Thế giới ngày nay là một thế giới hiện đại. Thế nhưng xem ra nó vẫn là hình thái của thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Các nước tranh đoạt vương bá, lợi quyền…, âm mưu thủ đoạn hiểm độc…
* Mỹ - Trung đang có cuộc chiến thương mại. Cuộc chiến này là sự thể hiện của những điều bên trong, sâu xa hơn: cuộc tranh giành vị thế bá chủ thế giới. Những người cầm quyền như ông Tập hôm nay, quên lời dặn của Đặng Tiểu Bình, hãy “giấu mình chờ thời”, “thao quang dưỡng hối 韜光養晦”, chớ vội sớm bộc lộ lực lượng, chuốc lấy nguy cơ. Họ nôn nóng muốn lập “đại công”, giành lấy “đại danh trùm vũ trụ”. Thế là bị Mỹ phản đòn, trước hết đánh vào kinh tế - thương mại. D. Trump thực hiện tăng thuế, đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 25% vào đúng ngày 10-5, ngày Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đến Washington D.C để đàm phán tiếp về một thỏa ước thương mại với Mỹ. Đòn dằn mặt này tiếp theo các đòn đã ra, là một áp lực lớn bắt Trung Quốc phải nhượng bộ nhiều hơn nữa trong quan hệ buôn bán mà Mỹ cho là bất công (mỗi năm Mỹ tính Trung Quốc được lợi hàng mấy trăm tỉ USD, lại còn lấy được bí mật công nghệ rồi đẩy kinh tế Trung Quốc lên những bước tiến “thần kỳ”). Mỹ chủ quan không lường hết được thủ đoạn của anh bạn châu Á có mưu sâu từ thời cổ đại; lúc đầu (thỏa hiệp Thượng Hải 1972) là chỉ tính lợi dụng Trung Quốc để diệt Liên Xô, hay đâu diệt được Liên Xô rồi thì mọc ra anh này nguy hiểm khôn lường, nó tính tranh giành ngôi bá chủ thế giới với Mỹ trong vài ba thập kỷ tới.
Vậy là Mỹ phản đòn. Nội bộ Trung Quốc không yên, nhiều thế lực có ý kiến khác. Kinh tế bị tụt dốc, tuy bên ngoài nói cứng là không sợ, sẽ tung đòn đánh trả, cuối cùng cũng phải nhượng bộ. Hiện giờ chưa biết kết cục thế nào, có thể là do nhân nhượng mà có thỏa hiệp, cũng có thể là tan vỡ. Sau khi Lưu Hạc thương thảo với Mỹ không đạt kết quả, D. Trump tuyên bố hối thúc Trung Quốc nên đạt thỏa hiệp ngay, không thì ông sẽ áp thuế 25% lên hơn 300 tỉ hàng hóa Trung Quốc nữa. D. Trump tố cáo Trung Quốc mong cho ông sẽ thất bại trong bầu cử nhưng ông tin là mình sẽ thắng…
Có chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng đây quả là một cơ hội vàng, nghìn năm có một cho kinh tế Việt Nam. Việt Nam có thể nhân cơ hội này phát triển kinh tế và có thể trong mấy năm tới, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lên mức 10%/ năm. Nhưng không phải ngồi há miệng chờ sung rụng mà phải cải tiến, phải hành động. Trước hết là phải cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa, phát triển khoa học - kỹ thuật, tăng nguồn nhân lực có kỹ thuật cao, làm công nghệ phụ trợ (làm con chip tại chỗ như Trung Quốc đã làm chẳng hạn)… Chính phủ đã phát động công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, tranh thủ tiến lên, bắt kịp thời cơ: thời, thời, thời, không nên để lỡ. Để lỡ là tụt hậu, là ân hận trăm năm. Theo tiến sĩ Đinh Trường Hinh - chủ tịch công ty EGAT tại Hoa Kỳ thì đây là một cơ hội ngàn năm có một cho Việt Nam. Thế giới ngày nay đã nhận ra tham vọng nguy hiểm của Trung Quốc muốn thống trị cả thế giới về kinh tế và quân sự, và cả khoa học - kỹ thuật. Trump đã không tránh né việc đối diện với sự thật và đã đáp trả. Theo tác giả, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc này. Thứ nhất, các công ty phi quốc gia lớn trên thế giới (đa số là Âu Mỹ) sẽ tìm cách giảm thiểu rủi ro bằng cách chuyển một số cơ sở sản xuất thương mại đi các nước khác (chẳng hạn như Việt Nam). Tổng thống Trump nói ngày 13-5 rằng “thuế quan của Mỹ hoàn toàn có thể tránh được nếu bạn mua từ một quốc gia không bị áp thuế, hoặc bạn mua sản phẩm bên trong nước Mỹ, đó là mức thuế bằng 0, nhiều công ty bị đóng thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác ở châu Á”. Việt Nam đang là một nước có tiềm năng lớn, có thể thay thế sản xuất của Trung Quốc. Thứ hai, xuất khẩu của Trung Quốc hiện vẫn còn tùy thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ, cho nên, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng sẽ tìm cách chuyển sang Việt Nam sản xuất nhằm có thể dùng nhãn hiệu “Made in Vietnam” để quay lại thị trường Mỹ và tránh được thuế nhập khẩu. Thứ ba, những chính sách kinh tế của Trung Quốc nhằm đương đầu với tình hình mới về kinh tế cũng sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, chẳng hạn như hối đoái hay tiền tệ. Việt Nam cần phải rất linh động. Nắm bắt các cơ hội này, Việt Nam có thể tiến rất xa và trở thành một nước tiên tiến trong 20-30 năm tới. Ngược lại, nếu không biết nắm lấy cơ hội này và không giải quyết được những thách thức mới thì Việt Nam sẽ suy sụp và không vươn lên nổi trong một thế giới cạnh tranh, mãnh liệt. Việt Nam phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư từ nước ngoài, tránh tình trạng bị các nước lợi dụng để bán hàng hóa sang Mỹ, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ và trí tuệ cao, tạo cơ hội để đào tạo công nhân Việt Nam tiếp thu công nghệ mới. Nhận dạng các ngành công nghiệp phụ trội quan trọng có nhiều liên kết ngược với các công kỹ nghệ trong nước cũng như có lợi thế xuất cảng, phải cấp tốc cải tổ và đạt chuẩn nền giáo dục đại học và các chương trình dạy nghề. Cần phải có cơ cấu về nghiên cứu và phát triển (Research & Development - R&D), cơ cấu về thu hút nhân tài. Có nhiều lĩnh vực sản xuất nhất là công nghiệp, chính phủ cần phải rút khỏi 100% để tư nhân làm. Phải tạo điều kiện cho “Made by Vietnam” chứ không phải là “Made in Vietnam”, tức là tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam đi từ giai đoạn lắp ráp đến giai đoạn sản xuất thiết kế riêng, kỹ thuật riêng (99% giá trị của điện thoại Samsung không phải do Việt Nam làm, mà Việt Nam chỉ ăn công lắp ráp). Nếu không làm được điều nói trên thì cả đời Việt Nam chỉ làm công việc lắp ráp. Phải tạo nên được một nền kinh tế dựa trên tri thức, trí tuệ con người. Tóm lại, phải làm cho người dân Việt Nam cũng quyết liệt, sáng tạo, bứt lên thông minh như Hàn Quốc và Nhật, ở đây vai trò của chính sách, của chính phủ là rất to lớn. Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vừa rồi, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, cũng đã nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân, đến mức cũng có thể phong anh hùng xã hội chủ nghĩa cho họ. Việt Nam có thể trở thành đích đến lý tưởng cho các xí nghiệp theo lời của tiến sĩ kinh tế Phạm Đỗ Chí, người đã làm việc 27 năm tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). “Đây là một điều vô cùng tốt cho Việt Nam. Đây là một cơ hội để công nghệ hóa đối với Việt Nam.
Người ta nói Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thực ra, Việt Nam hoàn toàn không có ý “hạnh tai lạc họa” với nước láng giềng anh em. Đó chỉ là chuyện khách quan đưa đến. Làm ăn với Việt Nam, thì Việt Nam hoan nghênh. Nhưng Việt Nam tuyên bố các xí nghiệp đó phải là những xí nghiệp tiên tiến, đại diện cho nền công nghệ Trung Hoa, không được đưa loại “công nghệ bẩn” sang Việt Nam, làm trì trệ, chậm trễ, thậm chí ảnh hưởng môi trường Việt Nam. Đáng chú ý là gần đây, trên tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, có một giáo sư tên là Li Wei (Lý Vệ) viết một bài đề nghị Trung Quốc thay đổi sách lược, tăng cường làm ăn kinh tế với Việt Nam, vì Việt Nam đang có nhiều lợi thế, mà giảm sự căng thẳng ở biển Đông.
Chuyến đi tham dự “Một vành đai - một con đường” (nhất đái, nhất lộ) ở Bắc Kinh của Thủ tướng Việt Nam, qua cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Lý tuyên bố không theo đuổi mục đích xuất siêu sang Việt Nam. Họ đang cho hàng Việt Nam (nông sản, thủy sản…) nhập vào Trung Quốc theo đường chính ngạch, bảo đảm chất lượng; gạo, thịt, cá, tôm, hoa quả của Việt Nam mở được đường đi vào một thị trường lớn, sát nách, 1,4 tỉ dân là chuyện quan trọng.
* Còn có chuyện giảm căng thẳng ở biển Đông hay không thì ta phải chờ xem, quan sát. Nhưng ta nhớ rằng, họ tuyên bố đó là lợi ích “cốt lõi” của họ, biển Đông từ xa xưa thuộc về họ, họ không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, mưu toan hiểu sai bằng cách xuyên tạc pháp luật quốc tế (hiệp ước 1982 về biển của Liên Hiệp Quốc)… Rồi tôn tạo đảo đá, quân sự hóa. Quan trọng là họ dùng “bẫy nợ”, cho các nước trong ASEAN vay tiền, vay nhiều, không trả được thì lệ thuộc vào họ, không dám ngo ngoe. Philippines là một dẫn chứng. Ông Duterte tính đường “nhập Hoa”, nhưng coi chừng ông mất đảo, bị Trung Quốc khống chế và bị trong nước phản đối, chia rẽ.
Tòa án tối cao Philippines ra phán quyết yêu cầu các cơ quan quan trọng của chính phủ phải bảo vệ các rạn san hô và sinh vật biển ở bãi cạn Scarborough, bãi cạn Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) và đá Mischief Reef (đá Vành Khăn). Chính phủ có trách nhiệm thực thi phán quyết của Tòa tối cao. Điều này là trái ngược hẳn với quyết sách của Duterte liên quan tới tranh chấp biển Đông. Hơn nữa, Philippines cũng đưa tàu tham gia cuộc tập trận ở biển Đông do Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… tổ chức, rõ ràng là nhằm vào Trung Quốc.
Malaysia cảnh giác với bẫy nợ này và Thủ tướng Malaysia (93 tuổi) khuyên ông Duterte nên dè chừng. Trước mắt, dường như Trung Quốc đang muốn thúc đẩy việc ký COC để ngăn Mỹ nhảy vào biển Đông. Nhưng việc ký hiệp định này một cách thực chất, có ràng buộc pháp lý là điều không dễ với Trung Quốc (biển Đông là nơi 80% hàng Trung Quốc nhập khẩu (dầu mỏ, hàng hóa) đi qua eo biển Malacca vào đó, là nơi có hàng triệu tấn dầu mỏ, dầu khí…
Cho nên Trung Quốc muốn chiếm trọn. Còn Mỹ, Âu, Nhật, Úc, châu Âu cực lực phản đối. Trung Quốc rất dễ bị cô lập. Thậm chí một số nước châu Âu dự định đưa tàu đến biển Đông.
Việt Nam với chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, hoàn toàn không muốn xảy ra xung đột ở biển Đông; chỉ muốn đàm phán, thương lượng trên cơ sở pháp luật quốc tế… Chính sách của ta là hoàn toàn hợp lẽ, đúng đắn, được thế giới ủng hộ. Nhưng chúng ta phải luôn luôn cảnh giác, cảnh giác cao khi mà tình hình khó lường.
* Tình hình Ukraine, Venezuela, Iran, Triều Tiên… đâu đâu cũng có những lo ngại và cũng có sự can thiệp từ bên ngoài, nhất là từ Mỹ. Venezuela có thể có sự can thiệp quân sự của Mỹ theo yêu cầu của phe đối lập và đó sẽ là sự khởi đầu cho một cuộc nội chiến (nay thì hai bên đã ngồi lại ở Na Uy, sau thất bại đảo chính của phe đối lập). Ukraine, sau bầu cử, Tổng thống Poroshenko bị thất cử trước diễn viên hề Zelensky, tưởng đâu sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ với Nga và tình hình dần sẽ tốt lên. Nhưng Zelensky tuyên bố sẽ đòi lại Crimea, miền Đông ly khai… và chống Nga kịch liệt. Người ta nói các chính quyền hiện nay ở Ukraine đều bị lệ thuộc vào Mỹ và phương Tây. Nga tuyên bố sẽ cấp hộ chiếu cho người Ukraine có nguyện vọng ấy và dự kiến sẽ có hàng chục triệu người tham gia và từ tháng 6 sẽ cắt nguồn dầu khí, dầu mỏ bán cho Ukraine. Triều Tiên thì như ta đã biết, sau thất bại ở thượng định Mỹ - Triều tại Hà Nội, họ lại thử tên lửa (đạn đạo) nhưng Mỹ vẫn tuyên bố duy trì đàm phán. Không ai tin là Mỹ ép được Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay lập tức. Tốt nhất là Mỹ nên thay đổi đối sách: cả hai bên từng bước xuống thang, đạt được những thỏa hiệp ban đầu đi đã, rồi từ từ tính, chứ muốn “được ăn cả, ngã về không” thì tình hình vẫn nguyên trạng, và mọi cố gắng bỏ ra đều vô ích. Còn ở Iran, sau khi Mỹ rút ra khỏi hiệp định 5+1, tình hình rất căng, bên bờ vực chiến tranh. Iran kiên quyết không nhượng bộ, nếu cần sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, nơi có 1/3 lượng dầu của thế giới đi qua. Mỹ đưa tàu chiến và máy bay đến Trung Đông, nhưng Iran tuyên bố nó ở trong tầm ngắm tên lửa của Iran. Cả hai bên đều tuyên bố không muốn chiến tranh. Nhưng liệu có thể có giải pháp? Nga và Anh, Pháp, Đức cũng là một bên ký hiệp định, liệu sẽ làm được gì - khi họ không đồng ý với Mỹ.
20-5-2019