Nếu hỏi ai là người tình lý tưởng trong cuộc đời nàng Kiều, có lẽ hầu hết các bà các cô đều trả lời là Kim Trọng.
… Họ Kim tên Trọng, vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu, bậc tài danh
Văn chương nết đất,thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa…
Chàng Kim đúng là mẫu người đàn ông lý tưởng của phụ nữ mọi thời đại: con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi, có danh tiếng, cư xử đẹp… Riêng đối với Thúy Kiều, bấy nhiêu đó liệu đã đủ chưa? E rằng vẫn còn thiếu. Bởi vì Thúy Kiều không chỉ là một trang giai nhân tuyệt sắc mà còn là một thiếu nữ tài hoa, tâm hồn nhạy cảm và nội tâm sâu thẳm. Nàng đã tự biên tự diễn một nhạc phẩm tâm đắc là bản đàn Bạc mệnh:
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Nguyễn Du đã sử dụng bản đàn này để đánh dấu những trường đoạn trong cuộc đời của nàng. Đây cũng là những điểm nhấn của tác phẩm Đoạn trường tân thanh. Đoạn trường ấy được dạo đầu với lần Kiều biểu diễn bản đàn Bạc mệnh cho Kim Trọng, gọi là cung đàn sơ ngộ:
Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng
Kê Khang này khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời…
Lần tiếp theo, Kiều phải biểu diễn để phục vụ tiệc rượu của Thúc Sinh và Hoạn Thư:
Nàng đà tán hoán tê mê
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng…
Nhưng đỉnh điểm của nghệ thuật biểu diễn khúc cầm phổ này và cũng là đỉnh điểm của số phận bạc mệnh, là lần nàng phải đánh đàn để mua vui cho Hồ Tôn Hiến sau cái chết của Từ Hải:
Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay…
Đối với Kiều, bản đàn ấy quan trọng là thế, tâm huyết là thế - trong đêm trăng ngồi biểu diễn dưới hiên Lãm Thúy, bản đàn ấy là món quà tặng mối tình đầu, trân trọng đến thế… Vậy mà sau khi nghe xong, Kim Trọng đưa ra một lời bình luận hàm ý chê nhiều hơn khen:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
So chi những khúc tiêu tao
Dột lòng mình, cũng nao nao lòng người…
Lời lẽ ấy xem ra cũng không cao minh gì hơn lời trách mắng của Hoạn Thư:
Cuộc vui gẩy khúc đoạn tràng ấy chi?
Đấy là những lời góp ý rất thiếu chuyên môn, không phải là ngôn ngữ phê bình âm nhạc. Có lẽ Kim Trọng cũng như Hoạn Thư đều không hiểu được rằng nỗi buồn là một nguồn cảm hứng lớn trong sáng tác văn học nghệ thuật, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây và quyền được buồn trong sáng tác cũng là một thứ quyền con người. Muốn làm bạn với văn học nghệ thuật, chẳng những phải tôn trọng mà còn phải biết cách sống chung với những nỗi buồn ấy. Những lời bình luận thô thiển của Kim Trọng hẳn đã làm cho Kiều thất vọng lắm. Thất vọng đến nỗi mười lăm năm sau gặp lại, Kiều đã không đàn lại bản đàn tâm đắc của mình cho chàng nghe nữa mà chỉ biểu diễn những bài vui tai, dễ chịu có thể làm vừa lòng mọi người:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy hồn hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên…
Quả nhiên Kim Trọng khen nức nở. Biết chàng Kim chả hiểu gì mấy về tâm hồn và âm nhạc của mình, Kiều thở dài than:
Một phen tri kỷ cùng nhau
Cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa…
Thế là khúc đàn Bạc mệnh, một đời không gặp được tri âm, từ nay bặt tiếng. Công bằng mà nói, Kim Trọng chắc chắn là người chồng tốt nhưng chưa phải là người yêu lý tưởng đối với Kiều.
Sau Kim Trọng có lẽ không còn ai thực sự là người tình của Kiều. Thúc Sinh là người đàn ông sợ vợ - sợ đến co rúm lại, bỏ mặc Kiều trôi nổi phong trần, không có lấy một chút tinh thần trách nhiệm. Y vốn là tay ăn chơi khi nào cũng sẵn tiền trong túi: “Thúc Sinh quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không”. Thế mà chỉ cần nghe Hoạn Thư ho một tiếng là y đã thất kinh, bỏ của chạy lấy người. Giả sử chàng Thúc tỉnh táo một chút, thò tay vào túi “bốc rời” một nắm dấm dúi cho Kiều để nàng có chút tiền xoay xở khi ra khỏi nhà thì đâu đến nỗi nàng bí quá phải ăn cắp chuông vàng khánh bạc trên bàn thờ Phật của nhà họ Hoạn và vì thế lại rơi vào tay bọn Bạc Hạnh, Bạc bà! Nhớ lại trong cuộc đền ơn và báo oán tại doanh trướng của Từ Hải, Kiều đã tặng cho mụ quản gia ở nhà Hoạn Thư và bà sư trưởng Giác Duyên cả ngàn lượng vàng. Còn Thúc Sinh thì chỉ “gấm trăm cuốn,bạc nghìn cân”. Tặng vàng cho mụ quản gia và sư trưởng Giác Duyên là để thể hiện lòng quý trọng và biết ơn sâu sắc. Còn ngàn cân bạc tặng Thúc Sinh chứng tỏ trong lòng Kiều, phẩm cách của Thúc Sinh còn chưa bằng mụ quản gia. Số ngân lượng ấy bất quá chỉ là để trả lại sòng phẳng cho tay con buôn họ Thúc những khoản chi phí mà y đã tiêu tốn trong cuộc giải cứu Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú bà.
Còn lại hai người đàn ông can thiệp vào số phận nàng Kiều là Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Đối với Hồ Tôn Hiến, nàng Kiều chỉ là một trong những chiến lợi phẩm mà y có quyền chiếm đoạt và hưởng thụ. Tất nhiên y thuộc tuyến nhân vật thù địch của đời nàng. Vượt lên trên tất cả, chỉ có Từ Hải là người tình và người chồng đáng mặt trượng phu. Đấng trượng phu này đã mang lại cho nàng nhiều điều trên cả tuyệt vời. Nhưng Từ Hải lại có những nhược điểm rất đáng kể:
- Về thể hình,Từ Hải rất cao lớn dềnh dàng (Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao). Bên cạnh Từ Hải, một người đẹp dáng chuẩn như Kiều (Mai cốt cách, tuyết tinh thần) có lẽ chỉ như một cô bé đứng cao ngang thắt lưng, như đôi đũa lệch rất khó coi.
- Từ Hải quá ồn ào. Đã đi chơi bời thì đưa danh thiếp làm gì? Phải chăng muốn dùng oai thế của mình để dẹp đường vào lầu xanh cho thông thoáng?
Ồn ào nhất là thị hiếu âm nhạc. Ai đời trong đêm tái ngộ với Kiều bên trong màn trướng mà Từ Hải cho Kiều nghe toàn thứ nhạc lính om sòm ở bên ngoài: “Cùng nhau trông mặt cả cười/ Dan tay về chốn trướng mai tự tình/ Tiệc bày thưởng tướng khao binh/ Thì thùng trống trận, rập rình nhạc quân…”.
Trong tay có muôn vạn tinh binh mà Từ Hải ra đầu hàng Hồ Tôn Hiến một cách khinh suất đến nỗi chết đứng giữa trận tiền. Ấy là loại tướng hữu dõng vô mưu. Tóm lại, Từ Hải tuy là chỗ dựa đầy quyền lực nhưng so với Kiều thì vẫn còn quá nhiều khoảng cách. Đó là loại người để làm loạn chứ không phải để làm người yêu.
Trong tuyến chính diện có một nhân vật phụ thấp thoáng qua lời dẫn chuyện của Vương Quan:
Có người khách ở viễn phương
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
Thuyền tình vừa ghé đến nơi
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ
Buồng không lạnh ngắt như tờ
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh
Khóc than khôn xiết sự tình
Khéo vô duyên bấy là mình với ta
Đã không duyên trước chăng mà
Thì chi chút ước gọi là duyên sau
Sắm sanh nếp tử xe châu
Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa…
Người khách này lặn lội xa xôi, mong gặp được nàng danh kỹ Đạm Tiên. Nhưng tới nơi thì Đạm Tiên đã chết. Lẽ ra ông ta chỉ cần thắp cho nàng một nén hương là xong. Nhưng ông đã lo liệu hậu sự cho nàng không khác gì người thân. Ông không chỉ là một nhà từ thiện mà còn là tay chơi hào hoa phong nhã, thực sự trân trọng tài sắc của Đạm Tiên. Suy ra, điều mà người viễn khách ấy lặn lội tìm kiếm không chỉ là gái đẹp mà hơn thế nữa - đó là cái đẹp. Và người nhận ra được cái đẹp ở chốn lầu xanh thực sự đáng gọi là “hồng nhan tri kỷ”. Có lẽ đây là người đàn ông đáng yêu nhất trong Truyện Kiều. Tiếc thay cả Đạm Tiên lẫn nàng Kiều đều không có duyên gặp gỡ với người tình tuyệt vời này.
Còn trong tuyến nhân vật phản diện thì trước tiên hãy kể đến Mã Giám Sinh là kẻ phá hoại đời Kiều đáng nguyền rủa nhất. Nguyễn Du cũng đã dành rất nhiều lời để nói về y. Thế nhưng những người đọc hoặc bình luận Truyện Kiều dường như không mấy chú ý tới nhân vật này. Trong khi đó, Sở Khanh là một tên lừa đảo khá “hiền lành” và Nguyễn Du cũng chỉ vẽ chân dung của y qua đôi ba nét phác thảo. Ấy thế mà cái tên Sở Khanh, thậm chí cả con ngựa truy phong của y vẫn để lại dấu ấn rất đậm. Cho tới nay, những thành ngữ “đồ Sở Khanh” hoặc “quất ngựa truy phong” hãy còn rất phổ biến trong ngôn ngữ dân gian. Bởi vì tuy Sở Khanh chỉ là nhân vật hư cấu nhưng cái loại bẫy tình bọc nhung, bọc đường của y lại là thứ thiệt, vẫn còn là nguy cơ và là bài học kinh nghiệm đắt giá dành cho quý bà quý cô, nhất là thời buổi này.
Tuy Nguyễn Du không nói rõ hơn, nhưng ai cũng hiểu rằng mọi bi kịch, thảm kịch trong đời Kiều đều bắt đầu từ sự gieo họa của thằng bán tơ. Thế mà trong phiên tòa đền ân báo oán của Kiều, đến bọn gia nhân của Hoạn Thư là Ưng, Khuyển cũng bị xử tử, còn thằng bán tơ gieo họa lại được tiêu diêu tại ngoại. Chẳng biết nàng Kiều (hay đúng hơn là Nguyễn Du) vô tình hay cố ý, đã để lọt người lọt tội trong phiên tòa nói trên? Giả sử tôi (người viết bài này) dựng lại Truyện Kiều thành phim thì chắc chắn sẽ có kịch bản để thằng bán tơ kia dù ở chân trời góc biển nào cũng sẽ bị bắt về quỳ dưới trướng hùm mà đền tội. Vậy mới là thiên lý chứ!
Lời bàn thêm của “Mao Tôn Nhu”
Hoàng Phủ tiên sinh đã đặt ra một vấn đề rất thú vị. Nhân dịp ngày xuân thong dong, có lẽ nên có một đôi lời bàn thêm cho vui vẻ văn đàn.
Nói rằng Kim Trọng có lời phê bình nhạt nhẽo, không hiểu thấu được bản đàn Bạc mệnh của Thúy Kiều thì hơi quá đáng. Thực ra thì trong buổi đầu gặp gỡ với Kim Trọng mà Kiều biểu diễn một bản đàn tuyệt vọng đau đớn về số phận của con người như vậy thì Kim Trọng không tâm đắc, không thú vị gì thì cũng là phải lẽ. Bản đàn ấy “sái”, nó báo hiệu cho số phận của Kiều sau này, mà cũng là báo hiệu cho cuộc tình duyên Kim - Kiều nữa. Một cô con gái mới vừa mười lăm tuổi mà lại có một cảm nhận về cuộc đời như vậy thì đó thực ra là một điều không bình thường. Kim Trọng có ý trách là phải. Ở đây không chỉ là việc thưởng thức và phê bình một khúc nhạc thông thường, mà nó liên quan trực tiếp đến tình cảm, tương lai của đôi tình nhân. Nói rằng Kim Trọng không thấu hiểu nỗi buồn của cuộc đời thì cũng là hơi quá. Cao hơn nỗi buồn ở đây là bi kịch của số phận con người, là sự đau khổ và tuyệt vọng giống như một chủ đề quen thuộc của chủ nghĩa hiện sinh sau này, ấy là sự tuyệt vọng và cái chết. Đang lúc tình yêu vừa chớm nở với nghìn trùng hy vọng thì khúc đàn Bạc mệnh của Kiều quả là không hợp và khó lọt tai chàng Kim, một người đang hăm hở bước vào cuộc tình duyên lý tưởng ấy. Hoàng Phủ tiên sinh có thử đặt mình vào địa vị của chàng Kim để thể nghiệm và đưa ra lời bình thấu tình đạt lý hơn không?
Còn về Thúc Sinh, thiết tưởng ta cũng không nên quá nặng lời. Những lời người ta trách Thúc Sinh xưa nay như là “sợ vợ” thì đều đúng cả, nhưng có ai nghĩ rằng “ai mà chẳng sợ vợ” và “sợ vợ mình chứ sợ vợ ai”, vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư - con quan Lại bộ, nào phải người thường. Sao không nghĩ rằng trong cuộc đời trầm luân của Kiều, Thúc Sinh mới là người yêu, là người đàn ông đích thực nhất. Nào là lúc mới gặp gỡ Thúc Sinh đã say đắm Kiều và điều quan trọng là cả Kiều cũng say đắm Thúc Sinh. Nếu mối tình Kim - Kiều là mối tình lý tưởng mà ta gọi là amour platonique (tình yêu kiểu Platon), nghĩa là tình yêu chỉ có tinh thần không có nhục dục:
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc, ai giằng cho ra?
Sớm đào, tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
Trong cuộc ái ân ấy, không phải chỉ có sự mê đắm của Thúc Sinh mà là của cả Kiều thì mới dựng nên một cuộc tình theo đúng nghĩa của nó. Nhất là khi biệt ly, nếu không có một tình yêu đích thực giữa hai người thì làm sao có những câu thơ biệt ly tuyệt diệu như thế:
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Người xưa đã thốt lên rằng đó là một “thiên phú biệt ly” hay nhất của mọi thời đại. Chúng ta nên nhớ rằng Hoạn Thư không phải là một bà vợ thông thường mà là một bà vợ con quan Lại bộ Thượng thư với tất cả cái uy thế phong kiến của nó. Cho nên cũng đừng trách Thúc Sinh quá, chàng đã yêu và đã làm gần như tất cả những điều có thể làm được trong hoàn cảnh ấy.
Mấy lời bàn lại cho vui, mong Hoàng Phủ tiên sinh thể tất.
NGỌC TỈNH