Hà Tiên là một trong những vùng đất mới của nước ta. Như Mạc Thiên Tứ đã viết trong bài tựa tập Hà Tiên thập vịnh, khi Mạc Cửu dâng Hà Tiên cho chúa Nguyễn Phước Chu (1708), mảnh đất này còn “là nơi hoang mãng”(2). Thế mà, chưa đầy 30 năm sau, một tao đàn đã ra đời ở đây (1736) quy tụ nhiều tao nhân mặc khách trong và ngoài nước, sớm hơn Mạc Vân thi xã (ở Phú Xuân) và Bạch Mai thi xã (ở Gia Định) cả một thế kỷ!

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt
Tao đàn Chiêu Anh Các, nét văn hóa độc đáo của Hà Tiên
Năm 1736, Mạc Cửu qua đời. Con trai của ông là Mạc Thiên Tứ (tức Tích) nối nghiệp, được chúa Nguyễn Phước Chúphong làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Sử sách nhận xét về ông: “Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển” (Quốc sử quán triều Nguyễn)(3), “học rộng cả kinh sử, không sách nào là không xem“ (Vũ Thế Dinh)(4), “là người tài ba lỗi lạc nên được nhân sĩ một phương kính trọng” (Lê Quý Đôn)(5), “là người phong lưu tài hoa, cả vùng ấy đều coi trọng”(Phan Huy Chú)(6).
Thiên Tứ cho xây Chiêu Anh Các với ý nghĩa đây là gác chiêu tập các anh tài, “dùng lễ vật hậu hĩ để đón mời người tài giỏi”(7). Tại công trình kiến trúc này có Khổng Tử Miếu (nơi thờ Khổng Tử) và Thụ Đức Hiên (nơi Thiên Tứ làm việc, đọc sách, làm thơ...).
Không chỉ “văn kiêm chính trị, vũ tinh thao lược”(8), ông còn là một văn nhân thi sĩ tài hoa. Nghe tiếng ông, Trần Trí Khải(9) ở Quảng Đông (Trung Hoa) đi thuyền sang Hà Tiên. Trí Khải được ông “trọng đãi là bực khách quý. Mỗi khi hoa sớm trăng khuya, ngâm vịnh không chán”(10).
Một hôm, ông đưa Hà Tiên thập vịnh (10 bài vịnh cảnh Hà Tiên) cho Trí Khải. Trí Khải rất thích. Khi về lại Quảng Đông, Trí Khải mời được 25 nhà thơ bên đó cùng họa, rồi “chép thành một tập, gửi sang”(11). Ở Việt Nam, có 6 người cũng họa(12). Thiên Tứ tập hợp 320 bài (gồm 10 bài xướng và 310 bài họa) thành một tập, giao cho thợ khắc vào ván gỗ (năm 1737).
Quốc sử quán triều Nguyễn nhận xét “Mười bài thơ vịnh cảnh Hà Tiên phong lưu tài vận, được một phương quý trọng. Từ đấy, Hà Tiên mới biết đến văn học”(13).
Lê Quý Đôn có suy nghĩ: “Như thế không thể nói là ngoài nơi bãi bể không có văn chương được”(14).
Có thể nói Hà Tiên thập vịnh là tác phẩm mở đầu lịch sử văn học ở vùng đất mới này.
Cũng từ đó, hình thành một thi xã mang tên Tao đàn Chiêu Anh Các. Thiên Tứ kể: “Trong khi việc chính trị được thư nhàn, hằng ngày cùng với văn nhân bàn kinh luận thơ”(15).
Sáng tác của Tao đàn khá nhiều nhưng bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi phần lớn. Bằng chữ Hán, có Hà Tiên thập vịnh, Thụ Đức Hiên tứ cảnh, Hà Tiên vịnh vật thi tuyển…; bằng chữ Nôm có Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh (gồm 334 câu song thất lục bát và 11 bài thơ Đường luật) v.v…
Hành trình tìm di chỉ Chiêu Anh Các
Tao đàn Chiêu Anh Các tồn tại được 35 năm. Sau đó, biết bao biến động do ngoại xâm và nội chiến gây ra không chỉ cướp đi mạng sống của con người và thiêu rụi sách vở, mà còn khiến cho lầu gác kiên cố cũng phải tiêu tan.
Những năm 20 của thế kỷ 20, nhà thơ Đông Hồ - một danh sĩ xứ Hà Tiên - nêu lên câu hỏi: “Đến cái di chỉ Chiêu Anh Các bây giờ thực không biết đích là ở đâu mà nhận được nữa?”. Thời gian trôi qua nhưng vẫn chưa có lời đáp. Bước qua thế kỷ 21, có nhà nghiên cứu đưa ra câu trả lời: “Chiêu Anh Các chỉ là một tao đàn… chứ không thể coi là một ngôi nhà của Mạc Thiên Tích”(16).
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, không tán thành cách giải thích đó. Ông khẳng định: tòa kiến trúc Chiêu Anh Các - Khổng Tử Miếu - Thụ Đức Hiên là có thật. Vũ Thế Dinh - sống cùng thời với Mạc Thiên Tứ - viết: “Ông [Thiên Tứ] có dựng ra Chiêu Anh Các để thờ Tiên thánh [tức Khổng Tử] và làm nơi đón tiếp hiền tài”(17). Sách Thanh văn hiến thông khảo xác nhận: “Kiến trúc trong xứ Cảng Khẩu [tức Hà Tiên] có Khổng Tử Miếu”. Và chính Thiên Tứ đã cho biết ông viết bài tựa sách Hà Tiên thập vịnh ngay tại Thụ Đức Hiên(18).
Sau nhiều năm kiên trì nghiên cứu, dựa trên ba căn cứ - tài liệu văn học, tài liệu sử học và hiện vật ở thực địa - cuối cùng ông đã thành công mỹ mãn khi phát hiện ra di chỉ Chiêu Anh Các ở chỗ không ai ngờ.
1. Dựa vào tài liệu văn học:
Thiên Tứ có chùm thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh theo thể hồi văn gồm 4 bài thơ vịnh cảnh ngôi nhà Thụ Đức Hiên trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, được 32 nhà thơ khác họa lại. Trong tổng số 88 bài, Lê Quý Đôn chọn ra 9 bài để chép vào Kiến văn tiểu lục(19).
Phân tích những bài này và những bài trong tập Hà Tiên thập vịnh, nhà nghiên cứu họ Trương nhặt ra nhiều từ “lâu” (nhà lầu), “các” (gác), “lan” (lan can)… từ đó ông đi đến kết luận: đây là một ngôi nhà có lầu gác, có lan can:
Lan tẩm bích ba vô thụ tỏa
Các phiêu hương tuyết hữu yên phong
(Uông Đề Lai)
(Lan can lầu gần kề sóng biếc, không cây to che khuất;
Trên gác cao phảng phất mùi tuyết vì có gió và khói)(20).
Từ “thiềm hư” (thềm rỗng) chỉ bậc thang bước lên gác (theo kiểu nhà sàn):
Thiềm hư lược yến khinh phong đạm
(Trần Diệu Liên)
(Chim yến lượn xuyên qua thang gác, nhẹ như gió)(21).
Nhiều câu thơ cho thấy núi Phù Dung ở phía trước ngôi nhà:
Phù Dung cao tước xuất vân tiêu
Hoàn liệt như bình thập vọng diêu
(Đan Bỉnh Ngự)
(Núi Phù Dung cao nhọn sát từng mây,
Nhìn thấy như bức bình phong la liệt)(22).
Ban đêm, nhà thơ nghe tiếng chuông chùa: đó là chùa Phù Dung nằm trên triền phía tây của núi Phù Dung:
Vĩnh dạ đồng thùy vấn viễn chung
(Uông Đề Lai)
(Đêm dài cùng ai ngơ ngẩn vì tiếng chuông xa)(23)
Vị trí của ngôi nhà bắt đầu xuất hiện.
Một câu hỏi được đặt ra: tại sao một tòa kiến trúc quan trọng như thế, nổi tiếng như thế, bỗng nhiên “biến mất” không chỉ trên thực địa mà cả trong ký ức của người dân Hà Tiên? Để trả lời câu hỏi ấy, nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt tìm tới lịch sử Hà Tiên.
2. Dựa vào các tài liệu lịch sử:
Hà Tiên là nơi địa đầu của đất nước ở phía tây nam, nên “nhiều lần gặp binh biến”(24). Trong 35 năm đầu lãnh chức Đô đốc trấn Hà Tiên, nhiều lần Thiên Tứ cầm quân đẩy lui các cuộc tấn công của quân Xiêm và quân Chân Lạp, được “chúa Nguyễn khen ngợi…, đặc cách trao cho Thiên Tứ làm Đô đốc Tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ, đai”(25). Nhưng từ năm 1771, xiết bao biến cố dồn dập xảy ra.
Năm đó, quân Xiêm lại tấn công Hà Tiên. Đại Nam liệt truyện tiền biên chép: “Trong thành quân ít, không chống giữ được, bèn bị đánh phá…, thành lũy, nhà cửa Hà Tiên đều bị quân Xiêm tàn phá”(26). Tòa nhà Chiêu Anh Các bị hư hại nghiêm trọng trong dịp này.
Cũng năm ấy, cuộc khởi nghĩa của ba anh em Tây Sơn nổ ra. Các chúa Nguyễn lần lượt bỏ kinh đô Phú Xuân chạy vào Nam. Thiên Tứ theo phò các chúa Nguyễn nên năm 1777 phải chạy sang Xiêm lánh nạn và qua đời ở đó, năm 1780.
Năm 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều Nguyễn. Cháu nội của Thiên Tứ là Mạc Công Du, nguyên trấn thủ Hà Tiên, cùng em (Mạc Công Tài) và hai con (Mạc Hầu Hi và Mạc Hầu Diệu) ngả theo họ Lê. Do đó, khi triều đình chiếm lại Hà Tiên, dòng họ Mạc phải lao đao trong hơn 10 năm.
Mặt khác, khi bị vây hãm trong thành Phiên An, Lê Văn Khôi cầu cứu vua Xiêm. Năm 1834, quân Xiêm sang Hà Tiên, đốt phá, cướp bóc. Năm đó, chùa Phù Dung bị tàn phá nặng nề.
Năm 1846, Tổng đốc An - Hà (tức liên tỉnh An Giang và Hà Tiên) Doãn Uẩn cho xây chùa mới. Chùa mới không phải xây trên nền chùa Phù Dung (đã sụp đổ), mà lại xây trên nền cũ của Chiêu Anh Các, cách chùa Phù Dung cũ độ 500m. Chùa mới mang tên chùa Phù Anh, ghép tên Phù Dung và Chiêu Anh Các. Tuy nhiên, tên chùa Phù Anh chỉ tồn tại 4 thập niên: tháng 6-1884, vua Kiến Phúc cấm dùng từ Anh vì kỵ húy thụy hiệu Dực Tông Anh hoàng đế của vua Tự Đức(27). Từ đó, dân chúng dùng lại tên chùa cũ (Phù Dung) để gọi ngôi chùa mới.
Việc “chùa mới xây trên nền Chiêu Anh Các và mang lại tên cũ” khiến dấu vết của Chiêu Anh Các bị che lấp trong một thời gian khá dài, việc đi tìm di chỉ Chiêu Anh Các trở nên cực kỳ khó khăn, có lúc tưởng chừng bế tắc.
Điều bí ẩn đó chỉ được giải mã khi nhà nghiên cứu họ Trương chứng minh: chùa Phù Dung cũ tọa lạc ở hướng tây nam núi Phù Dung(28), còn chùa Phù Dung hiện nay ở đầu bắc núi Bình San(29), có nghĩa là xây trên di chỉ Chiêu Anh Các!
3. Dựa vào các hiện vật trên thực địa:
Để kiểm chứng phát hiện nói trên, ông đi khảo sát chùa Phù Anh (mà nay gọi là chùa Phù Dung) và thấy “ở phía trong hậu tổ chùa có nhiều hàng cột đá bằng nguyên tảng hình lăng trụ vuông, có một chiều cao bằng nhau ở bên trên… Ngoài ra, chùa còn có nhiều dụng cụ bằng đá như chơn táng, cột, bậc thềm, bậc ngạch, khối ngạch cửa… rải rác long lóc quanh chùa”(30).
Hiện trường nói trên hoàn toàn phù hợp với ghi chép của các nhà truyền giáo dòng Franciscain có mặt tại Hà Tiên đầu thế kỷ 18: “Nhà cửa ở Hà Tiên phần lớn bằng tranh… Riêng nhà ở của họ Mạc thì bằng đá”(31).
Từ phát hiện đến bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Chiêu Anh Các
Bằng ba phương pháp - sử dụng văn liệu, sử dụng sử liệu và khảo sát hiện trường - nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt đã giải đáp được câu hỏi khó: “Di chỉ Chiêu Anh Các ở đâu?”. Công lao phát hiện này là đáng trân trọng vì nó góp phần cho việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa Hà Tiên.
Nhưng nếu phát hiện di chỉ Chiêu Anh Các rồi để đó thì việc ấy không có nhiều ý nghĩa lắm. Năm 2001, trong sách Nhận thức mới về đất Hà Tiên, Trương Minh Đạt viết: “Tại Hà Tiên, có một nền văn hóa đạt đến đỉnh cao: nền văn hóa Chiêu Anh Các… Tại sao ta không bảo tồn nơi này [tức nền nhà Chiêu Anh Các] như một di tích cấp quốc gia, một khi các sách văn học xưa và nay đều viết về nền văn hóa đó ?”(32). Mười sáu năm sau, trong sách Nghiên cứu Hà Tiên - Họ Mạc với Hà Tiên, ông tiến thêm một bước: không chỉ bảo tồn mà phải phát huy giá trị của di tích. Ông đề nghị “tái tạo lại ngôi nhà Chiêu Anh Các… trên đỉnh núi Bình San, ở gần đền Mạc Công, phía trên chùa Phù Dung hôm nay… Kiểu thức kiến tạo sẽ theo dạng cổ, nhưng dùng vật liệu mới (xi măng cốt thép)… Tòa kiến trúc mới… có lầu gác và lan can bao quanh như ngôi nhà Chiêu Anh Các trong thơ Thụ Đức Hiên tứ cảnh”(33). Tại tầng trệt, sẽ trưng bày những hình ảnh xưa, các bài thơ của Tao đàn Chiêu Anh Các… giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ, hiểu được lịch sử và văn hóa Hà Tiên, từ đó thêm yêu mến quê hương và quyết tâm góp sức mình xây dựng Hà Tiên ngày thêm giàu đẹp. Ông cũng đề nghị: hằng năm, Hà Tiên tổ chức Lễ hội Chiêu Anh Các vào dịp Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng âm lịch) trùng vào Ngày thơ Việt Nam, qua đó tái hiện những sinh hoạt văn học nghệ thuật của đất Hà Tiên xưa.
Những đề xuất đầy tâm huyết của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nhận được phản hồi thuận lợi từ nhiều người, nhiều giới. Chúng tôi hy vọng rằng những đề xuất ấy, một khi được thực hiện, sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan ngôi nhà và dự lễ hội Chiêu Anh Các, không chỉ nhằm tôn vinh một nét truyền thống lịch sử và văn hóa của Hà Tiên, mà còn góp phần phát triển du lịch và kinh tế của vùng đất địa linh nhân kiệt này.
_____
(1) Rạch Vược, tên chữ là Lư Khê, nay thuộc xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
(2), (5), (10), (11), (14), (15), (18), (19) Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, NXB Trẻ - NXB Hồng Bàng, TP.Hồ Chí Minh, 2013, quyển I.
(3), (13), (24), (25), (26) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tập I.
(4), (7), (8), (17) Vũ Thế Dinh, Hà Tiên trấn hiệp trấn Mạc thị gia phả, bản dịch của Tân Việt Điểu, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), số 1, năm 1961.
(6) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch của Nguyễn Mạnh Duân và Trương Văn Chinh, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tập I.
(9) Trần Trí Khải tự Hoài Thủy.
(12) Năm 1755, Nguyễn Cư Trinh có họa 10 bài, nhưng sách đã khắc in từ năm 1737 nên 10 bài của Nguyễn Cư Trinh không có trong sách.
(16) Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 405, ngày 10-11-2001.
(20), (21), (22), (23), (30), (32) Trương Minh Đạt, Nhận thức mới về đất Hà Tiên, NXB Trẻ, 2001.
(27) Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1997.
(28) Núi Phù Dung nhiều lần đổi tên: Phù Cừ (thời Thiệu Trị), Bát Giác Sơn (thời Tự Đức), Đề Liêm (hiện nay).
(29) Còn có tên Núi Lăng.
(31) Journal des Franciscains, tập 745, dẫn theo Tập san Sử Địa, số 19-20, 1970.
(33) Trương Minh Đạt, Nghiên cứu Hà Tiên - Họ Mạc với Hà Tiên, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2017.