Năm 1961, Bộ Văn hóa về trường tôi tuyển sinh đào tạo ngành âm nhạc cho miền Nam. Ngày 15-3-1963, tôi tốt nghiệp được phân công về Đoàn văn công tỉnh Quảng Ninh công tác.
Cuối năm 1964, chồng tôi, Nguyễn Việt Hải (diễn viên dàn nhạc giao hưởng Việt Nam), được Ban Thống nhất Trung ương triệu tập đi B, ba chồng tôi là ông Nguyễn Văn Cang - nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre - lên Ban Thống nhất đề nghị cho tôi đi cùng chồng công tác và được chấp thuận. Ba tôi nói rất xúc động: “Ba già, sức yếu, hai con thay ba về quê góp sức cùng đồng bào giải phóng quê hương, cho ba và các bác, cô chú sớm được về quê”.
Ngày 18-3-1965 bắt đầu bước chân trên dãy Trường Sơn, trạm đầu tiên ở làng Ho, tỉnh Quảng Bình. Con đường Trường Sơn dài thăm thẳm vượt qua bao nhiêu núi, bao nhiêu sông gian nan hiểm trở… Ngày 19-5-1965, đoàn chúng tôi tới R (Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam) đúng ngày sinh nhật Bác Hồ, chúng tôi đi thật nhanh, vượt qua trạm, vượt cả thời gian chỉ có hơn 2 tháng đoàn chúng tôi tới trạm tập kết R.
.jpg)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với con em miền Nam theo cha mẹ tập kết ra Bắc
Được phân công về Đoàn văn công Giải phóng công tác, tôi nhanh chóng bắt tay tập dượt các tiết mục, phục vụ lãnh đạo Trung ương cục R và các anh bộ đội bảo vệ căn cứ, đại hội Anh hùng toàn miền Nam.
Chúng tôi tập lại các tiết mục phục vụ các hội nghị: Tổng kết chiến thắng các trận Ấp Bắc, Bình Giã, Bàu Bàng, Plây Me… và đón đoàn nhà báo Pháp - Australia.
Đội xung kích gồm tất cả các bạn miền Bắc tăng cường cho Đoàn văn công Giải phóng, có các bạn: Thế Viên, Thế Hải, Thúy Hợi, Trần Mùi, Tô Lan Phương, Mai Lâm… phục vụ bộ đội trung tuyến, thanh niên xung phong, thương bệnh binh tuyến sau, Ban dân y R…
Đêm giao thừa năm 1968 tôi nhớ mãi, sau đêm biểu diễn các anh bộ đội tổ chức liên hoan đón giao thừa, tin vui từ chiến trường đưa về “Giờ G đã điểm”, giờ phút mà mọi người chờ đợi bấy lâu. Ngay tức khắc chúng tôi vui mừng đồng thanh reo hò, vang cả khu rừng (trên đất bạn). Nhớ hình ảnh anh Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) chưa tới lượt mình được uống rượu, anh với tay qua người đối diện bưng chén rượu uống một hơi. Càng uống càng vui vẻ hăng hái, đêm hôm đó anh ngẫu hứng sáng tác nhiều bài thơ để đời như: Chào xuân đại thắng, Dáng đứng Việt Nam… Bài thơ Dáng đứng Việt Nam dường như cũng thấp thoáng bóng dáng anh, người anh hùng trẻ tuổi của quê hương Đồng khởi Bến Tre. Tất cả mọi người thức suốt đêm, vui tưng bừng không thấy mệt mỏi đến khi trời sáng lúc nào không hay.
Tin vui chiến thắng liên tiếp đến từ các chiến trường đưa về làm nức lòng người. Đoàn văn công Giải phóng cũng khẩn trương chuẩn bị tập tiết mục mới để chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

Văn công Giải phóng hát cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ ta trong chiến tranh
Đợt 2 Mậu Thân, tháng 2 năm 1968. Anh Tư Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), Trưởng Tiểu ban văn nghệ vô thẳng vấn đề: “Vừa rồi tôi dự cuộc họp Tuyên huấn toàn miền Nam, các đồng chí Tuyên huấn Khu 8 có đề nghị Tiểu ban văn nghệ R cho hai đồng chí cán bộ chuyên môn tăng cường cho Đoàn văn công Đồng Tháp. Hai đồng chí quê ở T2, vì vậy tôi cho mời hai đồng chí tới đây. Đây là công tác của Đảng - Cách mạng cần” (anh nói và nở miệng cười thân thiện). Tôi nhanh nhảu trả lời: “là cơ hội hiếm có, chúng em sẽ thực hiện ước mơ được về phục vụ đồng bào quê hương mình”.
Hai hôm sau chúng tôi cùng lên đường thực hiện tiếp nguyện vọng ước mơ bấy lâu. Cùng đi với chúng tôi có anh Bảy Bá là đạo diễn, diễn viên kịch giỏi. Anh thường thủ vai chính trong vở Cái ghế của tác giả cũng là đạo diễn Ngô Y Linh.
Khoảng 5 giờ chiều, ba chúng tôi có mặt tại trạm Ba Thu, chờ mặt trời lặn thì lên đường. Hành quân qua “Cánh đồng chó ngáp”, mùa nước cây tràm mọc chen chúc trong cỏ lau sậy, mùa khô đồng bào chặt tràm làm củi để lại những gốc tràm lổm nhổm. Do lội sình lầy nên chúng tôi đành tạm bỏ dép cao su, thỉnh thoảng đạp phải gốc tràm đau ứa nước mắt. Lội qua nhiều bưng nước có chỗ sâu tới ngực. Đi suốt mấy tiếng đồng hồ mà không có chỗ nghỉ chân. Khi được giao liên cho nghỉ 10 phút, xung quanh không có cái gò nào, đồng nước thì mênh mông, chúng tôi chỉ còn có mỗi cách là dùng chiếc gậy chỏi cái bồng để nghỉ. Cánh đồng rộng mênh mông đi mãi mà không thấy bờ bến, đúng là “Đồng chó ngáp”. Trời sáng, chúng tôi tới trạm Phố thuộc tỉnh Soai Riêng trên đất bạn Campuchia.
Chúng tôi hành quân tiếp tục đi về Khu 8, trên đường đi phải qua cánh đồng Thống Bình, phía bên Việt Nam đang có trận càn của Mỹ. Máy bay đầm già bay lượn qua lại trên đất Campuchia, chúng tôi vừa đi vừa núp máy bay địch, chạy mãi đến gần 5 giờ chiều mới đến được trạm T2. Giao liên dẫn chúng tôi về Đoàn văn công Đồng Tháp an toàn.
Đoàn văn công Đồng Tháp đóng chốt trên một cái gò gọi là Gò Ngãi, xung quanh có các loại rau trai, rau muống và lau sậy um tùm che khuất. Chen trong đám cỏ là vài gốc vừng mọc xen kẽ, có một cây vừng gốc to lá mọc sum suê, dưới tán lá dày là một ngôi nhà sàn nhỏ, đó là hội trường Đoàn văn công Đồng Tháp. Chúng tôi vừa bước chân đến nơi liền gặp anh Hai Đoàn Tứ, trưởng đoàn.
Ở Gò Ngãi không có cây để móc võng nằm mà phải ngủ trên những chiếc giường tự tạo. Các anh đào đất đắp cho cao cỡ 5 tấc, cắt cỏ phủ lên, trải ni lông làm chiếu. Hai chúng tôi được nằm trên những chiếc giường thật êm tuy ẩm thấp…
Ít lâu sau đoàn được lệnh hành quân về phục vụ bộ đội, đồng bào vùng ven tỉnh Kiến Phong, An Giang. Tôi rất vui, phấn khởi vì sắp được đặt chân trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Trên đường hành quân phải lội qua khúc sông rộng, lại sâu (chi nhánh sông Tiền), không có xuồng nên phải dùng ni lông bao cái bồng để làm phao lội qua sông. Hành quân độ hơn hai tiếng thì tới căn cứ. Trời đã nhá nhem tối, chúng tôi ăn vội cơm nắm mang theo rồi trải ni lông trên mặt đất khô cằn. Do đường xa mệt mỏi, tất cả đều ngủ một giấc ngon lành.
Buổi sáng, chúng tôi bắt tay xây dựng “căn cứ”. Các anh chia nhau đi về phía kinh rạch gần đó chặt cây trâm bầu vác về làm cột nhà, đám con gái chúng tôi thì đi cắt cỏ lợp mái nhà… mỗi tổ đều có một cái lều nhỏ xinh xắn đủ để trú mưa tránh nắng. Trời nắng cháy da, chúng tôi đều mang một màu da giống người nước bạn (Campuchia). Chỗ đóng quân rất xa dân, có anh Sáu Mậu đi tiếp phẩm gạo, muối… thì mỗi người đều có ruột tượng gạo được phân phối. Anh Sáu chỉ mua muối, nước mắm, tương hột, chao…, còn mọi người tùy sức mình tham gia tát vũng, bắt cá, lươn…, lúc này có anh Mười Nghĩa bắt rắn hổ rất tài tình. Thỉnh thoảng sau đêm diễn, chúng tôi được bồi dưỡng bằng một nồi cháo rắn hổ nấu với đậu xanh, thật bổ khỏe mát lòng.
Đối tượng phục vụ là bộ đội quân khu và bộ đội tỉnh An Giang. Có một đêm thật ấn tượng, chúng tôi phục vụ một tiểu đội đặc công, sân khấu bằng hai cây tre dài cỡ 3m, treo phông hậu, ánh sáng có hai đèn khí đá. Không có dàn âm thanh, vì vậy diễn kịch phải nói to, hát to, nhạc cũng tăng âm thanh. Xung quanh sân khấu có nhiều đống lửa cháy sáng đốt bằng cỏ khô, do sáng kiến của các anh bộ đội đốt đồng chia ánh sáng đánh lạc hướng bọn lính trên núi Sam nhìn xuống, một sáng kiến đậm chất nghĩa tình quân dân.
Sau đó chúng tôi lên đường tiến về phía Vạc Lài phục vụ đồng bào Việt kiều. Một buổi trưa hè, tôi và em Song Thu bơi xuồng đi mua đồ dùng cá nhân… Tôi bơi lái, Song Thu bơi mũi. Chiếc xuồng nhỏ lướt trên dòng nước trong xanh, mát mẻ. Nhìn xuống nước trong vắt thấy đàn cá tung tăng bơi lội, Song Thu buột miệng “Nếu mai em hy sinh, em thích được nằm xuống dòng sông mát lành này, trong tư thế trên mặt còn hóa trang cho đẹp, em sẽ lấy khăn rằn buộc bụng thật chặt sợ khi đó sẽ bị uống nước, bụng phình to, rồi chẳng may bị kẻ xấu miệng nói em có bầu…”. Tôi rầy yêu em “Đồ khùng, cuộc sống em còn dài vì em đẹp và có tài, em phải dùng tài năng để phục vụ nhân dân chứ”.
Chương trình phục vụ hai đêm - một đêm phục vụ đồng bào Việt kiều vùng ven biên giới tỉnh An Giang, một đêm ở Vĩnh Sương bên bờ sông Tiền Giang giữa đất Việt Nam và Campuchia. Hai bên có hai đồn; phía Việt Nam có đồn lính ngụy, phía đất Campuchia có đồn lính Campuchia. Thời gian này bên Campuchia thường gây khó khăn cho ta, chúng tôi làm sân khấu diễn giữa “hai làn đạn” gay go lắm.
Năm giờ chiều, chúng tôi nhanh chóng hành quân đến địa điểm mới. Hậu đài chuẩn bị xong sân khấu chương trình diễn kịch: Đường phố dậy lửa, Em bé đánh giày, ca tân, ca cổ, tốp ca có bài Qua sông, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn và bài Xoai chanty…
Diễn lần này tôi có tham gia tốp ca, cũng đánh nhanh rút gọn, đêm diễn thật căng thẳng, nhưng sau đó được nghe du kích kể lại, lính ngụy khen văn công Việt Cộng diễn hay quá!
Hôm sau chúng tôi hành quân về Thường Phước diễn cho đồng bào Việt Nam. Chờ tối giao liên đưa chúng tôi vượt sông Tiền Giang về phía đất bạn. Một chiếc ghe to, chứa độ khoảng 30 người, xuống ghe xong nổ máy, ra gần giữa sông phải yên lặng vì khúc sông Việt Nam có tàu Mỹ ngăn sông, nên ghe phải tắt máy. Không khí quá căng thẳng, mọi người tập trung bơi bằng cây dầm. Cuối cùng thì cũng tới bến bờ an toàn. Thế Hải phát biểu “Qua được sông, bạc đầu luôn”.
Trở về căn cứ gốc vừng. Hằng ngày, sáng tập cơ bản, chiều tập tiết mục mới. Ngoài giờ chuyên môn, bọn tôi chia nhau ra tìm cách “cải thiện” để có chất tươi, lúc thì rau trai, bữa thì rau muống. Chất đạm thì có chuột đồng, con nào con nấy lớn bằng con mèo con, xương nó rắn máu vàng như rễ cây nhàu, mỗi tối chúng tôi gài bẫy nhẹp bắt chuột. Ở đây ngoài các loại rau có cây nứa, da nó quằn quện như con trăn. Chặt cây nứa tước vỏ, bóp muối xào bỏ bột ngọt hoặc nấu canh chua rất ngon.
Sáng sớm từng tổ phân công ra đánh cá xin ốc bươu, cua về làm thức ăn, ốc đập vỏ kho sả ớt, cua đồng có anh Bảy Bá cố vấn giã cua nấu bún riêu. Nhờ cách cải thiện dinh dưỡng này mà chúng tôi vẫn khỏe mạnh, hát hay, múa dẻo.
Lần này diễn được sự hỗ trợ của đồng bào. Sân khấu thì được kê ván, phông màn, cánh gà treo đầy đủ như chuyên nghiệp. Có bà con bên cồn bơi xuồng qua xem, mặc dù chưa tới giờ diễn mà đồng bào tới kín cả phía trước sân khấu. Ai nấy đều mang theo trái cây, rau, gà vịt, cà chua, cà tím ngồi xem dưới sân khấu… chuẩn bị bồi dưỡng cho đoàn, thật cảm động.
Chương trình phục vụ đầy đủ từ kịch nói, ca cải lương, đơn ca nam, nữ, các tiết mục múa và cuối cùng là đồng ca nam nữ. Đêm diễn đó Song Thu dẫn chương trình, đặc biệt lần này chúng tôi được đồng bào khen thưởng bằng tiền sau những tiếng vỗ tay. Hầu hết đơn ca, vai chính đều được thưởng. Sau lần này, đoàn muốn tăng cường chương trình của tổ nhạc và đề nghị tôi tham gia độc tấu đàn violon bài Quê hương của nhạc sĩ Lưu Cầu, anh Trực đệm ghi ta. Tiết mục của tôi vừa chấm dứt bất chợt có tiếng nói lớn “Tao thưởng cho con nhỏ đờn cò Tây một ngàn đồng”.
Toàn đoàn nhanh chóng tập hợp hành quân về căn cứ. Trực ban báo cáo quân số chỉ còn thiếu Song Thu ở tổ kịch. Toàn đoàn nán lại chờ tổ kịch đi tìm. Thời gian khá lâu, sợ ảnh hưởng sức khỏe và an ninh cho đoàn, Ban phụ trách quyết định đoàn vẫn hành quân, phân công vài anh tổ kịch ở lại tìm Song Thu, Châu Thanh chịu trách nhiệm chính.
Về tới căn cứ không ai ngủ được, trằn trọc, lo lắng. Em Song Thu là đảng viên trẻ, đẹp, giỏi chuyên môn. Ba Song Thu hy sinh thời kỳ chống Pháp. Má đặt tên em là Sống Thù, em lớn lên đi trả thù cho ba. Nhưng tên con gái đọc vậy hơi nặng nề nên em đổi lại là Song Thu, hai mùa thu: mùa thu cha đi đánh Pháp, mùa thu con tham gia cách mạng đánh Mỹ trả thù cho cha. Tất cả những lý do trên làm tiền đề nghi vấn cho chúng tôi. Sợ Song Thu bị địch bắt…
Trời đã sáng, tốp người tìm kiếm Song Thu đã trở về. Nét mặt không vui, mệt mỏi, Châu Thanh đi đầu báo tin “Song Thu mất rồi, tìm thấy xác em ở dưới sông”. Hung tin đem đến cho chúng tôi thật đột ngột, không thể tin được, các em gái ôm nhau khóc rưng rức. Riêng tôi, tôi xót xa, đau đớn vô cùng, giữa chị em chúng tôi có những kỷ niệm không quên. Hôm em về khu học nghị quyết Đảng, em viết gởi cho tôi một bức thư ngắn (anh Đoàn Tứ trao cho tôi): “ngoài giờ học em không biết làm gì, em nhớ chị, mong mau về chị em mình tâm sự”. Đêm diễn vừa rồi, em dẫn chương trình, và em hát bài Tiếng đàn Ta lư. Em hát xong, cũng bác già đã tặng tiền cho tôi, tặng em 1.200 đồng.
Được lệnh Khu ủy, đoàn hành quân gấp về Tà Nu. Ngay cả việc chào vĩnh biệt Song Thu chúng tôi cũng không thực hiện được… Hình ảnh em Song Thu cứ vương vấn mãi trong tâm trí tôi: nhớ mãi dáng người mảnh mai, đôi mắt sâu đen nhánh, và nụ cười tươi của em.
Phục vụ bộ đội và bà con Việt kiều. Chương trình biểu diễn thêm tiết mục Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Lệ Quân đơn ca. Thế Hải đơn ca bài Chiếc gậy Trường Sơn và Con voi. Tiết mục nghe như rót vào lòng người, được hoan hô nhiệt liệt vì các anh bộ đội miền Bắc rất thích. Tiết mục cuối là hợp ca nam nữ, sáng tác của Huy Thục phổ thơ Bác Hồ Mừng Xuân 69.
Lần diễn ở An Giang, đoàn đóng trên đám lau sậy. Chúng tôi dùng lau sậy làm cái ổ che ni lông, có chỗ chui ra chui vô để che nắng, che mưa mà còn tránh được sự dòm ngó của bọn lính Campuchia.
Đoàn phục vụ Tết ở An Giang, hành quân về Phố. Thời tiết lúc này man mát, thỉnh thoảng có vài cơn mưa trái mùa nước ngập xâm xấp, có những cái lũng sâu tới bụng… Địa danh Phố thuộc tỉnh Soai Riêng (đất Campuchia) cạnh sông Trăng, bên đất Việt Nam là tỉnh Kiến Tường.
Cùng hành quân với Đoàn văn công còn có một đoàn bộ đội quân số đông lắm. Đoàn văn công tới trước, mấy đứa con gái mới để bồng xuống đất và chạy xuống đồng nước rửa chân. Nghe tiếng nói của chúng tôi, bất chợt có tiếng hô lớn “Chúng mày ơi! Có lính Bà Định”. Sau tiếng hô, không ai bảo ai họ chạy xuống ruộng nước, đùng đùng và ngồi xuống nước. Trăng mười bảy, mười tám, chúng tôi quay lại nhìn cũng do quán tính nhạy cảm của giới… nhìn thấy mờ mờ người trăng trắng, đầu đội mũ tai bèo… Các anh phản ứng nhanh vì các anh đang “cuổng trời”. Liền lúc đó các anh giao liên cho biết “vì trời mưa, lội nước quần áo lâu khô nên cởi ra cho nhẹ, lội cho gọn…”.
Ở trên đất bạn yên ổn ít sợ bom pháo, máy bay. Có đất phục vụ gần trạm giao liên, khách vãng lai nhiều, cũng là trạm đầu mối, các đoàn dân chánh đi lên R họp và trở về, cán bộ đi B trở về quê công tác (miền Trung và miền Tây Nam Bộ), bộ đội nghỉ ngơi dưỡng sức để chuẩn bị trận chiến đấu mới…
Sáng hôm sau, tôi đang tập đàn thì có một thanh niên tới bên tôi và tự giới thiệu bằng giọng Huế: “Em tên Tôn Thất Dương Hải, sinh viên trường Đại học Luật Sài Gòn”. Tôi liền hỏi “Phải em là con chú Tôn Thất Dương Kỵ và là em của chị Tôn Nữ Quỳnh Duyên?”. Em hỏi sao chị biết, tôi nói: “Cách đây một năm chị đọc xướng ngôn chính cho Đài Liên minh, tiếng nói của lực lượng trí thức yêu nước ở miền Nam. Còn chị Quỳnh Duyên, chị học cùng trường học sinh miền Nam lúc nhỏ ở miền Bắc”. Hai chị em vui vẻ nói chuyện. Em hỏi thăm chị em ở Bắc, hỏi chị có gặp được Bác Hồ không… Nhiều chuyện lắm. Em nói em có học đàn violon ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, em yêu thích đàn violon lắm, nhưng vì muốn tham gia cách mạng góp sức cùng quê hương và gia đình đành gác sở thích lại hẹn ngày chiến thắng…
Thời gian trò chuyện với em Hải cũng lâu… Chia tay em, tôi cứ lưu luyến mãi. Sau giải phóng, khi về bảo tàng công tác tôi nóng lòng hỏi về em Hải. Anh Thái Nhân Hòa kể lại:
- Hôm chia tay Đoàn văn công, chúng tôi “nhập thành”, địch theo dõi bắt được em Hải nhốt ở Tổng Nha, chúng đánh đập tra khảo vì biết em là con trai chú Dương Kỵ, em gan dạ lắm không khai nửa lời. Chịu không nổi những trận đòn tra tấn dã man, em hy sinh. Bọn ngụy vùi xác em mất luôn.
Đêm diễn phục vụ đoàn “Tổng hội…” là đêm cuối cùng chúng tôi tham gia công tác “biệt phái” ở Đoàn văn công Đồng Tháp - Khu 8. Thời gian công tác cùng đoàn, cùng chia sẻ vui buồn, cùng chịu đựng gian khổ, những ngày nắng cháy da, lầy lội trên cánh đồng nước lũ…
Sau đó chúng tôi được lệnh triệu tập của Ban Tuyên huấn Trung ương cục R, các đồng chí biệt phái các T (T2-T3) trở về Ban Tuyên huấn kiện toàn tổ chức thành lập Đoàn ca múa Giải phóng ra miền Bắc trị bệnh, dưỡng sức…
Năm 1975, trở về miền Nam trên chuyến tàu đặc biệt này tôi có mang theo một chàng trai khỏe mạnh “tám tháng rưỡi tuổi”, con trai yêu quý của tôi, đó là thành quả trong chiến tranh hoa vẫn nở và kết trái…Ba ngày hai đêm lênh đênh trên biển vào lúc 5 giờ chiều ngày 19-5-1975, ngày sinh nhật Bác Hồ, con tàu Vàm Cỏ chúng tôi cặp bến cảng.
Đời tôi có hai sự kiện trùng hợp đúng ngày sinh nhật Bác. Ngày 19-5-1965, đoàn vượt Trường Sơn của tôi tới trạm cuối, “Trạm Tuyên huấn Trung ương cục R”. Ngày 19-5-1975, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất Thành đồng Tổ quốc, cảm giác của tôi ấm áp làm sao… Bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng luôn bên cạnh tôi, nhắc nhở tôi sống sao cho xứng đáng.
Chuẩn bị hành lý lên bờ, nhìn lên bến cảng người quá đông, miệng hoan hô, tay giơ nhiều băng rôn biểu ngữ “Chào mừng đoàn nghệ thuật miền Bắc vô thăm miền Nam”, “Bắc - Nam xum họp một nhà”… trên tay mỗi người đều cầm cờ hoa vẫy vẫy như một rừng hoa di động… Chúng tôi vui mừng phấn khởi vì bản thân có góp phần cho chiến thắng ngày hôm nay.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 7-2018