Anh Xuân Diệu có một bài thơ về Bà má Năm Căn tặng anh Đoàn Giỏi. Chỉ vì chưa đến Năm Căn bao giờ, nhưng nhờ đọc bài Cây đước Cà Mau của anh Giỏi nói về bà má, anh Xuân Diệu liền viết được bài thơ xúc động kia. Những người làm thơ chúng tôi hay chịu ơn các nhà viết văn xuôi, làm báo, các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà khoa học, các triết gia… như vậy. Họ gợi ý, gợi tứ cho mình. Kiểu mình xem người ta múa kiếm mà mình phóng tay viết chữ phượng múa rồng bay, mình xem thủ pháp, kiếm pháp của thiên hạ mà mình làm thơ khá. Luật mô phỏng. Luật đôminô. Ở đây còn hơn thế. Tôi chắc anh Giỏi đã cung cấp cho anh Xuân Diệu thẳng thừng trực tiếp hơn: chất liệu và xúc cảm. Tôi dám nói thế, vì hồi đó đọc văn anh Giỏi tôi rất xúc động trước các chất liệu miền Nam của anh. Hồi đó, hồi đó… là hồi nào? Chao ôi, ba chục năm trời rồi, nhanh thật. Đất nước vừa làm xong Điện Biên, đuổi xong giặc Pháp, vừa lập lại hòa bình, và có một nửa Tổ quốc là miền Bắc sống trong độc lập tự do. Các nhà văn miền Nam tập kết ra đó. Và sông núi, cây cỏ, chim muông, nhân vật, thời tiết, ngôn ngữ miền Nam theo họ mà vào kho tàng văn chương của cả nước. Bà má, cây đước, mảnh đất Năm Căn vào tâm hồn và vào thơ anh Xuân Diệu, vào trong tâm trí của mỗi người trong đó có tôi. Nhờ có anh Hoàng Tố Nguyên, tôi biết Gò Me, biết Đám lá tối trời, tôi biết An Phú Đông là nhờ Xuân Miễn, lại nhờ Nguyễn Ngọc Tấn sau này là Nguyễn Thi mà… nhưng thôi các chuyện ấy dành cho các nhà làm văn học sử tính sau. Chỉ có một điều tôi xin nói tắt qua đây, nhờ có Phi Vân mà tôi biết được mảng sống cũ của Nam Bộ rất là đặc sắc. Phi Vân, tác giả Trao thân con khỉ mốc, Đồng quê có in ở Tổng tập văn học Việt Nam! Thế nhưng chả được mấy nhà phê bình nhắc đến. Anh Đức mách cho, tôi tìm đọc. Theo tôi đó là một Nam Cao, một Ngô Tất Tố miền Nam, có những chất liệu rất miền Nam, bút pháp rất miền Nam, tài liệu và đề tài đều lấy thẳng từ đất đai, truyền thống ở đây ra, chứ không phải từ văn hóa Tây Tàu nào, thích lắm. Chất liệu là một điều rất quan trọng. Lần ông bà Marquez đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi có ca ngợi bút pháp Trăm năm cô đơn của ông. Ông khiêm tốn “Nhờ chất liệu châu Mỹ La tinh đấy. Chất liệu này làm giàu không những cho các nhà viết tiểu thuyết như tôi mà cho các họa sĩ, các nhà thơ nữa”. Cố nhiên là “như vậy mà cũng không là như vậy”. Nhưng cứ nhìn qua họa của Siqueiros, thơ của Pablo Neruda, của Octavio Paz, nói chi đến tiểu thuyết của Carpentier, của Asturias thì Marquez không nói sai đâu.

Nhờ các nhà văn Nam Bộ, chúng ta đã khám phá, phát hiện ra miền Nam Tổ quốc ta, khám phá phát hiện ra các chất liệu đã làm nên cái miền là “máu của máu ta, thịt của thịt ta”. Đoàn Giỏi là một trong những người “thông tin” đầu tiên về Nam Bộ, lúc ấy. Đầu tiên, vì vài năm sau mới có Anh Đức (Bùi Đức Ái), Nguyễn Quang Sáng rồi vài năm sau nữa mới có Đinh Quang Nhã, Võ Trần Nhã, Lê Văn Thảo v.v… Lại cũng xin nhường vấn đề này cho các nhà nghiên cứu văn học, am tường hơn, độ chính xác đáng tin cậy hơn. Với người độc giả là tôi, anh Giỏi có lợi thế này: tôi đọc anh lúc nằm dưỡng bệnh xa Tổ quốc, mỗi dòng về Tổ quốc, về miền Nam đều chấn động nơi sâu thẳm thiêng liêng nhất của lòng mình. Vì những lẽ ấy, bây giờ khi đọc lại các bài văn anh viết lúc ấy, tôi e ngại cho anh. Đã không ít nhà, thơ cũng vậy mà văn hay lý luận cũng vậy, khi để tản mác các bài viết mỗi nơi mỗi chỗ, tính từng món thì có vẻ quý, ấy thế nhưng khi gộp lại thành một khối thì lại không nặng trong lòng tay. Đó là quy luật trong không gian. Lại còn quy luật của thời gian khắt khe hơn. Là cũng nhan sắc ấy, mà ngày xưa thì mặt rỗ hoa mè, bây giờ sau bao nhiêu tháng ngày, hoa mè bay đi chỉ còn rỗ mặt. Năm ngoái tôi đọc lại Thạch Lam, nhà văn tôi yêu mến trong Tự Lực văn đoàn. Quả là các tác phẩm đọc qua cần đọc lại. Gần nửa, thậm chí gần hai phần ba những truyện của Thạch Lam, xưa tưởng “chắc” mà bây giờ hóa “óp”. Hình như cái gì, xưa hiện thực thì bây giờ vẫn thực, mà nhờ đấy vẫn văn, còn cái gì xưa làm văn, lãng mạn, màu mè thì bây giờ số phận lại bấp bênh đấy.
Khá may cho Đoàn Giỏi là sau ba mươi năm, hai mươi năm, mười lăm năm, nhiều bài của anh đọc lại, vẫn “chịu” được. Kỹ thuật chăng? Tài năng chăng? Chớ về thông tin, về chất liệu, thì quả là “vừa vậy vừa không phải vậy”. Năm Căn tôi đã đến rồi, cây đước tôi đã thấy rồi, bà má Năm Căn và hàng trăm bà má khác tôi đã gặp rồi, thế sao đọc các bài văn kia, tôi vẫn thấy xúc động. Có gì ở đằng sau các chất liệu kia, trên hay dưới, hay bàng bạc chung quanh các chất liệu kia, vừa là nó vừa không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đi qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian. Ba mươi năm! Cố nhiên là người đọc ngây thơ, cả tin ngày ấy là tôi nay đã tinh khôn, láu lỉnh, láu cá nữa, không ai dễ lừa mình như trước. Nhưng khi một tác giả đã chân thành lúc viết, thì tất cả sự láu khôn của người đọc hóa thành không có chỗ đứng. Họ viết bằng trái tim trần và mình phải đọc bằng trái tim trần. Những độc giả trí tuệ ở các đô thị hiện đại ngày nay xúc động trước các câu dân ca trên núi cao thời xưa, là theo quy luật đó.

Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989)
Cũng có thể bây giờ Đoàn Giỏi lại thừa hưởng được những lợi thế khác. Giải phóng, thống nhất đất nước mười hai năm rồi, vân vân và vân vân, chúng ta quên đi nhiều thứ lắm. Quên kẻ thù từng đã là kẻ thù vẫn tàn ác như vậy. Quên nhân dân đã đóng góp ngay cả xương máu và sinh mệnh của mình. Quên tấm lòng một bà má miền Nam. Quên tình bạn và bữa cơm trên miền Bắc. Quên rằng mình có lúc đã cùng dân tộc đứng trên những đỉnh cao, hoặc khi dân tộc lên cao, là trong ấy có cả mình… Vì những cái quên chưa tổng kết đàng hoàng ấy, mà ta làm sai nhiều bài toán. Quên cái ngày qua, nên không đánh giá được sự việc hôm nay…
Những lúc ấy đọc lại các bài văn cũ, như những tình bạn, tình yêu sắp tan vỡ, bỗng xáp mặt với các thư tín, hình ảnh, kỷ niệm cũ. Ồ, có người hơi bối rối lúc thấy có kẻ chửi ta về vấn đề di tản, nhân quyền. Họ hãy đọc Vượt tuyến, Ngược tù chính trị năm tuổi…
Đọc các chi tiết bà má Năm Căn định gởi mắm tép ra cho Cụ Hồ, gởi cây đước miền Nam ra trồng giữa hồ Hoàn Kiếm. Ta hiểu giải phóng được miền Nam, chính là nhờ tấm lòng hướng về Trung ương, hướng về miền Bắc của nửa nước phía trong này. Những trang viết về Hà Nội, về Nguyễn Huy Tưởng và các nhà văn miền Bắc chăm lo cho các cây bút miền Nam làm ta hiểu tình cảm thống nhất Bắc - Nam chính là dòng máu đỏ nhất, nồng nhất của dân tộc những ngày ấy, bây giờ và mãi mãi. Là một nhà văn miền Bắc, từng ở miền Bắc, tôi rất quý trọng Đoàn Giỏi, cũng như Anh Đức đã có nhiều trang như vậy về nơi từng chứng kiến một quãng đời văn học của mình. Đọc Đoàn Giỏi mà như đọc lại lịch sử biên niên những năm tháng ấy. Anh chỉ nói quá trình của anh mà thành ra ghi lại hành trình của dân tộc. Đâu phải chỉ vì chúng ta ghi tháng ngày dưới các bài ta viết.
Những ai đã “bay theo đường dân tộc đang bay” đều nhận được phần thưởng một công hai việc này. Dân tộc ta đã về đến đích. Và cùng với các nhà văn Nam Bộ khác, anh cũng đã về đến đích, đứng trên mảnh đất quê hương, mang theo cả tác phẩm mình.
Ờ ngày nào tập kết ra Bắc, mái tóc các anh còn xanh, mà nay về đến quê nhà, mái đầu đã hoa râm, chớm bạc. Nhưng hề chi điều đó, anh Giỏi! Đêm qua tôi đọc lại lần nữa Chuyến xe thổ mộ cuối năm của anh, Tiếng gọi ngàn của anh, viết sau ngày giải phóng. So nó với những trang anh viết thuở ban đầu. Qua bao nhiêu năm vất vả, dễ mà chúng ta dẫm chân tại chỗ, cùn đi lắm chứ! Mừng cho anh, là trong các trang về sau, có sự ngân vang, âm vang của nội tâm, nó làm cho tác phẩm động đến số phận, có bề sâu. Nếu văn anh những năm đầu làm tôi chú ý đến cái vạm vỡ, cuồn cuộn bên ngoài thì Tiếng gọi ngàn lại khiến tôi yêu vì cái bề sâu, bề sâu âm ỉ đó. Hình như anh có viết thư cho tôi lúc ấy, e ngại vì có xì xầm, lườm nguýt đây đó vì cái ngân vang, âm ỉ đó. Ôi cái quái gì mà người ta không xầm xì, lấm lét! Nhưng quả là văn học, và mỗi chúng ta phải bước vào một thời kỳ mới, ở đó sự xúc cảm của ta, tư duy ta, bộ não và cách dòm ngó của ta đừng né tránh các vấn đề, nhất là đừng né tránh nội tâm mình.
Tôi rất tiếc cho anh Giỏi là anh để thất lạc tản mạn quá nhiều bài của mình. Có bài tôi nhắc rồi anh mới nhớ ra. Bài Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh ở đâu? Sao không trích Cá bống mú? Có lần tôi đi trao đổi văn hóa ở Ba Lan, các nhà văn Ba Lan nhờ tôi giới thiệu cho một tập sách viết cho thiếu nhi của Việt Nam để Ba Lan dịch. Tôi giới thiệu Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài! Hóa ra các bạn dịch lâu rồi! Các bạn đòi quyển khác. Nghĩ mãi, theo tôi chỉ có Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi mới có thể điền vào chỗ ấy. Anh Nguyễn Thành Long trong đoàn, có thẩm quyền về văn xuôi hơn tôi, thấy thế là rất đúng. Lẽ ra nên trích vài chương ấy ở đây. Lẽ ra... nhưng thôi, đây đâu phải là Tuyển của anh. Với lại, với những nhà văn lớp ngoài năm mươi, năm mươi lăm tuổi, như chúng tôi, in được gì dày mỏng, nhiều ít các anh in đi cho. Chớ nay mưa mai nắng thất thường (kể cả nay mưa mai nắng về thế sự nhân tình) thì lớp lớn tuổi dễ bị thiệt thòi lắm. Huống nữa anh Giỏi có cái may được in ở quê nhà. Quê cần ở anh độ sâu của tình cảm, chứ không phải bề dày của tập sách. Tấm lòng anh một đời sâu nặng với quê hương, giờ quê hương trân trọng in lại anh như một nỗi tự hào là rất đúng! Vì lẽ ấy, tôi đã nhận lời viết những dòng này - mà gọi là tựa, hay là bạt, hay là giới thiệu gì cũng được. Nó là tình cảm của tôi với mảnh đất miền Nam yêu quý, với bè bạn ở đất này.
Tân Thái Sơn 15-8-1987