Năm 2019, chúng ta tưởng nhớ 30 năm ngày Chế Lan Viên về cõi vĩnh hằng, tiếp đó vào năm 2020, kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông. Ba thập kỷ Chế Lan Viên đi xa, nhưng những người thân quen hay chỉ gặp gỡ Chế Lan Viên dẫu chỉ đôi lần, vẫn không thể quên dáng một người thanh mảnh, đôi mắt sáng, giọng nói hóm hỉnh, thân thiện, bình dân trong cử chỉ, xa vợi trong tầm suy nghĩ uyên bác, thông tỏ mọi lĩnh vực, thích tranh luận, phản bác. Có lúc ông tranh cãi, phản bác cả chính mình.
Thơ Chế Lan Viên kén người đọc, nhưng khi đã thấu hiểu thì khó buông bỏ. Vậy cho nên tới nay số lượng người nghiện thơ Chế Lan Viên vẫn đông đảo, có điều những người có vốn văn hóa, từng trải ấy luôn khiêm nhường, ít đăng đàn, diễn thuyết, họ đọc thơ văn là để hiểu thời đại đã qua, thưởng thức vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo cho chính mình nhân cách vững chãi, cảm hứng sống và lao động. Thơ Chế Lan Viên hình như ít dành cho người đọc ham vần điệu chải chuốt, lối nói xuôi chiều, bóng bẩy. Với Chế Lan Viên không có phân biệt cái gọi là đề tài, nhìn vào đâu cũng có tứ thơ độc đáo. Ngay những sự việc tưởng như viết khó thành thơ Chế Lan Viên vẫn tạo được thơ hay. Cảm xúc của Chế Lan Viên ngày kết nạp Đảng:
Từ buổi dạy con lòng thương ghét ban đầu
Tự quê mẹ nghèo, tự đời mẹ khổ
Tự giọt lệ khóc tù đi biệt xứ
Tự nắm cơm khô đưa cán bộ thoát làng
Từ tiếng thét căm thù vì giặc giã, vua quan...
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là thiêng liêng và rất nhiều người trong chúng ta đã làm thơ nhưng chỉ dừng lại ở báo liếp, báo tường. Với tài năng và vốn trải nghiệm của mình, Chế Lan Viên đã tạo nên cảm xúc mãnh liệt, tung hoành đói nghèo, cơ cực của nhân dân nô lệ. Âm hưởng hùng ca, với những chi tiết hết sức đặc sắc, tạo nên không gian vùng đất Quảng Trị những ngày đầu kháng chiến “Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Sự kiện vào Đảng chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời và cả sự nghiệp Chế Lan Viên. Chuyện kể rằng, trong buổi họp chi bộ của đơn vị cảm tử quân trước khi đánh đồn Tà Cơn, vị trí xung yếu nhất ở đường 9… (Thời Mỹ xâm lược, chúng lập ở Tà Cơn căn cứ lớn bao gồm những đơn vị thiện chiến, bộ binh, pháo binh hạng nặng, xe thiết giáp yểm trợ và đã bị quân Giải phóng san phẳng trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nên có câu hát: “Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy”). Cuộc họp ấy Chế Lan Viên được dự. Khi chọn 3 đồng chí ôm bộc phá đánh vào cửa mở, nhiệm vụ rất quan trọng cho trận đánh và người sử dụng bộc phá có thể hy sinh, tất cả 10 đảng viên đều giơ tay xung phong. Biết chọn ai bây giờ? Cuối cùng bắt thăm, 3 người trúng thăm đều rất phấn khởi. Sáng hôm sau, quân ta đã triệt hạ đồn Tà Cơn nhưng cả 3 đồng chí thủ pháo ấy đã anh dũng hy sinh. Trong lễ truy điệu, có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị dự, Chế Lan Viên đã phát biểu gia nhập Đảng để được đứng vào đội ngũ thay những liệt sĩ ấy. Từ ấy, Chế Lan Viên đã chiến đấu như một chiến sĩ kiên cường trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, sáng tạo nên một khối lượng tác phẩm bao gồm thơ, bút ký, phê bình, diễn thuyết trên diễn đàn văn nghệ quốc tế, nghiên cứu cả lĩnh vực kịch nói, tuồng, múa rối, các nguồn dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số. Chế Lan Viên bảo vệ, cổ vũ cho nền văn nghệ luôn đổi mới, ông chủ trương tiếp nhận, học hỏi các nền văn học nước ngoài nhưng đả kích lối bắt chước trào lưu này, trường phái nọ một cách ngoại lai, sống sượng. Văn Chế Lan Viên nồng nhiệt, ông ghét lối kiểu cách, trơn mòn, sáo rỗng. Chế Lan Viên luôn chú trọng phát triển nền thơ câu chữ thuần Việt. Các tác phẩm Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, Thơ bình phương- đời lập phương không chỉ là kinh nghiệm sáng tác mà cũng là tác phẩm thơ.
Có thể nói, kết nạp Đảng trên quê mẹ, là tuyên ngôn, tôi ngần ngại khi dùng từ này bởi sinh thời Chế Lan Viên rất ghét lời đao to búa lớn, những tuyên bố, tuyên ngôn. Nhưng quả thực không thể dùng từ nào khác. “Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc/ Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát”. Đấy chính là bước ngoặt mới của một chặng đường thơ mới của Chế Lan Viên.
Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ, Kết nạp Đảng trên quê mẹ và Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng là nghiêng về cảm xúc ngâm vịnh. Sau này, với cảm xúc của ngày toàn thắng, với bài thơ dài Ngày vĩ đại, trong ngày khải hoàn của dân tộc, tác giả sử dụng câu chữ bay bổng, dào dạt, chất tráng ca, hùng ca vang lên trong những trường đoạn. Nhưng nhà thơ vẫn không để cho cách nói khái niệm, tính từ mòn nhàm lấn át. Nhà thơ đưa vào chi tiết: “Đồng chí ấy chỉ cho tôi cây lim anh đẵn nửa chừng rồi Đảng bảo anh đi đánh Nhật/ Đánh Pháp tạt qua nhà, nó nằm nguyên chưa mục ở ngoài sân/ Thắng Mỹ xong, khúc lim còn trơ lại đấy, chả ai vần/ Thời gian ấy đã mục và tàn ba tên đế quốc”. Và ngày tổng tấn công nổi dậy: “Anh cán bộ nửa đêm được lệnh trên về xã/ Đốt dép lên làm đuốc để về/ Chưa tàn đôi dép chưa mọc mặt trời đã giải phóng xong ba ấp”. Chi tiết văn xuôi nhưng được tinh luyện thành thơ đặt vào đúng chỗ. Chi tiết đặc sắc ấy tự ý nghĩa nó đã chứa đựng chất thơ. Có phải chăng, thơ Lý Trần, thơ Đường, Tống cũng vậy, chi tiết cũng đã là thơ. Chế Lan Viên cũng là người đầu tiên mở rộng biên độ thơ truyền thống, theo ông, câu thơ có thể dài nhưng đừng dài quá, không có vần nhưng tiết tấu phải hài hòa. Có phải nhờ thế mà thơ tự do, có bài rất dài của Chế Lan Viên vẫn dễ thuộc, dễ nhớ và câu chữ luôn được sáng tạo, mang tâm trạng thơ.
Sau Ngày vĩ đại chừng vài tuần, nhà thơ tiếp nhận hiện thực mới, cảm xúc lắng đọng hơn, ông viết Thơ bổ sung: “Sau hai mươi năm trời nay mới có phong thư/ Người nhận khóc, người đưa thư cũng khóc”. Đó là hai câu thơ mở đầu để nhà thơ đi vào sự đoàn tụ của các dòng họ, các gia đình chia ly khi đất nước bị chia cắt. Âm hưởng hùng ca, ngợi ca sự hy sinh vô bờ bến của toàn dân trong mấy chục năm cứu nước. Chế Lan Viên cũng dành những đoạn thơ an ủi, chia sẻ với những người từng cộng tác cho dù tự nguyện hay bị xúi giục, ép buộc: “Cuộc chiến tranh mở ra bằng di cư và khép lại bằng di tản/ Sóng trăm đảo xin đừng vùi dập/ Họ đã sống một đời di tản di cư”. Ông cũng gửi thông điệp về niềm tin vào chế độ mới cho những người mảnh đời lầm lạc: “Áo em giặt thì màu hoa lại trắng”. Chính giữa lúc nhiều người còn mang tâm trạng nghi kỵ, mặc cảm, nhà thơ gieo niềm tin và hy vọng: Bay theo đường dân tộc đang bay.
***
Hai cuộc kháng chiến giải phóng đất nước trải ba mươi năm, Chế Lan Viên đồng hành cùng nhân dân như một chiến sĩ thực thụ. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là đói rét và buổi đầu không tránh khỏi ngây thơ, hồn nhiên: “Khi đốt đồn mà quên diêm và ướt cả rơm”. Kháng chiến chống Mỹ là đối mặt với sự tàn bạo, nham hiểm của tên đế quốc sừng sỏ. Chế Lan Viên đứng ở tuyến đầu đánh giặc.
Là người ưa cuộc sống bình dị, chưa bao giờ ông đòi hỏi đãi ngộ hay than phiền điều gì. Xuất thân từ gia đình lao động, mẹ là nông dân tần tảo, Chế Lan Viên thấu hiểu và chia sẻ với sự gian nan của người làm ra củ khoai, hạt lúa: “Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân/ Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy/ Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy/ Chửa “vì người” bằng một bữa cơm ăn”. Mỗi chuyến ra nước ngoài của ông cũng là đi làm việc. Ông hiểu được sự gian khổ của nhân dân, sự hy sinh của bộ đội trên các chiến trường. Ông đã có nhiều chuyến đi vào tuyến lửa Quân khu 4, vào Trường Sơn. Khi giặc Mỹ đánh phá hòng hủy diệt Hà Nội - Hải Phòng, Chế Lan Viên không đi sơ tán mà ở lại Hà Nội, ông đến các trận địa, tham gia công tác của một đại biểu Quốc hội, viết những tác phẩm đáp ứng được yêu cầu, mong mỏi của bạn đọc. Suy nghĩ 1966, Tùy bút một mùa xuân đánh giặc, Thời sự năm 68, Thời sự hè 72, Đường sáng tuyệt vời… được viết trong tiếng gầm của máy bay, tiếng bom nổ ở bệnh viện Bạch Mai, Khâm Thiên, trong tiếng cao xạ đánh trả, tên lửa vút lên không trung xé tan lũ giặc trời, trong đó có nhiều máy bay B-52. Là nhà thơ, Chế Lan Viên đánh giặc bằng vũ khí sắc bén là văn học. Một tác phẩm hay có sức mạnh bằng cả một trung đoàn, như danh tướng nào đó đánh giá. Thường trực trên trận địa văn học, tác phẩm của Chế Lan Viên, cũng như nhiều nhà văn thời bấy giờ, viết xong là được in trên các báo lớn, phát trên đài phát thanh, được nhân dân, bộ đội khắp mọi miền đón nhận. Với ngôn ngữ trong sáng, hàm súc, phản ánh hiện thực nóng hổi, luôn khẳng định chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân ta, người tiếp nhận tưởng như có mình trong đối tượng phản ánh của nhà văn, nên có tính cổ vũ, khích lệ, động viên người tiếp nhận.
Có thể khẳng định, hai nhà văn bám sát cuộc chiến đấu của quân và dân thủ đô nhất là Chế Lan Viên và Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân với Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, kết hợp giữa hùng văn và chất biếm họa dân gian để vạch trần tội ác man rợ của giặc Mỹ, tạo nên những bút ký đặc sắc của văn học Việt Nam. Chế Lan Viên mở rộng biên độ thơ nhằm đưa vào những sự kiện, những người dân, chiến sĩ trên các khu phố, trận địa. Có khi nhà thơ sử dụng bút pháp giễu nhại, châm biếm: “Hớt hải hớt hơ, hớt hơ hớt hải/ Anh đi tìm con lợn sổng đêm qua/ Đêm qua bắt được giặc lái B-52 nhưng mất lợn/ Và bây giờ đuổi lợn thở không ra”. Giặc lái Mỹ được sánh với lợn, thật là lý thú. Đối tượng tác chiến của Chế Lan Viên còn là những viên chỉ huy trong đội quân khát máu như McNamara và cả những tổng thống hiếu chiến Hoa Kỳ Johnson, Nixon, Ford…
Bên cạnh những đề tài lớn là đánh giặc, Chế Lan Viên vẫn chú trọng vào những sự việc bình thường diễn ra hàng ngày. Bữa cháo vịt:
Vịt gầy chưa đầy cân
Làm thịt ngày dân đói
Bữa ăn không tiếng nói
Cả nhà im mà ăn.
Bữa ăn mà người ăn mang cảm giác tội lỗi. Cảm xúc vô cùng tinh tế, đọc lên khiến ta rợn người. Chế Lan Viên luôn nghĩ tới đời sống của nhân dân. “Nhân dân, nguyên tử năng và sức nổ dây chuyền”, “Quận lỵ sáng quân vào, dân chiếm từ đêm”, “Ôi, hôm nay đến được Sài Gòn là đã đi trên đường xương máu của nhân dân”.
***
Vào những năm tháng cuối đời, khi nhận thấy thời gian không còn nhiều, Chế Lan Viên viết nhanh hàng loạt bài thơ ngắn, cực ngắn. Đọc Di cảo thấy Chế Lan Viên nhìn đâu cũng ra thơ. Hiện thực, chi tiết, câu chữ cô đặc, tác giả không còn phân biệt thể loại nữa. Trước đó, thơ tứ tuyệt Chế Lan Viên rất nghiêm ngặt về số từ và nghệ thuật thể loại này. Giờ đây, ông mặc sức phóng bút như họa sĩ ký họa. Vậy cho nên nền văn học hiện đại nước ta có thêm Di cảo thơ Chế Lan Viên.
Trong Di cảo có nhiều bài biểu hiện sự gấp gáp về thời gian hữu hạn của con người. Tuy vậy, Chế Lan Viên đón nhận sự ra đi một cách bình thản. Có những bài thơ viết về những chuyện chưa tốt trong xã hội nhưng vẫn toát lên tin tưởng. Viết về thói hư, tật xấu cũng là mong xã hội tốt đẹp hơn lên. Đây chính là điều một số người đọc chưa hiểu hết tầm suy tư của Chế Lan Viên hay do ý đồ riêng nên rêu rao tác giả phản tỉnh, hiện sinh.
Chiều sâu của tư duy triết học Đông, Tây, của triết lý sống, chết của các đạo giáo, được thể hiện trên nhiều bài của Di cảo. Từ thế chi ca và nhiều bài toát lên điều đó. Nhà thơ quan niệm chết chưa phải là hết: “Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên”, “Cuộc sống của vũ trụ là một Bi kịch vui/ Hay đó là một nỗi Buồn vĩ đại làm phấn chấn/ Và khi nhìn trời xanh, con yêu, ấy chính cha rồi!”. Bi kịch vui, nỗi buồn vĩ đại làm phấn chấn. Chỉ có Chế Lan Viên mới viết được vậy.
Trong Di cảo, nhiều bài sự việc, cái cớ tạo nên thi tứ rất nhỏ, như Xâu kim, Hạt gạo, Tiếng ve… Đề tài nhỏ nhưng sức chở tư tưởng lớn. Chế Lan Viên viết về sự việc nhỏ nhưng không sa vào tủn mủn, chính là nhờ tầm khái quát luôn lớn.
Sức sống của Chế Lan Viên qua những tác phẩm viết trên giường bệnh hết sức mãnh liệt. Ông nói về sự hữu hạn thời gian của đời người và cái tồn tại vĩnh cửu của vũ trụ, của nghệ thuật. Ông lên án một bộ phận con người tha hóa trước sự cám dỗ nhưng tin tưởng vào đạo đức của nhân dân. “Ta đến sau, tựa vào thời đại biến trang thơ ta thành sấm sét/ Thành lá cờ đỏ chói sắc vàng tươi”. Hơn 600 bài Di cảo, thể hiện sự đa dạng, tầm suy nghĩ của nhà thơ cho tới phút cuối cùng vẫn minh mẫn, sức sáng tạo không bao giờ vơi cạn. Chính vì vậy, tiếp nhận thơ Chế Lan Viên, trong đó có Di cảo, người đọc như được tiếp thêm nguồn sống lạc quan ngay cả khi cái chết cận kề. Đó chính là cảm hứng tình yêu cuộc đời dẫu nhiều vất vả mà tác giả gửi thông điệp cho bạn đọc.
TP.Hồ Chí Minh, 22-12-2018