HV133 - Nghệ sĩ Thanh Nga và “mùa xuân còn đang ở lại”*

40 năm trôi qua (26-11-1978 – 26-11- 2018), kể từ ngày “nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga ra đi, vậy mà ngày giỗ chị, trong một không khí gặp gỡ thân mật, ấm áp, bạn bè, nghệ sĩ nhắc đến Thanh Nga, tưởng như họ vừa mới trò chuyện với chị ngày hôm qua.

Lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất của Thanh Nga năm nay cũng là dịp trùng hợp với kỷ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương Việt Nam (1918- 2018). Nhìn lại lịch sử bộ môn nghệ thuật này, cho thấy có sự đóng góp không nhỏ về tài năng nghệ thuật của Thanh Nga trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20.

Thanh Nga bước vào làng sân khấu cải lương như một định mệnh từ khi nhạc sĩ Út Trong phát hiện được năng khiếu ca diễn của cô bé chưa đầy 8 tuổi. Rồi cũng chính môi trường “sân khấu nhà” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga (do bà bầu Thơ, thân mẫu Thanh Nga, tạo dựng) đã ươm mầm, nuôi dưỡng, rèn luyện và chắp cánh nghệ thuật cải lương cho “thần đồng Thanh Nga”. Thanh Nga có quá nhiều thuận lợi khi được sự chỉ dẫn về ca, về diễn của các nghệ sĩ thế hệ tiền phong, như Năm Nghĩa, Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Tám Vân, Thanh Loan, Kim Cúc, Kim Lan, Năm Sa Đéc… Sớm nhận được giải Thanh Tâm (năm 1958) từ vai sơn nữ Phà Ca trong vở tuồng Người vợ không bao giờ cưới, Thanh Nga bắt đầu tỏa sáng trên sân khấu.

Cải lương trong những năm tháng này khá hưng thịnh. Theo dòng lịch sử tuồng tích cải lương, Thanh Nga đã hóa thân vào biết bao nhân vật, sống với biết bao số phận người phụ nữ trong xã hội kể cả nhân vật lịch sử cổ trang và hiện đại. Nhiều vai đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả mộ điệu: Lượm trong Sông dài, Diệp Thúy (Đôi mắt người xưa), Hương (Nữa đời hương phấn), Giáng Hương (Sân khấu về khuya), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa)… Sau ngày Sài Gòn giải phóng, Thanh Nga với những tìm tòi, sáng tạo mới đã khắc tạc được những hình tượng đẹp về người phụ nữ Việt Nam: Trưng Trắc trong vở Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa). Riêng tôi, nếu chọn một vai diễn mình yêu thích nhất ở Thanh Nga, có lẽ tôi sẽ chọn nhân vật Giáng Hương trong tuồng Sân khấu về khuya của soạn giả Nguyễn Thành Châu. Với vai diễn này, Thanh Nga lột tả được nội tâm khá phức tạp của nhân vật một cách tinh tế. Một Giáng Hương thật dịu dàng nhưng hết sức mạnh mẽ, một Giáng Hương bị dằn vặt, đau khổ trước tình yêu và nghệ thuật, có lúc rất yếu mềm nhưng khát vọng mãnh liệt vươn lên nghệ thuật, đáp đền món nợ tri ân đối với khán giả đã giúp cô tự đứng dậy! Sự thể hiện tính cách phức tạp của nhân vật, đòi hỏi một người có nội lực diễn xuất mạnh mẽ, tinh tế như Thanh Nga. Giọng ca trầm ấm, truyền cảm; cách diễn xuất thu hút, Thanh Nga đã tạo được gương mặt tuyệt đẹp, dịu dàng, tình nghĩa mà bản lĩnh cho cô đào Giáng Hương. Chính vai diễn này đã giúp Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm lần thứ 2, năm 1966.

Năm nay, lễ tưởng niệm 40 năm ngày mất của NSƯT Thanh Nga và chồng, do nghệ sĩ Thanh Lệ (chị dâu), NSƯT Hữu Châu (cháu), nghệ sĩ Hà Linh (con trai) tổ chức khá chu đáo, với không gian sân khấu tràn ngập hoa hồng. Những người bạn, những nghệ sĩ từng diễn trên sân khấu với Thanh Nga và lớp nghệ sĩ trẻ sau này đến tề tựu, thật cảm động. Mỗi người đều có những kỷ niệm với Thanh Nga. NSND Kim Cương, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Nguyệt, Hà Mỹ Xuân, NSƯT Nam Hùng, Mộng Tuyền, NSƯT Hùng Minh, Diệp Tuyết Anh, Quốc Nhĩ, NSƯT Thanh Vy, Xuân Lan… trò chuyện với nhau, dù chung hay riêng đều nhắc đến Thanh Nga. Vài người bạn còn nhớ sở thích “ngày xưa chị ấy rất yêu hoa hồng vàng”. Màu hoa rực rỡ, sang trọng nhưng vẫn mang được biểu tượng của sự chân thành, thân thiện, vị tha. Bỗng dưng, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện Bụi quý trong tác phẩm Bông hồng vàng của nhà văn Paustovsky. Bông hồng vàng ở đây là “kim loại”, biểu thị cho sự lao động nghệ thuật bằng tất cả trái tim và khối óc của một nghệ sĩ. Thanh Nga đã đúc nên bông hồng vàng từ tài năng, từ lao động nghệ thuật, từ máu tim, trí, lực của mình. Đó cũng biểu thị cho quá trình lao động nghệ thuật, hiến dâng cho đời đến phút cuối cùng của Thanh Nga. Bông hồng vàng - Thanh Nga ấy cũng rất xứng đáng với danh tặng “nghệ sĩ của nhân dân”, “nghệ sĩ của công chúng”. 40 năm qua Thanh Nga đã đi xa nhưng vẫn còn in đậm trong tâm tưởng của mọi người về một nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, tính tình nhân hậu, như mùa xuân tươi đẹp, ấm áp. Và, mùa xuân ấy vẫn còn đang ở lại!

 

_____

* Mượn lời trong bài hát Lời tỏ tình mùa xuân của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Thanh Nga (16 tuổi) vai Hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu trong vở Mộng hoa vương

KIM ỬNG