HV137 - GS MICHELE THOMPSON - người đưa y học cổ truyền Việt Nam ra thế giới

* Thưa Giáo sư Michele Thompson, nhân cuốn sách về Y học cổ truyền Việt Nam của bà được xuất bản ở Singapore bằng tiếng Anh, Hồn Việt xin gởi lời chúc mừng nồng nhiệt.

- Cám ơn ông và tạp chí Hồn Việt về những lời chúc tốt đẹp!

* Đây cũng là thắng lợi của văn hóa truyền thống Việt Nam. Chúng tôi bên này cũng có ý định khai thác kho Hán - Nôm về y dược học. Sơ bộ thống kê thấy có đến 200 đến 300 thư mục, không phải dễ.

- Tôi nghĩ rằng thực tế có thể có nhiều hơn thế, tùy thuộc vào việc ông coi là văn bản y học là gì. Ví dụ có rất nhiều tác phẩm chưa bao giờ được “xuất bản” hoặc thậm chí được sao chép lại, chúng gần giống như một cuốn sổ ghi chép của bác sĩ hơn là một cuốn sách thực sự, nhưng đối với một học giả đích thực, một người có thể giải mã chữ viết tay và những cách diễn đạt của các vùng miền, tôi nghĩ chúng cung cấp một kho tàng thực sự các thông tin có thể có về thực hành y tế, các dược phẩm, các sản phẩm thuốc địa phương và thậm chí các vấn đề y tế địa phương. Tôi có một ấn phẩm về một số trong những văn bản này. Tôi sẽ rất vui được gửi cho ông một bản sao của bài viết này nếu ông muốn. Tôi nghĩ rằng nếu ông tính đến những văn bản trong các bộ sưu tập tư nhân thì có lẽ có nhiều hơn nhiều so với bất kỳ kho lưu trữ hoặc thư viện quốc gia nào.

Đây là nhan đề và thông tin xuất bản của bài báo tôi đã viết về những văn bản ít người biết đến này: “Hàm nghĩa của Gia truyền: Những văn bản lưu truyền trong gia đình, các tác giả y học và tầng lớp xã hội trong cộng đồng chữa bệnh ở Việt Nam”, trong: Southeast Asia Research 25:1 (2017): 34-46.

GS Michele Thompson (thứ hai từ phải qua) và GS Mai Quốc Liên (giữa)

* Nhân cuốn sách và nhân chuyến thăm - làm việc của bà vừa rồi, tôi nhớ lại Hội thảo châu Á do bà chủ trì ở Boston năm nào, tôi xin cám ơn bà đã tạo điều kiện cho đoàn Việt Nam tham gia hội thảo một cách tích cực.

Nhân đây xin chúc mối quan hệ nghiên cứu Việt Nam, Việt - Mỹ ngày càng được tăng cường.

- Tôi rất nhớ lần hội thảo ấy, gặp ông lần đầu tiên cùng người bạn thân quý của tôi là Ngô Thanh Nhàn! Đó là một kỷ niệm ấm áp thực sự tốt đẹp như chuyến đi của ông đến thành phố New Haven và đến cả ngôi trường đại học bé nhỏ của tôi. Đấy đều là những kỷ niệm tuyệt vời và tôi cũng hy vọng rằng sự hợp tác này giữa các học giả ở Mỹ và ở Việt Nam có thể tiếp tục tiến triển và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người tham gia.

* Bây giờ xin nói về cuốn sách của bà. Xin bà cho biết, từ công việc của một Giáo sư Sử học ở đại học Southern Connecticut State University, bà đã đến với Việt Nam, đến với cái đề tài rất xa lạ với người Mỹ là truyền thống y dược cổ truyền Việt Nam như thế nào?

- Ông nói đúng, đây là một chủ đề khá bất thường đối với một giáo sư người Mỹ, nhưng tôi thực sự quan tâm đến Y học cổ truyền Việt Nam một thời gian dài trước khi tôi trở thành giáo sư. Tôi trở nên quan tâm đến chủ đề này thông qua một quá trình lâu dài từng bước từng bước một rồi cuối cùng đã đem một số đề tài mà tôi từng quan tâm trong phần lớn cuộc đời của mình kết hợp lại với nhau. Khi còn nhỏ, tôi đã bị cuốn hút bởi những gì thuộc về châu Á. Lúc đó tôi nghĩ tôi muốn trở thành một nghệ sĩ và bố mẹ tôi đã mua cho tôi rất nhiều sách về Nghệ thuật châu Á. Nhưng tôi cũng quan tâm đến thực vật, động vật và thế giới tự nhiên nên ít nhất tôi đã xem xét đến việc trở thành một nhà khoa học thuộc ngành nào đó và tôi cũng yêu thích những cuốn sách về thế giới tự nhiên của châu Á nhiệt đới. Khi tôi học đại học, tôi đã tham gia tất cả các lớp học về châu Á nếu có thể, nhưng cũng vẫn tiếp tục học môn Sinh học. Tôi đã tốt nghiệp với hai chuyên ngành chính về Lịch sử và Nhân học (Khảo cổ học) và hai chuyên ngành phụ về Sinh học và Mỹ thuật. Rồi tôi tiếp tục học thạc sĩ về Lịch sử Đông Á, tập trung vào Nhật Bản và Trung Quốc. Sau đó tôi nhận được một công việc giảng dạy tiếng Anh tại một trường đại học ở thành phố Đài Trung, Đài Loan. Tôi đã dành 4 năm ở đó để học tiếng phổ thông, dạy tiếng Anh và đi du lịch khắp châu Á. Vào kỳ nghỉ đông đầu tiên của tôi (dịp Tết) tôi đã đến Thái Lan và đem lòng yêu Đông Nam Á. Toàn bộ thời gian này tôi cũng vẫn tiếp tục quan tâm đến Sinh học và Thế giới tự nhiên. Tôi đã đi thám hiểm rất nhiều ở Đài Loan và bất cứ khi nào tôi đi du lịch, tôi luôn đi đến Vườn bách thảo và Công viên quốc gia. Sau 4 năm tôi trở về Hoa Kỳ để lấy bằng tiến sĩ về Lịch sử Đông Nam Á; các giáo sư của tôi nói với tôi rằng vì tôi đã biết tiếng Trung Quốc và vì tôi thích lịch sử cổ, trước thế kỷ 20, nên Việt Nam sẽ là một lựa chọn đương nhiên đối với tôi. Nơi đây, tôi cũng khám phá ra lĩnh vực Lịch sử y học và tôi nhận ra rằng đây là một cách để đưa tình yêu khoa học của tôi, đặc biệt là sinh học, vào công việc của tôi như một nhà sử học.

* Chúng tôi hình dung ra được những khó khăn trên con đường nghiên cứu đó. Xin bà cho độc giả Hồn Việt biết công việc của bà và những cố gắng của bà…

- Đúng là đã có một số khó khăn trên đường đi! Một số trong số đó là những khó khăn tương tự mà bất kỳ học giả nào phải đối mặt, nhưng một số khác lại đặc biệt so với những gì tôi học và nơi tôi dạy. Vấn đề lớn đầu tiên trong những ngày học sau đại học của tôi là kiếm đủ tiền và đủ thời gian để có thể học tiếng Việt cùng lúc tôi đang học các khóa sau đại học về Lịch sử và tiếp tục học tiếng Trung, đến lúc này tôi đã chuyển sang học tiếng Hán cổ. Sau đó, vấn đề lớn thứ hai tôi gặp phải là kiếm tiền và xin được giấy phép du lịch tới Hà Nội để làm nghiên cứu cho luận án của mình. Vào thời điểm tôi bắt đầu thử làm điều này, năm 1991, Hoa Kỳ và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao và vì điều này, nhiều chương trình học bổng cho sinh viên sau đại học tại Hoa Kỳ sẽ không được cấp tiền để học tại Việt Nam. Công dân Hoa Kỳ cũng phải đến một nước thứ ba để xin thị thực - tôi đã nhận được ở Hồng Kông. Nhưng tôi vẫn kiên trì và lần đầu tiên tôi đến Hà Nội là vào tháng 1 năm 1993. Vấn đề lớn tiếp theo là chữ Nôm. Vào thời điểm đó, đầu những năm 1990, mọi người đều nói rằng chữ Nôm chỉ được sử dụng như một ngôn ngữ văn học, cho thơ, kịch và các thể loại văn học khác, còn mọi thứ khác được viết ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 trở về trước, trước khi chữ Quốc ngữ phát triển, đều được viết bằng Hán văn. Trước khi tôi đến Việt Nam, không ai bảo tôi cần học chữ Nôm. Vì tôi đang nghiên cứu Lịch sử y học nên họ nghĩ tôi sẽ không cần nó. Ông có thể tưởng tượng tôi sốc như thế nào khi phát hiện ra rằng ít nhất 50% các văn bản y học được lưu giữ tại Viện Hán - Nôm được viết ít nhất một phần bằng chữ Nôm. Tôi gần như bỏ cuộc tại thời điểm đó, hoặc ít nhất là tôi gần như thay đổi đề tài của mình. Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng có lẽ đóng góp lớn nhất của tôi cho nghiên cứu Việt Nam nói chung là đã khẳng định, bắt đầu từ cuối năm 1993, rằng chữ Nôm rất quan trọng đối với bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào về Việt Nam trước khoảng năm 1945 hoặc 1950. Hầu hết các học giả giờ đây thừa nhận điều này, nhưng nhiều người vào thời điểm đó đã không thực sự tin tôi.

Ngày nay, tất cả những vấn đề đó đã được giải quyết bằng cách này hay cách khác, và chủ yếu là những vấn đề tôi gặp phải chỉ là những vấn đề mà bất kỳ học giả nào cũng có. Cụ thể là tìm đủ thời gian và kinh phí để hỗ trợ nghiên cứu của mình trong khi vẫn dành thời gian và sự quan tâm thích hợp cho sinh viên của tôi và cho các loại công việc khác của tôi, chẳng hạn như cho các ủy ban, cho trường đại học của tôi - Đại học bang Nam Connecticut.

* Trong thư mục nghiên cứu của cuốn sách, thấy có cả những tài liệu Hán - Nôm. Những ai đã giúp đỡ bà trong việc thâm nhập kho tàng Hán - Nôm đầy bí ẩn đó?

- Có nhiều học giả ở Việt Nam mà tôi mang món nợ ơn nghĩa về sự giúp đỡ cho những phần khác nhau của cuốn sách của tôi, và cho những công trình khác mà tôi đã xuất bản, nhưng có 4 người đặc biệt đã giúp tôi với các văn bản Hán - Nôm khi tôi còn là sinh viên sau đại học và trong khi tôi đang chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn sách của mình. Đó là các vị Chu Tuyết Lan, Hoàng Văn Lâu, Phan Văn Các và Trần Quốc Vượng. Các học giả này đã giúp tôi gần như hằng ngày trong thời gian tôi ở Việt Nam từ tháng 1-1993 đến tháng 7-1995.

* Chúng tôi mong cuốn sách được dịch ra tiếng Việt, để ít nhất nó cũng khích lệ cho việc nghiên cứu đề tài này ở Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học sẵn sàng in ấn phẩm tiếng Việt đó.

- Trong những năm đầu tiên sau khi cuốn sách của tôi được xuất bản, tôi thậm chí không nghĩ rằng nó sẽ được dịch sang tiếng Việt. Tôi biết rằng tôi vừa không có khả năng dịch nó sang tiếng Việt học thuật, vừa không có thời gian để làm việc này. Ông thật tốt vì đã khuyến khích điều này và đề xuất hỗ trợ. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn đã tiếp cận nhà xuất bản của tôi về việc dịch thuật. Liệu Trung tâm Nghiên cứu Quốc học có thể hợp tác với anh ấy để tiến tới xuất bản nó được hay chăng?

TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG dịch

GS MAI QUỐC LIÊN thực hiện