Hoa anh đào: Nhật Bản được mệnh danh là “đất nước của xứ sở hoa anh đào”. Hoa anh đào có lịch sử tới hàng nghìn năm của Nhật Bản. Có nhiều truyền thuyết đẹp về hoa anh đào. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một cô gái xinh đẹp, hiền lành tên là Anh Đào. Tháng 11, cô gái đi từ Okinawa, đi qua Kyushu mãi đến tháng 5 năm sau mới tới Hokkaido. Dọc đường, cô đã gieo giống loài hoa tượng trưng cho tình yêu và hy vọng. Từ đó, hoa anh đào nở rộ khắp nước Nhật và trở thành chúa của các loài hoa nước họ.
Người Nhật Bản yêu hoa anh đào vì nó tượng trưng cho sự trong trắng, thanh nhã. Hoa anh đào còn là sứ giả của mùa xuân, sau mùa đông giá lạnh nó đem tin tức mùa xuân ấm áp đến cho mọi người. Người Nhật còn coi việc chóng nở chóng tàn của hoa anh đào tượng trưng cho tính cách hào sảng của con người, vì vậy các võ sĩ Nhật coi anh đào là tượng trưng cho khí phách “coi chết như về” (thị tử như quy) của họ. Cuộc đời ngắn ngủi như hoa anh đào, do đó các anh hào cần phải tranh thủ thời gian làm nên một sự nghiệp oanh liệt. Nếu thất bại, sẽ ở dưới gốc cây anh đào, mổ bụng tự vẫn. Họ mong cuộc đời mình rực rỡ như hoa anh đào.
Hoa sen: Người Ấn Độ coi hoa sen là chúa của các loài hoa. Trong văn hóa Ấn Độ, hoa sen tượng trưng cho cái đẹp, cho sức mạnh, sự tốt lành, bằng an, vinh quang. Kinh Vệ đà từng ca ngợi hoa sen. Đối với Phật giáo Ấn Độ, hoa sen còn có nhiều ý nghĩa về tôn giáo. Hoa sen tượng trưng cho đức tính lạc quan của Phật, Bồ tát. Tóm lại, tất cả những gì đẹp đẽ đều biểu thị ở hoa sen. Tranh Phật, tượng Phật đều ngồi trên tòa hoa sen. Ở Ấn Độ, có một truyền thuyết đẹp về hoa sen như sau: Ngày xưa có một hươu mẹ nhờ phép tiên mà sinh hạ được người con gái xinh đẹp. Cô ấy đi đến đâu hoa sen nở đến đó. Sau này, cô làm thiếp một vị vua, và được gọi là Phu nhân Hoa Sen. Cô sinh cho nhà vua được 500 người con. Vì vậy, hoàng hậu ghen ghét, đuổi cô ra khỏi cung và ném cả 500 người con đó xuống sông. Các vương tử được Phật cứu vớt, dạy dỗ trở thành dũng sĩ, rồi tiến đánh cung đình vua cha. Nhà vua sợ quá, cầu cứu vị tiên. Tiên nói, chỉ cần tìm gọi Phu nhân Hoa Sen về cung thì sẽ bình an. Đó là một câu chuyện khuyên người làm điều thiện và ca ngợi hòa bình, nhân ái.
Người Ai Cập từ xưa cũng rất yêu hoa sen. Ai Cập cổ đại coi hoa sen là vật phẩm cao quý nhất để tặng bạn bè và người yêu.
Người Thái Lan đa số theo Phật giáo, do đó cũng rất yêu hoa sen, bởi hoa sen có quan hệ mật thiết lâu đời với đạo Phật.
Hoa hồng: Người châu Âu và Trung Đông rất trân quý hoa hồng. Họ coi hoa hồng là tượng trưng cho sự cao khiết, hoàn mỹ, hạnh phúc và tình yêu trong trắng.
Bulgaria là “vương quốc hoa hồng”. Nhân dân rất thích hoa hồng, dường như các nhãn hàng hóa của họ đều in hình hoa hồng và hằng năm đều tổ chức tết hoa hồng rất linh đình. Về lai lịch hoa hồng, có nhiều truyền thuyết hấp dẫn. Người châu Âu cho rằng hoa hồng sinh ra đồng thời với nữ thần Venus, do đó hoa hồng thường tượng trưng cho ái tình.Tương truyền ở Bulgaria, hoa hồng vốn không có màu sắc, mãi đến khi nữ thần Aphrodite xuống trần, dùng máu tươi của mình tưới vào khóm hoa thì hoa hồng mới có màu sắc. Người Bulgaria coi vẻ đẹp lộng lẫy của hoa hồng là tượng trưng cho sự cần cù và trí tuệ của dân tộc mình; hoa hồng đầy gai lại tượng trưng cho ý chí kiên cường, tính cách dũng cảm của dân tộc họ.
Romania cũng là “vương quốc hoa hồng”. Người Romania rất thích hoa hồng bạch. Lý do là màu trắng của hoa hồng khó lẫn với màu trắng của các loài hoa khác, đặt nó giữa bó hoa màu sắc sẽ hiện ra vẻ đẹp cao nhã, tĩnh lặng. Người Romania coi hoa hồng là tượng trưng cho hạnh phúc trắng trong. Lễ cưới và lễ mừng thọ không thể thiếu hoa hồng.
Iran cũng coi hoa hồng là chúa của muôn loài hoa. Nước hoa hoa hồng của Iran nổi tiếng thế giới.
Hoa nhài: Hoa nhài thơm nồng nàn, thanh khiết, được người Philippines gọi là hoa trường xuân. Trong tiếng của họ, hoa nhài là “san-ghi-ba-ta”, có nghĩa là “chúng ta thề ước”, do đó thanh niên nam nữ thường dùng nó để tặng cho người mình yêu dấu. Dân Philippines có một câu chuyện cảm động về loài hoa này: Xưa kia, có một nàng công chúa rất đẹp, nàng yêu một chàng thanh niên tuấn tú. Ngay trong ngày cưới, bọn hải tặc xâm phạm bờ biển của đất nước. Vì bảo vệ Tổ quốc, chàng trai hoãn ngày cưới, hôn từ biệt người vợ sắp cưới thân yêu, xông ra chiến trường. Giặc bị đánh lui, nhưng chàng không trở về! Công chúa đau khổ mà chết, sau này trên mộ nàng mọc lên nhiều hoa trắng to bằng đồng xu - đó là hoa nhài.
Từ lâu, người Philippines coi hoa nhài tượng trưng cho sự trung thành với tổ quốc, chung thủy trong tình yêu, đồng thời cũng tượng trưng cho tình bạn keo sơn. Trong lễ đón khách quốc tế, họ xâu, tết hoa nhài thành vòng, quàng lên cổ khách để biểu thị tình hữu nghị và lòng mến khách.
Hoa cúc: Người Đức là dân tộc rất yêu hoa, mỗi năm mỗi người bình quân tiêu đến 100 đồng mác cho hoa. Họ đặc biệt ưa thích hoa cúc, coi là “quốc hoa”, tượng trưng cho tính cẩn thận, ham học hỏi, yêu nước, lạc quan, tiết kiệm của dân tộc Đức.
Người Ý cũng thích hoa cúc. Cũng giống như người Trung Quốc, họ coi vẻ đẹp mộc mạc của hoa cúc là tượng trưng cho khí cốt của người quân tử.
“Quốc hoa” của các nước rất đa dạng. Người Nga thích hoa hướng dương; người Nepal thích hoa đỗ quyên; người Sri Lanka, Singapore, Myanmar thích hoa lan; người Hy Lạp thích hoa ô liu; người Tây Ban Nha thích hoa lựu; người Anh thích hoa tường vi; người Chile, người Cuba thích hoa bách hợp; người Uruguay thích hoa sơn trà; người Trung Quốc coi hoa mẫu đơn là “quốc hoa” của họ…