Hà Tiên, cái tên vừa mơ hồ vừa thực tế, nếu nói theo nhà Hà Tiên học Trương Minh Đạt, một người con của Hà Tiên, đây là vùng đất của thi ca, nhạc họa, do trời ban tặng mà có.
Vậy, vì sao lại gọi là Hà Tiên? Có thể đó là một câu hỏi cũ, nhưng cảm xúc thì không hề cũ, chí ít là với tôi. Theo sử liệu, Hà Tiên lúc ban đầu bao gồm lưu dân ở Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá và Cà Mau. “Mang Khảm là một từ Hán - Việt, phiên âm danh xưng Mã Lai, tiếng nói của những khách lữ hành thường qua lại vùng này”, còn theo ngôn ngữ phương Tây là Muang Kram. “Mang hay Muang có nghĩa là xóm đông người, thị trấn có nhiều người. Khảm hay Kram có nghĩa là chìm hay ngập nước”. Một xóm ngập nước, cái xóm còn có thể hiểu ngoài những cánh đồng lúa, vườn cây, núi đồi có nhiều hoa, có sông, có hồ, hơn nữa nó sát rạt ngay cửa biển khi có mưa lớn, có thủy triều lên xuống theo con trăng và tất nhiên cái xóm ấy thường hay chìm trong nước. Nước nhiều không hẳn là một hình ảnh ảm đạm, buồn tẻ, mà nước đưa phù sa từ trên nguồn về, từ biển lên, trên trời có chim bay, dưới nước có cá nhảy. Trên những con thuyền, người ta giăng lưới, thả câu, bắt cá, hình bóng họ ẩn hiện trong sương mai. Người đời cảm nhận cảnh đẹp của thiên nhiên, nhất là những đêm có trăng lên, bóng thuyền, bóng người đi trên sông tựa miền tiên cảnh. Ta biết một điều thú vị nữa, Mạc Cửu - người khai phá đất Hà Tiên - là người yêu mến văn chương, ông rất thích bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị, trong đó có đoạn: “Chợt nghe ngoài biển xa xa/ Lửng lơ có ngọn núi là non tiên/ Lầu các ngọc mây liền năm vẻ/ Lũ tiên nga thỏ thẻ dịu dàng…”. Phải chăng đất Mang Khảm khi ông vừa đặt chân tới, phong cảnh tràn ngập chất thơ như “cảnh tiên ngoài biển” trong Trường hận ca là một gợi ý, phù hợp với vùng đất mới, chính là điểm xuất phát để Mạc Cửu phát sinh tên gọi Hà Tiên?
Chúng ta là người hậu thế, đến Hà Tiên hôm nay cảm nhận vẻ đẹp vẫn như tiên, đất chốn này hơn 300 năm dường như không hề thay đổi! Có chăng Hà Tiên bây giờ không lớn như cũ, chỉ gồm 4 phường, 3 xã. Tuy nhiên tôi còn muốn nói tới một cảm xúc khác, tinh thần khác của Hà Tiên, đấy là một thành phố trẻ, rất trẻ! Đúng vậy, ngày đầu tiên gặp đoàn chúng tôi, Trưởng ban Tuyên giáo Liêu Khắc Dũng nói: “Hà Tiên vừa kỷ niệm 20 năm thị xã Hà Tiên”. Lại được biết, Hà Tiên vừa được Quốc hội, Chính phủ quyết định nâng cấp lên thành phố từ năm 2018. Tôi liên tưởng tới sức vóc tràn đầy năng lực của một chàng thanh niên đến độ trưởng thành! Cái tuổi này cho ta lòng tin vào sự sáng tạo, nhạy bén, tinh thần kiên cường mà Bác Hồ thường nói thanh niên là “rường cột” của đất nước. Hà Tiên là thành phố biên giới, lại cho ta thêm ý niệm thành phố “phên dậu”, một bức tường thép vô hình nhưng vững chắc! Lại ngược về thời Hà Tiên mới được khai sinh, Mạc Cửu từng có tư tưởng ấy, xây dựng một tuyến phòng thủ kiên cố. Khi người Pháp xâm lược Việt Nam, Hà Tiên cũng trở thành tiền đồn trấn giữ phía tây nam đất Việt, phòng khi có biến loạn cả trên đất liền và từ ngoài biển xa. Đến thăm Thành đội Hà Tiên, cơ quan nằm trên ngọn đồi nhỏ có cái tên cũ là đồi “Ngũ Hổ”. Tên gọi này có lẽ là một truyền thuyết, biểu tượng của sức mạnh, hiện còn đền thờ nằm cạnh cái sân lớn thờ năm con Hổ. Thượng tá, Chính trị viên La Minh Xuân đón chúng tôi, rồi giới thiệu, xưa người Pháp từng đặt ở đây một cái đồn, do tên quan ba Pháp chỉ huy, người Hà Tiên thường gọi “ông quan Lầu ba”. Chứng tích nay không còn nữa, năm 2001 chính quyền cho cải tạo, xây dựng một tòa nhà hai tầng làm Sở chỉ huy Thị đội, nay là Ban chỉ huy Thành đội Hà Tiên ngay trên cái nền xưa ấy. Tại đây có một cây sala (còn gọi là cây vô ưu). Cây sala cao tới 30m, vòng cây to tới ba người ôm, tôi ước tính cây phải trên trăm năm tuổi, thân cây gân guốc, trông giống cây bao báp thường thấy mọc nhiều trên sa mạc Sahara ở Phi châu khắc nghiệt. Nếu đúng tuổi đời, cây sala đã chứng kiến bao sự thay đổi, thăng trầm của vùng đất Hà Tiên qua nhiều giai đoạn? Tạm biệt Thành đội, chúng tôi tới thăm Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, cách đấy hơn 4km đi về hướng tây. Đồn xây dựng khá khang trang, phía trước có một sân bóng đá mini phủ cỏ nhân tạo, hằng ngày chiến sĩ ra chơi bóng vào giờ nghỉ. Thiếu tá, Chính trị viên phó Danh Tâm hướng dẫn chúng tôi ra tận cửa khẩu. Vẫn đất liền đất, vẫn trời liền trời, ấy vậy mà cái cảm giác cứ bâng khuâng, hồi hộp lắm. Thế mới biết quê hương, Tổ quốc thiêng liêng máu thịt biết chừng nào. Tôi đang đứng ngay giữa vạch đường biên, cạnh bên là chiếc cột mốc ghi số 313, ốp đá granit màu xanh nhạt, trên hai mặt, bên phía Việt Nam có in hình quốc huy sao vàng năm cánh, chữ đỏ. Còn bên kia, là đất đai chủ quyền của nước Campuchia, tương tự là quốc huy in hình ba ngọn tháp. Đối diện với cửa khẩu Hà Tiên của Việt Nam là xã Xây Soóc Tây, Xây Soóc Đông và một phần xã Bang Sa La Nam, huyện Kông Pông Trạch, tỉnh Kampốt, Campuchia. Tổng số dân có gần 2.000 hộ với 10.000 người, trong đó có gần 300 người Campuchia gốc Việt. Phía Việt Nam, địa bàn đồn biên phòng quản lý có 2 xã, 3 phường, phụ trách một đường biên trên bộ dài 14,5km và 21km bờ biển, tổng diện tích rộng tới 3.000km2. Cảm giác tôi đang ở giữa một không gian vô cùng đặc biệt, nhìn sang bên bạn, con đường rộng tới 30m, người dân mở tiệm buôn bán nhộn nhịp. Vượt trội lên giữa không gian biên giới có nhiều tòa nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại, bảng hiệu màu xanh đỏ và có bãi rộng để xe hơi, xe máy. Thiếu tá Danh Tâm nói: “Đấy là các sòng bạc (casino), trường gà, hiện vẫn đang hoạt động liên tục ngày đêm”. Khác thật đấy, tôi nghĩ về hơn 40 năm trước, dưới thời Pôn Pốt - Iêng Xari, tại vùng này chúng bất ngờ xua quân tấn công tàn sát đồng bào ta ở dọc đường biên. Lần đó quân dân Hà Tiên tiêu diệt hàng trăm tên địch, nhưng chúng ta cũng đã hy sinh 12 cán bộ chiến sĩ. Rồi chế độ Pôn Pốt bị sụp đổ, hòa bình được thiết lập để có ngày hôm nay. Cửa khẩu ở hai đầu có trạm kiểm soát, mỗi khi có người, xe đi qua, cái thanh chắn lại bật lên hạ xuống. Ở giữa có một khoảng trống rộng tới hàng ngàn mét vuông, nhưng tôi bất chợt liên tưởng nó giống một dòng sông, hay một vực thẳm?! Giả dụ thôi, hy vọng nó không phải thế, mà mãi là một mặt đất bình yên!
Thật bất ngờ, buổi tối sau cuộc giao lưu với đoàn trên khách sạn Pháo Đài, Trưởng ban Tuyên giáo thành phố Hà Tiên Liêu Khắc Dũng nói, ngày mai sẽ cùng đi với đoàn ra thăm đảo Hải Tặc. Tôi tò mò liền hỏi: “Sao gọi là Hải Tặc?”. Liêu Khắc Dũng đáp: “Vì nó có hải tặc!”. Có ngộ không? Nhưng chẳng phải là bông đùa để cho vui, mà nó từng có hải tặc. Tuy nhiên câu chuyện ấy là của ngày xưa, còn tên chính thức hiện nay là xã Tiên Hải, một xã biển đảo của Hà Tiên. Để hiểu, ta lại trở về lịch sử hơn 300 năm trước, thậm chí còn xa hơn cả thời Mạc Cửu dâng Hà Tiên về cho Chúa Nguyễn. Vùng biển đẹp này vốn có nhiều thuyền buôn của các nước láng giềng qua lại. Nhưng vào thời Mạc Thiên Tích (con trai Mạc Cửu), người ta biết đến có một băng hải tặc khi là người Việt, khi là người Khmer hoạt động rất mạnh. Bấy giờ lực lượng của Mạc Thiên Tích còn nhiều việc phải làm hơn trong đất liền, nên chưa đủ sức để vươn xa ra ngoài biển đảo, dù ông rất muốn làm điều ấy. Quần đảo xa đất liền, hoang vắng, đám người xấu chiếm làm nơi ẩn náu. Bọn chúng phục kích tại đây, rồi bất ngờ tấn công những thuyền buôn, cướp hàng, cướp hết vàng bạc châu báu do buôn bán được. Người ta nói, chúng cướp được nhiều vô kể, rồi còn đào hầm làm kho cất giấu đề phòng bất trắc lâu dài. Thực, hư đến mức độ nào chưa rõ, nhưng hải tặc trên quần đảo vùng biển Hà Tiên mấy trăm năm trước quả là có! Lại còn nghe, năm 1976 có hai người từ nước Anh sang Việt Nam đến Hà Tiên, rồi ra đảo tìm kiếm thông tin kho báu lớn của hải tặc đang cất giấu ở đây (?!)
Đảo là một phần rất quan trọng của Hà Tiên. Ta đã nghe, Hà Tiên là thành phố biên giới “phên dậu” tây nam Tổ quốc. Đúng, nhưng chưa đủ. Cần có thái độ thực tiễn hơn, để nói là thành phố “phên dậu của phên dậu”! Liêu Khắc Dũng là một cán bộ tuyên giáo sắc sảo, cũng nói với tôi như vậy. Đúng, vì phên dậu trên đất liền và phên dậu trên biển! Ngồi trên một con tàu cao tốc còn mới toanh, giữa sóng êm, biển lặng để ra đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải), nhìn về bốn hướng lấp lóa những hòn đảo nổi, những rặng núi trải dài trên đất liền và tàu thuyền dọc ngang đang đi về đâu đó. Trên tàu, bất ngờ tôi gặp Đào Trường Giang, người miền Bắc vào Rạch Giá công tác từ năm 1980, từng làm Chánh thanh tra thị xã Hà Tiên trong 9 năm. Năm 2014, theo phân công, Đào Trường Giang ra đảo, làm Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hải đến nay. Thấy tôi đăm đắm nhìn về hướng tây nam, nơi có những dãy núi dài xanh thẫm, Bí thư Giang nói: “Chỗ ấy là đất của người Campuchia rồi anh ạ” - “Gần vậy sao?”. Đúng là gần thật, chỉ tầm vài ba hải lý. Xa hơn về phía nam, là vùng biển của người Thái. Thẳng mũi tàu đang chạy băng băng là biển Đông, nếu chạy tiếp vài trăm hải lý nữa sẽ tới hải phận của người Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines. Ra biển mới thấy, trên bộ dễ dàng nhận ra đường ranh biên giới qua cái cột mốc, nhưng đường ranh trên biển là rất mơ hồ, mà mơ hồ thì dễ phạm luật. Hiểu nhau không sao, nhưng “thời tiết” nóng lạnh thất thường là sinh chuyện! Tàu chạy 45 phút, chúng tôi đã cập bến lên đảo. Xã Tiên Hải có 18 đảo, trong đó có hai đảo chìm, lớn nhất là đảo Hòn Đốc. Tổng số dân trên các đảo chưa đến 2.000 người, tập trung chủ yếu ở đảo Hòn Đốc. Nghề nghiệp chính của người dân là khai thác đánh bắt cá biển, nuôi cá bè, sản lượng mỗi năm đạt vài ba ngàn tấn. Theo lịch trình đến đảo, chúng tôi chỉ có hơn ba tiếng đồng hồ mà chủ yếu là thăm đảo Hòn Đốc, bởi nó vừa lớn vừa là trung tâm xã Tiên Hải đóng tại đây. Không khó khăn để tôi nhận ra, Hòn Đốc đang trong quá trình xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở. Bóng dáng một bến cảng mới dù còn khiêm tốn, nhưng tương lai rất sáng sủa. Song song với các nhiệm vụ khác, kinh tế Tiên Hải sẽ tập trung phát triển du lịch. Năm 2017, Tiên Hải đã đón tiếp hơn 60.000 lượt khách ra thăm, nhưng cái khó nhất hiện nay là vẫn chưa có điện. Điều ấy trả lời vì sao, khách ra đảo nhiều, nhưng vẫn không nghỉ lại qua đêm chỉ vì thiếu khách sạn, thiếu điện và thiếu nơi vui chơi giải trí.
Quanh một vòng trên đảo Hòn Đốc, gặp những người lính Biên phòng, lính Hải quân, đa số còn rất trẻ, quê cũng ở mọi miền đất nước. Họ nói với tôi, “đảo rất đẹp. Đảo là con mắt tiền tiêu Tổ quốc!”. Ai bảo những người lính là khô khan? Rất tinh tế và cũng rất thực, đôi khi còn là cảm nhận của tâm hồn thi sĩ. Ngẫm mà thấy tâm trạng bình an, tin tưởng lạ lùng!
Con tàu vừa tăng tốc, nó như bay trên đầu ngọn sóng đưa chúng tôi trở về đất liền trước khi mặt trời lặn. Chiều ra nhìn biển, biển mênh mang, đảo như những pháo đài canh trời xa Tổ quốc. Chiều trở về nhìn Hà Tiên khác hẳn, một đường viền với đủ mọi sắc màu, giống như hình một khối kéo dài từ bắc xuống nam tới chạm bãi biển mũi Nai, chắc chắn, vững vàng, thật khó để ta nhầm lẫn!
Tháng 11-2018