Nhìn lại quá khứ xa, thì từ đầu thế kỷ 19 đã có sự tiếp xúc đầu tiên giữa người Mỹ và người Việt. Năm 1819, thương nhân John White (“Hôn Viết” - trong phiên âm Hán-Việt của sử Việt Nam) đưa tàu buôn Franklin vào cửa Cần Giờ (Canjeo). “Hôn Viết” đến Sài Gòn, ở đó 3 tháng đến 30 tháng giêng năm 1820 mới rời Việt Nam (mọi sự được ghi lại trong cuốn A voyage to Cochinchina). Năm 1829, Tổng thống Mỹ Andrew Jackson cử một phái bộ do Edmund Roberts (Nghĩa-đức-môn La-bách) và George Thompson (Đức-giai Tâm-gia) mang theo dự thảo hiệp định thương mại hầu tìm cách thông thương với nước Đại Nam. Đầu tháng 1 năm 1832, chiến hạm Peacock chở phái bộ đến Vũng Lấm (nay thuộc Phú Yên). Triều đình với cái nhìn hạn hẹp, với các thủ tục ngoại giao quá rườm rà nên thương thuyết không thành và phái đoàn Edmund Roberts rời Đại Nam. Đến năm 1845, chiến thuyền Constitution (thường gọi là Old Ironsides) của Hoa Kỳ đã cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng là John Percival liên lạc với các quan địa phương xin được tiếp xúc với triều Nguyễn để đặt mối quan hệ ngoại giao. Do có thư cầu cứu của giám mục Dominique Lefèbvre, phía Mỹ đã can thiệp vào việc này và việc bang giao bất thành. Rời Việt Nam năm 1911 để tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến Mỹ từ cuối 1912 đến cuối năm 1913 để lao động, học tập và tìm hiểu về Hoa Kỳ. Đến năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đại diện cho những người An Nam yêu nước gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị hòa bình Versailles cho Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson. Cho tới đầu năm 1945 ở Việt Bắc, Nguyễn Ái Quốc lúc ấy đã được gọi là Hồ Chí Minh, đã có quan hệ với Mỹ qua Bộ chỉ huy quân sự của Mỹ ở Côn Minh, Trung Quốc. Việt Minh đã giao trả phi công Mỹ được cứu sống ở Cao Bằng cho Sở chỉ huy này và Hồ Chí Minh đã qua Côn Minh gặp gỡ các chỉ huy Mỹ. Từ đó, Mỹ đã viện trợ một số vũ khí điện đài cho Việt Minh, coi như công nhận Việt Minh đứng về phe đồng minh chống phát xít.
Trong những năm chiến tranh của Pháp quay trở lại Việt Nam - Đông Dương, Mỹ đứng hẳn về phía Pháp, viện trợ cho Pháp đến 80% ngân sách chiến tranh vào những năm cuối và sau đó nhảy hẳn vào thay Pháp từ năm 1955 trở đi, dựng nên các chính quyền bù nhìn tay sai tiến hành chiến tranh. Mỹ đưa quân đội qua Việt Nam lúc cao nhất lên đến 600.000 binh lính Mỹ và đồng minh (năm 1969) kèm theo những vũ khí và phương tiện hiện đại nhất để hòng dập tắt ý chí giành độc lập thống nhất của nhân dân Việt Nam nhưng Mỹ đã thất bại. Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh đã gây ra rất nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam, những tội ác này ảnh hưởng rất tiêu cực đến quan hệ hai nước.
Như vậy, Việt Nam và Mỹ đã đi từ những nước “cựu thù” tới quan hệ “đối tác toàn diện” ngày nay. Và đó cũng là một quá trình không đơn giản. Kể từ sau khi thiết lập quan hệ bình thường, đến những năm gần đây, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ trên tất cả các phương diện. Tháng 7-2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang thăm Mỹ cùng Tổng thống Mỹ Obama ra tuyên bố chung về “quan hệ đối tác toàn diện”. Đó được xem là thành quả của quá trình phát triển từng bước trong quan hệ song phương, từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Việt Nam tuyên bố đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước. Đó cũng là kết quả của việc thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ. Quan hệ này thúc đẩy quan hệ song phương Việt - Mỹ phát triển, đồng thời cũng ảnh hưởng tới các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
I. Quan hệ Việt - Mỹ, chặng đường từ bình thường hóa đến đối tác toàn diện và hệ quả
Ngày 11-7-1995, Tổng thống Mỹ B. Clinton tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam. Ngay lập tức, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã tuyên bố hoan nghênh quyết định của Mỹ. Đến 8-5-1996, hai nước đã chính thức ký kết các văn kiện thiết lập quan hệ ngoại giao và cử đại sứ. Thương mại song phương đã bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc. Đến mùa xuân năm 1996, tổng kim ngạch đầu tư của Mỹ tại Việt Nam đã đạt 1 tỉ USD, đứng vị trí thứ 6 trong số các quốc gia nước ngoài đầu tư vào Việt Nam(1). Về quan hệ chính trị ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher thăm Việt Nam năm 1995, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng William Cohen thăm Việt Nam tháng 3-2000. Hai bên thảo luận vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích và hợp tác trong vấn đề quân sự(2). Từ ngày 16 đến 19-11-2000, Tổng thống Mỹ B. Clinton đã tiến hành chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Đây là vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam sau chiến tranh, và là người quyết định bỏ cấm vận bình thường hóa quan hệ song phương. Tháng 6-2005, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thực hiện chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Mỹ George W. Bush. Chuyến thăm đã đạt được sự ủng hộ của Mỹ trong việc Việt Nam gia nhập WTO và đạt cơ sở hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước. Ngày 29-12-2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã ký thông qua quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam. Tháng 6-2007, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ. Năm 2008, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ, tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ song phương. Hai nước không chỉ nhất trí nâng cao cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo các cấp trong các vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh… mà Tổng thống Mỹ còn có biểu thị rõ ủng hộ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Vào tháng 10-2008, Việt - Mỹ lần đầu tiên tổ chức đối thoại quốc phòng và an ninh tại Hà Nội và từ đó thiết lập cơ chế đối thoại quốc phòng hằng năm. Sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền và thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển mới. Tháng 7-2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang chính thức thăm Mỹ. Ngày 25-7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Mỹ Obama, hai bên đã trao đổi các biện pháp nhằm đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hai bên đều mong muốn quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Obama khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam - Mỹ và vai trò của Việt Nam tại khu vực, trong khi Chủ tịch Trương Tấn Sang hoan nghênh Mỹ tăng cường hợp tác với châu Á - Thái Bình Dương vì hòa bình ổn định và thịnh vượng của khu vực, nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Mỹ(3). Trên cơ sở đó, lãnh đạo hai nước đã xác lập quan hệ Việt Mỹ. Tháng 1-2014, Mỹ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và sẵn sàng bán các phương tiện lưỡng dụng công nghệ cao cho Việt Nam. Tháng 5-2015, Tổng thống B. Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ đã khẳng định: “Hướng tới tương lai quan hệ song phương và phát huy quan hệ đối tác toàn diện, hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai bên cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung và sự hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác”.
Như vậy quá trình hình thành đối tác toàn diện, thực chất và hiệu quả của Mỹ và Việt Nam đã đưa đến những cơ hội và kết quả to lớn. Thử nhìn qua những thành quả đạt được, chúng ta sẽ thấy chiều sâu của mối quan hệ ấy. Trước hết, về quan hệ hợp tác chính trị và ngoại giao, hai nước đã tăng nhịp độ các chuyến thăm cấp cao (gần đây nhất là hai chuyến thăm của Tổng thống Mỹ D. Trump đến Việt Nam, tháng 2-2019), đã tăng cường việc đối thoại phong phú và thẳng thắn, đã hợp tác có hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên ủng hộ một hệ thống quốc tế ổn định và tuân theo luật pháp quốc tế. Trong vấn đề biển Đông, hai bên đều bày tỏ quan ngại, mong muốn dùng ngoại giao và các cơ chế luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Mỹ quan tâm đến việc Trung Quốc có hành động đơn phương ở vùng biển mà một nửa lượng vận tải biển của thế giới đi qua (khoảng 5.000 tỉ USD). Tuy nhiên Việt - Mỹ bất đồng về vấn đề nhân quyền.
Về quan hệ thương mại - kinh tế, Việt Nam và Mỹ đi từ 500 triệu lên 35 tỉ USD của quan hệ thương mại trong vòng 20 năm và Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có thể trở thành nhà đầu tư số 1 của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam đang thực hiện việc mở đường bay trực tiếp sang Hoa Kỳ.
Về hợp tác khoa học và công nghệ, một thành tựu đỉnh cao là việc hoàn tất hiệp định 123 về năng lượng hạt nhân dân sự, hợp tác trong việc giải quyết những biến đổi khí hậu như nước biển dâng, giám sát mặt biển, dự báo thiên tai, sáng kiến vùng hạ sông Mekong, góp phần giải quyết các vấn đề về nước. Về y tế, Mỹ đầu tư gần 700 triệu USD thông qua kế hoạch cứu trợ AIDS. Về giáo dục, chương trình Fulbright giúp đào tạo 1.100 sinh viên học giỏi, đặc biệt là giỏi về kỹ thuật, cải tiến ngành đào tạo kinh tế ở Việt Nam để có những sinh viên sẵn sàng làm việc trong các chuyên ngành kinh tế cao. Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc mở trường Fulbright ở Việt Nam (khoảng 30.000 sinh viên, đứng đầu Đông Nam Á). Về các vấn đề hậu quả chiến tranh, Mỹ chi 65 triệu USD để xử lý ô nhiễm dioxin, 80 triệu USD xử lý vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh. Việt Nam tích cực tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh còn lại và Hoa Kỳ khởi động tìm kiếm những binh sĩ Việt Nam mất tích. Về quốc phòng và an ninh, có 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là: an ninh hàng hóa, đối thoại cao cấp, tìm kiếm và cứu nạn, trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai và hoạt động gìn giữ hòa bình. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng Việt Nam hiện đại hóa lực lượng phòng thủ của mình dựa vào truyền thống (chủ yếu mua vũ khí của Nga giá rẻ và quen thuộc). Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập một tầm nhìn dài hạn về hợp tác an ninh. Lĩnh vực hợp tác an ninh bị thụt lại phía sau do những nghi ngờ bắt nguồn từ lịch sử phức tạp giữa Việt Nam và Mỹ. Về văn hóa, du lịch và thể thao, quan hệ nhân dân hai nước phát triển nhanh hơn quan hệ hai chính phủ.
Lĩnh vực khác biệt, then chốt trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là lĩnh vực nhân quyền. Đây là một khái niệm được hai bên hiểu khác nhau về nội hàm và thực tế. Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh và độc lập nhưng Việt Nam phải tôn trọng pháp quyền và nhân quyền theo cách hiểu của Hoa Kỳ. Do đó Hoa Kỳ luôn luôn can thiệp vào những vấn đề như “tù nhân lương tâm” tức là những người hoạt động chính trị chống đối chế độ, ủng hộ việc phát triển “xã hội dân sự” ở Việt Nam. Đó là những điều Việt Nam không thể chấp nhận. Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những nhận xét không đúng sự thật ở Việt Nam và Việt Nam đã lên tiếng phản đối.
II. Quan hệ Việt - Mỹ phát triển như thế nào trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đó là một vấn đề quan trọng và hết sức tế nhị
Việt Nam và Trung Quốc là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ láng giềng hữu hảo anh em, là quan hệ giữa hai đảng và hai nước cùng ý thức hệ, cùng thể chế. Cấp cao của hai bên đều tuyên bố kiểm soát những bất đồng, đặc biệt là những bất đồng trên biển Đông. Quan hệ thương mại kinh tế Việt Nam - Trung Quốc lớn hơn quan hệ Việt - Mỹ rất nhiều. Hai bên cũng duy trì những tiếp xúc cấp cao, duy trì và phát triển giữa các tỉnh vùng biên giới giữa hai nước. Về quan hệ Việt Nam - Mỹ, phản ứng của Trung Quốc qua tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là: “Là một nước láng giềng với Việt Nam, Trung Quốc rất vui khi thấy Việt Nam phát triển quan hệ bình thường với các nước trong đó có Mỹ và chúng tôi hy vọng điều này sẽ có lợi cho hòa bình và phát triển của khu vực”(4). Việt Nam theo đuổi chính sách cân bằng giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì xem chiến lược tái cân bằng của Mỹ là yếu tố phá hoại các mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh cũng thấy mặt hạn chế trong việc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Trung Quốc cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí của Mỹ chỉ là biểu tượng vì Nga vẫn là nước bán vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, quân đội Việt Nam nhiều năm làm quen với thiết bị và hệ thống của Nga chuyển qua làm quen với hệ thống thiết bị quân sự Mỹ phải mất nhiều năm (và lại rất đắt tiền, không thích hợp với ngân sách Việt Nam). Như vậy, ở đây lại nảy sinh trục quan hệ Việt Nam - Nga - Trung Quốc. Việt Nam chỉ tạm thời nghiêng về Mỹ nhưng không quay sang chống Trung Quốc vì Mỹ nuôi dưỡng ý định thay đổi hệ thống chính trị tại Việt Nam thông qua diễn biến hòa bình. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa hai đảng Cộng sản có một “mỏ neo ý thức hệ” và đó sẽ là nhân tố quan trọng để giải quyết các vấn đề song phương. Mối quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc vẫn còn quản lý được, tuy có khó khăn về vấn đề biển Đông. Hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chính, là lựa chọn duy nhất đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Đó cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam. Về kinh tế, cho đến năm 2018, thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đã cán mốc 80 tỉ USD (theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc). Việt Nam đã là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn cầu, tuy Việt Nam phải xuất siêu lớn.
III. Kết luận
Sắp tới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ thăm Hoa Kỳ. Lần này khác lần trước là trên một cương vị mới và trên vị thế mới của Việt Nam được tăng cường. Do đó có thể thấy trước những kết quả mới. Tình hình thế giới hiện nay và sắp tới sẽ diễn biến rất phức tạp, nhiều chiều, đan xen nhau giữa lợi ích của các mối quan hệ. Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU và cả Nhật Bản, Ấn Độ, Australia… đều có ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Nhưng rõ ràng là Mỹ, nước đứng đầu thế giới về kinh tế và sức mạnh quân sự, đã có một vị trí cực kỳ quan trọng. Việt Nam đã thực hiện một chính sách ngoại giao lấy lợi ích quốc gia, lấy độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước làm mục tiêu chiến lược. Trên thực tế, chính sách ngoại giao đó đã từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể tin chắc rằng trong thời gian tới chính sách ngoại giao đó sẽ không thay đổi mà chỉ có mở rộng và nâng cao, đạt đến những tầm cao chiến lược nhưng cũng đồng thời hết sức tinh tế, thiết thực và hiệu quả.
Tất nhiên, trong chiến lược này, Việt Nam chỉ là một bên chủ động tham gia. Còn rất nhiều những bên khác, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ có những động thái, những tính toán riêng, đặc biệt là Trung Quốc với tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là “lợi ích cố lõi”. Nhưng mong rằng hòa bình, ổn định, phát triển sẽ là mục tiêu chung cho tất cả các bên. Và từ đây cho đến năm 2030 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, thế giới sẽ chứng kiến một nước Việt Nam phát triển, bước vào thời kỳ hiện đại hóa - công nghiệp hóa có thu nhập đầu người trung bình khoảng 7.000 USD như dự kiến. “Quan hệ Việt - Mỹ đang ở thế kiềng 3 chân khi đã vượt qua khuôn khổ song phương để đi vào hợp tác sâu rộng hơn. Việc xử lý các vấn đề khu vực, trong đó có liên quan đến biển Đông, là một trong những hợp tác quan trọng giữa hai nước” (Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Ngoại giao, nay là Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ)(5).
_____
* Nghiên cứu sinh - Trường đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc
(1) Du Hướng Đông, Một số vấn đề của quan hệ Việt - Mỹ trong một năm qua, Tạp chí Đông Nam Á, Trung Quốc, số 3-1996.
(2) Du Hướng Đông, Những động thái quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, Tạp chí Nghiên cứu Đông Á, Trung Quốc, số 5-2001.
(3) Xác định quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/xac-lap-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-my-20130726125022549. htm
(4) Quan điểm của Trung Quốc về sự tăng cường của quan hệ Việt - Mỹ, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, từ nguồn: Yun Sun. “China’s perspective on the US - VietNam rapprochement”. Pac Net N. 48 A. ngày 6-6- 2016. Bản dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng - Lê Hồng Hiệp.
(5) Hà Kim Ngọc, Quan hệ Việt - Mỹ đang ở thế kiềng 3 chân, Vietdantri.com, ngày 18-7-2015.
Tài liệu tham khảo:
1. Du Hướng Đông, Một số vấn đề của quan hệ Việt - Mỹ trong một năm qua, Tạp chí Đông Nam Á, Trung Quốc, số 3 năm 1996.
2. Nhân dân Nhật báo, Trung Quốc (2007), Việt Nam tăng cường ngoại giao nâng cao địa vị quốc tế, http://world.people.com.cn/GB/1030/6655663.html
3. Phương Loan, Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, https:// dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-nguyen-tan-dung-hoi-dam-voi-tong-thong-bush-1214489899.htm
4. Du Hướng Đông, Những động thái quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn, Tạp chí Nghiên cứu Đông Á, Trung Quốc, số 5 năm 2001.
5. Xác định quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/xac-lap-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-my-0130726125022549.htm
6. Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (26-7- 2013), http://www.vietnamplus.vn/toan-van-tuyen-bo-ve-tam-nhin-chung-viet-nam-hoa-ky/331699.vnp
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6, NXB Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.99-108.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.88-90.
9. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.325.
10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.147.
11. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.326.
12. Bài phát biểu của thủ tướng tại đối thoại Shangri-La, https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/ tu-lieu/bai-phat-bieu-cua-thu-tuong-tai-doi-thoai-shangri-la-2803241.html
13. Thương mại Việt - Mỹ: Đôi bên cùng có lợi, http://vneconomy.vn/thuong-mai-viet-my-doi-ben-cung-co-loi-20180711112017355.htm
14. Địa chính trị của quan hệ Việt - Mỹ, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, từ nguồn: Yun Sun. “China’s perspective on the US - VietNam rapprochement”. Pac Net N. 48 A. ngày 6-6-2016. Bản dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng - Lê Hồng Hiệp.
15. Hai mươi năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam và con đường phía trước, Ted Osius (Đại sứ Hoa Kỳ tại CHXHCN Việt Nam) - bài báo được đăng trên trang mạng của Hội đồng các Đại sứ Hoa Kỳ.
16. Hà Kim Ngọc, Quan hệ Việt - Mỹ đang ở thế kiềng 3 chân, Vietdantri.com, ngày 18-7-2015.