghị Nhà văn các nước sông Mê Kông vừa qua, các nhà văn nước bạn Lào đã trò chuyện với tôi về liệt sĩ Lê Thiệu Huy với sự ngưỡng mộ về tài năng xuất chúng, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Lào.
Những câu chuyện về cụ giải nguyên Lê Thước và anh hùng liệt sĩ Lê Thiệu Huy, người dân làng Trung Lễ ai cũng thuộc và thường kể cho con cháu noi theo. Vậy đó, chẳng có đền thờ, khu tưởng niệm nào bền vững bằng lòng ngưỡng mộ và biết ơn của nhân dân, bởi được lưu truyền qua các thế hệ trong gia đình, dòng họ và cả xã hội là bất diệt.