HV134 - Đi làm nghĩa vụ quốc tế

Một tuần sau ngày thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, thoát khỏi bàn tay diệt chủng của bọn cầm quyền Pôn Pốt - Iêng Xa-ry, chúng tôi được lệnh lên đường sang Campuchia giúp bạn.

Cục Huấn luyện chiến đấu (còn gọi là Cục Quân huấn) trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có bộ phận Tiền phương thường trực ở phía Nam - đa số là những sĩ quan miền Bắc thay phiên nhau vào trực, chỉ có 2 sĩ quan quê ở miền Nam, đó là Hai Nhưng và tôi. Tiền phương Cục đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, phụ trách bộ phận này là đại tá Tư Vẽ (Phó cục trưởng). Nhiệm vụ của Tiền phương Cục là theo dõi các đơn vị phía Nam về công tác huấn luyện và tác chiến. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, Cục Huấn luyện chiến đấu đã cử nhiều cán bộ xuống tận các chốt tiền tiêu để nghiên cứu cách đánh của địch, từ đó đề ra phương pháp huấn luyện bộ đội chiến đấu cho phù hợp để bảo đảm thắng lợi. Ngày lên đường “tiền trạm” chỉ có ba người, ngoài Tư Vẽ còn có Hai Nhưng (trung tá - trợ lý kế hoạch) và tôi (đại úy - trợ lý kỹ thuật).

Huân chương Độc lập hạng nhất do Chủ tịch Heng Samrin ký tặng tác giả

Tôi sinh ra và lớn lên từ thành phố Sài Gòn, năm 1965 khi Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam, tôi thoát ly gia đình vào chiến khu gia nhập quân Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi lập gia đình và có được một bé gái vừa tròn 2 tuổi. Sau khi học xong khóa bổ túc cán bộ trung cấp quân sự (thời gian 1 năm) ở trường Quân chính Quân khu 7, tôi được điều động về đơn vị mới, tham gia cuộc chiến ở biên giới Tây Nam. Khi đất nước Campuchia vừa được giải phóng, chúng tôi lại phải đi ngay sang chiến trường nước bạn. Lời Bài ca tạm biệt của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền cứ văng vẳng bên tai: “Chưa yên vui cho trọn ngày/ Áo lính đã khoác vào ngay…”. Buổi chia tay người thân, nhìn bàn tay bé xíu của đứa con gái đầu lòng vẫy vẫy mà lòng cảm thấy nao nao.

Từ sáng sớm, chúng tôi kể cả tài xế (4 người) lên đường trên chiếc xe Jeep do chiến sĩ Sơn lái. Rời thành phố, xe bon bon trên quốc lộ 22 qua địa phận tỉnh Tây Ninh, trời vẫn còn se lạnh. Chuyến công tác này không biết bao lâu? Lành dữ thế nào? Nét mặt mọi người có vẻ trầm ngâm. Để phá tan bầu không khí yên lặng, Tư Vẽ ngồi ở băng ghế trước quay lại hỏi tôi:

- Kỳ này đi chiến trường lâu, cậu chia tay vợ con thế nào? Cô ấy có buồn không?

Tôi đáp ngay:

- Thưa thủ trưởng, dĩ nhiên là buồn…

Tư Vẽ cười, quay sang hỏi Hai Nhưng:

- Còn anh thế nào?

Hai Nhưng hơi buồn:

- Vợ tôi đang mang bầu, anh biết đó. Lệnh là phải chấp hành, không biết khi vợ sanh có mặt mình ở nhà không?

Tư Vẽ trấn an:

- Bộ phận Tiền phương thiếu người nên phải cử anh đi. Anh yên tâm, qua đó giúp bạn nếu tình hình ổn, có người thay tôi sẽ đề nghị cho anh về.

Hai Nhưng (sinh năm 1936) quê Tiền Giang, anh đi bộ đội đánh Tây từ năm 16 tuổi, tập kết ra Bắc năm 18 tuổi. Năm 1960, anh lập gia đình với một cô gái quê ở Sơn Tây và có một đứa con gái. Sau đó anh trở về miền Nam chiến đấu ở đơn vị Sư đoàn 7 miền Đông Nam Bộ. Ngày thống nhất đất nước, Hai Nhưng trở ra Bắc thì mới hay tin người vợ ở quê nhà đã mất vì trúng bom Mỹ. Năm 1978, anh lập gia đình lần thứ hai với một cô gái cùng quê ở Mỹ Tho và hiện vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng.

Tư Vẽ lại quay sang hỏi tài xế Sơn:

- Còn cháu thì sao? Có chia tay người yêu không?

Sơn giảm tốc độ cho xe chạy chậm lại, trả lời ngay:

- Thưa chú, rồi. Nó khóc quá trời…

- Sao lại khóc?

- Nó sợ con “đi không trở lại”, nghe nói bọn Pôn Pốt vẫn còn “quậy” dữ lắm.

Chúng tôi cũng đề phòng điều không may xảy ra nên trên xe có thủ sẵn 3 khẩu tiểu liên AK và cơ số đạn đủ để chiến đấu khi bị địch phục kích dọc đường.

Sang bên đất Campuchia là khu vực Bà Vẹt thuộc tỉnh Svây-riêng chưa có trạm kiểm soát. Ấn tượng đầu tiên khi vượt qua đường biên là như đi vào vùng đất chết, không có nhà cửa, cũng không có một bóng người. Hai bên đường toàn là đồng trống hoang vắng, đất khô cằn cỏ cháy vàng úa. Con đường mang tên quốc lộ 1 là đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với Phnôm Pênh, bị tàn phá nặng nề vì chiến tranh; trong thời gian cầm quyền, bọn Khmer Đỏ không tu sửa gì cả nên đường hẹp và rất xấu. Đi sâu vào chừng 2km mới thấy lác đác có những ngôi nhà sàn xiêu vẹo, đến một cây cầu bắc qua một con sông nhỏ đã thấy bên đường 2 chiếc PT-85 (loại xe tăng hạng nhẹ) của địch bị cháy chỉ còn trơ khung.

Đến thị xã Svây-riêng mới thấy đông người, xe dừng lại nghỉ. Cảnh tượng nơi đây thật hoang tàn, không có cửa tiệm, không xài tiền nên không có bán buôn. Bộ đội ta và bạn đang phân phát lương thực cứu đói cho đồng bào. Nhìn những thân hình tiều tụy xếp hàng nhận khẩu phần ít ỏi mà không khỏi động lòng. “Một miếng khi đói bằng gói khi no”, Việt Nam phải san sẻ gạo cho bạn trong khi lương thực trong nước cũng đang gặp khó khăn. Vụ lũ lụt lịch sử năm 1978 gây nên nạn mất mùa trầm trọng làm kinh tế Việt Nam kiệt quệ, người dân phải ăn độn khoai sắn.

Những người dân Campuchia nhìn thấy chúng tôi họ đều chắp tay cúi đầu trong khi những đứa trẻ vẫy tay cười, miệng nhai ngồm ngoàm một loại bánh trái gì đó chúng vừa kiếm được.

Nếu quan sát kỹ trong số dân chúng chỉ thấy toàn phụ nữ và trẻ em, không có đàn ông và thanh niên trai tráng, có lẽ họ đã bị giết hoặc bị bắt đi lính làm bia đỡ đạn cho bọn Pôn Pốt.

Xe lại tiếp tục vượt qua chặng đường đầy ổ gà, có những chỗ to như ổ voi phải vòng tránh. Rải rác dọc theo đường từng tốp người tay xách nách mang những vật dụng lỉnh kỉnh như nồi niêu, rổ rá… hoặc đội trên đầu một cái bao đựng thứ gì đó. Những thân hình còm cõi, thất thểu đi trên con đường đầy bụi dưới cơn nắng chói chang - cũng chỉ toàn là đàn bà và trẻ em. Họ đi về đâu? Có lẽ họ vừa thoát khỏi những nông trại tập trung tìm về nơi ở cũ.

Svây-riêng là vùng đồng bằng trước đây ruộng lúa phì nhiêu, dưới chế độ Khmer Đỏ đã trở nên điêu tàn. Phải chăng Pôn Pốt muốn biến tỉnh biên giới địa đầu giáp với Việt Nam này thành vùng đất trắng!

Xế trưa thì đến bến phà Niếc Lương thuộc tỉnh Prây-veng. Nghe kể vùng đất này là nơi nghèo nhất Campuchia, thường xuyên bịlụt lội và hạn hán. Cũng như Svây-riêng, Prây-veng là tỉnh giáp biên giới Việt Nam, lànơi chịu đựng bom đạn Mỹ nặng nềnhất vào thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh ở ba nước Đông Dương.

Thời trước, Việt kiều ở hai tỉnh này rất đông. Năm 1970, Lon Nol làm cuộc đảo chính Sihanouk mở chiến dịch cáp duồn (massacre) tẩy chay Việt Nam, tàn sát hàng trăm người Khmer gốc Việt thả trôi trên sông Mê Kông. Hành động đẫm máu này đã gây nên làn sóng căm phẫn trước dư luận quốc tế, buộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải đưa Việt kiều về nước sống tập trung ở các khu quanh vùng ven Sài Gòn.

Niếc Lương là một thị trấn nằm bên dòng sông Mê Kông, thượng nguồn của sông Tiền Giang. Hiện dưới bến đang có hai chiếc phà trọng tải 100 tấn sơn màu trắng thay phiên qua lại đưa dòng người xe qua sông. Những ngày này hầu như chỉ có xe quân sự của bộ đội ta và bạn. Bám theo xuống phà là những người dân từ các nơi đổ về, họ tìm về nhà cũ sau khi được tin thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng.

Đứng trên phà nhìn những dề lục bình trôi theo con nước lớn, trong đó nổi lên những bông hoa tim tím, lơ lửng trên dòng nước đục ngầu phù sa. Ánh nắng chói chang, hai bên bờ sông xa ngút tầm mắt xanh um những hàng cây. Dòng sông Mê Kông cũng như dòng sông Vàm Cỏ Đông đã từng hứng chịu bom đạn của kẻ thù, đã từng chứng kiến bao sự kiện đổi thay của hai dân tộc láng giềng Việt Nam - Campuchia.

Có một ông lão dẫn theo một bé gái đang đứng dựa lan can phà nhìn chúng tôi chăm chăm với ánh mắt có vẻ thiện cảm. Hai Nhưng bước lại gần hỏi:

- Bòn tâu na? (Ông đi đâu?)

- Khơ nhum tâu Phnom Penh. (Tôi đi về Phnôm Pênh)

Chỉ hỏi thế thôi rồi Hai Nhưng lặng im. Tôi hỏi anh:

- Sao anh không hỏi chuyện tiếp với ông ta?

Hai Nhưng cười:

- Tao chỉ biết có bấy nhiêu tiếng Khmer… Ngày xưa biết chút đỉnh nhưng bây giờ quên hết rồi.

Tư Vẽ chen vào:

- Người Khmer họ biết tiếng Pháp nhiều, để tôi hỏi thử.

Rồi anh hỏi ông lão bằng tiếng Pháp:

- Parlez-vous français? (Ông nói được tiếng Pháp không?)

Ông lão đáp ngay:

- Je parle un peu français. (Tôi nói được chút ít tiếng Pháp)

Thế rồi hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tư Vẽ (sinh năm 1930) quê ở Hà Nội, là học sinh trường Bưởi có bằng diplôme nên nói tiếng Pháp khá sõi. Ông vào bộ đội năm 1950, có tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị là Trung đội trưởng, trong thời kỳ chống Mỹ ông chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Qua lời Tư Vẽ nói lại thì ông lão này trước đây là giáo viên một trường trung học ở Phnôm Pênh. Gia đình ông cả thảy 4 người bị đưa xuống nông trường phía Nam ở Prây-veng, vợ ông đã chết vì lao động kiệt sức. Đứa con trai lớn 15 tuổi bị bọn Ăng-ka (bọn chỉ huy) bắt đi lính giờ không biết sống chết ra sao, chỉ còn đứa con gái nhỏ 10 tuổi mà ông may mắn tìm gặp khi nó đang sống tập trung ở trại thiếu nhi.

Tư Vẽ quay sang hỏi chúng tôi:

- Các cậu đoán thử xem ông này bao nhiêu tuổi?

Tôi nói ngay:

- Chắc độ chừng 60.

Tư Vẽ thở dài:

- Chỉ mới 40 thôi, cuộc sống khổ cực làm con người ta già vậy đó...

Rồi anh quay sang hỏi tiếp “ông lão” bằng tiếng Pháp:

- Voulez-vous aller avec nous? (Anh có muốn đi với chúng tôi không?)

“Ông lão” mắt sáng lên:

- Oui, merci monsieur, comme vous êtes gentil! (Vâng, thưa ông, ông thật tốt bụng quá!)

Phà sang bên kia sông. Tôi ngồi trên thành xe nhường chỗ cho hai cha con người giáo viên ngồi băng ghế cùng Hai Nhưng. Tư Vẽ lại tiếp tục hỏi chuyện người giáo viên và phiên dịch cho chúng tôi nghe:

“Khi quân Khmer Đỏ tiến vào Phnôm Pênh, nhiều người dân vui mừng chạy ra đón, nhưng chỉ vài giờ sau họ đi từng nhà ra lệnh cho dân chúng phải rời khỏi thành phố. Mọi người chỉ được mang theo đồ tư trang cá nhân, chúng nói đi vài bữa rồi sẽ về vậy mà gia đình tôi lưu lạc mất ba năm…

Dân thành phố như tôi từ nhỏ đến lớn chưa hề cầm cuốc xẻng, nay phải bắt đi lao động cực nhọc, nhiều người chết vì kiệt sức, chết vì bị tra tấn đánh đập. Chúng rất ghét trí thức, nhiều giáo viên như tôi bị giết vì để cho chúng biết là người có học. Tôi phải giấu thân phận mình, giả dốt, giả điếc mới sống được tới ngày hôm nay…”.

Anh ta còn kể nhiều hành động tàn ác của Ăng-ka. Chúng coi tính mạng con người rẻ rúng như con gà, con vịt, muốn giết lúc nào thì giết. Phụ nữ có chút nhan sắc thường bị chúng hãm hiếp tập thể…

Anh cũng không ngờ được bộ đội Việt Nam đem quân sang cứu mạng, nếu kéo dài thêm một thời gian nữa thì còn nhiều người chết oan, biết đâu trong số đó có cả cha con anh…

Nhìn nét mặt khô khốc, đờ đẫn già trước tuổi của người giáo viên này đủ hiểu anh ta đã trải qua những ngày tháng đọa đày gian khổ trong “địa ngục trần gian” như thế nào. Tôi lấy gói bánh quy đưa cho anh dùng tạm, anh nhấm nháp vài miếng rồi dành hết cho con, đứa bé nhai ngấu nghiến như chưa từng được ăn một thứ bánh gì ngon như vậy.

Từ phà Niếc Lương đến Phnôm Pênh xe chạy khoảng 1 giờ, hai bên đường đã thấy có nhiều ngôi nhà khang trang nhưng cửa vẫn đóng kín mít. Có một ngôi chùa rất to nằm bên phải đường gọi là chùa Ta-khmay. Gần đến chùa chợt nghe nhiều tiếng súng nổ, xe chúng tôi phải dừng. Lát sau tiếng súng im bặt, xe chúng tôi chầm chậm tiến lên trong tư thế súng lăm lăm trong tay sẵn sàng chiến đấu.

Khi đến gần chùa đã thấy bộ đội ta giải ba tên lính Pôn Pốt bị trói thúc ké đi qua lộ. Được biết đó là bọn nằm lại trong rừng đói lương thực mò ra cướp phá. Người giáo viên nói:

- Côn top Việt Nam lò o… Pà xưng chà Pon Pốt cháp tằn ót hơi (Bộ đội Việt Nam tốt… nếu là Pôn Pốt thì chúng giết hết rồi).

Xe chạy một đỗi nữa đã nhìn thấy cầu Mô-ni-vông, cửa ngõ vào thủ đô Phnôm Pênh. Không hiểu sao Việt kiều sống ở đây đặt tên cho cây cầu này là cầu Sài Gòn, có lẽ họ nhớ về tổ quốc chăng?

Qua cầu đã thấy bộ đội Campuchia đứng gác trên cầu, họ nhìn chúng tôi giơ tay vẫy chào. Hai Nhưng chào đáp lại cười nói: “Việt Nam - Campuchia Xa ma khi - Sóc xà bai”. Trên đường phố nhiều người dân kéo nhau trở về tìm lại mái nhà xưa, niềm vui rạng rỡ trên gương mặt từng người, họ như vừa được sống lại từ cõi chết.

Xe chạy theo đại lộ Mô-ni-vông đưa cha con người giáo viên xuống khu chợ Ô-rơ-xây là nơi ở cũ của gia đình anh.

Đường sá trong thành phố chia thành từng ô. Hai bên đại lộ có nhiều ngôi biệt thự vẫn còn vắng người. Trung tâm thành phố có những tòa nhà cao tầng, rạp chiếu bóng, dãy hiệu buôn, tất cả đều đóng cửa. Một số cửa tiệm vẫn còn bảng hiệu bằng chữ Trung Quốc. Nhiều tòa nhà treo cờ của Mặt trận cứu nước Campuchia, chỉ những nơi này mới có đông người ra vào.

Chúng tôi vào một đơn vị bộ đội Việt Nam ở bờ sông Tông-lê Sáp hỏi đường thì được biết Bộ tư lệnh Tiền phương đóng cạnh cung điện Cham-ca Mon. Đó là khu nhà rất khang trang, rộng rãi, nơi đây có đủ mặt các sĩ quan của bộ phận Tiền phương. Mọi người có vẻ tất bật nhưng vẫn chào hỏi nhau niềm nở. Một tấm băng rôn to ghi lời nói của Bác Hồ lúc sinh tiền khi đi thăm một đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn Lào: “Giúp bạn là tự giúp mình, chiến đấu trên nước bạn cũng phải dũng cảm như chiến đấu trên đất nước mình”.

Khoảng mười ngày sau khi Phnôm Pênh được giải phóng, Hội đồng cách mạng Campuchia được thành lập do ông Heng Samrin làm chủ tịch. Hội đồng này đã ký một hiệp ước với Việt Nam, hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên đất nước Campuchia. Từ đó Bộ tư lệnh quân Tình nguyện được thành lập (mang tên 719) do tướng Lê Đức Anh làm tổng chỉ huy. “Cuộc trường chinh” làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn xây dựng chính quyền mới đã bắt đầu…

Bọn cầm quyền Khmer Đỏ bị quân ta tấn công thần tốc nên bỏ chạy, phần lớn quân của Pôn Pốt tan rã tại chỗ. Số tháo chạy tập hợp nhau lại xây dựng căn cứ dọc biên giới Thái Lan. Được sự hỗ trợ của nước ngoài, chúng thường xuyên xâm nhập vào nội địa, móc nối bọn tàn quân cũ tấn công bộ đội ta và lực lượng bạn, hòng xoay chuyển tình thế. Khi chiến sự diễn ra, chúng tôi với cương vị là phái viên của Bộ tư lệnh đã đến các Mặt trận 479 (Xiêm Riệp - Bát-tam-bang), Mặt trận 579 (Stung Treng), Mặt trận 779 (Công-pông Chàm), Mặt trận 979 (Pua-xát) để nắm tình hình giúp Bộ tư lệnh có cách đối phó với địch. Mãi đến năm 1989, khi lực lượng bạn đủ mạnh, quân Tình nguyện Việt Nam mới rút về nước.

Riêng tôi không ngờ mình lại trải qua “nghĩa vụ quốc tế” kéo dài đến 10 năm trên chiến trường nước bạn (từ 1979 đến 1989). Qua 10 năm công tác giúp bạn, tôi được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, đây cũng là món quà tinh thần đối với tôi.

NGÔ BÁ CHÍNH