HV137 - Thăm người Anh hùng quân đội bị bỏ quên...!

Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Đất Tổ vừa mới bàn nhau đi viết bài về Anh hùng quân đội Nguyễn Xước Hiện thì tôi nhận được điện thoại của giáo sư, nhà văn Mai Quốc Liên - Tổng biên tập tạp chí Hồn Việt. Giáo sư hỏi:

- Tối qua ông có xem VTV1 phát về Anh hùng quân đội, người ở Phượng Vĩ tỉnh Phú Thọ nhà ông không? Hay lắm, ông nên đi thực tế viết bài cho Hồn Việt nhé!

Tôi vừa hứng khởi cho chuyến đi vừa e ngại vì một điều khó nói. Đọc báo nghe đài mới biết người anh hùng này vì mất hết giấy tờ tùy thân nên về quê trải qua bao nỗi ngậm ngùi cay đắng. Anh sống trong khốn cùng của nghèo đói, bệnh tật và dị nghị của dân làng. Anh trở về, gặp hoàn cảnh người vợ bất chính có con với người khác. Anh bỏ vợ cũ lấy vợ kế, đẻ sáu lần đều bị chết. Đứa sống lâu nhất được 13 tuổi, đứa quái thai, sứt môi, lồi rốn… Anh chạy lên chạy xuống xin chế độ thương binh và chất độc da cam, bị người ta từ chối mà đơn vị thì sáp nhập, giải thể lại ở tít trong Nam. Anh không còn ai quen biết xác nhận cho mình.

Anh chiến đấu can trường nhưng kể ra ai tin! Vợ sinh đẻ nhiều lần không nuôi được, người ta lại dè bỉu hay là mình ăn ở thất đức, bị trời đất quở phạt. Chị vợ anh lo lắng hỏi “Hay là tại mình bắn chết nhiều người quá mà bị trời đày?!”. Anh gạt: “Vớ vẩn! Đi chiến đấu, mình không bắn địch thì địch bắn mình”. Nói thế, nhưng khai báo thành tích sau trận đánh, anh cũng chỉ nêu con số địch bị tiêu diệt rất ít. Mỗi xe tăng anh bắn cháy diệt 5 tên, nhân 4 cái là 20 tên. Lúc chiến đấu hăng tiết lên, thấy địch nhăm nhăm chĩa súng vào mình nhả đạn thì mình phải nhanh tay hơn nổ súng làm chúng lăn ra kêu gào, về sau lúc yên hàn nghĩ lại anh mới thấy rùng mình. Vì thế khi anh em đồng đội thúc ép, anh cũng chỉ báo cáo con số địch bị anh tiêu diệt thật đúng mức. Ngay chiếc xe M-113 chở đầy lính địch bị anh bắn cháy lăn xuống sông, anh cũng không biết đích xác số địch chết nên không khai báo. Sau trận đánh, đồng đội công kênh tôn vinh anh. Anh được phong cùng lúc hai danh hiệu dũng sĩ cấp ưu tú: Dũng sĩ diệt xe cơ giới và Dũng sĩ diệt địch. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Nhưng thành tích chiến đấu ấy của anh, không ai ở địa phương biết. Anh âm thầm chịu đựng. Họ giao cho anh làm Trung đội trưởng dân quân, anh phải tập bắn súng trường. Họ có biết đâu anh đã bắn thành thạo B-41. 5 quả đạn bắn cháy 5 xe cơ giới, gồm 4 xe tăng và 1 xe lội nước. Sau đó anh dùng khẩu đại liên của đồng đội đã hy sinh bắn nhau với lính bộ binh làm chúng phải chùn lại…

Anh xuất ngũ về quê không còn giấy tờ tùy thân, không còn ai biết chứng minh cho mình, địa phương không còn nhớ đến tên anh. Anh chạy lên huyện, lên tỉnh, lên trung ương để xin chế độ thương binh và chất độc da cam, đều bị họ từ chối vì thủ tục giấy tờ không có. Anh bị thương mảnh đạn hiện còn găm trong đầu, anh trở về yên phận bần hàn, nhà không mảnh chiếu lành, không có màn mùng chống muỗi, vợ con đau yếu triền miên. Bốn, năm năm liền đau ốm, ngỡ chết nên phải sắm “bộ quan tài”. Giờ “bộ quan tài” vẫn treo dưới gác nhà ngang.

Anh hùng Nguyễn Xước Hiện (phải) và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn

Nhà anh ở cuối xóm núi heo hút. Con đường từ chợ vào đây quãng 500m rất khó đi, lại vào ngày mưa con đường đất hố hầm, bánh ô tô bị trơn trượt liên miên, bò cố được nửa đoạn đường ô tô đỗ lại quay đầu cho người xuống đi bộ. Ngày nay đường nông thôn hầu hết đã được “cứng hóa”. Có lẽ duy nhất chỉ còn con đường này là đường đất. Từ chợ vào đây, nhà cửa cũng đông đúc. Thời nay, một cái xóm như vậy, nếu có nhà một vị quan chức chủ chốt từ cấp xã đổ lên chắc chắn con đường đã được bê tông hóa hoặc trải nhựa Asphalt! Vậy mà con đường đến nhà người anh hùng - người đã hy sinh cống hiến cho đất nước tồn tại đẹp giàu - lại tồi tệ như thế. Phải chăng số phận vẫn còn thử thách sức chịu đựng của người anh hùng?

Đương giữa buổi sáng, các nhà dân đều đóng cửa. Ở cuối xóm mới có bóng người khuất sau hàng rào cây xanh.

- Anh ơi, cho chúng tôi hỏi thăm nhà ông Xước Hiện ở đâu ạ?

Hai ba người vồn vã trả lời:

- Nhà cháu đây ạ, mời các bác vào uống nước.

Những băn khoăn ban đầu được xua tan, chúng tôi đi tắt từ sân nhà bên lách qua bờ rào sang.

- Tôi là Xước Hiện đây. Mời các bác vào nhà.

Anh Hiện tuổi trên 60. Người nhanh nhẹn không ốm o như tôi tưởng. Cậu con trai anh ngoài hai mươi tuổi, tay cầm bay đang xây bức tường ở ngoài sân áp với hàng rào cây xanh của nhà hàng xóm. Cậu tên là Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1988. Hùng đẹp trai, nhanh nhẹn. Anh Hiện bước lên thềm nói: “Đẻ bảy bận mới đỗ được mình nó đấy. Nhà tôi nghèo nên cháu bị thất học, ở nhà đi theo người ta làm thợ nề và trông nom chúng tôi”.

Chúng tôi vào nhà anh, giới thiệu là đoàn nhà văn công tác ở tạp chí Văn nghệ Đất Tổ. Anh Hiện vui vẻ mời chúng tôi uống trà rồi say sưa kể ngay những câu chuyện dường như đã chất chứa trong anh bao lâu nay mới được tuôn ra. Anh kể say sưa đến nỗi có một chị cán bộ xã đi xe máy đến dẫn theo hai nhà báo trẻ của báo Giáo dục và Thời đại đến nhà mà anh vẫn không nhìn lên. Tôi dừng ghi, đứng dậy bắt tay hai nhà báo. Anh Hiện bấy giờ mới nói:

- Các chú ngồi uống nước chờ tôi làm việc với các nhà văn xong đã.

Tôi nói:

- Anh cứ kể, các nhà báo cùng nghe!

Anh cho biết thời bao cấp nhà anh nghèo không gạo ăn, người anh gầy teo, 18 tuổi đi khám nghĩa vụ không đủ cân, chỉ được 40kg. Phải độn vào mới được 41kg. Lên tuyến trên người ta kiểm tra lại bị thiếu cân định cho về, anh nằng nặc đòi được nhập ngũ. Luyện tập ở miền Bắc mấy tháng rồi đi B ngay. Anh được bổ sung vào Đại đội 3 Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 mặt trận Tây Nguyên. Anh được dự các trận đánh chống địch lấn chiếm, đánh bao vây, đánh xâm lấn… Qua những trận đầu thử lửa anh được cất nhắc làm tiểu đội phó, giữ súng B-41 chủ lực của đại đội.

Sau thất bại lớn ở Buôn Ma Thuột, Nguyễn Văn Thiệu cho rút quân khỏi Tây Nguyên xuống cố thủ vùng đồng bằng duyên hải. Biết được kế hoạch này, cấp trên điều động đơn vị của Hiện hành quân gấp qua đêm, băng qua núi đá xuống chặn địch rút theo cầu cây Sung xuống biển Tuy Hòa. Hai tiểu đoàn của ta phải chống lại 3 liên đoàn biệt động với hàng nghìn quân, 3 thiết đoàn xe tăng thiết giáp, hàng trăm khẩu pháo.

Hành quân suốt đêm, ăn không kịp ăn. Sáng ra chiếm lĩnh củng cố xong trận địa, chỉ một bao lương khô, Hiện ăn một nửa, còn một nửa chia cho tân binh, người trợ giúp mình giữ khẩu B-41. Đại đội còn một khẩu B-41 do một chiến sĩ trẻ khác được phân công sử dụng. Hiện nói với đồng đội ấy:

- Khi bắn B-41 cậu phải ngắm vào quãng giữa xe tăng từ bánh xích lên đến chân bệ tháp mà bóp cò. Nếu bắn thấp, đứt xích, xe tăng không chạy nhưng nó vẫn bắn ra được. Còn nhắm vào bệ súng, có thể quả đạn sẽ vọt qua đầu xe.

Quả nhiên khi chiếc xe tăng đầu tiên rùng rùng lao tới, cậu ta bắn vọt quả đạn lên trời. Nó bắn như mưa nhằm vào hướng Xước Hiện lao tới. Khi chiếc xe tăng cách hơn 10m, Nguyễn Xước Hiện nổ phát súng đầu tiên làm nó bật ngược lên bốc cháy. Bọn địch lốc nhốc theo sau la hét. Chiến sĩ ta từ các ụ hầm bên cạnh reo lên:

- Thằng Hiện bắn cháy xe tăng rồi! Hoan hô Nguyễn Xước Hiện!

Chiếc thứ hai lại xuất hiện. Chúng chạy rầm rầm long trời lở núi. Pháo đổ xuống quanh tăng xê của Hiện như mưa. Đại liên cứ nhắm quanh hố cá nhân của Hiện mà trút đạn. Đạn cày xới trên đầu như gọt hết đất trên mép lấp xuống hố cá nhân của anh. Anh ngại nhất là chúng lẳng lựu đạn xuống hố của mình. Anh cúi thấp đầu tránh đạn, mắt nhăm nhăm cảnh giác lựu đạn. Nếu có lựu đạn thì nhanh chóng lượm ném trả về phía quân địch. Khi chiếc xe tăng lao đến, anh nhanh chóng đưa súng lên ngắm bắn. Súng nổ, chiếc xe tăng lại nổ tung bốc cháy. Xung quanh đồng đội lại reo lên: “Thằng Hiện lại xơi tái một cái xe tăng rồi đồng đội ơi”.

Vừa khi ấy một chiếc xe lội nước chở lính ở trên lao xuống sông. Chúng định liều chết sang sông. Vừa nhìn thấy nó lao qua mặt, Hiện lại giơ súng bóp cò. Chiếc xe bốc cháy đổ nghiêng xuống nước. Đại liên của đồng đội bắn bồi. Bọn địch lóp ngóp vứt súng giơ tay hàng.

Trung đoàn điện xuống hầm chỉ huy của Tiểu đoàn khen ngợi Hiện. Có chiến sĩ hét lên:

- Hiện ơi! Mày được chỉ huy Trung đoàn khen ngợi đấy.

Ngớt tiếng súng trong giây lát. Anh nuôi đem cơm nắm lên. Nhưng Hiện sướng quá không ăn vì không thấy đói. Tân binh, người nằm ở hầm bên cứ nhấp nhổm định chạy vào hầm chỉ huy của Tiểu đoàn. Hiện kêu:

- Cứ ở bên ấy, tao có chết thì mày mới chết.

Nhưng anh ta không nghe, vừa lên khỏi hầm cá nhân đã bị mảnh pháo nổ gần văng vào đầu, nằm chết tại chỗ.

Tôi chen vào hỏi:

- Có khoảnh khắc nào anh thấy sợ không?

- Không. Tôi hăng lên chỉ thích nổ súng. Với lại tôi cứ đinh ninh nghĩ trời sinh ra mình, trời sẽ che chở mình.

Chúng tôi đang nói chuyện thì có chuông điện thoại. Anh Hiện nhìn vào cái máy Nokia cổ lỗ của mình nói:

- Thằng bạn chiến đấu cùng đơn vị với tôi ở Thái Nguyên là anh hùng đấy.

Anh Hiện mặt mày rạng rỡ trả lời trong máy:

- Tốt quá. Có đông đủ anh em chứ. Mai mình sẽ đi. Bây giờ mình đang bận làm việc với các bác nhà văn đấy. Nói chuyện với các bác ấy nhé.

Tôi miễn cưỡng cầm máy thì đầu bên kia liền nói:

- Chào bác! Chúc bác viết bài thật hay cho có nhiều người đọc, quan tâm đến anh Hiện. Anh bạn tôi nghèo đến mức thành anh hùng đấy!

Đó là Anh hùng quân đội Trần Xuân Thiện, cùng Đại đội 3 với Hiện. Cùng được phong anh hùng trong một trận đánh ở cầu Cây Sung năm ấy.

- Được anh hùng rồi, anh vẫn không được hưởng chế độ về chất độc da cam à?

Anh Hiện lắc đầu trả lời nhà thơ:

- Không. Họ đòi các thủ tục quái quỷ tôi làm sao có được, mặc dù đơn vị tôi người nào cũng được. Họ đã xác nhận tôi chiến đấu ở vùng có nhiều chất độc da cam vẫn không được.

- Bây giờ anh có yêu cầu gì với Nhà nước không?

- Không. Tôi chỉ yêu cầu làm cho con đường vào xóm như các xóm khác cho các cháu bé đi học đỡ vất vả.

Rồi anh bảo anh được như ngày nay cũng thỏa mãn rồi. Còn bao người chết bỏ xác, thì mình còn hơn họ nhiều.

- Được anh hùng, ông cảm ơn ai nhất?

- Đồng đội của tôi. Họ đã lần mò mãi mới tìm thấy tôi. Hỏi Chủ tịch xã về cái tên Nguyễn Xước Hiện cũng có biết tôi là ai đâu. Thế rồi một hôm cậu liên lạc xã đến báo: “Bác có tin mừng rồi, mời bác ra xã ngay”. Dạo ấy tôi còn ốm yếu, liệu có bò nổi đến trụ sở xã không… Rồi đến mới ớ ra, người ngồi trước mắt mình là đồng đội cũ Nguyễn Trọng Luân, hiện là nhà văn nhà báo cựu chiến binh.

Luân ôm lấy người cựu chiến binh gầy còm rách nát, anh chỉ biết lắc đầu, mắt rơm rớm nước, mãi mới nói nên lời:

- Tôi tìm mãi mới ra anh. Hôm nay tôi không đến nhà, muốn anh ra đây để cho địa phương biết đến anh, đừng bỏ rơi anh.

Luân đưa ra các thư từ của đơn vị cũ gửi cho Hiện. Đặc biệt anh đem một chồng báo những tập ký sự của Sư đoàn 320 có viết về thành tích đánh trận của Nguyễn Xước Hiện. Có cả tập hồi ký của tướng Đặng Vũ Hiệp đánh giá rất cao về thành tích với 5 quả B-41 bắn cháy 5 xe cơ giới (4 xe tăng M-48 và 1 xe M-113) như Nguyễn Xước Hiện, người ở làng Phượng Vĩ huyện Cẩm Khê, là trường hợp duy nhất. Bấy giờ người ta mới chú ý đến Hiện. Anh được xã đầu tư làm nhà tình nghĩa cho hộ nghèo. Hiện không nhận vì anh còn sức đâu mà nhận 30 triệu đồng, trong khi tiền chữa bệnh còn nợ chưa trả đã hơn gấp nhiều lần thế.

Nguyễn Trọng Luân sau đó đi lại như con thoi từ Hà Nội lên Phượng Vĩ, về Ban liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 320 gặp các đồng đội quyên góp, cùng với ngân sách địa phương làm cho Hiện ngôi nhà cấp 4 với hơn 200 triệu đồng. Anh được trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Sư trưởng 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, phân công viết về thành tích chiến đấu của Nguyễn Xước Hiện để làm hồ sơ xin Nhà nước tuyên dương anh hùng cho Nguyễn Xước Hiện.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Hồng Chính xin số điện thoại của Nguyễn Trọng Luân rồi bấm máy. Nguyễn Trọng Luân cho biết động cơ thôi thúc anh làm hồ sơ xin anh hùng cho Hiện là muốn cho mọi người đừng bỏ quên Hiện, một con người chất phác hiền lành mà phải sống dưới mức đói nghèo như vậy. Luân cho biết bây giờ nhìn gia cảnh của Hiện đã hơn mấy chục lần lúc trước.

Nguyễn Xước Hiện vẫn say sưa kể chuyện chiến đấu vì lâu nay cứ phải giấu kín trong lòng. Anh kể về hai trái B-41 còn lại đã bắn cháy thêm 2 xe tăng. Sau anh vớ khẩu đại liên của đồng đội hy sinh bỏ lại, bắn áp chế bọn bộ binh địch còn đầy lố nhố ở phía trước. Rồi anh bảo hai đồng đội còn lại:

- Lên bắt sống địch, chúng mày!

- Chúng mình có ba thằng, chúng nó những hơn trăm thằng thế kia, lên để toi à?

- Chúng mày không lên, tao lên một mình!

Trước khi bước ra khỏi hầm, Hiện lẳng một quả lựu đạn vào đám xác xe tăng để uy hiếp địch rồi đứng dậy gào to:

- Hỡi anh em binh lính thuộc lực lượng Việt Nam Cộng hòa, hãy hạ vũ khí đầu hàng sẽ được quân Giải phóng đón tiếp thả về địa phương với vợ con. Nếu ngoan cố chống lại sẽ bị quân Giải phóng cho san phẳng thủ tiêu chiến trường thì chỉ có thiệt thân thôi!

Bọn địch lố nhố đứng lên.

- Hạ vũ khí xuống đất, giơ tay tiến lên phía trước, đúng 20 bước, tiến!

Bọn địch răm rắp nghe theo hiệu lệnh của Hiện. Ước lượng số dây trói không đủ, Hiện bèn nảy ra sáng kiến:

- Tất cả cởi dây giày ra. Người nọ trói tay người kia lại.

Hai đồng đội cũng đã nhảy lên lăm lăm khẩu súng. Hiện phân công mỗi người dẫn hơn 30 tù binh đi về phía hậu cứ. Anh dẫn ngót 40 tên đi sau cùng. Khi bàn giao xong tù binh, Hiện tìm về sở chỉ huy Trung đoàn. Anh gặp hai thằng bạn đang vác cáng thốc tháo chạy ra. Gặp nhau, những con mắt sững sờ. Một đồng đội nói:

- Ngỡ bắn hết đạn mày bị nó nghiền nát ngoài ấy? Chúng tao đang ra nhặt xác mày đây!

Hiện nói:

- Có nghiền con đầu… tao.

Tất cả đều rũ ra cười.

…Gần 11 giờ trưa, chúng tôi chào chủ nhà để ra về. Đầu hè về đêm có mưa nhưng sáng ra đã tạnh ráo, con đường tuy còn lầy lội nhưng trời đã mát mẻ rạng rỡ hơn nhiều.

NGUYỄN HỮU NHÀN