HV135 - Văn học, thơ ca có thể góp thay đổi thế giới*

Hội Nhà văn Việt Nam trân trọng chào mừng và cám ơn đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; các vị khách quý, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các cơ quan đoàn thể ở Trung ương, và Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang đã tới dự hội nghị.

Xin nhiệt liệt chào mừng các nhà văn, từ các vùng miền trong cả nước gồm nhiều dân tộc anh em đã về tham gia sự kiện giao lưu văn hóa đặc biệt, mở đầu cho các hoạt động của hội trong năm mới.

Đặc biệt, thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam, tôi trân trọng chào mừng và cám ơn gần 200 nhà văn, nhà thơ, các dịch giả văn học nổi tiếng từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam. Trong thế kỷ trước, các nhà văn thế giới đã có nhiều sáng kiến và bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân chúng tôi trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; nhiều nhà văn bị truy nã, bị cầm tù, có những người đã anh dũng hy sinh như những chiến sĩ của chúng tôi ngoài mặt trận. Nhân dân chúng tôi luôn luôn biết ơn những chiến sĩ quốc tế cao cả đó, coi đó cũng là người hy sinh vì nền độc lập và tự do của Việt Nam. Ngày nay nhiều người bạn lớn của Việt Nam đã ra đi, hoặc vì điều kiện sức khỏe không thể có mặt tại đây hôm nay, cuộc đời và tấm gương của họ để lại những mẫu mực sáng ngời về văn chương và tình hữu nghị. Tiếp bước những bậc thầy đi trước, tại hội nghị này nhiều tài năng trẻ của thế giới lần đầu có mặt ở Việt Nam, chứng tỏ tình hữu nghị luôn luôn tìm ra nhiều diệu kế để rút ngắn mọi khoảng cách.

Gần 20 năm đã trôi qua kể từ Hội nghị quảng bá văn học lần thứ nhất năm 2002. Trong khoảng thời gian đó, thêm nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có những tác phẩm được tặng giải thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế hoặc của nhà xuất bản hoặc các tổ chức văn học quốc gia. Tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được dịch và xuất bản tại các quốc gia Mỹ la tinh, và vùng núi Kavkaz. Ngoài sách văn học, các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được dịch và xuất bản tại một số quốc gia. Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới ra số đặc biệt về văn học Việt Nam. Thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường đại học lớn trên thế giới. Số sách văn học Việt Nam trong các trường đại học lớn của nhiều nước tăng nhanh với tốc độ đáng vui mừng. Song song với các hoạt động dịch thuật và xuất bản, việc trao đổi các đoàn thăm và viết về đất nước của nhau diễn ra sôi nổi có hiệu quả cao. Trong số họ có nhiều cựu chiến binh Mỹ và Hàn Quốc từng tham chiến tại Việt Nam. Họ trở lại Việt Nam để lấy thêm tư liệu cho những cuốn hồi ký, những tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết lên án tội ác của đội quân xâm lược, chia sẻ những đau thương mất mát không gì bù đắp được của nhân dân Việt Nam. Những giọt nước mắt thành thực và khẩn thiết đó kêu gọi toàn thế giới hãy làm tất cả những gì có thể làm được không để cho tội ác lặp lại ở bất cứ đâu. Tất cả những cố gắng đó có thể xem như một cuộc xuống đường thời bình ủng hộ Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay nhân dân Việt Nam đang cố gắng chuyển chủ nghĩa anh hùng trong chiến tranh thành chủ nghĩa anh hùng trong thời bình, lập nên những chiến công trong đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biến những chiến công vẻ vang trong quá khứ thành sức mạnh, nghị lực trong lao động sáng tạo, đưa đất nước chúng tôi ngày càng phát triển. Với sức mạnh và nghị lực đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng tôi đang tạo nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích đó, những tấm gương cao đẹp của những con người bình thường nảy nở trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội chính là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của các nhà văn chúng tôi. Bên cạnh đó, có biết bao vấn đề mới đặt ra cho việc hoàn thiện con người, những vấn đề đạo đức bức xúc chờ đợi lương tâm nhà văn lên tiếng. Như vậy, chính cuộc sống đang đặt ra những tiền đề mới cho sự đổi mới văn học. Các nhà văn chúng tôi đang bền bỉ làm việc đó, không ngừng suy tưởng, mở rộng đường biên văn học, làm cho văn học ngày càng trở nên mầu nhiệm hơn trong việc vun đắp các giá trị mới.

Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại đất nước chúng tôi công việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ diễn ra nhộn nhịp, cập nhật và thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm một thị phần cao trên thị trường sách cả nước. Văn học dịch cùng với các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, đã đặt chúng tôi vào một tình trạng nhập siêu văn hóa kéo dài, khiến chúng tôi phải nghĩ đến việc lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc. Điều này liên quan đến việc xây dựng chiến lược văn hóa. Sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ quốc tế chính là góp phần lấy lại sự hài hòa đó và được đặt trong chiến lược văn hóa đó nói chung.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng trong xu hướng hội nhập ngày nay, ngày càng đông bạn bè quốc tế đến Việt Nam bằng những con đường du lịch, thương mại và các hoạt động thiện nguyện khác. Bằng các hoạt động của mình họ đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhưng để có thể hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam thì không có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp cho sự chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền.

Ngày nay văn học của Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng, đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới.

Để làm được việc đó, đương nhiên là rất khó. Cái khó cố hữu là bức tường ngôn ngữ. Phương án lý tưởng là dịch trực tiếp từ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác. Công việc này cần phải có sự đào tạo công phu lâu dài. Tiếp theo đó là việc huy động các nguồn lực, sự đầu tư của Nhà nước, sự huy động trí tuệ, tài năng của những chuyên gia bậc cao và cuối cùng còn phải tính đến thị hiếu bạn đọc ở các quốc gia khác nhau. Dù sao cũng không thể quay lưng lại với các thị trường. Tất cả liên quan đến tầm suy nghĩ mới và sự khởi động mạnh mẽ không thể chậm trễ.

Trong khi chờ đợi và để giành lại thời gian đã mất, Hội Nhà văn Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch dài hạn cho việc chọn dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Anh làm trung gian chuyển ngữ sang nước khác. Chúng tôi đã bắt đầu khởi động công việc khó khăn này ngay từ hội nghị này với việc chuyển đến các bạn quốc tế bốn ấn phẩm: khái quát Mười thế kỷ văn học Việt Nam, tuyển thơ hiện đại Sông núi trên vai, một tuyển tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng và một chuyên đề Nhà văn và tác phẩm.

Với niềm tin tưởng sâu sắc rằng, văn học, thơ ca có thể góp phần làm thay đổi thế giới, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế lần này chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp, tìm cách làm cho văn học và giao lưu văn hóa trở nên mầu nhiệm hơn, làm cho sức chinh phục của ngôn ngữ ngày càng mạnh mẽ hơn trước biết bao vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại.

Chúng ta cùng nhau chia sẻ gánh nặng đó và càng kiên định hơn trong mục tiêu đã lựa chọn: Thông qua giao lưu văn học để gắn kết mọi lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa, bắt đầu từ con người, vì con người, cho con người.

Ngày 15-2-2019

 

_____

* Phát biểu tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III. Tít bài do Hồn Việt đặt.

** Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

HỮU THỈNH**