HV134 - Nguyện vọng của một người đã khuất

Đó là vào một đêm trăng sáng ở Đồng Tháp Mười - khu căn cứ địa nổi tiếng của kháng chiến Nam Bộ - khoảng giữa năm 1950, buổi liên hoan văn nghệ của anh em Phòng Nghiên cứu địch tình Ban Quân báo Khu 8 chúng tôi đón một người khách lạ đến chơi. Anh ta cao lớn đẹp trai với mũi cao trán rộng, giọng nói rặt giọng Sài Gòn. Hồi ấy Phòng Nghiên cứu Quân báo hội tụ rất nhiều thành phần xã hội như công chức, sinh viên, nhà báo, nhà thể thao và cả nghệ sĩ cải lương. Do đó cứ vào tối thứ bảy là chúng tôi liên hoan văn nghệ, có cả nhân dân vùng đóng quân tham gia rất đông vui. Chập tối đến hơn 9 giờ là chơi nhạc mới, còn từ đó đến khuya chơi nhạc tài tử cải lương. Người khách Sài Gòn lúc đầu có vẻ ngạc nhiên, chắc anh không ngờ giữa Đồng Tháp Mười còn hoang vu ngút ngàn đồng cỏ lại có thể tổ chức buổi liên hoan đông vui đến vậy. Rồi anh cũng vui vẻ tham gia ca hát và nhảy nhót với chúng tôi. Có người nói nhỏ với tôi: “Anh ta vừa cùng 50 bạn tù vượt ngục Phú Lâm ra đó”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Vượt ngục?”. “Đúng vậy! Anh Bảy Tân (Phó ban Quân báo khu) nghe tin cho người đón về cơ quan mình. Nghe nói hồi công tác ở Sài Gòn ảnh nhảy đầm hay lắm. Nay mới thấy đúng quá!”.

Cuộc liên hoan kéo đến lúc gà gáy, nhưng xem ra chẳng ai muốn kết thúc.

***

Mấy hôm sau, tôi tìm đến thăm anh ở trạm giao liên Quân báo. Chúng tôi đi dọc bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, một con kênh dài của Đồng Tháp Mười. Hai bên bờ kênh ngoài nhà dân là một màu cỏ xanh mênh mông đến tận chân trời. Xa xa những cây ô môi nở hoa đẹp như hoa anh đào Nhật Bản. Chúng tôi đến ngồi dưới gốc cây ô môi hút thuốc lá. Tôi hỏi chuyện anh bị bắt và cuộc vượt ngục vừa rồi. Anh vui vẻ kể:

“…Tôi đang làm thư ký cho đội bốc xếp Cảng Sài Gòn, thì được chỉ thị của trên bằng mọi cách phải lọt vào ổ mật thám Catinat, vì có ý kiến cho rằng “muốn bắt cọp phải vào tận hang ổ của nó”. Chỉ thị của cấp trên tôi phải tuyệt đối chấp hành dù chuyện chui vào Catinat là chuyện hết sức khó khăn. Tuy vậy, cuối cùng tôi cũng trở thành nhân viên của mật thám Catinat vào đầu năm 1947. Anh biết bót Catinat rồi chớ? Gọi là bót là cách gọi thông thường của người dân, chứ nó chính là trụ sở của Mật thám Sài Gòn, đồng thời cũng là trụ sở của Mật thám Liên bang Đông Dương do tên Bazin - dân ta quen gọi là “Cò Bazin” - khét tiếng tàn ác và xảo quyệt làm sếp. Thằng nầy còn giỏi tiếng Việt đến mức có thể ngâm Kiều, lẩy Kiều như người Việt Nam trí thức uyên bác.

 Nó còn nổi tiếng với tài bắn súng ngắn trăm phát trăm trúng mục tiêu bất cứ ở tư thế nào. Nó bị anh La Văn Liếm, chỉ huy Công an Xung phong Sài Gòn, tổ chức bắn chết ở trước nhà hàng La Pagode nằm góc đường d’Espagne [nay là Lê Thánh Tôn] và Catinat [nay là Đồng Khởi] lúc nó chờ xe đến chở đi làm. Vụ giết một tên chánh mật thám Liên bang Đông Dương ngay phố sầm uất đông người nhất làm rúng động cả Sài Gòn và miền Nam bấy giờ. Nhưng đó là chuyện sau. Còn bây giờ trở lại chuyện Catinat. Nó là hang ổ mật thám lớn nhất Sài Gòn với quân số gần một tiểu đoàn, trong chu vi nó ngoài các phòng làm việc, phòng hỏi cung (tra tấn), trại giam, còn có căng tin riêng để bọn điều tra viên có nhiều nợ máu ăn ở tại chỗ, vì không dám ra ngoài sợ quần chúng trả thù. Có việc cần ra ngoài, chúng đều cải trang cẩn thận để tránh bị nhận diện và đi về không theo quy luật nào cốt tránh bị theo dõi. Trong bót có 4 đội trinh sát điều tra mà chúng gọi là Brigade. Đứng đầu Brigade 1 là tên Mai Hữu Xuân, Brigade 2 là tên Armand Cảnh, Brigade 3 là Michel Mỹ và Brigade 4 là thằng Géo Nam chỉ huy.

Bốn Brigade này đều tàn ác khát máu như nhau, nhưng nổi tiếng nhất là Brigade 1 của tên Mai Hữu Xuân. Hầu hết điều tra viên của nó đều xuất thân từ đám võ sĩ giang hồ dao búa, từng thượng đài đấm đá trong các hội chợ đấu xảo như thằng Tiểu La Thành - dân giang hồ gọi nó như vậy chứ không biết tên thật là gì, thằng Kiss Chapuy, Kiss Damache - toàn là “biệt danh” từ hồi còn đâm thuê chém mướn. Vì là võ sĩ nên chúng biết cách đánh - theo lệnh Mai Hữu Xuân - đau mà không chết, đánh cho tàn phế suốt đời, hoặc cần đánh chết thì “xong ngay” một cú đánh thẳng vào huyệt hiểm…

Buổi sáng hôm ấy tôi đứng tán gẫu với con đầm Perle - thư ký đánh máy ở Bureau Personnel, con đầm này khá xinh, rất có cảm tình với tôi sau mấy lần nhảy với nhau ở vũ trường Palace - trước khi về bàn làm việc của mình, chợt thằng cò Gautiez - “sếp sòng” Catinat đến vỗ vai tôi nói bằng tiếng Việt rất sõi: “Anh có phải là Lê Văn Định không?”. Tôi hơi chột dạ: Sao nó lại hỏi tên tôi, không lẽ nó quên… mà cũng có thể nó không nhớ vì tôi vào Catinat mới hơn sáu tháng còn là lính mới, trong khi quân số ở đây đến mấy trăm… Nghĩ vậy, tôi mỉm cười lễ phép: “Vâng, đúng tôi, thưa sếp”. “Mời anh xuống dưới phòng nói chuyện”. Tôi chào cô đầm rồi bước ra phía cầu thang, đến cầu thang theo phép lịch sự tôi lách sang một bên nhường sếp đi trước. Nó vỗ vai tôi: “Cứ đi đi!”. Tôi cảm thấy có gì không ổn rồi, một thoáng ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Không lẽ tôi bị lộ? Không, không, tôi chưa có sự sơ hở nào trong hành động để chúng nghi cả. Đang ở trong hang cọp mà, tôi đâu dám chủ quan… Đến cầu thang xuống tầng trệt, lại giữ phép lịch sự, tôi lách sang bên nhường nó xuống trước. Lần này nó kéo mạnh vạt áo veston của tôi gằn giọng: “Đi đi!”. Vậy là “rồi”! Tại sao chớ? Ý nghĩ lộn xộn trong đầu tôi chưa có lời giải đáp thì chân đã bước xuống bậc thang cuối cùng. Và thằng Tiểu La Thành đã đứng chờ sẵn với nụ cười đểu cáng. Đây là phòng của Brigade 1 Mai Hữu Xuân mà hằng ngày đi qua đây lên lầu làm việc, tôi đi rất nhanh để khỏi nghe tiếng kêu la của đồng chí đồng bào bị chúng tra tấn, đôi khi còn thấy máu rỉ ra ngoài khe cửa.

Thằng Gautiez đẩy tôi vào phòng. Đập vào mắt tôi là tấm tranh to treo trên tường sau bàn làm việc của thằng Mai Hữu Xuân, vẽ một bàn tay gân guốc kéo chiếc mặt nạ trễ xuống nửa khuôn mặt người với dòng chữ kẻ đậm phía dưới: “Ở đây không có gì bí mật cả!”. Dọc hai bên tường là những dụng cụ tra tấn. Thằng Gautiez dí vào mặt tôi một tờ giấy học trò nguệch ngoạc mấy chữ mà thoạt nhìn tôi biết ngay là chữ Năm Tú, chỉ huy Công an xung phong Sài Gòn - Chợ Lớn lúc ấy: “Có phải thằng Tú gởi cho mày không?”. Thì ra người liên lạc của Năm Tú đã bị bắt không chịu nổi đòn đã khai ra tôi, hay chính nó là kẻ phản bội đầu hàng tố giác tôi? Tôi chưa kịp trả lời thì một cú đấm như trời giáng vào mặt và cú lên gối vào bụng của thằng Tiểu La Thành khiến cho hủ tiếu tôi vừa ăn sáng phọt cả ra ngoài. Thằng Gautiez nhún vai đi ra sau khi ra hiệu cho thằng Mai Hữu Xuân tiếp tục tra tấn để khai thác những bí mật của tổ chức Công an xung phong mà chúng nghi tôi là một đầu mối quan trọng cài vào Catinat.

Chúng thay nhau đấm đá tôi đến trưa thì tôi ngất lịm hoàn toàn không còn biết trời đất gì nữa. Chúng khiêng tôi ném xuống trại giam, anh em xúm lại chùi máu, lấy muối xoa bóp vết bầm hầu như khắp người, lần hồi tôi tỉnh lại. Trại giam chia nhiều phòng nhỏ sức chứa chừng một hai chục người, nhưng người bị bắt quá đông chúng nhốt đến bốn năm chục, đa số gần như đứng chứ không có chỗ ngồi. Nơi gần cửa sổ dành ưu tiên cho người bị tra tấn nhiều, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng cần không khí để thở. Toàn phòng bốc mùi hôi thối nồng nặc đến lộn mửa. Bởi vì mỗi khi đi cầu ở nhà vệ sinh trở vô là mang cứt theo, gọi là nhà vệ sinh chứ thực sự gọi nhà cứt mới đúng vì phân người ngập đến mắt cá chân không có nước gội rửa. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng bị giam như vậy ở Catinat đến nỗi ông thốt lên: “Từ nay đến chết không bao giờ hợp tác với Pháp!”. Đêm đến, trời oi bức, người tù mồ hôi nhễ nhại, thỉnh thoảng bọn lính canh còn bưng nồi nước kho thịt cá mặn chát tạt vào. Anh thử tưởng tượng người tù phải chịu đựng như thế nào khi nước cá kho mặn gây ngứa ngáy mà gãi tới đâu rát tới đó. Bên phía buồng giam phụ nữ tình cảnh cũng không khá gì hơn, mà họ là phụ nữ việc giữ vệ sinh khó khăn phức tạp biết chừng nào. Thật là một địa ngục trần gian nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, mỉa mai thay, địa ngục và thiên đường chỉ cách nhau có một bức tường, bên kia là nhà thờ Đức Bà và bên hông là trường Taberd. Bốn giờ sáng bọn điều tra viên ác ôn có đạo như Tiểu La Thành, Kiss Damache qua nhà thờ dự lễ “Misa” rồi trở về ăn sáng xong, chúng cởi áo ra đánh tù nhân từ sáng đến chiều, có tên còn bảo: “Đ.m ngày nào không thấy máu bọn Việt Minh Cộng sản, tao ăn cơm không thấy ngon!”.

Ngày thứ hai chúng lôi tôi lên phòng tra, lột hết quần áo rồi giở lại món cũ, thằng Tiểu La Thành dộng luôn mười mấy thoi, máu mũi máu miệng tôi ộc ra, còn thằng Mai Hữu Xuân chỉ hỏi đi hỏi lại một câu: “Mày đã tổ chức thằng nào trong Catinat này?”. Tôi cũng chỉ trả lời một câu: “Tôi chỉ gặp Năm Tú một lần ở quán cà phê vỉa hè góc đường Lefèbvre - Pellerin [nay là Nguyễn Công Trứ - Pasteur]. Năm Tú không nói địa chỉ mà tôi cũng không biết Năm Tú là công an Việt Minh”.

Thằng Tiểu La Thành lại đấm thêm một quả nữa vào quai hàm tôi vốn đã sưng vù khiến tôi ngã lăn bất tỉnh. Đến khi chúng xối nước, tôi tỉnh lại thì thấy chúng đánh túi bụi hai người, một người còn trẻ dáng mảnh khảnh như học trò, một người lớn tuổi hơn, nhỏ con, da ngăm đen như dân lao động. Cả hai đều bị lột trần truồng như tôi.

Tôi nhắm mắt lại không muốn nhìn cảnh tượng dã man của bọn thú đội lốt người đang tra tấn hành hạ đồng bào mình, và tự động viên nếu có chết cũng sẽ không khai một lời. Chợt có tiếng mở cửa. Ai đến phòng điều tra giờ này? Lại thêm một nạn nhân nữa của bọn quỷ sa tăng ở địa ngục nầy hay sao? Tôi mở mắt và thảng thốt khi vừa nhìn thấy tên lính cảnh sát đưa vào một cô gái trẻ dáng nữ sinh khoảng chừng chưa tới 20 tuổi, mặc chiếc áo dài màu xanh da trời, quần lụa trắng dài gần như che khuất đôi giày cao gót, tay cầm một cái sắc nhỏ - mốt phổ biến của các thiếu nữ Sài Gòn lúc đó. Cô gái có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt to đen dưới đôi chân mày thanh tú cong như vẽ, với nước da trắng mịn và mái tóc dài xõa đến ngang thắt lưng. Nhìn cô gái tôi chợt nhớ đến nữ sinh ở trường Gia Long hay Chasseloup-Laubat [nay là trường THPT Lê Quý Đôn] buổi chiều tan trường chuyện trò ríu rít như chim với tà áo dài trắng bay tha thướt trên hè phố làm xao xuyến bao nhiêu trái tim của những chàng trai trẻ qua đường… Tôi bắt gặp đôi mắt to đen sửng sốt ngỡ ngàng pha lẫn chút e thẹn của cô gái khi nhìn thấy chúng tôi trần truồng như nhộng, máu me khắp người bên cạnh lũ điều tra viên cởi trần trùng trục mồ hôi nhễ nhại, mặc dù chiếc quạt trần chạy vù vù hết công suất trên đầu. Tên cảnh sát chào Mai Hữu Xuân, đưa cho hắn mảnh giấy nhỏ rồi lui ra, mặt tên Xuân sa sầm đanh lại sau khi đọc mảnh giấy, hắn đưa cho thằng Tiểu La Thành coi rồi nhếch mép cười nhạt: “Con nầy thằng nào “hảo ngọt” như thằng Long thì chết mẹ với nó là phải!”. Trả lại mảnh giấy cho Mai Hữu Xuân, thằng Tiểu La Thành lừ lừ tiến đến gần cô gái đang đứng ngơ ngác chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra, giọng tên khát máu rít lên: “Cởi áo ra mày!”. Cởi áo ra ư? Cởi áo ra giữa lũ mật thám ở trần và đám người tù không còn mảnh vải che thân trong phòng nầy ư? Tôi thấy cô gái lúng túng ngượng ngập, chưa làm theo lệnh tên Thành thì một cái tát nẩy lửa khiến cô lảo đảo suýt ngã. Năm ngón tay đỏ sẫm in lên khuôn mặt tái nhợt vì căm thù. Cô lặng lẽ cởi chiếc áo dài, còn lại chiếc coóc-xê màu hồng nhạt trên bộ ngực tròn trịa trắng ngần: “Cởi luôn quần ra mày!”, thằng Thành lạnh lùng quát tiếp. Cô gái mở to đôi mắt nhìn tên Việt gian rồi nhìn quanh như cầu cứu, dường như cái lệnh quái ác kia quá mức tưởng tượng và quá sức chịu đựng của cô. Nhưng chung quanh chỉ còn những ánh mắt thông cảm và những cái mím môi căm giận của những người bị tra tấn đến kiệt sức thì còn ai có thể cứu giúp được cô lúc này? Lại một cái tát như trời giáng nữa vào khuôn mặt vốn đã tím bầm một bên, tôi nghe nhói đau trong tim như cái tát ấy đánh vào mình. Cô gái im lặng tụt bỏ chiếc quần lụa trắng. “Cởi luôn coóc-xê, xì líp ra mày!”. Trời ơi! Thằng khốn kiếp ác ôn kia nó định làm gì cô gái đáng thương đây. Tôi bất giác nhìn lên. Cho đến bây giờ ngồi kể chuyện với anh, tôi vẫn còn nhớ như in thân hình tuyệt mỹ của cô gái mà tôi chỉ có thể so sánh với tượng thần Vệ Nữ Milo mà tôi có dịp ngắm qua tranh ảnh. Thằng Tiểu La Thành nắm tóc cô gái lôi đến tấm phản dằn cô nằm ngửa ra, trói chặt tay chân lại rồi dùng dùi cui dánh tới tấp vào chỗ kín trên người cô gái rồi cắm mạnh dùi cui vào đó với câu chửi: “Đ.m coi mày còn dùng nó để giết người nữa không?”. Cô gái chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi ngất lịm, máu miệng tràn ra tràn cả xuống nền gạch đọng lại một vũng lớn. Bỗng có tiếng ông già tu hành thét lớn: “Đả đảo quân giết người! Đồ…”, ông chưa kịp nói hết thì đã “hự” một tiếng rồi gục xuống như tàu lá rụng sau cú lên gối cực mạnh của thằng Tiểu La Thành vào bộ ngực gầy gò bầm tím của ông.

Đêm hôm ấy bên phía trại giam nữ có tiếng nói lớn giọng xúc động: “Xin báo tin với các đồng chí, đồng chí Nguyệt bị bắt trưa hôm nay đã hy sinh rồi!”. Cả dãy trại giam lặng lẽ cúi đầu mặc niệm, từ lúc bị đánh cả chục phát dùi cui đến lúc trút hơi thở cuối cùng, người con gái ấy mê man bất tỉnh không nói được lời nào. Sau nầy tôi mới biết Nguyệt là nữ sinh trường Gia Long tham gia hoạt động cách mạng nội thành, đội viên một Ban công tác, chiến đấu rất dũng cảm, từng cùng đồng đội diệt bọn Pháp và Việt gian phản động trên đường phố Sài Gòn. Được sự phân công của đơn vị, Nguyệt bắt bồ với thằng Long - một tên mật thám khét tiếng tàn ác có nhiều nợ máu - và khi được nó đưa về phòng riêng, bất ngờ Nguyệt dùng dao đâm túi bụi vào ngực vào bụng tên nầy, thấy hắn giãy giụa trên vũng máu, tưởng hắn giãy chết Nguyệt lập tức thoát ra bên ngoài đồng đội đã chờ sẵn đưa Nguyệt ra luôn vùng giải phóng phía Nam Sài Gòn.

Hơn ba tháng sau, Nguyệt xin trở lại hoạt động nội thành và được cấp trên chấp thuận, khi vừa ra khỏi bến xe Lục tỉnh bên hông chợ Bến Thành, Nguyệt bất ngờ đụng tên Long vừa đi tới, thì ra nó chỉ bị thương nặng do bị đâm đứt ruột, bọn bác sĩ quân viễn chinh ở bệnh viện Đồn Đất đã mổ nối ruột cứu sống nó. Ra viện còn trong thời kỳ nghỉ dưỡng bệnh, nhưng nó hằng ngày cùng lũ em út đi rảo khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, nhất là các đầu mối giao thông bến xe, bến tàu mong tìm lại được cô gái Việt Minh suýt đưa nó về chầu ông bà ông vải. Vậy là Nguyệt bị bắt đưa về Catinat, nhờ bàn tay vấy máu của bọn Mai Hữu Xuân, Tiểu La Thành đánh đập đến chết để trả thù giùm cho nó, bởi nó còn yếu chưa chính thức đi làm. Mảnh giấy nó gởi Mai Hữu Xuân chính là đề nghị thủ tiêu Nguyệt một cách hợp pháp, chớ loại người như Nguyệt - theo nó nghĩ có tra tấn cũng chẳng khai thác được gì, chỉ tốn công vô ích…

Đêm hôm được tin báo Nguyệt hy sinh, dù hai ba ngày ăn đòn nhừ tử của thằng Tiểu La Thành, khắp người đau ê ẩm không cử động nổi nhưng tôi không sao chợp mắt được. Hình ảnh Nguyệt cứ hiện ra trước mặt tôi với thân thể trần truồng đầy máu loang đọng vũng dưới nền gạch trong phòng điều tra của thằng Mai Hữu Xuân. Tôi không biết lịch sử bót Catinat bọn Pháp xây dựng từ bao giờ, có lẽ từ thời Pháp chiếm Sài Gòn thế kỷ 19 đến nay, và tôi nghĩ phải có hàng ngàn hàng vạn đồng bào, đồng chí mình - nhất là qua các phong trào do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ những năm 30 đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 - đã bị tra tấn giết hại nơi đây. Các tên tuổi lớn của Cách mạng Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lý Tự Trọng và nhiều đồng chí Ủy viên Trung ương khác đều đã nếm đòn tra tấn của mật thám Catinat trước khi ra tòa lãnh án chém hay tù chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo. Mỗi viên gạch, hòn sỏi trong khuôn viên Catinat đều là chứng tích của lịch sử đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đây cũng chính là nơi thử thách lòng trung thành hay sự phản bội của những người hoạt động cách mạng khi sa vào tay giặc.

- Còn chuyện vượt ngục Phú Lâm của anh thế nào? - tôi hỏi.

- Chuyện ấy thì dài lắm - anh cười - nhưng có thể tóm tắt như thế này… Sau khi đã giáng mọi trận đòn Catinat mà không moi được lời khai nào của tôi, chúng chuyển tôi qua “căng” Phú Lâm, nơi giam giữ tù binh. Có lẽ chúng xếp tôi vào loại tù binh chiến tranh chăng? Hay là do sự vận động nào đó… mà thôi chỉ biết tôi thuộc loại tù nhân không thành án, ở tù cho đến khi chiến tranh kết thúc. Ở trại giam Phú Lâm vẫn có tổ chức Đảng hoạt động và kế hoạch vượt ngục được các đảng viên vạch ra hết sức tỉ mỉ, chu đáo và tôi đã cùng mấy chục đồng chí vượt được ra vùng giải phóng, chỉ có vài đồng chí hy sinh khi chúng phát hiện bắn đuổi theo… Hôm nay tôi muốn nói với anh điều tôi nghĩ về cái địa ngục trần gian Catinat.

- Anh nghĩ thế nào?

Anh im lặng giây lâu nhìn về hướng sông Vàm Cỏ nổi lên rặng cây xanh mờ mờ trong lớp sương chiều bắt đầu phủ xuống Đồng Tháp mênh mông rồi chậm rãi nói giọng xúc động:

- Tôi nghĩ như thế này, mai sau nước nhà độc lập thống nhất rồi tôi sẽ đề nghị chính phủ mình ra thông báo cho toàn dân từ Bắc chí Nam - kể cả kiều bào ở nước ngoài - đúng 12 giờ trưa ngày N nào đó tất cả còi đài phát thanh, còi xe, còi tàu, xe lửa, chuông chùa, nhà thờ, thánh thất, đồng loạt đổ vang, tất cả mọi người ngừng hoạt động đứng nghiêm tại chỗ hướng về Sài Gòn nơi có bót Catinat - cúi đầu một phút mặc niệm đồng bào, đồng chí đã hy sinh ở cái địa ngục trần gian nầy trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ phát ra từ đài. Rồi quả mìn đã cài sẵn cho nổ - đánh sập tan tành cái bót tội ác nầy. Sau đó nhân dân Sài Gòn sẽ đóng góp mỗi nhà một viên gạch, mỗi trường học một giống hoa quý đến trồng chung quanh, ở giữa xây một tượng đài cao hơn 10 mét đề “Tổ quốc ghi công” trên nền phù điêu tố cáo tội ác của giặc, để sau này các cháu thiếu nhi, nhân dân thành phố và khách du lịch vãng lai đến vui chơi tưởng nhớ những người anh hùng vô danh đã hy sinh cho Tổ quốc trong một trận chiến thầm lặng ác liệt này… Anh thấy nguyện vọng của tôi như vậy có quá đáng hay không?

- Phải có tiếng nói những người trong cuộc như anh. Tôi hết sức tán thành, những người đã trải qua thử thách khốc liệt của cái địa ngục trần gian đó, thì một tượng đài ngay chính nền cũ của Catinat, nơi thành phố mang tên Bác, có gì quá đáng lắm đâu. Nó là một chứng tích lịch sử của những người yêu nước hy sinh vì độc lập tự do của đất nước bị gần trăm năm nô lệ, đáng để cho con cháu đời đời ghi nhớ tự hào thì há chẳng phải là một việc đáng làm hay sao?

Anh nắm chặt tay tôi mỉm cười xúc động.

***

Anh chỉ ở Quân báo Khu 8 một thời gian rồi về công tác ở Sở Công an Nam Bộ. Đình chiến, anh tập kết ra miền Bắc, công tác trong ngành công nghiệp Hải Phòng. Giải phóng miền Nam năm 1975, anh trở về Sài Gòn nghỉ hưu và cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt, không hiểu sao anh chưa một lần đề đạt nguyện vọng chính đáng đó mà lúc ở Đồng Tháp Mười anh đã nói với tôi. Còn tôi mỗi lần có dịp bước vào bót Catinat - nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - để liên hệ công tác, đi trên nền gạch cũ, lên cầu thang vẫn là tay vịn bằng sắt ngày xưa sơn lại loang lổ, lòng tôi chợt se lại như chính mình có lỗi với những người đã ngã xuống nơi đây, với người chiến sĩ điệp báo Lê Văn Định, những hy sinh thầm lặng của họ hầu như chưa được ai nhắc tới. Tôi viết lại chuyện này để hương hồn anh trong cõi vĩnh hằng được yên lòng vì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện anh kể bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp trong buổi chiều thở không khí tự do trong lành của chiến khu Đồng Tháp Mười đã không bị chìm vào quên lãng…

Mùa đông 2018

DƯƠNG LINH ghi chép