HV136 - Tục cổ của người Dao ở Phú Thọ

Vườn quốc gia Xuân Sơn của tỉnh Phú Thọ ở sát Hòa Bình, Sơn La, Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Từ chân núi lên chỉ có ngược dốc, đi từ sáng đến trưa mới đến các bản của người Mường, người Dao. Mỗi lần lên Xuân Sơn, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn Trần Đăng Lâu lại cử cán bộ kiểm lâm đeo, xách ba lô túi rết và tỏ ý định thuê hai người Mường cáng võng tôi lên. Tuy tiền công không đáng bao nhưng bất tiện nên tôi chỉ xin hai cây gậy chống để lê từng bước khi lên núi.

Đồng bào Xuân Sơn ở cao, xa nên còn lưu khá nhiều những tục cổ, nhất là người Dao với tục “bỏ con” và “cạy cửa ngủ thăm”, vì họ sống du canh du cư trong những hốc núi ngách rừng nên con người phải có sức khỏe. Khi đẻ ra, nếu đứa bé khỏe mạnh thì đặt xuống đất cho tiếp xúc với “ma nhà” rồi tắm táp lau chùi cho làm người; nếu yếu đau còi cọc sài đẹn thì đút luôn vào sọt rồi mang treo vào cành cây trong rừng sâu cho ong kiến, thú rừng gặm nhấm dần. Còn tục cạy cửa thì đến đêm từng anh trai bản mò vào buồng cô gái ăn nằm. Nếu không có chửa thì tháng sau anh ta thôi, bảo bạn mình vào ngủ thăm. Khi cô gái có mang, sẽ báo cho bố mẹ, già làng biết để làm lễ cúng “ma buộm”. Hôm ấy tất cả con trai từng ăn nằm với cô gái sẽ đem lễ đến gồm một chai rượu và một con gà sống bằng nắm tay. Còn anh chàng ngủ cuối cùng làm cho cô gái có mang phải đem đến con lợn hai ba mươi cân và tập giấy bản làm tiền âm. Lễ lạt đặt trên cái bàn nhỏ cỡ 1,2m x 1m và các chàng trai đứng hai bên bàn. Ông già cúng gọi “ma ông già xóa tội”, ma buộm, tổ tiên gia đình, thần linh chúa đất về chứng kiến cuộc cúng buộm này. Cúng xong ông già hỏi anh chàng cuối cùng:

- Có phải nó có mang với mày không?

Tất nhiên là chàng trai nhận. Nếu không cũng không bị tội tình gì, vì “ma buộm” đã xóa tội cho anh ta. Sau đó xem tuổi, trai gái có hợp tuổi mới được làm các thủ tục kết hôn. Nếu không đứa bé đẻ ra sẽ gọi người đẻ ra mình là “chị”, gọi ông bà vãi là “bố, mẹ”. Những cô gái Dao Tiền ở Phú Thọ càng có chửa như thế càng được quý trọng, càng đắt chồng.

Tôi đi lại Xuân Sơn hàng chục lần. Trở về tìm sách nghiên cứu về văn hóa người Dao, đọc thấy có nhiều sự khác biệt. Tôi viết một bộ phim 8 tập về Vườn quốc gia Xuân Sơn. Phim chiếu trên VTV4, giám đốc các Vườn quốc gia ở Thụy Sĩ, Pháp xem xong khen với ông Đại sứ Hà Văn Lâu: “Việt Nam chúng mày sống hiện đại, Tây hơn cả Tây”. Ông Lâu quảng cáo phim và mời được một nhà tư bản Pháp vào đầu tư phát triển du lịch sinh thái văn hóa ở Xuân Sơn. Nhà tư bản say sưa mời cả đoàn thám hiểm hang động của Hoàng gia Anh với công cụ đồ lặn đến định khảo sát ở Xuân Sơn. Ở đây có một hệ thống hang động núi đá vôi vô cùng phong phú, có cái dài hơn 10km. Vì lãnh đạo tỉnh Phú Thọ lúc ấy có “lập trường cách mạng” quá cao, không muốn cho “bọn tư bản nước ngoài” vào làm ảnh hưởng đến nền chính trị ở địa phương, nên họ phải về Phong Nha - Kẻ Bàng xin đầu tư mặc dù biết thạch nhũ hang động ở Xuân Sơn xa biển nên không bị xỉn màu như ở Phong Nha (nhờ vậy Quảng Bình ngày nay mới hái ra tiền về du lịch). Tôi và ông Lâu cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ vì cơ hội vàng bị bỏ qua.

Bộ phim Gió thổi qua rừng của tôi được đồng bào Xuân Sơn phấn khởi đón nhận. Tuy thế ngay khi nó được chiếu trên VTV1 lại có ông ở Ban Dân tộc Trung ương đến yêu cầu cấm phát phim ấy. Tuy nhiên sau đó cả VTV3, VTV2 đều chiếu lại.

Tôi đi họp Đại hội Văn nghệ các dân tộc ở Nhà hát Lớn Hà Nội, gặp một chị người Dao Tiền ở Bắc Cạn, Cao Bằng chửi tôi như té tát. Chị ta bảo tôi thóa mạ dân tộc chị. Thực ra tôi đâu có thóa mạ, chủ đề phim của tôi là muốn bảo vệ được thiên nhiên thì trước hết hãy gìn giữ nâng cao các giá trị cổ truyền, vì thế phim chiếu lên mới được cả nước, cả thế giới thích xem.

Tôi xin Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam kinh phí để đi điền dã nghiên cứu văn hóa người Dao ở tỉnh Phú Thọ nhưng bị khước từ, vì theo họ người Dao thiên di vào Việt Nam bằng con đường qua các tỉnh biên giới xuống. Nhưng thực ra bộ phận người Dao này lại đi ngược từ Phú Thọ lên phía Tây Bắc. Số là bên Trung Quốc thời ấy có giặc Mãn Thanh đang lấn lướt nhà Minh. Người Dao nổi dậy chống lại giặc Thanh. Tình thế nguy cấp, vua Minh cấp thông hành cho người Dao sang Việt Nam để chạy loạn. Ba trăm người Dao theo ông Hành, ông Hội đi trước tìm đường. Đến biên giới họ bị binh lính Việt Nam bắt giam vì bị nghi là giặc. Trời rét họ đem “thông hành” ra đắp. “Thông hành” có 12 bức bằng vải thêu chữ và hình Tiên thánh theo tín ngưỡng của người Dao. Ở đó quy định người Dao dù có đi đâu cũng phải giữ lấy phong tục tín ngưỡng của mình. Khi quan quân tịch thu “thông hành” trình lên vua Lê, nhà vua biết đoàn người này không phải giặc mà là đi tìm đất cư trú. Vua Lê sai quân lính thả họ ra, cho cơm ăn, áo mặc rồi bảo lính đưa ngược từ cửa bể theo sông Hồng lên đến Ba Hạc, tức Bạch Hạc - Việt Trì, thấy đất đai màu mỡ họ tạm cư trú ở đây rồi theo các dòng sông Đà, sông Thao, sông Lô tiếp tục di cư phá rừng làm nương rẫy. Họ hẹn ước: nhóm bà Đặng Thị Hành (gọi là ông Hành) ngược theo sông Đà lên cư trú ở Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn La phải ở cao hơn làm “anh, chị”. Đó là nhóm Dao Đeo Tiền (đeo sáu đồng tiền kim khí sau cổ áo) mà tộc danh là Dao Tiền. Còn nhóm Dao Quần Chẹt ngược sông Thao lên cư trú ở Nga Hoàng, huyện Yên Lập nên còn gọi là Dao Nga Hoàng. Họ ở dưới thấp nên làm em nhóm Dao Tiền. Hai nhóm này vì kết nghĩa “anh em” nên không kết hôn cùng nhau. Nhóm Quần Chẹt có chữ nghĩa nên giữ “thông hành”. Hằng năm các thầy cúng của hai nhóm này lại về Nga Hoàng để cúng Tổ vào ngày 12 tháng giêng. Khi ấy “thông hành” được mở ra để con cháu ôn lại phong tục tín ngưỡng của dân tộc mình.

Khi cúng bao giờ người Dao cũng khấn ông Tổ của mình là Bàn Vương và Vua Hùng, Vua Lê là những ông vua cứu sống người Dao, và Thành hoàng của mình là ông Hành, ông Hội.

Vì di cư bằng đường biển theo 7 sà lan nên nhóm Dao này mới có tục làm lễ “Tết nhảy” là lễ tạ ơn trời Phật, tổ tiên đã cứu giúp họ vượt qua sóng to gió lớn. Nếu thuyền nào bị bão đánh dạt ra xa thì họ “nhảy” lên “khất” (hứa) với thần thánh tổ tiên cho chúng con vào bờ an toàn, sau này ăn nên làm ra sẽ làm “Tết nhảy” để tạ ơn trời đất. Đến hạn phải làm “Tết nhảy” mà gia đình nghèo khó quá thì họ lại làm lễ “khất” đến một vài năm sau mới tổ chức được. Có những thuyền không gặp nạn thì họ không có lễ “Tết nhảy”. Vì thế trong một bản người Dao có gia đình phải làm “Tết nhảy”, có gia đình không là vì vậy. Riêng họ Triệu Mốc của người Dao Quần Chẹt không những phải làm “Tết nhảy” mà còn phải làm to hơn các họ khác, gọi là lễ “Tầm Đàng” tốn thời gian và lợn gà hơn vì thuyền của họ bị bạt xa phải đến cửa bể Thanh Hóa mới cập bờ. Hằng năm, người Dao có lễ “Tết nhảy” và lễ cấp sắc mà người đàn ông nào cũng phải tổ chức một lần, tương đương với lễ trưởng thành, lễ thành đinh của các dân tộc khác.

Vì không nắm được thực tế này nên trong một sách “văn hóa người Dao” người ta mới khẳng định: “Tết nhảy” là tết của đồng bào theo tín ngưỡng đạo giáo. Vì trong “Tết nhảy” có nhiều nghi thức của múa đồng, khi hành lễ toàn thấy người ta thực hiện các nghi lễ của đạo giáo. Thực ra ở Việt Nam có nhiều dân tộc theo tín ngưỡng đạo giáo như người Cao Lan, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Mường và cả người Kinh chứ không riêng người Dao. Vì đồng bào có quê cha đất tổ ở vùng nam sông Dương Tử, trong nhóm Bách Việt, làm lúa nước nên trọng tín ngưỡng phồn thực. Cốt lõi của phồn thực là tục cầu thờ sinh thực khí, có biểu tượng là “cua mo cò gỗ” mà khoa học gọi là linga và yoni. Trong tín ngưỡng người ta thể hiện nó ở nhiều dạng thức: Trong “Tết nhảy” ở lễ “Tầm Đàng”, ông thầy cúng vừa múa vừa hát nói mô phỏng điệu bộ của con cháu nhà chủ lễ đã khai hoang trồng trọt như thế nào, ở đâu. Khi khai hoang phải chọc lỗ, tra hạt. Cây gậy chọc lỗ to bằng “cái ấy” của ông lý trưởng. Sau khi ông thầy cúng giải thích như thế thì bên ngoài công chúng hội đám hỏi: Thế còn cái lỗ to bằng nào? Ông thầy cúng lại đáp: To bằng cái l… của bà lý trưởng. Mọi người cười, reo lên. Càng cười to càng nói tục, người ta càng tin vào sự mầu nhiệm của tín ngưỡng phồn thực…

Một lần tôi hỏi ông Đỗ Khắc Tụng, một trong những nhà dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, về tục phụ nữ Dao Tiền mặc váy và đeo tiền sau cổ áo, ông giải thích: Có lẽ để nó thông âm dương. Tôi nói: Theo đồng bào thì tục đó để kỷ niệm sinh thời bà Đặng Thị Hành, Thành hoàng của họ, mặc váy và đeo rất nhiều vàng bạc. Vì thế tôi nghĩ nếu không hiểu sâu về nhóm Dao Tiền ở Phú Thọ và Tây Bắc thì cũng không hiểu kỹ về lịch sử văn hóa người Dao ở Việt Nam.

NGUYỄN HỮU NHÀN