HV133 - Vùng Mường bí hiểm

Tôi nhớ trong Cổ sử Việt Nam ở trang 89, cụ Đào Duy Anh viết: “Ở giữa khoảng thế giới loài người và thế giới quỷ thần - gồm cả linh hồn vạn vật - có một hạng người đặc biệt làm môi giới, tức là bọn pháp sư hay thầy mo dùng phương thuật để giao thiệp với quỷ thần. Sử sách Trung Hoa xưa cho biết rằng người Việt, tức người Bách Việt và cả người Lạc Việt, rất chuộng phương thuật mà người Trung Hoa gọi là Việt Phương. ‘Ở thời Trang Vương nhà Chu, tại quận Gia Ninh - tức huyện Mê Linh có người lạ đến lấy ảo thuật để phục vụ các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương’”… Qua đó ta biết từ thời Hùng Vương ở xứ ta đã có nhiều chuyện kỳ bí. Nhưng ở thời ta, mọi chuyện bùa ngải, chài nèm đều bị coi là hoang đường nhảm nhí, mê tín dị đoan, bị cấm đoán, thậm chí ai kể lại những chuyện đó cũng bị coi là phạm tội.

Dịp đó, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) có cuộc học tập quản lý cải tiến hợp tác xã miền núi cho tiến kịp miền xuôi, Ty Thông tin Phú Thọ cử ông Vũ Đình Hiền, cán bộ của ty, vào dự. Trở về, ông kể cho nghe một chuyện rợn người: Số là, dạo ấy ở xã Thạch Khoán có cậu thanh niên bị đau bụng, đi khám các bệnh viện huyện, tỉnh, trung ương đều không tìm ra bệnh. Gia đình phải nhờ đến thầy mo. Ông thầy nói “tôi chữa khỏi nhưng phải bảo cán bộ không bắt tôi đi cải tạo”. Ông thầy mo biết rõ cậu con trai bị con mẹ nuôi nèm chài ở xã Thục Luyện làm hại. Vì đã nuôi chài, mỗi năm không hại được người ngoài thì trong nhà sẽ bị một người thay thế. Thế là họ tổ chức một buổi ké chài (giải chài) có mặt ông Vũ Đình Hiền, có cả ông Cao Đức Chính, Trưởng ban Tuyên giáo huyện và ông Hoàng Đức Khoản, Bí thư kiêm Chủ tịch xã cùng vài người nữa.

Ông thầy mo dùng cái dùi nhỏ có dán giấy xanh đỏ và một tay cầm dùi gỗ. Trước mặt ông là một bát nước sạch đặt nằm ngang trên miệng một nén hương đang cháy. Ông niệm thần chú rồi hà hơi ra dùi gỗ ba lần. Sau đó ông dứ dứ dùi vào bụng người bệnh, gõ mạnh một tiếng. Cậu thanh niên ôm bụng, đau hét lên. Ba lần gõ, cả ba lần cậu đều kêu to. Lần gõ cuối cùng, ông dứ dùi vào ngực, gần cổ, gõ xong thì cậu thanh niên khạc ra một cái đinh 10 phân có cuốn chỉ xanh đỏ xung quanh. Ông thầy mo buông chày và dùi xuống nói:

- Khỏi rồi.

Cậu thanh niên cười méo mó, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Hại người đau đớn đến chết như vậy gọi là chài. Trong Mường có câu “trong chài ngoài mõ”, vì cộng đồng người Mường rất khinh những người biết chài, giống như ngoài Kinh người ta khinh nhà mõ vậy. Còn để trêu đùa nhau, làm cho nhau mê mẩn yêu đương hoặc làm cho phai nhạt mà vợ chồng ruồng bỏ nhau thì gọi là nèm.

Hôm tôi đưa đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật, có cả TSKH Nguyễn Hải Kế - Trưởng khoa Sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, vào xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn để chuẩn bị cho việc ghi hình bảo tồn, lễ hội múa mỡi của người Mường. “Mỡi” là cách nói chệch từ tiếng “mơi”. Đó là sinh hoạt văn hóa rất lớn của người Mường xưa xảy ra ở nhà các ông bà thầy mo, thầy cúng từ ngày 3 đến rằm tháng giêng. Vì thế nên từ khi cách mạng đến giờ nó bị dẹp bỏ vì có các yếu tố của văn hóa tâm linh. Trước đó tôi đã sưu tầm mỡi ở một số làng. Tôi viết một số bài báo ca ngợi các nét văn hóa trong mỡi. Lần này đi có cả các phóng viên của chương trình “Gìn giữ cho muôn đời sau”, kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam.

Tất cả cán bộ các cơ quan Đảng, chính quyền và nhân dân xã Tân Lập rất phấn khởi vì mỡi được khôi phục, tuyên truyền từ xã mình.

Nhờ có sự hậu thuẫn của đoàn Công an huyện, chúng tôi đã tổ chức thành công hai ngày một đêm lễ múa mỡi ở Tân Lập. Nhưng để “làm mỡi” thành công, cán bộ xã Tân Lập phải sang thôn Nhằn Thượng, xã Yên Minh mời thầy đến làm giúp. Nhờ vậy tôi mới quen biết thầy mo Hoàng Đức Sin có phẩm hàm Chánh thượng thừa, là chức cao nhất trong 6 bậc nghề thầy cúng. Tôi hỏi cụ Sin về thuật chài nèm của người Mường. Cụ nói:

- Cũng vì chuyện chống mê tín, cấm nói đến chài nèm mà bác xin với huyện cho bác nghỉ sinh hoạt Đảng, thôi giữ chức chủ nhiệm nên mới ở nhà giữ được vợ bác đấy!

- Sao thế ạ?

- Vì biết bác đi cán bộ, không được nói đến chài nèm nên mới có kẻ rắp tâm cướp vợ bác. Bác bảo hắn: “Ta theo nghề thầy cúng từ năm 14 tuổi. Mọi trò ma thuật ta không lạ gì. Khôn hồn thì mời người đến “ké nèm” cho vợ ta về ngay với chồng con, nếu không sẽ biết tay ta”. Ít ngày sau thì bà ấy về khóc lóc xin lỗi.

- Bác có giận bác gái không?

- Không. Vì nó làm cho mê lú mà theo nó thôi, mình tính sao được.

Ông Lê Như Kỳ là giáo viên cấp III. Hồi làm Hiệu trưởng Trường cấp II, III vừa học vừa làm ở xã Mỹ Thuận, huyện Thanh Sơn, ông rủ tôi đi một chuyến lên Tân Phú. Ở đấy ông quen nhiều người nghe nói là biết chài, nèm. Trước khi đi, chúng tôi vào cơ quan Huyện ủy gặp ông Hà Văn Tập, Bí thư. Hồi ông Kỳ làm hiệu trưởng thì ông Tập làm hiệu phó. Có lần họ ngủ nhờ nhà ông cụ Mạo ở xóm Trào. Buổi tối thấy hai thầy loay hoay tìm dây mắc màn, ông cụ Mạo xua tay bảo: “Không phải mắc màn, mà để ta nèm nhốt muỗi lại thôi. Nhưng các thầy chớ động vào nó, hễ giết nó thì ta gặp họa đấy”. Quả nhiên sau đó ông cụ Mạo bẻ một cành cây cài vào đầu gian rồi lầm rầm đọc lời chú, sau đó thấy muỗi bay đến đậu đen cành lá. Ông Kỳ nhắc lại chuyện này nhưng ông Tập cố tỏ vẻ không để ý. Tôi biết với cương vị của họ, không riêng gì ông Tập mà mọi người khác đều phải quên đi những chuyện này. Tôi rất tiếc, vì nếu ta xem những chuyện như thế nghiêm túc thì có thể vận dụng nó vào đời sống, có lợi biết bao. Hôm sau chúng tôi lên Tân Phú. Gia đình chúng tôi đến là ông Hoàng Bá Huân. Nhìn thấy bà Huân khỏe đẹp, tôi cười hỏi:

- Bác trai có phải dùng thuật nèm để nèm bác không?

Bà Huân cười, nói:

- Thích nhau thì yêu thôi, không phải nhờ vào chài nèm gì mà.

Rồi bà Huân kể:

- Ông ấy mới nèm chữa khỏi mắt phải mạng cho cô Bình, con ông Hà Văn Khánh, Bí thư xã này đấy.

Ông Huân vỗ vào người nói:

- Bộ quần áo này là do cô Bình trả ơn chữa khỏi mắt đấy.

Và ông khoe:

- Tôi mới “bó” lại cho mấy cặp vợ chồng ngủng ngẳng sắp bỏ nhau.

Rồi ông bà kể nhiều chuyện nèm kỳ lạ khác như nèm để nấu cơm không chín, nước không sôi.

Ông Huân dẫn chúng tôi sang nhà cụ Hà Văn Bằng, 90 tuổi, nguyên Chủ tịch Mặt trận huyện, đã nghỉ hưu. Cụ Bằng bị điếc, anh con trai phải vừa nói vừa ra hiệu rằng chúng tôi là cán bộ văn hóa ngoài tỉnh vào muốn sưu tầm tư liệu về văn hóa cổ truyền của người Mường mình.

Cụ Bằng không nói không rằng, với tay lên xà nhà lôi xuống cuốn sổ tay bìa bọc ni lông đỏ đưa cho tôi, nói:

- Xem đi!

Tôi lướt nhìn thấy cụ ghi chi tiết lời chú của các bài nèm: nèm đòi nợ, nèm cho yêu nhau, bỏ nhau. Tôi vội lấy bút ra ghi lại. Sợ bị cụ Bằng về phát hiện, tôi bèn đem máy ảnh ra chụp rồi đem ghi âm nhờ ông Huân đọc vào máy. Tôi lưu ý đến chuyện nèm đòi nợ. Hỏi cụ Bằng, cụ nói:

- Anh Hà Văn Đức, cán bộ Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, về nhờ tôi nèm đòi ba triệu rưỡi cho một người vay rồi quỵt luôn. (Ba triệu rưỡi cách đây 30 năm là số tiền không nhỏ).

Cụ Bằng về. Tôi cho cụ xem những bài báo của tôi viết về chài nèm đã được in. Cụ tin tôi là người có trách nhiệm và thành tâm với vốn văn hóa cổ truyền nên nói:

- Cho chú mượn cuốn sổ này mang về nghiền ngẫm. Bao giờ trả cho tôi cũng được. Con cháu bây giờ nó chỉ nghĩ đến kinh tế, thiết gì đến văn hóa.

Tôi sướng như vớ được cục vàng. Chuyến đi vào Mường lần này coi như thành công.

Ông giáo Hoàng Thạch Ngoạn, Hiệu trưởng Trường cấp II Lai Đồng, bảo tôi:

- Hôm tôi đang đứng lớp, nghe tiếng mõ ở giữa xóm, học sinh cứ thế chạy ùa đi. Tôi chẳng hiểu sao, cũng chạy theo. Trong xóm có một bà mới chết. Thi hài còn nằm trên giát sàn nhà. Ông chồng cứ nằm úp mặt vào chân vợ. Tôi hỏi ông già mới vỡ lẽ, ông chồng ngày xưa xấu trai phải nhờ thầy bó nèm cho. Những cặp như thế, một người chết thì người kia phải chết theo, nếu không mời ngay thầy nèm đến làm ké nèm để giải đi thì sẽ chết theo.

Ông Ngoạn hứa nếu có dịp sẽ đưa tôi lên Lai Đồng. Dịp đó tôi nhận được cú điện thoại của cô Lê Thị Phương Dung nói là ở tạp chí Thương mại. Cô này ngày nhỏ học ở Việt Trì. Bố cô là người Pháp. Dung cho biết Hội Nhà văn Việt Nam cho cô biết số điện thoại của tôi, cô ta muốn tôi đưa vào vùng Mường mà tôi từng viết cho báo chí về thuật chài nèm của người Mường.

Tôi về quê rủ ông giáo Ngoạn dẫn đường, vì Lai Đồng là một xã anh hùng đánh Pháp nổi tiếng nhưng xa xôi cách trở, tôi chưa có dịp đến.

Lớp Bí thư, Chủ tịch xã đều là học trò cũ của ông Ngoạn nên chúng tôi không phải vòng vo giao đãi nhiều. Nhưng khi ông giáo Ngoạn nói đến yêu cầu của chúng tôi muốn tìm đến chài nèm thì họ sợ tội, chối nguây nguẩy:

- Xã tôi không có mê tín mà.

Song, khi ông Ngoạn nhắc lại chuyện ông nội của Chủ tịch xã là quan thổ lang nhưng lại phụ trách Việt Minh và đánh Pháp, nhắc đến việc ông quan lang nèm vào cái chiếu rồi trải ra nhà để lừa tên quan ba Pháp thì anh Chủ tịch xã nói ngay:

- Số là xã Lai Đồng ngăn với vùng ngoài là con sông Vèo. Mọi khi giặc Pháp muốn vào Lai Đồng phải qua sông nên du kích chặn đánh, chúng khó khăn lắm mới vượt qua. Hôm ấy chúng đi vòng mò mẫm suốt đêm luồn rừng, mờ sáng đã vào làng. Dân làng sợ quá, chạy hết lên nhà quan lang. Ông đọc thần chú, hà hơi vào cái chiếu mới rồi bảo mọi người: “Nếu nó bước chân vào chiếu thì coi như tao sai khiến được nó, chúng mày cứ yên tâm đi về. Còn nó không chịu vào thì tao không hứa trước chuyện gì”. Có tiếng quát tháo ở dưới sân. Ông quan lang xuống sân, hai tay ngửa ra mời tên quan ba lên nhà. Lính tráng súng ống lăm lăm quanh nhà. Khi tên quan ba xuống ngựa trèo lên nhà, cởi giày vào chiếu ngồi thì dân làng từ các gầm giường ngóc ngách chui ra. Ông quan lang nói đại ý: “Muốn lôi kéo dân tôi thì các quan cứ từ từ bảo ban người ta. Đằng này các ông cứ xông vào bắt lợn gà, bắt cả gái đẹp thì ai mà chịu được”. Quả nhiên tên quan ba xin lỗi vì những việc làm không đúng của binh lính với dân làng. Chúng rút lui có trật tự.

Tôi biết mình còn quá ít hiểu biết về văn hóa tâm linh, chỉ nhăm nhăm ghi chép những thuật làm chài nèm, như cần những yếu tố gì để có thể học làm nèm: Người đã gãy răng thì có tập suốt đời không làm được. Ai muốn học phải hứng được nước mưa từ cơn mưa đầu mùa có sấm để tối 30 Tết đến nhà thầy súc miệng rồi học truyền khẩu lời chú. Có những bài chài, nèm lời chú rất dài phải đọc một hơi. Đọc, hít vào một hơi, khi xong hà ra thứ “mượn” rồi dùng thứ đó tác động vào đối tượng định nèm. Người ta có thể nèm cho chim thú không phá mùa màng, nèm để câu được nhiều cá, nèm cho thú dữ không hại mình v.v…

Tôi đã viết hàng loạt bài báo. Nhưng một hôm ông Nguyễn Văn Xuất, Trưởng ban Tuyên giáo Phú Thọ, đi họp giao ban báo chí ở Trung ương về bảo tôi nên thôi viết về chài nèm vì Ban Tuyên giáo Trung ương đã phê bình tôi và các báo in bài về chài nèm của tôi. Tôi thôi nhưng trong lòng đầy ấm ức. Trong khi đó nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Phó tổng biên tập báo Văn nghệ, lại yêu cầu tôi viết cho một bài về chài nèm nữa, còn các anh sẽ lo báo cáo với cấp trên về việc in ấn bài báo đó. Cũng dịp ấy ông Bùi Phúc Khánh, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Phú Thọ, cũng yêu cầu tôi cùng ông ta đi vào Mường để ghi chép kỹ về chài nèm theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ.

Chuyến ấy tôi lên Xuân Sơn, tìm đến nhà ông cụ Hoa người Mường vốn có tiếng hay nèm ở xứ Mường này. Cụ kể cho nghe nhiều bài nèm mà cụ đã từng làm. Cụ lấy trong hòm ra lá thư do một bà ở Cầu Giấy, Hà Nội mới gửi lên. Nội dung thư cảm ơn cụ đã nèm đòi được khoản tiền lớn, mời cụ xuống chơi cho biết nhà và tạ ơn cụ đã giúp đòi nợ. Tôi như bắt được vàng bèn ghi rõ địa chỉ, họ tên người gửi để về viết báo. Số là cách đây dăm tháng, bà ta vì vỡ hụi phải chạy lên Hòa Bình tránh mặt các chủ nợ. Đến đấy họ mách bà sang đây nhờ nèm đòi nợ. Ông Hoa nhặt lá rừng gói lại, đọc thần chú gửi vào đó bảo bà mang về đem giấu cái gói đó vào trước nhà vay nợ. Một tuần sau nhà ấy mang tiền đến trả bà.

Trở về, tôi viết cho ông Trường bài báo mới. Báo in xong, có một nhà dân tộc học người Nhật đem tờ báo đến xin phép được dịch in lại ở báo chí Nhật.

20 năm nay từ khi nghỉ hưu, tôi không còn vào trong Mường nữa. Ngày nay, thấy dân chúng đua nhau về nhờ nèm đòi nợ, nèm bó tình… nên nhiều người Mường xoay ra làm ăn bằng nghề chài nèm. Xin thưa: Không phải ai cũng làm được chài nèm. Người phải có căn số, phải có duyên mới làm được. Làm với mục đích tâm linh chân chính, không được đòi công xá gì… Ngày xưa người ta nèm xong, người nèm khỏi chỉ trả ơn bằng một chén muối tượng trưng để thầy cúng cúng ở bàn thờ thánh sư, một bàn thờ riêng không chung với bàn thờ gia tiên, bàn thờ thổ công.

Hồi còn công tác, tôi xin khước từ tất cả các chức vụ nhà nước như trưởng phòng, giám đốc vì mê sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian. Tôi được địa phương phân công phụ trách thường trực Hội Văn nghệ dân gian. Trong một chuyến lên xứ Mường, thỉnh thoảng lại thấy có những nhà lập bàn thờ mãi trên sát mái thượng lương. Hỏi ra mới biết đó là nhà cái, nhà con trưởng lập lên để thờ các cụ từ đời thứ 5 đổ về trước đến vua Hùng là đầu tiên. Mới hay vùng Mường này chính là vùng Mường gốc nơi vua Hùng lập ra nước Văn Lang. Từ đó tìm hiểu ra cả kho tư liệu quý về dân tộc học, lịch sử, văn hóa dân gian, để đến bây giờ ngoại 80 tuổi rồi tôi vẫn đầy ắp tư liệu để viết văn, viết báo…

NGUYỄN HỮU NHÀN