HV134 - 65 năm Viện Văn học - Những gương mặt tiêu một thế hệ vàng

Viện Văn học được thành lập vào giữa năm 1959. Từ tiền thân là tổ Văn trong Ban Văn Sử Địa ra đời tại chiến khu Việt Bắc ngày 2-12- 1953 theo quyết định của Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh ký, tính đến năm 2018 thì Viện Văn học đã có 65 năm xây dựng và phát triển.

Buổi đầu thành lập viện, GS Đặng Thai Mai được cử làm Viện trưởng, nhà phê bình Hoài Thanh làm Viện phó. Nhìn vào đội ngũ cán bộ, thấy toàn các bậc danh vọng, những tên tuổi lẫy lừng trong giới văn chương học thuật của đất nước, gồm những: Cao Xuân Huy, Phạm Thiều, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại, Hoàng Ngọc Phách, Nam Trân, Hoàng Phê, Hoàng Trinh, Vũ Đức Phúc, Nam Mộc, Cao Huy Đỉnh… Một thế hệ chuyên gia đã giành được sự kính trọng của đội ngũ trí thức công tác ở khoa Văn các đại học, ở Hội Văn nghệ Trung ương và Hội Nhà văn. Trong cả một thời gian dài, hai người lãnh đạo Viện Văn học đều kiêm nhiệm các chức trách quan trọng của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam. Điều này cũng nói lên mối quan hệ khá rộng giữa Viện Văn học với các giới sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình, giảng dạy văn học trong cả nước. Ở một bài viết khó có thể bao quát được hết, chúng tôi chỉ xin được điểm qua một số gương mặt tiêu biểu trong thế hệ đáng kính đó.

1. Song An Hoàng Ngọc Phách - cha đẻ tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của văn học Việt Nam

Song An Hoàng Ngọc Phách nổi lên trên văn đàn Việt Nam vào giữa thập niên 20 của thế kỷ 20 với sự xuất hiện của tiểu thuyết Tố Tâm. Tác phẩm này đã làm cho tên tuổi nhà văn sống mãi trong lịch sử văn học Việt Nam. Tố Tâm đã góp phần đưa văn xuôi Việt Nam từ ngoại vi văn học vào trung tâm, chuyển thời kỳ văn xuôi biền ngẫu sang văn tự sự và đoạn tuyệt với thời kỳ mô phỏng văn học phương Tây. Tính chất cận hiện đại của Tố Tâm đã làm cho tiểu thuyết này có ý nghĩa quan trọng với lịch sử văn học Việt Nam. Nó in đậm màu sắc thời đại và chứa đựng chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ mô tả, kể chuyện, đối thoại. Cuốn tiểu thuyết đã giành được sự hâm mộ rộng rãi của thế hệ thanh niên thời đó từ Bắc chí Nam. Những bức thư, những cuộc hẹn hò, những di vật, những cuộc đi chơi ở biển Đồ Sơn, trên cánh đồng ngoại thành Hà Nội hay buổi chiều hồ Tây của Tố Tâm và Đạm Thủy đã thấm sâu vào lòng các chàng trai cô gái ở các thành phố, tạo thành những làn sóng hâm mộ dữ dội chưa từng thấy, thể hiện một bước tiến có ý nghĩa trong chặng đường hình thành tình yêu và hôn nhân tự do của thanh niên thành thị những thập niên đầu thế kỷ 20. Có thể khẳng định đó là cuốn tiểu thuyết mở ra triển vọng của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam.

2. Giáo sư Cao Xuân Huy - thông thạo triết học, Thiền học

Giáo sư Cao Xuân Huy xuất thân trong một gia đình có học vấn cao nhất xứ Nghệ. Ông nội là cụ Cao Xuân Dục, Thượng thư bộ Học, Tổng tài Quốc sử quán; cha là cụ Cao Xuân Tiếu, đỗ Phó bảng, là chánh chủ khảo nhiều cuộc thi thời đó. Cao Xuân Huy được sự dạy dỗ của cha ông, học chữ Nho, học chữ Pháp, đi dạy và suốt đời đọc sách. Ông thông thạo triết học Trung Hoa từ cổ đại đến cận đại, đặc biệt ông yêu thích triết học Lão Trang và trở thành một nhà đạo học nổi tiếng. Khi Giáo sư-Viện sĩ Eidelyn (Liên Xô) sang Việt Nam tiếp xúc với ông thì tấm tắc khen “trên thế giới ngày nay không còn có mấy người hiểu và sống Lão Trang như ông Huy”. Về triết học phương Tây, ông cũng thông thạo từ triết học cổ đại Hy-La cho đến thời hiện đại; nhiều nhà nghiên cứu các triết thuyết phương Tây khi đọc sách có vấn đề gì hóc búa thường tìm đến ông để được nghe giảng giải, tường minh. Khi thành lập Đại học Hán học năm 1965 tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông là giáo sư chính giảng dạy Nho học, Lão học và các triết thuyết Trung Quốc, Việt Nam khác, đặc biệt là về Thiền học. Ông nghiên cứu sâu triết học với Nho học thời Nguyễn. Ông viết ít nhưng những gì mà ông giảng dạy đều sâu sắc, gãy gọn, khúc chiết. Cuốn sách của ông gồm những di cảo tản mác về triết học cổ Việt Nam được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng công trình lớn để lại cho văn hóa lại có lẽ là những học trò của ông ở tản mác các viện và các trường đại học, trong đó có 4 vị được phong Giáo sư và hàng loạt vị khác là Phó giáo sư, Tiến sĩ. Ông cũng là cha của Giáo sư Cao Xuân Hạo - một người có biệt tài về ngoại ngữ và ngữ học. Công trình “Ngôn ngữ học tuyến tính” của Cao Xuân Hạo bằng tiếng Pháp được một nhà ngữ học người Pháp cho là một “Copernic” trong ngữ học.

3. Giáo sư Đặng Thai Mai - người chăm những luống xanh

Nói về Đặng Thai Mai, ai cũng nghĩ ngay đến một học giả uyên bác, một người có nhiều ân tình đối với thế hệ học sinh, một người đàn anh ưu ái lớp người kế cận. Khi cầm bút, giáo sư đã đi theo quy luật “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Đặng Thai Mai đã viết về nhiều lĩnh vực thuộc văn học Việt Nam và văn học thế giới: văn học Lý - Trần, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Ái Quốc, Tố Hữu… nhưng công trình để lại xuất sắc nhất là thuộc nền văn học yêu nước và cách mạng thế kỷ 20, đó là 2 cuốn: Văn thơ Phan Bội Châu (1958) và Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1961). Nói về văn thơ cách mạng đầu thế kỷ 20, đối với Đặng Thai Mai cũng tức là nói về lớp cha anh chú bác của mình, nói về một thời ít nhiều ông là nhân chứng, làm khoa học và viết văn học sử như thế, mấy người có đủ tư cách và điều kiện như Đặng Thai Mai. Đối với việc tìm hiểu văn học thế giới, Đặng Thai Mai có nhiều đóng góp quan trọng. Nhà văn Tây học ấy đã dịch và nghiên cứu văn học Trung Quốc: Lỗ Tấn, thân thế văn nghệ (1944) (gồm bản dịch AQ chính truyện, hai truyện ngắn Khổng Ất Dỹ, Lễ cầu phúc, vở kịch Ngã ba), Lôi vũ, Nhật xuất (1946) của Tào Ngu, Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (1945). Phần văn học Trung Quốc hiện đại đối với người Việt Nam ta lúc bấy giờ là một mảnh đất chưa ai khai phá. Việc làm của ông có tính chất mở đường.

Với bài viết Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa Phục hưng, Đặng Thai Mai đã cảm nhận rất uyên bác và sâu sắc về văn học và văn hóa phương Tây. Ngay từ trong Văn học khái luận (1944) ông đã nhấn mạnh: “nếu muốn gây dựng một nền văn hóa quốc gia cho đầy đủ, vững vàng, thì ta cũng cần thâu thái lấy những tinh hoa của thế giới, của nhân loại”.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, trong bài Người chăm luống xanh tặng ông, có viết:

Thâu đêm trang sách mở

Chí bay tìm ngàn xa

Đến một ngày rợp cờ đỏ

Nhìn non sông nước mắt rơi

Từ ấy quên tháng năm trong lửa

Anh chăm những luống xanh

Cho thời đại con người…

4. Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam

Hoài Thanh sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho nghèo. Năm 17 tuổi Hoài Thanh đã vào Tân Việt cách mạng đảng rồi bị Pháp bắt giam, bị kết án tù, rồi bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ. Đồng thời với việc viết văn, ông là một nhà hoạt động xã hội. Sự nghiệp phê bình của Hoài Thanh bao quát trên một diện khá rộng, từ văn chương cổ điển đến văn chương hiện đại và vị trí đặc biệt cuối cùng vẫn là bộ hợp tuyển 400 trang Thi nhân Việt Nam. Giá trị của Thi nhân Việt Nam và gắn với nó là số phận của phong trào Thơ mới, với con mắt xanh tinh tế và sự mẫn cảm đặc biệt, Hoài Thanh đã sớm nhận ra giá trị của Thơ mới, tính đa dạng và phức tạp của nó. Bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca in ở đầu sách cùng với những lời bình đối với mỗi nhà thơ được tuyển chọn trong sách đều là những trang súc tích, sinh động, hiếm thấy trong văn nghiên cứu phê bình ở ta. Hơn 80 năm sau nhìn lại, tác phẩm này gần như vẫn còn nguyên giá trị, đã cung cấp cho người đọc các thế hệ những hiểu biết quan trọng về Thơ mới, từ quá trình phát sinh phát triển đến cả phong trào, rồi từng tác giả tiêu biểu. Say mê văn chương, Hoài Thanh là người chủ trương đi tìm cái đẹp trong những dòng chữ, ông dành nhiều tâm lực cho việc tìm hiểu thơ. Hoài Thanh chủ yếu biểu dương những đặc sắc của sự sáng tạo bất kể đó là của nhà văn nổi tiếng hoặc cây bút mới xuất hiện. Văn phong của Hoài Thanh in đậm cá tính: dí dỏm, thông minh và biến hóa sinh động.

Rồi người đời có thể sẽ quên dần và quên hết các chức tước, các trọng trách mà ông từng nắm giữ để chỉ còn mãi mãi tác giả Thi nhân Việt Nam như dòng ghi trên bia mộ ông hiện nay: “Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam”, mặc dù chắc hẳn không chỉ có Thi nhân Việt Nam mà còn những công trình khác nữa trong các chuyên luận ông để lại.

5. Vũ Ngọc Phan - hơn nửa thế kỷ lao động bền bỉ

Một cuộc đời với 60 năm hoạt động không mệt mỏi trên nhiều lĩnh vực, ở mỗi lĩnh vực đều có sự đóng góp qua sự thanh lọc nghiệt ngã của thời gian vẫn còn để lại dấu ấn khá đậm, ở phần nửa đầu thế kỷ là bộ sách Nhà văn hiện đại và phần nửa sau thế kỷ là Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam được tái bản hàng chục lần. Vũ Ngọc Phan - nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, nhà báo, nhà dịch thuật, nhà văn. Một cuộc đời và sự nghiệp như vậy rất đáng cho các thế hệ sau kính trọng và ngưỡng mộ. Bộ sách Nhà văn hiện đại với chân dung và sự nghiệp của 19 tác giả, bao quát trên 30 năm hoạt động của một thời kỳ rất sôi động với sự phát triển mau lẹ khác thường. Những thao tác cần thiết cho việc biên soạn bộ sách này thực sự công phu, tỉ mỉ, là sự tuân thủ những kỷ luật nghiêm khắc của lao động khoa học. Cùng với một khối lượng lao động khổng lồ và một khả năng thẩm định tinh tế, sắc sảo đã tạo thành tư chất của nhà phê bình mẫu mực, làm gương cho các thế hệ sau. Trong hồi ký Những năm tháng ấy, ông đã ghi lại: “Tôi viết Nhà văn hiện đại từ tháng 12-1938 đến cuối tháng giêng năm 1940 thì xong lượt đầu, tất cả 1.650 trang trên giấy học trò. Tư liệu dùng vào bộ sách lấy ở sổ tay, tôi có trên 50 sổ tay ghi về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, lịch sử Việt Nam… Đến tháng 12- 1942 viết xong lượt thứ 2, đã sửa và bổ sung”.

6. Nam Trân - Huế đẹp và thơ

Như chúng ta đã biết, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã có những nhận xét nồng nhiệt và ưu ái dành cho Nam Trân ngay từ khi tập Huế, Đẹp và Thơ vừa ra đời: “Lối thơ tả chân vốn xưa ta không có. Đây đó rải rác cũng nhặt được đôi câu, nhưng đến Nam Trân mới biến thành một lối. Nam Trân đã tìm ra một khoảng đất mới và ở đó người đã dựng lên - ý chừng để sát nhập làng thơ Việt - cái cảnh núi Ngự sông Hương… lần thứ nhất những vẻ đẹp xứ này được diễn ra thơ”. Những lời đánh giá dường như đã sớm khẳng định vị thế đặc biệt của Nam Trân trong làng Thơ mới.

Nhắc đến Nam Trân, người đọc nhớ ngay đến Huế, Đẹp và Thơ. Ấn tượng về cảnh sắc và con người xứ Huế đã trở thành một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nam Trân. Phong cảnh thiên nhiên Huế làm thành nét riêng độc đáo của hồn thơ Nam Trân và thơ của ông cũng góp phần làm phong phú và bồi đắp thêm hồn Huế. Góp vào bức tranh làng quê Việt Nam thời quá vãng, nhà thơ Nam Trân có bài Cảnh quê. Bài thơ được in lần đầu trên báo Tràng An ngày 2-4-1935. Trong lúc Thơ mới đang chú trọng vào mô tả những trạng thái cảm xúc muôn mặt của tình yêu thì Nam Trân hướng vào đồng quê với một cách thể hiện riêng. “Bức tranh quê” của Nam Trân với không khí u trầm tĩnh lặng, mang hơi hướng cổ điển của Đường thi.

Những mong ước đơn sơ và hình ảnh bình dị càng trở nên đặc biệt khi nó được bộc lộ trong tâm thế của một vị quan lại trong chính phủ Nam triều đã từng giữ tới chức Tham tá Tòa Khâm sứ Huế. Dường như ở đây khoảng cách giữa quan - dân đã bị xóa nhòa, chỉ còn lại sự hòa điệu giữa tâm hồn thi nhân và tạo hóa.

Thời gian đầu mới thành lập, Viện Văn học đã thực hiện một sự kiện lớn. Đó là việc chuẩn bị cho ra đời bản dịch Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào dịp sinh nhật lần thứ 70, tháng 5-1960. Chuẩn bị cho công việc này đã có khởi động từ khá sớm vào giữa năm 1959, khi viện nhận được văn bản từ Bảo tàng Cách mạng và nhận trách nhiệm của cấp trên giao phó. Người bận rộn và có công nhất trong việc này là nhà thơ Nam Trân. Tổ chức được việc dịch 114 bài để đưa in (trong tổng số 133 bài của cả tập) mà số rất lớn là do Nam Trân dịch - những bản dịch đã sống được trong tâm trí nhiều thế hệ bạn đọc cho đến nay; cùng với bao công phu chuẩn bị cho tập thơ ra đời kịp thời gian, quả đã góp vào sự ra mắt Viện Văn học năm 1960 một dấu ấn đặc biệt, rất khó quên. Nhật ký trong tù ra đời với hàng vạn bản in, thật sự là một sự kiện văn học lớn không chỉ trong đời sống văn học mà là cả đời sống văn hóa xã hội, chính trị, không chỉ của năm 1960 mà cả nhiều thập niên về sau. Bởi ở chính tác phẩm may mắn còn lưu giữ được này, tư cách nhà thơ, người nghệ sĩ và tư cách danh nhân văn hóa của Hồ Chí Minh có dịp được chứng minh một cách rõ rệt và có sức thuyết phục cao. Từ bản in cả Hán và Việt đó mà có các bản dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Rồi từ các bản dịch đó mà Nhật ký trong tù được cả thế giới biết đến. Và do đó tổ chức UNESCO đã có căn cứ để tôn vinh Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới năm 1990 - năm kỷ niệm 100 năm sinh của Người. Cùng với những kỷ niệm chung quanh việc dịch Nhật ký trong tù còn một sự kiện khác. Đó là một bài báo đăng trên Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) số ra ngày 18-10-1962 được Hồ Chủ tịch đánh dấu bằng bút chì đỏ gửi tới Viện trưởng Đặng Thai Mai có nhan đề Lương công bất thị nhân dĩ phác (nghĩa là: Người thợ khéo không trao đồ đạc vụng về cho người khác). Sau này, đã có nhiều dịp GS Đặng Thai Mai trân trọng dùng tinh thần của bài báo được Bác gửi đến này để căn dặn cán bộ của viện, nhất là lớp trẻ.

 

PGS-TS LƯU KHÁNH THƠ