HV137 - Chủ tịch Trường Chinh như tôi biết

Những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, nước ta đứng trước lịch sử của công cuộc đổi mới mà sau này chúng ta thấy rất rõ sự chuyển mình lịch sử và ý nghĩa to lớn của quyết sách này dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, mà Chủ tịch Trường Chinh trong tư cách người đứng đầu khi ấy.

Những năm đó, Chủ tịch nước Trường Chinh và sau này là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ít lần sang thăm chính thức CHND Campuchia với tư cách nguyên thủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) từng được nhiều lần phục vụ bác. Và vì thế, tôi cũng như nhiều bạn đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế tại Campuchia lúc ấy đều thấy ở Chủ tịch những phẩm chất lãnh đạo tuyệt vời của người.

Đầu năm 1986, bác Trường Chinh dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước ta thăm hữu nghị chính thức CHND Campuchia và dự cuộc gặp cấp cao ba đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia tổ chức tại Phnôm Pênh. Tôi được đi theo đoàn để phản ánh các hoạt động.

Ngay sau lễ đón ở sân bay Pôchentông là cuộc đón tiếp thân mật Chủ tịch Trường Chinh tại nhà khách Chính phủ CHND Campuchia tại Điện Chomca Mon. Sau đó tôi về Phân xã, làm tin thời sự và in tráng phim ảnh đã chụp để kịp duyệt.

Như thường lệ, 13g15, tôi đã có mặt tại Điện Chomca Mon, nơi Chủ tịch Trường Chinh và các vị thành viên chủ chốt của đoàn nghỉ. Do đã quen mặt tôi, các sĩ quan an ninh Campuchia mời tôi để ô tô vào nơi đậu rồi kèm tôi tới hành lang nơi bác Trường Chinh nghỉ. Hồi ấy, đại từ “bác” được chúng tôi sử dụng chủ yếu trong giao tiếp cùng các vị lãnh đạo cao cấp khi tiếp xúc. Đặc biệt, với bác Trường Chinh, các tin bài về đoàn đều được bác trực tiếp duyệt. Điều này khác với bác Lê Duẩn và bác Phạm Văn Đồng khi thư ký của các bác được giao duyệt tin của phóng viên chúng tôi.

Đúng 13g30, bác Trường Chinh mở cửa phòng và ra hành lang chừng như làm vài động tác thể dục. Thấy tôi và hai sĩ quan an ninh hai nước ngồi ghế dài dọc hành lang, bác hỏi ngay tôi:

- Chú là phóng viên TTXVN sang xin duyệt tin phải không?

- Thưa bác, vâng ạ! Cháu xin bác duyệt tin ạ! - Tôi vội đứng dậy thưa với bác.

- Vậy mời chú vào phòng làm việc của bác, ta cùng xem!

Tôi theo chân bác vào phòng nhỏ, nơi có chiếc bàn làm việc bằng gỗ màu vàng, kiểu đón khách hoàng gia từ thời trước. Vừa đi bác vừa nói với tôi:

- Sao chú không tới sớm để có thể đưa tin sớm? TTXVN không cạnh tranh tin tức sao?

- Thưa bác, cháu đến sớm hơn, nhưng e làm bác mất giấc nghỉ trưa ạ! - Tôi vội thanh minh.

- Chú sơ suất rồi! Đây là việc công, bác không là ngoại lệ. Lần sau, chú cứ nhờ thư ký bác đánh thức bác nhé!

- Vâng, thưa bác.

Bác lấy kính đeo rồi nhận từ tay tôi bản tin đánh máy và chỉ ghế cho tôi, đợi tôi ngồi xong, bác mới ngồi ghế của bác và đọc tin. Tôi hồi hộp chờ đợi và ngóng theo bút máy mực riêng của bác đang dõi theo từng chữ từng dòng tin của tôi mà Trưởng phân xã đã duyệt rất kỹ lưỡng, bởi lẽ đây là lần đầu tiên được làm việc với bác sau khi được nghe khá nhiều chuyện và giai thoại về tác phong cẩn thận của bác, đặc biệt là khi duyệt tin tức báo chí.

Chừng 10 phút sau, bác ngừng bút và ngẩng lên nhìn tôi, mỉm cười nói:

- Chú lại gần đây! Chữ này, bác dùng gạch nối, chú có thắc mắc gì không? Chỗ này, chữ hp tác, bác thêm chữ toàn din, chú có ý kiến gì không?

- Dạ thưa bác, cháu xin chấp hành ạ! - Tôi vội thưa.

- Phải dân chủ chứ, ngay cả trong việc này. Nếu chú thấy có ý kiến khác thì ta trao đổi.

- Thưa bác, vâng ạ!

- Vậy, nếu chú nhất trí, bác thấy tin của các chú tốt, bác ký duyệt nhé! - Bác nhìn tôi cười rất tươi và đương nhiên tôi cười hưởng ứng:

- Thưa bác, cháu cảm ơn bác ạ.

Bác ký vào lề trái bản tin sau khi cẩn thận ghi chữ “đã đọc” và nói với tôi:

- Vì chú lần đầu làm việc với bác nên bác chưa biết tên, cho bác biết tên để lần sau dễ làm việc nhé?

- Thưa bác, cháu là Phùng Huy Thịnh, phóng viên thường trú của TTXVN tại Campuchia ạ.

- Cảm ơn chú Thịnh! Giờ xong việc, biết chú vội về phát tin cho nhanh, nhưng bác xin chú 2 phút, được không? - Bác dịu giọng hỏi tôi.

- Dạ thưa bác, cháu xin nghe ạ. - Tôi đứng thẳng người chờ đợi bác hỏi.

Bác cười rất tươi, giọng ân cần:

- Bác có hai quả chuối tiêu, tiêu chuẩn đầu giờ chiều. Bác mời chú.

Tôi vội từ chối:

- Thưa bác, cháu vừa ăn trưa rồi ạ.

- Chú đừng chê nhé! - bác cười to - Sức như chú, hai quả chuối chắc không có gì khó khăn, bác mời nhưng thực ra là nhờ chú giúp bác đấy! Chú ăn xong rồi hãy về! - Rồi bác tới đặt vào tay tôi hai quả chuối tiêu trứng cuốc to mập.

Không tiện từ chối mãi, tôi lí nhí: “Cháu xin bác ạ! Cháu mời bác!” và quay ra, bóc chuối ăn ngay bởi thực sự đói vì đã kịp ăn uống gì đâu. Hai quả chuối tiêu bác cho 2 phút mà tôi giải quyết chắc chỉ 30 giây là gọn lỏn. Bác nhìn tôi ăn và cười: “Ồ, chú ăn nhanh nhỉ! Đúng là thanh niên có khác! Giờ thì bác không giữ chú thêm nữa”.

Bác giơ tay cho tôi bắt và ấm áp vỗ vỗ vai tôi, đưa tôi ra cửa rồi quay vào phòng trong, nơi thư ký của bác đang cầm một tập tài liệu đợi bác.

Tôi phóng xe như bay về Phân xã, lòng như mở cờ, bởi sự việc diễn ra ngoài sự hình dung của tôi về lần đầu gặp bác. Và ấm áp thay hai quả chuối tiêu to tướng ngon tuyệt mà bác cho dường như vẫn còn hương vị mãi...

Sau lần ấy, tôi còn được bác duyệt tin cho nhiều lần nữa, và lần nào cũng ấm áp như lần nào bởi những câu thoại không thừa chữ nào, cũng như nụ cười độ lượng của bác mỗi khi dành cho tôi câu hỏi cũng như câu hướng dẫn, luôn giản dị, không dài dòng, tựa hồ như bác không còn nhiều thời gian cho những từ thừa thãi.

PHÙNG HUY THỊNH