* Ông Nguyễn Cao Kỳ - Cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC (Anh) tháng 2-2006, ông nói:
“… Hồi tôi còn lãnh đạo miền Nam, tôi đã nhiều lần chủ trương phải ‘Bắc tiến’ để thống nhất xứ sở. Thế nhưng, thật rất tiếc là vì lý do này lý do nọ, vì hoàn cảnh lịch sử, và cũng có thể vì ‘vận mệnh của đất nước’, nên miền Nam chúng ta đã không làm được việc ‘Bắc tiến’ để thống nhất hai miền. Và thực tế bây giờ là những người anh em miền Bắc đã làm được cuộc ‘Nam tiến’ và họ đã thống nhất được xứ sở, và tôi nghĩ rằng mình phải ngả mũ và ‘chấp nhận’ cái kết quả đó thôi!”.
* Bà Phùng Tuệ Châu - Cựu luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sang Mỹ sau năm 1975.

Ở Mỹ, bà đã từng là nhân vật chống Cộng quyết liệt. Tuy nhiên, với sự thức tỉnh khi nhìn thấy thực trạng đất nước Việt Nam không phải như những gì bà đã từng biết vì bị lừa dối, bà đã đứng lên nói sự thật, thành lập kênh truyền hình Tiếng quê hương trên mạng YouTube. Bà phát biểu trên kênh truyền thông hải ngoại Việt Vision ngày 2-6-2018:
“… 30 tháng Tư 1975, đất nước chúng tôi đã được hòa bình, thì tôi phải mừng chứ, vui chứ… Và người nào đã đem được đến hòa bình cho đất nước Việt Nam thì nhân dân Việt Nam ủng hộ… VNCH không có chính nghĩa, bị Hoa Kỳ lãnh đạo, vì vậy khi mà Hoa Kỳ rút lui khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris năm 1973, thì đương nhiên, như Bác Hồ đã nói ‘đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào’. Khi mà Mỹ đã cút rồi, thì đương nhiên là chế độ VNCH phải tan rã. Nghe đến danh từ ‘ngụy… ngụy…’ thì tôi cũng không thích lắm, nhưng mà Bác Hồ nói rất đúng… Vì vậy, trong bộ lịch sử, những người viết sử 15 tập đó, cái đoạn đòi hỏi phải bỏ chữ ‘ngụy quân, ngụy quyền’ đi, mà phải chấp nhận chữ ‘Việt Nam Cộng hòa’ thì tôi thấy là cũng không ổn. Bởi vì VNCH là một chế độ bù nhìn, một chế độ được sự lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, VNCH đâu có hoàn toàn được độc lập tự do như là Cộng sản Bắc Việt đâu, như là quốc gia Dân chủ Cộng hòa đâu! Không, VNCH có tên đó, nhưng là một quốc gia bù nhìn… Chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ hòa bình, ủng hộ hòa bình tức là ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam vì họ đã đem lại hòa bình cho nhân dân Việt Nam…”.
Cũng trong năm 2018, trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông hải ngoại Nửa vòng trái đất TV, bà Phùng Tuệ Châu nói: “Tôi thấy chúng ta bàn vấn đề Ủy ban bầu cử Cộng đồng quốc gia ở nước ngoài, tôi thấy buồn cười, chỉ là một trò hề. Người dân trong nước, đồng bào trong nước, tuổi trẻ trong nước nhìn thấy trò hề của Phan Kỳ Nhơn, họ sẽ cười cho đấy ông ơi. Ông đừng có hy vọng rằng ông làm được cái điều gì. Nhà nước Việt Nam, nếu cần đối thoại thì đối thoại với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, chứ cái tên vớ vẩn như là Phan Kỳ Nhơn, không bao giờ được đụng tới (…) bộ đội Cụ Hồ”.
* Ông Nguyễn Phương Hùng - Cựu sĩ quan binh chủng Biệt động quân của VNCH, từng là nhân vật chống Cộng “có số có má”. Hiện là nhà báo, tổ chức và điều hành kênh truyền thông hải ngoại KBCHN.

Trên kênh truyền thông hải ngoại Win Win Việt Nam ngày 6-3-2017, ông tâm sự:
“Nếu không có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn mời tôi về Việt Nam thăm Đại hội báo chí năm 2011, có lẽ tôi hãy còn u mê… Thưa các bạn, đất nước này đang thay da, đang đổi thịt. Tôi về Việt Nam 16 lần trong 6 năm qua và mỗi một lần về là tôi lại thấy một sự thay đổi của đất nước. Và mỗi một lần về tôi lại lạc đường như đã từng lạc đường 43 năm nay!… Thưa quý khán giả, tôi đã đi Nam Đàn, Kim Liên nơi mà Bác Hồ đã sinh ra và Bác Hồ sống trong hồi niên thiếu. Một căn nhà lá ở Nghệ An, không có tượng đài của Bác Hồ… Quý vị nói là miền Bắc mang quân vào xâm lăng miền Nam. Điều đó, lúc đầu chúng tôi cũng nghĩ như các bạn, nhưng khi qua bên Mỹ, chúng tôi đọc những quyển sách của người Mỹ, người Đức, người Ý, người Nhật… viết, thì chúng tôi mới biết rằng: chúng ta sai lầm!... Bác Hồ biết rằng tương lai là người Mỹ muốn dùng Việt Nam làm cái bao lơn của Đông Nam Á, vì hoàn cảnh địa lý của nước Việt Nam ta rất đặc biệt… Người Mỹ muốn dùng Việt Nam là cái tiền đồn canh gác ở biển Đông. Do đó, Bác Hồ đưa quân vào…
Tôi chỉ muốn nói với những người bạn của chúng tôi, các anh em quân đội của chúng ta (…) Tôi cũng đã khóc mỗi lần TV Mỹ chiếu lại cuộc chiến ở Việt Nam và cái ngày 30 tháng Tư. Và tôi đã miệt mài bao nhiêu năm cùng các bạn đấu tranh, hoan hô, đả đảo… Và sau khi tôi trở về Việt Nam qua cơ hội nhận lời mời của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, tôi đã nhìn thấy đất nước của chúng ta thay da đổi thịt và tư duy của con người ở Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi… Các anh em cứ suy nghĩ đi! Khi mà tôi đã mở được cặp mắt, (…) mở được tư tưởng tôi, tôi không thù hận người cộng sản nữa. Và tôi bắt tay tất cả những người cộng sản… Họ không phải là những người dối gian như quý vị. Quý vị đã nói dối quá nhiều. Quý vị đã bịa đặt rất nhiều!”.
* Ông Đinh Viết Tứ - Việt kiều tại Mỹ.

Tốt nghiệp Trường Luật Sài Gòn năm 1965, tốt nghiệp Trường Đại học Pháp lý Hà Nội năm 1990 (khi ấy ông đã 48 tuổi); được đào tạo làm truyền thông từ Trung tâm Báo chí Đông Nam Á, là cựu đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã tại Phủ tổng thống trước năm 1975. Năm 1992, ông sang Mỹ và năm 1996 làm Chương trình phát thanh Tiếng vọng quê hương, năm 1999 đổi thành Chương trình phát thanh Việt Nam quê hương. Năm 2004, ông hợp tác với bà Phùng Tuệ Châu làm Chương trình phát thanh Tiếng quê hương.
Đối với ông, tình cảm với Bác Hồ trong ông được xuất phát từ khi ông còn rất nhỏ. Khi đó ông yêu thích được nghe những bài hát về Bác. Đặc biệt, khi ông sống ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, ông đã được tặng một bức tranh quý in hình Bác Hồ ngồi với hai thiếu nhi, ông đã rất vui sướng và nâng niu bức tranh. Ông cũng cho biết, ông luôn thích tinh thần nhân đạo của Bác và thấy con đường cứu nước của Bác là rất cẩn trọng. Những việc làm của Bác luôn luôn xuất phát từ trái tim… Phát biểu với truyền thông trong nước, ông tâm sự: “Đầu những năm 1990, sau khi nghỉ hưu tại Việt Nam, tôi sang Mỹ định cư cùng gia đình khi vừa bước sang tuổi 50. Đi thăm một số tiểu bang, điều làm tôi rất ngạc nhiên là cộng đồng người Việt ở đây rất thiếu thông tin về tình hình đất nước. Đa số họ tìm kiếm các tin tức trong nước thông qua các báo Việt ngữ ở Mỹ vốn chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều đường lối khác nhau, nên không tránh khỏi việc phải tiếp xúc với những thông tin sai lệch, thiếu khách quan. Từ lúc đó, tôi đã có ý định thành lập một tờ báo in hay một làn sóng phát thanh để cung cấp cho họ một kênh thông tin đáng tin cậy hơn. Sau một thời gian làm công việc kinh doanh tại một công ty chuyển tiền, tôi có điều kiện tài chính hơn nên cùng một số người bạn mua lại kênh sóng của một đài phát thanh bên Mỹ để thành lập làn sóng Tiếng vọng quê hương vào năm 1996. Ngay từ chương trình đầu tiên, chúng tôi đã đả phá những thông tin bị cố tình đưa thiếu chính xác, thậm chí xuyên tạc về Việt Nam trên một số báo, đài Việt ngữ phản động bên đó, hoặc lên án cách thu hút, ve vãn đồng bào để moi tiền nhằm phục vụ cho những mục tiêu đen tối của một số tổ chức cực đoan. Tôi còn nhớ bài bình luận đầu tiên có tiêu đề Con ngáo ộp. Tôi ví các luận điệu tuyên truyền sai lệch về Việt Nam của một số tổ chức cực đoan, chống Cộng hải ngoại giống như “con ngáo ộp”. Chúng tôi cũng muốn đánh động vào tinh thần nhớ nước, thương nhà của bà con. Qua các chuyên mục cùng các bài bình luận, chúng tôi muốn nhắc nhở họ về trách nhiệm đối với Tổ quốc” (Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 20- 1-2014).
* Ông Hiệp - Việt kiều tại Mỹ, cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, cựu tù cải tạo trại giam Z30C, Hàm Tân (Bình Thuận).

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông hải ngoại Phố Bolsa TV ngày 24-3-2014, ông nhấn mạnh:
“Tôi không làm chính trị. Tôi chỉ nói theo tinh thần quốc gia... Đã nói về yêu nước thì đừng có lưu manh, đừng lợi dụng chuyện này chuyện kia… Bây giờ tôi định cư bên này, tôi không cần biết Cộng sản hay Quốc gia, bây giờ quốc gia của tôi là Việt Nam…”.
* Ông Phong An - Việt kiều tại Mỹ.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông hải ngoại Phố Bolsa TV (ngày 5-11-2011), sau một cuộc biểu tình chống tờ báo hải ngoại Việt Weekly:
“… Mấy người đó biểu tình, chống đối, nói là Việt Cộng bán nước, bán biển. Nhưng mà tôi thấy chính quyền Việt Nam và chế độ Cộng sản họ vẫn giữ nước, họ vẫn xây dựng, phát triển… Đất nước nào cũng qua một giai đoạn lịch sử. Mình quá đau khổ vì chiến tranh rồi. Bây giờ đã thống nhất, dân chúng cũng có nghèo, nhưng nước nào cũng có nghèo cũng có giàu, nhưng những người nghèo sống trong an bình còn hơn trong thời kỳ chiến tranh, bởi vì tôi cũng đã là người lính, tôi cũng đã từng chiến đấu, tôi đã nhìn thấy cảnh tang thương rất nhiều… Báo chí là tai mắt. Mình không có cơ hội đi và nhìn hết tất cả các nơi… thì mình nhờ vào báo chí. Càng nhiều báo về Việt Nam, mình càng đọc được nhiều tin tức xác thực. Còn bây giờ, anh cứ chống, bịt mắt người ta, rồi sau cùng, khi người ta tìm thấy sự thật, thì các anh không còn một cái chính nghĩa nữa… Tôi chiến đấu 12 năm trong quân đội VNCH, 12 năm tôi đều nằm ở mặt trận, tôi đã chứng kiến bao nhiêu đau khổ của người dân mình rồi. Bây giờ tôi nhìn lại, tôi thấy đất nước mình: OK, an bình. Chính quyền họ làm cũng được việc, không 100%, nhưng cũng được 60%-70%, đồng thời tôi về tôi thấy dân mình sống rất là an lành”.
* Ông Đoàn Trọng - Việt kiều tại Mỹ, sinh năm 1948 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, một người đã từng “tranh đấu” trước khi bắt đầu làm truyền thông (như ông nói), hiện là nhà báo của kênh truyền thông hải ngoại Little Saigon TV.

Ông trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông hải ngoại California Channel (tháng 7-2017) về chuyến trở về Việt Nam của ông:
“… Tôi đến Sài Gòn lúc 3g sáng, tôi trình cái giấy visa cho người công an, họ nhìn tôi, họ xem, rồi họ cho tôi đi vào, không có chuyện gì khó dễ hết trơn…, tôi không có tốn đồng bạc nào hết trơn…, tôi chỉ nói lên sự thật mà thôi. Từ đó tôi trở về nơi chôn cất cha mẹ tôi…, tôi hứa trong lòng là khi nào có điều kiện trở về là tôi đến thăm mẹ tôi đầu tiên… Tôi trở lại nơi tôi ở Biên Hòa, tôi đến thăm vài người hàng xóm đã giúp đỡ tôi những ngày đầu tiên trong những quãng đường mới sau năm 1975, tôi đến để nói lời cám ơn với họ… Tôi không có gì phải lo ngại [khi đứng trước thắc mắc của những người phản đối chuyến về Việt Nam của ông Đoàn Trọng - V.A]. Ngay cái câu tôi viết ở trên dòng sông Bến Hải… Với một người lớn lên, sinh ra ở một tỉnh địa đầu giới tuyến, thì tôi đứng ở ngay dòng sông và tự nhiên có những cảm xúc đến với tôi… ‘Trên nửa thế kỷ mới có dịp về lại nơi một thời chia đôi đất nước… Quá khứ chẳng bao giờ được quyền trở lại. Nguyện cầu những người ra đi phù hộ cho một Việt Nam đầy yêu thương, không hận thù, có một đời sống thích hợp và đầy đủ giá trị của con người’… Có những người lên án, họ nói rằng có cuộc xâm lăng. Đối với tôi, những người nằm xuống - họ hy sinh cho lý tưởng của họ… Tôi trở về Việt Nam, tôi nhận xét rõ ràng, tôi không thể nói dối được, tôi nhìn thấy sự thay đổi, sự phát triển rõ ràng… Tôi có quyền nói lên sự thật…”.
* Ông Nguyễn Mạnh Cường - Cựu giảng huấn Trung tâm huấn luyện Biệt Chính (tiền thân là Xây dựng Nông thôn, chế độ VNCH), hiện nay thường xuất hiện trên các kênh truyền thông hải ngoại với vai trò người được phỏng vấn và trong mục “Góc nhìn Nguyễn Mạnh Cường” của kênh KBCHN.

Trên kênh truyền thông hải ngoại Phố Bolsa TV tháng 6-2013, ông bộc trực:
“… Cái bọn buôn hận thù, bán hàng giả, thì thưa, tới giờ này rồi mà còn nói là Mỹ bỏ nó, Mỹ bán nó... Mỹ bảo rằng, tao nuôi mày, tao đẻ ra mày, tao để mày đánh giặc, mày đánh không được nên tao thua ở Việt Nam, chỉ vì tao cộng tác với mày thôi!... Cộng sản Việt Nam đã rất khéo léo để không bị cuốn vào cái mắt bão của lịch sử! Yêu nước, trong hoàn cảnh của Đảng Cộng sản, của nhà cầm quyền Việt Nam, yêu nước nó khó lắm nếu không có một vision (tầm nhìn). Thứ nhất là nhà cầm quyền Việt Nam nói rằng: Tao cố gắng lắm, tao chống trả thằng Trung Quốc, nhưng trong cái thế của biển Đông, cái chính sách của tao là đi dây giữa hai đường… Hãy nhìn thế giới họ đối với tao thế nào, Giáo hoàng đối với tao thế nào, chính sách ngoại quốc đối với tao thế nào… thì sẽ hiểu”.
* Ông Dr. Yêu (Bác sĩ Yêu) - Việt kiều tại Mỹ, sinh năm 1944.

Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền thông hải ngoại Phố Bolsa TV tháng 10- 2011, ông phát biểu:
“… Tôi muốn trả lời cho một số người Việt Nam xa quê hương sau 1975, họ còn những hận thù, còn những tư tưởng chống đối lại chính phủ đang điều khiển quốc gia quê hương trên dưới chín chục triệu người. Họ còn muốn chống đối, tìm hết cách chửi rủa, nguyền rủa và tìm hết cách để không hợp tác, để không kết hợp lại tình tự dân tộc… Quý vị có biết quốc gia nào là toàn thiện, toàn mỹ không? Ngay cả Hoa Kỳ là một thiên đường trên hạ giới… cũng có những khiếm khuyết. Nhưng chúng ta làm sao để cùng đem tâm hồn, để cùng đem sự khôn ngoan để xây dựng quê hương Việt Nam của chúng ta… Quý vị làm gì được để xây dựng quê hương? Tại sao không nghĩ đến trường hợp tích cực?”.
* Ông Nguyễn Ngọc Lập - Việt kiều tại Mỹ, sinh năm 1951 tại Hà Nội, là người Công giáo, cựu thiếu úy Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa, từng tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cựu tù cải tạo tại trại giam Z30C (Hàm Tân, Bình Thuận) 8 năm, nhiều lần tự sát không thành trong trại. Sang định cư ở Mỹ năm 1993.

Theo băng ghi hình của kênh truyền thông hải ngoại Phố Bolsa TV ngày 30-4-2014, ông phát biểu tại đảo Song Tử Tây - Việt Nam:
“… Mọi lần tôi là người nói rất dài…, nhưng hôm nay tôi chỉ nói ngắn gọn thôi, là: Cái này không nói chơi được. Vì đây là máu và nước mắt. Máu thì luôn luôn màu đỏ, nước mắt và nước biển đều có vị mằn mặn giống như nhau. Và hôm nay tôi phải nói rằng: tất cả quý vị là những người yêu nước thật, còn chúng tôi là những người yêu nước dỏm và chúng tôi là những người ích kỷ, cơ hội. Ba mươi chín năm, dù ở trong trại cải tạo hay được thả ra ngoài, thì không bao giờ tôi chào lá cờ đỏ sao vàng. Nhưng ngày hôm nay, ở ngoài sân trường, tôi đã đứng rất ngay ngắn để chào. Trong thời gian tôi chiến đấu chống Cộng sản, tôi bắn chết rất nhiều (tôi khai ở trại cải tạo đều khai dối hết, chứ tôi giết rất nhiều). Giết xong tôi không cảm thấy sợ. Nhưng khi tôi lục trong ba lô thì ở đó có những bì thơ, có những con tem, ghi ‘Nhắm thẳng quân thù mà bắn’ thì tôi cũng ớn lạnh lắm… Tôi vừa ngồi cạnh một ông Quân đội nhân dân Hải quân, tôi nói: ‘Mấy ông là một quân đội không phải mạnh nhất thế giới, nhưng lại đánh thắng được tất cả những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, các ông dữ quá!’ thì ông ấy quất một câu rất mạnh vào mặt của tôi: ‘Không dữ, không giữ được đảo!’”.
Trả lời phỏng vấn của báo hải ngoại Việt Weekly sau chuyến về Việt Nam và đi thăm Trường Sa, ông Nguyễn Ngọc Lập nói:
“… Chú rất sợ người Cộng sản về cái tính kiên nhẫn… Sự kiên nhẫn phải dựa vào lòng yêu nước, và quyết tâm đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ra khỏi đất nước của mình. Đó, tính kiên nhẫn ở đây nó dựa lên trên điều tốt đẹp, cái truyền thống đấu tranh của cha ông mình để giữ nước, chứ không phải là ai cũng có thể kiên nhẫn được đâu… Lợi ích cho cả một dân tộc thì chú thấy người Cộng sản họ rất kiên trì. Mà cái lý và truyền thống giữ nước thì không có thế hệ nào mà không đúng hết…”.
_____
Nguồn:
Nửa vòng trái đất TV - https://www.youtube.com/ channel/UCfl_G9BwH-DhtNn-y0q_7aA/about
Phố Bolsa TV - https://www.youtube.com/user/ PhoBolsaTV/about
KBCHN Nguyễn Phương Hùng - https://www. youtube.com/user/thacmac52/about
Win Win Việt Nam - https://www.youtube.com/ channel/UC6IK1ng3mhTpGEhj_tNWTVg/about
Việt Vision - https://www.youtube.com/user/ vietvisionchannel/about
Tiếng quê hương - Phùng Tuệ Châu