HV135 - Thời sự & Suy ngẫm

Phải hàng trăm năm chúng ta mới đến được sáng xuân này, sáng mùa xuân của nước Việt ta thống nhất vững mạnh đi lên. Thành tựu của năm 2018 được chuyển tiếp qua năm 2019 không chỉ là thành tựu kinh tế với những dãy số mà còn là những thành tựu sinh động đầy sức sống lan tỏa khắp đất nước trong mùa xuân này. Nhân dân nô nức phấn khởi vì cuộc diệt giặc nội xâm tham nhũng đã có những thành tựu lớn, đánh thẳng vào trung tâm của quốc nạn, rửa được nỗi sỉ nhục của núi sông như lời Nguyễn Trãi, đem đến cho mọi người lòng tin yêu, phẩm giá dân tộc.

 

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được chọn gặp ở Hà Nội là thêm một minh chứng nữa cho vị thế của Việt Nam, cho vai trò của Việt Nam trong những vấn đề lớn của quốc tế. Thực ra, vấn đề Triều Tiên là một vấn đề rất lâu dài, từ đại chiến thế giới lần thứ 2 cho đến nay. Đó là số phận lịch sử của một dân tộc. Việt Nam chúng ta từng bị chia cắt bởi những lực lượng quốc tế nên càng thông cảm với vận mệnh của dân tộc Triều Tiên. Nhưng trong tình thế hiện thời thì bắt buộc phải phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên để có hòa bình vĩnh cửu, có phát triển kinh tế thịnh vượng, có hạnh phúc cho nhân dân và đất nước Triều Tiên. Để đạt được điều đó thì các bên phải xuống thang, nhân nhượng, thỏa hiệp để cùng được lợi. Vừa rồi chúng ta đã chứa chan hy vọng đạt được một kết quả như thế, và hình như các bên cũng chuẩn bị như thế. Nhưng đúng ngày hai nhà lãnh đạo Trump - Kim bước vào thương thảo, thì phe Dân chủ ở Quốc hội Mỹ chơi đòn sát ván, đưa luật sư của Trump là Cohen ra tòa. Vị luật sư này khai ra toàn những điều bất lợi cho Trump. Lời khai cho thấy Trump là một con người xảo trá, che giấu nhiều điều (kể cả tài sản cá nhân lên đến 8,5 tỉ USD). Cohen cũng thừa nhận mình đã nói dối Quốc hội (về Trump)… Nhân dân Mỹ cũng không đồng tình với Tổng thống Trump về việc xây bức tường ngăn người di cư và ban bố tình trạng khẩn cấp về việc ấy khi Quốc hội không đồng tình. Do diễn biến bất lợi đó trong nội bộ nước Mỹ, Trump phải bỏ dở hội nghị, tức tốc quay về. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên dẫu quan trọng đến đâu, cũng không bằng vấn đề nội bộ, vấn đề bầu cử và chiếc ghế tổng thống…

 

Nghe tin hội nghị không ký được thỏa thuận, ai cũng thất vọng, nhất là chúng ta - nước đăng cai hội nghị. Vào giây phút đầu tiên khi được tin đó, chúng tôi đã thất vọng làm mấy câu thơ “tức sự”:

Hội nghị Mỹ - Triều trớt quớt rồi,

Ai về nhà nấy, thế là thôi.

Quả bom nguyên tử còn lơ lửng,

Vận mệnh Triều Tiên vẫn nổi trôi.

Thực ra đó là những ấn tượng tức thì. Bây giờ nhìn lại thì mới thấy hội nghị cũng đã đạt được những kết quả khả quan. Ông Kim Jong Un đề nghị phá bỏ căn cứ hạt nhân chủ yếu của họ là Yongbyon để đổi lấy việc Mỹ bỏ một phần cấm vận. Như thế là phải chăng, như thế là thiện chí, nhưng ông Donald Trump vì vướng những vấn đề trong nước phải tức tốc bay về, cho nên ông ta tuyên bố không thể bỏ cấm vận Triều Tiên, chứ nếu bỏ cấm vận Triều Tiên trong điều kiện đó thì cũng là thành tựu đối với Mỹ. Triều Tiên sẽ đi theo một con đường khác, có thể là con đường như Việt Nam, hòa bình, thịnh vượng, tham gia tích cực vào các vấn đề quốc tế, như vậy thế giới sẽ có thêm điều tốt đẹp.

Hòa bình, thỏa hiệp đã có thể đạt được ở tầm tay rồi lại bị trở ngại, nhưng chúng ta tin rằng thời gian tới công việc mà cả thế giới mong đợi và sẽ có lợi cho tất cả các bên sẽ được tiếp tục. Việt Nam và Triều Tiên vốn đã có sẵn tình hữu nghị lâu đời, vừa rồi lại được chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong Un kích thích chắc chắn sẽ có những triển vọng lớn lao. Việt Nam và Hàn Quốc lâu nay đã có những quan hệ kinh tế, ngoại giao tốt đẹp thì với Triều Tiên cũng phải làm được mức đó và hơn thế.

Đất nước mùa xuân này đầy ắp những tin vui nhưng chúng ta không quên còn bao nhiêu thách thức đang chờ. Có những vấn đề dài lâu như văn hóa, giáo dục, con người, tư tưởng…, có những vấn đề đáng quan ngại trước mắt như biến đổi khí hậu. 80 năm nữa đồng bằng sông Cửu Long có thể mất đi. Hội An có thể mất đi. Chúng ta phải giải quyết cách nào? Đây là cuộc vật lộn với thiên nhiên trong lịch sử. “Thái bình càng gắng sức/ Muôn thuở nước non này” như lời thơ của ông cha.

Biển Đông lại nóng. Đảo Thị Tứ của Việt Nam ở Trường Sa bị Philippines chiếm, bây giờ bị Trung Quốc cho tàu “dân quân” ra quấy, cản trở ngư dân Philippines đánh cá. Trước đó thì Philippines cũng có xây dựng một vài đường băng quân sự trên đảo, Trung Quốc liền ra tay. Tổng thống Philippines Duterte sau phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài quốc tế, tỏ ra nhân nhượng Trung Quốc, không muốn làm mất lòng nước lớn láng giềng, bỏ qua không nhắc đến phán quyết. Vì lợi ích kinh tế (nhận viện trợ lớn từ Trung Quốc), Philippines bỏ Mỹ quay sang Trung Quốc. Mỹ là nước đã ký hiệp ước liên minh với Philippines. Nhưng vừa rồi, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao của ta sang thăm Philippines, hai bên ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về tình hình biển Đông. Đó là một bước tiến về phía chính nghĩa, chân lý. Chúng ta chỉ muốn giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, không thừa nhận việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, uy hiếp láng giềng… Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều muốn như vậy. Mỹ vừa cho máy bay mang bom B-52 bay qua biển Đông, tín hiệu kiên quyết hơn trong việc bảo vệ con đường trên biển huyết mạch của thế giới. Anh cũng tuyên bố sẽ cho tàu chiến tới biển Đông. Nhiều nước EU cũng cùng chiều hướng (Pháp, Đức…). Như vậy, vấn đề biển Đông sẽ là vấn đề toàn cầu. Cố vấn an ninh Mỹ Bolton tuyên bố Mỹ không để Trung Quốc biến biển Đông thành một tỉnh mới (của Trung Quốc).

Trong khi biển Đông căng thẳng thì quan hệ Mỹ - Trung cũng căng thẳng, trước hết là cuộc chiến thương mại. Cuộc chiến này đã làm kinh tế Trung Quốc sụt giảm (tăng trưởng GDP năm nay không chắc đã đạt 6,5%, mức thấp nhất trong mấy chục năm qua). Toàn bộ hệ thống kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này.

Vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu (tập đoàn Huawei) cũng làm rung chuyển quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc đang kiện Mỹ, kiện Canada. Nhưng chắc Mỹ - Canada có chứng cứ thì mới làm.

Câu chuyện còn dài dài.

Tình báo Mỹ - Hàn phát hiện Triều Tiên khởi động lại một căn cứ tên lửa. Dù vậy, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên, và Trump tuyên bố sẽ có cuộc gặp Trump - Kim lần 3. Chúng ta cùng theo dõi diễn biến tiếp theo.

Một tin vui văn hóa: Tỉnh Quảng Trị xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên nhân 30 năm ngày mất và 100 năm ngày sinh của ông. Chế Lan Viên là một thiên tài lỗi lạc, phải trăm năm nay mới có một người như thế. Tài năng, khí phách, học vấn của Chế Lan Viên đều vượt trội, ông đã có những cống hiến lớn lao cho xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Hậu thế phải làm những việc phải làm để tỏ lòng biết ơn ông, biết ơn những người đi trước, xứng đáng với lòng tin yêu của ông đã dành cho nhân dân và đất nước này. Chúng ta bao giờ cũng phải tỏ ra là những người có văn hóa chứ không phải là những trọc phú, chúng ta hoan nghênh tỉnh Quảng Trị, tỉnh chịu đau thương nhiều nhất trong chiến tranh đã làm được một việc đáng trân trọng. Còn ở những nơi khác, những nơi mà Chế Lan Viên đã sống hết mình cho đất nước này như: Hà Nội, Bình Định, TP.Hồ Chí Minh cũng nên có cách để vinh danh người anh hùng của nền văn hóa Việt Nam. Vấn đề này tuyệt nhiên chẳng phải là vấn đề cá nhân. Chế Lan Viên mất rồi. Tưởng niệm Chế chẳng còn ích gì cho Chế nữa - như ý một câu thơ của Chế Lan Viên viết về Nguyễn Du, nhưng đó là đạo lý, đó là văn hóa. Càng có cơm ăn con người càng cần có văn hóa, cần sự công minh với con người trong lịch sử. Không như một vài kẻ mang lòng phản trắc, toan tính chà đạp lên tên tuổi của Chế Lan Viên, định gạt Chế Lan Viên ra khỏi sách giáo khoa văn học. Những kẻ ấy sẽ được đáp lại như lời thơ của Đỗ Phủ hàng ngàn năm trước đối với những kẻ phỉ báng ông: “Bọn chúng mày cả thân và danh đều bị tiêu diệt/ Làm sao có thể ngăn được dòng Trường Giang và Hoàng Hà chảy mãi trong vạn năm” (Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt/ Bất phế Giang Hà vạn cổ lưu).

Ở Thừa Thiên Huế, tỉnh quê nhà của nhà thơ Tố Hữu cũng đã có kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu nhân dịp 100 năm năm sinh của ông. Thời gian trôi qua, những giá trị nhân văn, dân tộc càng sáng rõ trong thơ Tố Hữu. “Chí ta như núi Thiên Thai ấy… Lòng ta như nước Hương Giang ấy”. Tố Hữu trong suốt cuộc chiến đấu của chúng ta, là người phát ngôn bằng thơ cho dân tộc. Và Huy Cận cũng sắp đến 100 năm ngày sinh. Con người của Lửa thiêng và những vần thơ tuyệt vời, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trên thế giới, là người cố vấn tiếng Pháp cho các đời tổng thống Pháp, người được các viện sĩ châu Âu kính phục về tầm văn hóa Đông - Tây, một con người như thế chúng ta cũng không thể quên.

Bà Nguyễn Thị Bình thông báo Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh ngừng hoạt động, “vì những lý do khách quan”. Những người hoạt động văn hóa đều hiểu rõ bản chất quỹ này. Nó đã trao giải cho những giá trị mà lịch sử đã phủ nhận như Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…, cho cả những người Mỹ hoạt động, viết lách chống Việt Nam như Keith Weller Taylor. Bây giờ nó ngừng lại, vì bất cứ lý do gì, thì người ta thở ra nhẹ nhõm…

Ngày 12-3-2019  

HỒN VIỆT