Sau năm 1975 tôi vào thành phố Hồ Chí Minh mới nghe nhạc Trịnh Công Sơn, biết anh và thường gặp anh ở 81 Trần Quốc Thảo - trụ sở của Hội Văn nghệ TP.HCM, nơi anh sáng nào cũng đến uống cà phê và đàm đạo sáng tác cùng với nhóm bạn bè (Hoàng Hiệp, Diệp Minh Tuyền, Thanh Tùng…). Đó là những năm gian khó nhất sau chiến tranh, nghe những bản nhạc anh sáng tác trước năm 1975 phần lớn là nhạc buồn dưới nhãn hiệu phản chiến, nói lên lòng yêu quê hương đau xé rách nát vì chiến tranh, qua giọng hát liêu trai của Khánh Ly người ta như muốn buồn rã ra, nhưng trong những bài nhạc ấy có những hạt giống của một tài năng lớn, hạt giống của lòng yêu nước thương nòi, thương quê hương sâu nặng. Nối vòng tay lớn là một bài hát lạ thường, nó chứa chan một tình yêu đất nước bao la rộng lớn, một tình yêu cách mạng kháng chiến, một khát vọng thống nhất non sông: “Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng”. Ôi, cái phút đoàn tụ giữa những người yêu nước từ rừng sâu trở về với những người chiến đấu trong vùng tạm chiếm mới thiêng liêng làm sao. Trịnh Công Sơn đã tự mình hát bài hát này trên Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4- 1975 với mục đích kêu gọi mọi người hãy ở lại xây dựng đất nước, cái giây phút ấy cũng thật thiêng liêng và đi vào lịch sử. Từ đó người ta mới hiểu tấm lòng, vóc dáng cao cả của Trịnh Công Sơn. Anh đã đi từ những dằn vặt cá nhân, những tuyệt vọng và cái chết là những chủ đề hiện sinh qua những hào hùng, tin yêu, kiên định của cách mạng. Rồi từ đó anh thực sự có được những bài hát cách mạng thuần thục: Em ở nông trường, em ra biên giới, Huyền thoại mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên… là những bài ca đỉnh cao ròng chất cách mạng. Chất trữ tình trong Trịnh Công Sơn khi bắt kịp với cuộc sống kháng chiến vĩ đại đã làm bung ra những giai điệu ngọt ngào, thương mến mà hùng mạnh như bản chất của cuộc chiến đấu. Huyền thoại mẹ là một bản nhạc lớn, trong đó phảng phất hình bóng của bà mẹ Suốt Quảng Bình: “Mẹ về đứng dưới mưa/ Che đàn con nằm ngủ/ Canh từng bước chân thù…”, đấy là bóng dáng anh hùng ca của bà mẹ chiến sĩ lấy thân mình che chở cho đàn con. Một thoáng siêu thực trong hình ảnh “Mẹ chìm trong đêm tối/ Gió mưa tóc che lối con đi”, không những mang tính chiến đấu mà còn rất tình người…
***
Trịnh Công Sơn tham gia vào phong trào yêu nước, từng bước từng bước đã nhận ra bản chất của cuộc chiến đấu, nhận rõ anh em đồng đội và tư tưởng, tình cảm của anh dần dần được nâng lên đỉnh cao, chạm tới cái lớn lao, cao rộng của đời sống. Đó là những giác ngộ tự nguyện, những giác ngộ sâu sắc tận lòng, vượt qua những trở lực chung quanh. Anh đã tìm ra ý tưởng dung dị về lẽ sống, “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, mỗi ngày đến với anh em, đến với bạn bè, đó là hạnh phúc - hạnh phúc giản đơn nhưng tuyệt vời và “tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống - vì đất nước cần một trái tim”. Giản dị và cao cả biết bao nhiêu.
Nhạc Trịnh Công Sơn còn là nhạc tình yêu và thế sự, anh thành thạo trong những sáng tác này và đã để lại những giai điệu còn mãi. Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng là những bản nhạc đã vào hồn những thanh niên thiếu nữ một thời và vẫn còn vang vọng mãi. Nhờ tình yêu và vì tình yêu, anh đã viết nên những lời nhạc, những nốt nhạc giản dị nhưng quyến rũ, sáng tạo: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”.
Về thế sự, Trịnh Công Sơn có nhiều trăn trở về kiếp người, về đời người, anh cũng có nhiều nỗi buồn của riêng mình. Anh là một người đa văn hóa, đọc nhiều, thấm thía nhiều, từ hiện sinh đến Phật giáo. Điểm xuyết trong những tác phẩm của anh là những chủ đề của triết học phương Tây, trăn trở vì kiếp sống của con người, cố tìm lối ra trong những bế tắc cùng cực của đời sống. Chỉ đến khi thực sự đến với cách mạng, giác ngộ về lẽ sống của Tổ quốc và nhân dân anh mới có dịp thoát ra vòng vây ấy, nhưng đôi lúc thất vọng trong đời riêng anh lại quay về nó như một định mệnh. Cũng thật khó cho anh vì những trải nghiệm của cả một đời riêng phức tạp. Nhưng những thành tựu trong nhạc của anh, những ý hướng tích cực của anh mới là cái chính. Có thể nói anh là một tài năng lớn trong âm nhạc. Anh sáng tác có vẻ rất dễ dàng, tự nhiên, hồn nhiên như rút từ trong túi áo của mình ra bản nhạc. Kỳ thực nó chứa đựng một nghệ thuật điêu luyện, trác tuyệt giữa ý nhạc và lời thơ. Trịnh Công Sơn là một nhà thơ trong nhạc. Những lời nhạc của anh nhiều khi là một bài thơ hoàn chỉnh, trong đó nổi bật lên những sáng tạo hiện đại của thơ, đó là những dòng thơ phi tuyến tính, những dòng thơ của cái đan xen phức tạp, của những phối hợp bất ngờ, những phức điệu, những siêu thực. Hướng tìm tòi của nhạc Trịnh Công Sơn là một minh chứng văn hóa không dễ gì lặp lại.
***
Trịnh Công Sơn là một con người rất đáng yêu, rất từ tâm, dễ thương. Anh dặn lòng, dặn người yêu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”. Anh đến với mọi người bằng lòng nhân từ, bằng sự dịu dàng, độ lượng. Anh đã đến với Tổ quốc và nhân dân mình cũng bằng một tấm lòng chân thực, rộng mở, cao cả. Nền văn hóa Việt Nam tự hào có một Trịnh Công Sơn và mãi mãi nhớ thương anh, tiếc thương anh, mãi mãi làm theo di nguyện của anh: Ta chợt biết rằng vì sao ta sống - vì đất nước cần một trái tim.