Từ giữa năm 1911, Nguyễn Ái Quốc rời Sài Gòn sang Pháp, ghé cảng Marseille và Le Havre; rồi rời Pháp sang Anh; tiếp đó vòng quanh châu Phi - qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Tunisia, Đông Phi, Congo…; rồi sang Mỹ; lại trở về Pháp ở chính thủ đô Paris, vào cuối năm 1917 khi đại chiến thế giới lần thứ nhất sắp kết thúc.
Hơn 6 năm, qua bao đại dương, đến với bao lục địa.
Tất cả cái vốn hiểu biết, từng trải qua 12 nghề (theo Trần Dân Tiên), trong đó có một nghề được Nguyễn ghi trong bản tự khai khi là thành viên dự các Hội nghị Quốc tế Cộng sản vào những năm 1930 - nghề thủy thủ, đó là hành trang tinh thần Nguyễn đã tích lũy được ở tuổi ngoài 20, rồi sẽ trở thành chất liệu vô cùng dồi dào, phong phú cho một sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc được bắt đầu trong bối cảnh sống của Nguyễn vào nửa đầu những năm 1920 thế kỷ 20 ở Paris. Paris - thủ đô “nước mẹ” Đại Pháp, người “khai hoá”, ông chủ ở Đông Dương, sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc hiện đại, cũng đồng thời là trung tâm của phong trào cách mạng vô sản ở châu Âu.

Paris - nơi Nguyễn Ái Quốc không chỉ tìm được cẩm nang cứu nước, mà còn là, với cẩm nang ấy, Nguyễn đã mở ra rất rộng các biên độ của cảm xúc và trí tuệ để tạo nên một sự nghiệp viết gồm cả báo chí và văn chương, với chỉ một mục tiêu duy nhất là kết án chủ nghĩa thực dân, đòi quyền độc lập và tự do cho tất cả những người nô lệ da màu trên các lục địa, trong đó có quê hương, Tổ quốc mình.
Áng văn đầu tiên ký tên Nguyễn Ái Quốc, đó là Yêu sách của nhân dân Việt Nam, gửi Hội nghị Versailles họp vào ngày 28-6-1919, trước đó đã được đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 18-6-1919, với tiêu đề là Quyền của các dân tộc, kèm theo Lời tòa soạn như sau:
“Là những người xã hội chủ nghĩa trung thực, bảo vệ quyền lợi của các dân tộc, chúng tôi ủng hộ sự phản đối của những người Việt Nam, nạn nhân của tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, cũng như chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của những người Ai Cập, nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Anh”(1).
Bản Yêu sách được gửi đến hội nghị kèm với bức thư có tên ký là Nguyễn Ái Quốc, “thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước” - “Groupes des Patriotes Annamites”. Chúng ta biết lúc này Nguyễn đang học tiếng Pháp, nên việc thảo Yêu sách phải nhờ ông Phan Văn Trường, người cùng Phan Châu Trinh đã đến Pháp từ nhiều năm trước, và rất thông thạo tiếng Pháp trong nghề luật sư. “Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải nhờ ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi nhưng không muốn ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo”(2). Nói như vậy để thấy, vào thời kỳ đầu ở Paris - bút danh Nguyễn Ái Quốc chưa phải là một tên riêng. Phải vài năm sau, khi đã thông thạo tiếng Pháp, có thể viết bài cho các báo theo sự hướng dẫn của Jean Longuet - cháu ngoại Marx, chủ bút báo Dân chúng, và Gaston Monmousseau - chủ nhiệm báo Đời sống thợ thuyền, và khi cho ra đời tờ Người cùng khổ thì Nguyễn Ái Quốc mới là tên riêng của một người, rồi trở thành một cái tên quen thuộc đối với công luận.
Tám điểm của Yêu sách, đó là:
1. Đại xá cho tất cả chính trị phạm bản xứ.
2. Cải cách nền tư pháp Đông Dương bằng sự ban bố cho người bản xứ những bảo đảm về pháp lý giống như đối với người Âu, xóa bỏ hoàn toàn và vĩnh viễn những tòa án đặc biệt là những công cụ khủng bố và áp bức chống lại bộ phận lương thiện nhất của nhân dân Việt Nam.
3. Tự do báo chí và ngôn luận.
4. Tự do lập hội và hội họp.
5. Tự do di cư và đi ra nước ngoài.
6. Tự do mở trường và thành lập ở tất cả các tỉnh những trường dạy kỹ thuật và nghề nghiệp cho người bản xứ theo học.
7. Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật.
8. Phải có một phái đoàn dân cử thường trực của người bản xứ bên cạnh Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện Pháp luôn nắm được những nguyện vọng của người bản xứ.
Bản Yêu sách được phân phát cho các binh sĩ và công nhân người Việt ở Marseille, và từ đó một số ít được chuyển về nước. Dẫu sao, viết bằng tiếng Pháp chủ yếu vẫn là viết cho công chúng nước Pháp - một công chúng rất cần được thức tỉnh - để biết được sự thật ở các nước thuộc địa. Do vậy mà Nguyễn quyết tâm học tiếng Pháp để đọc và viết. Một quá trình rất kiên trì và nỗ lực, khi Nguyễn ý thức được sự bức thiết của thứ vũ khí lợi hại là tiếng nói; và thấy cần tranh thủ cơ hội hiếm hoi ở Paris - chính quốc, là nơi người cách mạng còn có một ít tự do tối thiểu để hành động, là nơi việc tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân không phải là phạm tội, trong khi ở Đông Dương đó là một tội đáng tử hình.
Ngót 6 năm, tính từ cuối 1917 khi Nguyễn đến Paris cho đến tháng 6-1923 khi Nguyễn rời Paris sang Moskva, là thời gian Nguyễn chứng kiến và tham dự vào những sự kiện trọng đại có ý nghĩa quyết định cho sự hình thành trọn vẹn tư cách người yêu nước họ Nguyễn, tư cách nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam, biết sử dụng công cụ báo chí và văn chương để phục vụ sự nghiệp cách mạng.
Paris - trong 6 năm sinh sống và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, đó là địa bàn, là đất đai gieo trồng và hái lượm những kết quả đầu tiên của dòng văn học cách mạng - hiện đại trên hệ ý thức vô sản của Việt Nam.
Cũng nội dung 8 điểm trong Yêu sách về sau được Nguyễn Ái Quốc chuyển sang bài văn vần Việt Nam yêu cầu ca, bằng chữ Quốc ngữ. Chuyển từ chữ Pháp sang chữ Quốc ngữ, trong thể lục bát và song thất lục bát quen thuộc, Nguyễn Ái Quốc ngay từ đầu sự nghiệp viết của mình đã là người không lúc nào nguôi quên viết bằng tiếng Việt cho chính đồng bào mình. Việt Nam yêu cầu ca gồm 56 câu, trong đó có 48 câu lục bát và 8 câu song thất lục bát, theo tài liệu của cảnh sát Pháp, đã được phân phối trong các giới công nhân và binh sĩ An Nam ở Marseille vào tháng 9-1922:
Một xin tha kẻ đồng bào
Vị chưng chính trị mắc vào tù giam
Hai xin pháp luật sửa sang
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng
…
Ba xin rộng phép học hành
Mở mang kỹ nghệ, tập tành công thương
Bốn xin được phép hội đàng
Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do
Sáu xin được phép lịch du
Bốn phương mặc sức năm châu mặc tình
Bảy xin hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh giúp quyền
Tám xin được cử nghị viên
Quan Tây thay mặt giữ quyền thổ dân(3)
Rời quê hương, ngoại ngữ đầu tiên Nguyễn quyết tâm chiếm lĩnh là tiếng Anh, là ngôn ngữ cho sự mưu sinh và giao thiệp trên những chặng dài của hải trình và hành trình qua nhiều xứ sở. Nhưng cùng với tiếng Anh, Nguyễn đã quyết tâm học tiếng Pháp từ rất sớm, ngay khi còn ở Anh. Từ cuối năm 1917, về Paris, tiếng Pháp đã dần dần trở thành phương tiện đưa Nguyễn tham gia vào các hoạt động xã hội và chính trị, và là ngôn ngữ đưa Nguyễn Ái Quốc vào một sự nghiệp báo chí và văn chương, nhằm thực hiện một cách triệt để và kiên định mục tiêu cao nhất và duy nhất của đời mình là cứu nước: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu (…). Có thể nói là ông Nguyễn suốt ngày nghĩ tới Tổ quốc, và suốt đêm mơ đến Tổ quốc mình”(4).
Viết bằng tiếng Pháp cho các tờ báo lớn theo xu hướng tiến bộ của Pháp ở Paris như các tờ Nhân đạo, Dân chúng, Đời sống thợ thuyền… rồi làm báo bằng tiếng Pháp ở Paris - tờ Le Paria (Người cùng khổ), ra số 1, ngày 1-4-1922, đối tượng đọc chủ yếu của Nguyễn lúc này là người Pháp. Nhưng ngay cả ở Paris - Nguyễn cũng không lúc nào nguôi quên viết bằng tiếng Việt cho người đọc là đồng bào mình, trước hết là bộ phận người Việt xa xứ ở Pháp, và sau đó là tất cả đồng bào đang bị đày ải ở quê hương. Cùng với tờ Le Paria, Nguyễn còn muốn ra thêm tờ Việt Nam hồn bằng tiếng Việt, với mong mỏi đồng bào mình nơi đâu cũng có thể đọc được, như trong Lời mở đầu: “Cũng vì nghĩ thế/ Tôi muốn làm ra/ Một báo tiếng ta/ Cho đồng bào đọc”… Với hai ngôn ngữ Pháp và Việt, Nguyễn sẽ trở thành người đặt nền móng, người khai sáng cho trào lưu văn học cách mạng và hiện đại Việt Nam thế kỷ 20. Cách mạng - vì mục tiêu cao nhất là lật đổ ách thực dân, thiết lập nền dân chủ. Hiện đại - là sự hòa nhập, và sớm trở thành một bộ phận của nền văn học tiến bộ thế giới trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.
_____
* Nguyên Viện trưởng Viện Văn học (HV)
(1), (3) Dẫn theo Tổng tập văn học Việt Nam, tập 36, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980, tr.64, 67, 68.
(2), (4) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.35, 49.