HV137 - Ghi chép trung thực về sự kết thúc chiến tranh Việt Nam

1. Một số giả định sai lầm

Ai đã thua cuộc chiến Việt Nam?

Bốn mươi năm sau sự kiện này, sự thật về câu hỏi đó ngày càng bị cả loạt huyền thoại thách thức. Các sự kiện lịch sử được lựa chọn biến thành các dạng thức khác nhau, nhưng nói chung, chúng tối thiểu hóa sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam và tạo nên một câu chuyện mới cho phù hợp với sự tự nhận thức bản thân hơn như một quốc gia phải đạo, thành công. Khi chúng ta tiến tới kỷ niệm mùa xuân này, chúng ta có thể nghe khá nhiều chuyện bị chỉnh sửa, vậy đây là thời điểm tốt để nhắc mình về những ghi chép lịch sử đúng thật.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân Giải phóng

Dưới đây là một số sự kiện cần phải nhớ:

- Hoa Kỳ đã không, như thường bị cáo buộc, cắt tiệt viện trợ cho Nam Việt Nam sau khi quân đội Mỹ ra đi. Trong loạt bỏ phiếu hồi tháng 8 năm 1974, các nhà lập pháp cắt giảm chứ không chấm dứt việc phân bổ viện trợ quân sự cho Việt Nam khi giảm từ hơn 1,1 tỉ USD của năm trước xuống 700 triệu USD trong tài khóa 1975 (các con số này không bao gồm viện trợ kinh tế). Đây là một sự cắt giảm không đáng kể, càng không phải là cắt tiệt hẳn ngân quỹ. Ngân sách viện trợ giảm xuống là một tác nhân, chứ không phải là duy nhất và càng không phải là quan trọng nhất, đối với sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam mùa xuân năm 1975 - lúc đó, thực ra, quân lực miền Nam Việt Nam còn được trang bị tốt hơn hẳn kẻ thù Cộng sản của họ.

- Các cuộc bỏ phiếu cắt giảm viện trợ không phải là việc của đám hoạt động chống chiến tranh, gốc cánh tả, và các thế lực chủ bại cùng bất trung khác. Năm 1974, với Hoa kỳ cuộc chiến đã qua rồi và kế hoạch quân sự là chuyện quá khứ, phong trào phản đối đại chúng là một lực lượng đã lụi tàn. Cả nước vừa mới phủi tay nhẹ nhõm với Việt Nam và cảnh giác với bất cứ điều gì có thể dẫn đến một sự dính líu thêm nữa. Khi những lính Mỹ không còn can dự vào Việt Nam, người Mỹ ít quan tâm đến chuyện gì xảy ra ở đó. Tâm trạng đó phản ánh ở cả hai đảng trong Quốc hội và toàn bộ không gian niềm tin chính trị. Tiếng nói thể hiện tình cảm quốc gia không phải là của nhóm phản chiến tóc dài hô “Hồ, Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh tất thắng!”. Đó là (một trong nhiều ví dụ có thể thấy) tiếng nói của thượng nghị sĩ Norris Cotton của bang New Hampshire, một đảng viên Cộng hòa thuộc loại thường được gọi là kẻ tận trung, ông tuyên bố vài tháng sau khi đơn vị Mỹ cuối cùng về nước rằng ông không còn có lý do gì để ủng hộ hành động chiến tranh tại Đông Nam Á nữa. “Tôi nghĩ rằng có lẽ chẳng có ý nghĩa mấy đối với tôi khi nói chuyện này so với số bạn bè của tôi đã xông pha trận mạc cả, tất cả bọn họ trở về sau mấy năm ròng”, Cotton nói tiếp “Họ lúc nào cũng yêu hòa bình. Tôi cũng là người yêu chuộng hòa bình từ khi chúng ta đón các tù binh của chúng ta trở về”. Trong các cuộc tranh luận sắp tới về viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam, có lá phiếu của số chủ hòa mới, không phải là số người cũ đã từng định đoạt.

- Các tuyên bố do một số sử gia (được gọi là nhóm “chúng-ta-thực-sự-thắng”) đưa ra là quân đội Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình và đánh bại quân thù ở Việt Nam được nhiều cựu binh chấp nhận, cùng nhiều binh sĩ gần đây và những người khác thích nghĩ rằng các cuộc chiến tranh của Mỹ luôn luôn chính đáng và tất thắng. Nhưng lời tuyên bố đó đã lôi tuột các sự việc vượt ngưỡng. Nó dựa trên những giả định sai, vốn bắt đầu từ một định nghĩa sai về sứ mệnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Lập luận của những người xét lại là người Mỹ “thắng” vì họ đánh bại cuộc nổi dậy của Việt Cộng trong Nam, vì vậy chiến thắng của Cộng sản đạt được cơ bản là do lực chính quy Bắc Việt. Lời tuyên bố đánh bại Việt Cộng là sự phóng đại quá đáng, nhưng ngay cả khi nó hoàn toàn xác đáng, nó vẫn không có nghĩa quân đội Mỹ hoàn thành sứ mệnh của mình. Các cơ sở pháp lý và chiến lược của sự can thiệp của Mỹ rằng Nam Việt Nam là nạn nhân của sự ngoại xâm - tức từ Bắc Việt. Vai trò của Mỹ là bảo vệ đồng minh của mình chống lại bọn xâm lược. (Phe Nam Việt Nam khẳng định rằng Việt Cộng không tồn tại, rằng không có sự nổi dậy ở miền Nam và quân đội đối phương đều là đám xâm lăng từ miền Bắc. Hoa Kỳ không quá lố đến vậy, nhưng giữ vững lập trường Việt Cộng không phải là một đội ngũ chiến binh riêng biệt mà hoàn toàn thuộc quyền và do chính phủ Cộng sản ở Hà Nội kiểm soát). Như vậy, mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ không bao giờ được xác định là đánh bại quân du kích miền Nam mà là đánh bật quân Bắc Việt. Rõ ràng, điều đó đã không xảy ra.

Hàng vạn binh lính ở Sài Gòn đã vứt bỏ quân phục và tìm cách tháo chạy, tháng 4/1975

2. Nó thực sự kết thúc ra sao?

Ở đây còn có một số sự kiện khác gợi nhớ về chương cuối của cuộc chiến Việt Nam và những viện lý rằng sự thất bại của miền Nam Việt Nam chỉ do Quốc hội và phong trào hòa bình, không do chính sách của Mỹ sai lầm hay sự thất bại của giới lãnh đạo Nam Việt Nam:

- Khi cân nhắc ngân sách viện trợ năm 1974, Quốc hội đã nhận được các báo cáo đánh giá sai tận cùng tình hình miền Nam Việt Nam từ các quan chức chính quyền Nixon. Henry Kissinger, người phát ngôn nổi bật nhất về Việt Nam, liên tục bảo đảm với các nhà lập pháp rằng thỏa thuận ngừng bắn Paris năm trước đã mang lại “hòa bình trong danh dự” và rằng đã thôi các cuộc giao tranh lớn. Các quan chức khác cũng lạc quan tương tự. “Chúng tôi không thấy xác suất cao của một cuộc tổng tấn công”, Bộ trưởng Quốc phòng James R. Schlesinger tuyên bố vào tháng 6 năm 1974, và thêm rằng “quân lực Nam Việt Nam đang tự thể hiện một hiệu quả tuyệt vời khi lâm chiến”. Nhất quán với các thông báo đó (cùng với sự trình bày thiếu sót của họ về những sự thật), các bản báo cáo của chính quyền trong nhiều tháng nói số thương vong sau lệnh ngừng bắn của miền Nam Việt Nam giảm hơn một nửa, cái sai này đã không sửa lại cho đến cả sau khi bỏ phiếu cho viện trợ. Thực tế, các trận đánh trong năm 1974 dữ dội hơn hầu hết những năm chiến tranh trước đó, và binh sĩ Nam Việt Nam tử trận nhiều hơn bất cứ năm nào, ngoại trừ năm 1972. Một khi Quốc hội đánh giá thấp nhu cầu của Việt Nam khi bỏ phiếu dựa trên mức phân bổ viện trợ năm 1974, việc tô hồng và đánh giá rất sai bậy của chính quyền thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm.

- Chiến lược của miền Nam Việt Nam sau Hiệp định Paris tác động đến việc cắt giảm viện trợ năm 1974 dưới hẳn mức họ cần. Chính sách của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau ngừng bắn là giống y như đang ở đỉnh cao của cuộc chiến: duy trì sự kiểm soát của chính phủ trên từng tấc đất mà quân đội ông chiếm được. Không có quân đội Mỹ và hỏa lực, mục tiêu đó khó mà trụ được. Nhưng ông Thiệu và các tướng lĩnh của ông không bao giờ cố gắng sở đắc một chiến lược thực tế hơn. Thay vào đó, họ tiếp tục các chiến dịch tấn công quy mô lớn trong nhiều tháng sau ngừng bắn (mà phía cộng sản bỏ đi), chiếm cả các vị trí không có giá trị chiến lược gì và rõ ràng là không thể phòng thủ trước các cuộc tấn công lớn sau đó của địch quân. Nhiều nơi bị bao vây mà chỉ có thể tiếp tế bằng không vận, một tiêu hao lớn về nguồn lực đang suy giảm của Nam Việt Nam. Trong những tháng cuối của năm 1974, một cao trào tấn kích ập lên lực lượng chính phủ, nhiều vị trí xa trung tâm đã bị tràn ngập. Với các cuộc tấn kích này hàng ngàn người và cả núi đạn dược, vũ khí, quân nhu bị tổn thất vốn được dự trữ để phòng thủ các khu vực quan trọng hơn. Các thiệt hại diễn ra trong khi ông Thiệu và các vị chỉ huy của ông một mực than vãn sự thâm hụt viện trợ của Mỹ, vốn được dự đoán là không cần thiết. Không có ghi chép nào cho thấy bất kỳ nỗ lực có ý nghĩa nào của các quan chức Mỹ khuyến khích một chính sách thực tế hơn.

- Để thấy rõ hơn chuyện viện trợ: tháng 4 năm 1975, trước việc quân đội miền Nam Việt Nam đã lâm vào cuộc rút lui thê thảm cuối cùng và sự bại trận chỉ còn một vài tuần nữa, chính quyền Ford yêu cầu Quốc hội chi thêm 722 triệu USD cho viện trợ (cao hơn đề nghị 300 triệu USD trước đó, số tiền được phép nhưng nằm ngoài tài khóa). Yêu cầu số tiền 722 triệu USD hiển nhiên có tính tượng trưng, vì hầu như không ai trong hay ngoài chính quyền thực sự nghĩ rằng bất kỳ lượng vũ khí, quân nhu nào lại cứu được Việt Nam. Trước khi Quốc hội ra tay, chiến tranh đã chấm dứt. Vị quan chức vận động hăng hái nhất đề xuất gói viện trợ mười một giờ trong chính quyền là Henry Kissinger, tác giả của bản thỏa thuận hòa bình bất thành. Khó mà không nghĩ rằng một trong những động cơ của ông ta là dàn cảnh cho việc đổ thừa khả dĩ nhất cho đảng Dân chủ trong Quốc hội về sự bại trận sắp xảy ra, và khả năng tối thiểu đối với các hành động của mình. Nếu vậy, khi phán xét theo thông lệ dấu ấn đó là ngày nay, ông đã thành công vượt cả ước mơ lớn nhất của mình.

3. Không phải là một chiến thắng bị vuột mất

Chúng ta có thực sự thắng ở Việt Nam?

Thêm một số sự kiện gợi nhớ những năm cuối cùng:

- Bên cạnh chuyện chiến thắng Việt Cộng được tuyên bố, tiền đề quan trọng khác của câu chuyện chúng-ta-thực-sự-thắng là lực lượng Nam Việt Nam trên bộ và lực lượng Mỹ trên không đánh bại hẳn cuộc tấn công lớn của Bắc Việt năm 1972, nó chứng minh rằng chính sách Việt Nam hóa chiến tranh có hiệu quả. Theo cách nói đó, cuộc chiến trên bộ đã thắng lợi một cách hiệu quả khi các thỏa thuận hòa bình tháng 1 năm 1973 đã được dàn xếp. Nhưng lời tuyên bố đó không có cơ sở thực tế. Quân đội miền Nam Việt chiếm lại một tỉnh lỵ bị quân địch chiếm (mặc dù nó hoàn toàn bị phá hủy khi tái chiếm) và loay hoay phòng thủ hai tỉnh lỵ khác bị đe dọa. Nhưng họ mất vĩnh viễn một chuỗi căn cứ trong nội địa miền núi, bỏ mặc cho Cộng sản cố thủ mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở các khu vực cơ sở truyền thống của họ. Và thương vong của quân đội Nam Việt Nam, gần gấp đôi so với những năm trước của cuộc chiến, và cao đến độ một số sư đoàn, bao gồm số sư đoàn tốt nhất, vẫn chưa hồi phục nhuệ khí hay hiệu quả tác chiến trong một thời gian dài sau đó và cuộc tấn công cuối cùng của Cộng sản năm 1975. Thương vong và tàn phá thường xuyên cũng làm giảm sút tinh thần dân chúng. Cùng lúc đó, phía Cộng sản cũng đã không đạt được mục tiêu của mình bất chấp tổn thất to lớn. Khác với một chiến thắng quyết định được vẽ ra trong huyền thoại chủ nghĩa xét lại, các trận đánh đẫm máu năm 1972 chỉ tái dựng các bế tắc cũ ở một mức độ bạo lực cao hơn, trong đó ý chí quốc gia và thể chế mong manh của Nam Việt Nam tiếp tục suy yếu trong ba năm sau đó.

- Câu hỏi quan trọng mà những ngưới xét lại không trả lời là: nếu mọi việc suôn sẻ vào cuối năm 1972, vậy tại sao Hoa Kỳ, sau khi khẳng định suốt năm năm là bất kỳ sự dàn xếp hòa bình nào cũng phải bao gồm rút quân Bắc Việt khỏi miền Nam, đã phải hạ mức yêu cầu đó (trái với sự phản kháng tuyệt vọng của đồng minh của mình ở Sài Gòn) nhằm có được một thỏa thuận? Nếu chúng ta thực sự thắng, tại sao Tổng thống Nixon và nhà đàm phán Henry Kissinger của ông không thể áp các điều khoản của mình mà không cần một sự nhượng bộ lớn đến vậy? Câu hỏi tự trả lời: theo định nghĩa, sự thỏa hiệp về vấn đề đó có nghĩa là cuộc chiến chẳng đạt một thắng lợi nào cả. Mặt khác, Hà Nội đón nhận sự nhượng bộ của Washington với một nền tảng tương ứng với khả năng của riêng mình, hạ mức yêu cầu lâu dài xuống là chế độ Nam Việt sẽ được giải giáp và giải tán như là một phần của quá trình ngừng bắn. Điều đó nói lên là, hai ông chẳng đạt được một điều gì trong hai thứ trên.

- Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các mô tả xét lại đổ tất cả hoặc gần như tất cả trách nhiệm thất bại đem lại hòa bình lên Bắc Việt Nam. Nhưng sự thật là, rõ ràng với bất cứ ai có mặt ở đó và không hoàn toàn mù quáng bởi lòng trung thành ý thức hệ về bên này hay bên kia, việc không có được thỏa thuận là vấn đề của chung đôi bên. Cả hai bên đều chăm chú vào câu chữ hoặc tinh thần của thỏa thuận ngừng bắn. Hai bên tiến hành từng bước một hướng tới việc thực hiện các điều khoản chính trị của thỏa thuận rồi sẽ đưa đến các cuộc bầu cử quốc gia tự do và cuối cùng là tái thống nhất đất nước. Đôi bên tiếp tục từ chối mọi quyền lợi chính trị cho các đối thủ của mình và cấm các biểu hiện tư tưởng đối nghịch. Về các vấn đề khác, bên này có thể thông cảm hơn với bên kia. Nhưng khi nghiên cứu các sự kiện theo cách khả dĩ nào đi nữa thì việc đổ trách nhiệm phá hoại các thỏa thuận hòa bình đều có ở cả đôi bên.

4. Các sự kiện quan trọng

Gạt các suy nghĩ sai lầm này ra khỏi dòng ký ức về Việt Nam:

- Cái ngụy biện chính yếu trong huyền thoại chúng-ta-thắng là nó vẽ ra cuộc chiến như là chuyện của người Mỹ, mà kết quả đã được định đoạt hoàn toàn bởi những hành động và quyết định của Mỹ. Nó không có ý nghĩa gì đối với đặc điểm, các chiến lược, các điểm mạnh và hạn chế của cả kẻ thù lẫn đồng minh của chúng ta. Lập luận này bỏ qua các thực tế Việt Nam liên quan đến như nạn tham nhũng vốn bòn rút sức mạnh chính trị và quân sự của Nam Việt Nam - ví dụ, sự chuyển hướng một lượng khổng lồ nhiên liệu, thuốc men, quân nhu khác bán ra trên thị trường chợ đen (với số lượng đáng kể chạy vào tận tay quân địch), hoặc thực tế phổ biến của việc giữ binh lính đã chết và bị thương hay số đào ngũ trong danh sách chính thức để cấp chỉ huy có thể tiếp tục bỏ tiền lương của họ vào túi mình. Từ hậu quả của những thực tế này, số thực quân sẵn sàng làm nhiệm vụ ở nhiều đơn vị chỉ là một nửa hay ít hơn được liệt kê trong biểu đồ tại sở chỉ huy bên trên, trong khi quân nhu - đặc biệt là nhiên liệu - thường không có sẵn ở nơi cần có. Nạn tham nhũng cũng làm xói mòn sự lãnh đạo. Với các cấp chỉ huy thường xuyên mua sắm và lạm dụng cho mục đích cá nhân, sự thăng cấp không được dựa vào lòng dũng cảm và năng lực quân sự mà thường xuyên, chính xác là, ngược lại.

- Tương tự, những người xét lại bỏ qua những thảm họa kinh tế - có ảnh hưởng tương đương với cuộc đại khủng hoảng của Hoa Kỳ - làm mất nhuệ khí miền Nam Việt Nam vào các năm 1973 và 1974. Sự suy thoái đó hầu như không dính dáng tới việc cắt viện trợ của Mỹ. Nó phản ánh một sự kết hợp tai hại các sự kiện: mất hàng trăm nghìn việc làm với việc đóng cửa các căn cứ Mỹ, trong khi nhiều năm liên tiếp thu hoạch mùa màng kém và lệnh cấm vận dầu mỏ Trung Đông dẫn đến tăng mạnh giá gạo và nhiên liệu. Chi phí sinh hoạt tăng vùng vụt gây nên nạn nghèo khổ và đói rách cho cả binh lính và dân chúng. Tình trạng đào ngũ tăng vọt trong quân đội, khu vực mà lương của một người lính đã không còn đủ để mua gạo cho gia đình mình. Vì vậy, người ta đem ra chợ bán các mặt hàng quân nhu. Nền kinh tế bị tàn phá là một nhân tố quan trọng khác của sự sụp đổ năm 1975, nhưng hầu như không hề được đề cập trong câu chuyện phiến diện của đám xét lại.

Câu chuyện đó, và cái huyền thoại “Quốc hội thất trận Việt Nam” bắt nguồn từ đó, gợi nhớ đến chuyện George Pickett trả lời Quốc hội khi được hỏi lý do tại sao miền Nam thất bại ở cuộc nội chiến. Theo sử gia Ronald Spector, Pickett được cho là đã trả lời: “Vâng, tôi nghĩ đại loại là người Mỹ (nguyên văn: Yankees) đã làm đôi điều gì đó cho cuộc chiến”. Người Việt Nam, cả đồng minh và kẻ thù của chúng ta, cũng đã làm chút gì đó để đánh chìm con tàu Mỹ tại Việt Nam.

Không khó hiểu tại sao một hư cấu, câu chuyện nghiêm túc lại khảm vào ký ức nước Mỹ về Việt Nam như vậy. Đổ mọi trách nhiệm cho Quốc hội, những người biểu tình chống chiến tranh và cánh tả, về việc trận thua đã giải tội cho những ai thực sự chịu trách nhiệm về chính sách của Mỹ và những ai xúc tiến cuộc chiến; có gì mà ngạc nhiên khi điều này tạo nên cuộc tranh luận rộng rãi trong giới hoạch định chính sách và các chỉ huy quân đội Hoa Kỳ. Cái huyền thoại không chỉ quân lực Hoa Kỳ không bị đánh bại trong trận chiến (chứa ít nhiều sự thật, nhưng cũng không thích đáng mấy, như một sĩ quan Bắc Việt nói với một người Mỹ khốn khổ trong những ngày cuối cùng chiến tranh), mà là các nỗ lực quân sự của Mỹ thực sự thành công, và rằng quân đội Mỹ rời Việt Nam sau khi đánh bại kẻ thù mà họ đã đánh nhau, đã an ủi cho các cựu chiến binh và một đất nước thích ngưỡng mộ và tôn trọng người lính của mình. Nhưng làm cho bản thân thoải mái hơn không phải là một lý do chính đáng để hồi nhớ một câu chuyện thất bại.

Các ghi chép thực tế cho thấy không có bất cứ nghi ngờ hữu lý nào là nước Mỹ đã không thắng ở Việt Nam. Cũng không phải là cuộc chiến tranh thất bại vì phe đối lập trong nước phá hoại một nỗ lực thành công. Sự thất bại là do chính sách sai lầm bắt nguồn từ một nhận thức sai đến tận cùng về cả hai kẻ thù lẫn đồng minh của chúng ta, việc từ chối dứt khoát đối diện với những sự kiện không mong chờ trong công chúng, và một ý tưởng không chút thực tế về điều quân đội có thể hoàn thành. Cũng chắc chắn nhất là bốn thập kỷ sau đó, khi nhớ lại những sự thật đau đớn không chỉ là việc truy tìm một quá khứ rõ ràng hơn. Chúng có mối liên quan hiển nhiên đến các cuộc xung đột hiện nay y thế vậy. Chúng ta càng khước từ nhìn nhận sự thật của các sai lầm trước đây, chúng ta càng có nguy cơ lặp lại chúng - trong các cuộc chiến tranh mà chúng ta đặt cược cao hơn và sự thất bại kéo theo mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với cuộc chiến Việt Nam đã gây nên.

30-4-2015

 

_____

* Phóng viên Mỹ tại Việt Nam của báo The Baltimore Sun thời kỳ 1972-1975, và là tác giả các quyển Without Honor: Defeat in Vietnam and Cambodia Vietnam Shadows.

Có thể xem nguyên văn bài viết bằng tiếng Anh tại:

http://foreignpolicy.com/2015/04/13/setting-the-record-straight-on-vietnam-wars-end-i-some-false-assumptions/

ARNOLD R. ISAACS* (Hoa Kỳ)