HV138 - Học giả NGUYỄN QUẢNG TUÂN - một nhà Kiều học lớn vừa ra đi

Cụ Nguyễn Quảng Tuân vừa từ trần vào ngày 20-5-2019 tại TP.Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi. Cụ quê Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Bưởi, học Luật, dạy học, soạn sách giáo khoa, và rất yêu văn chương cổ điển nước nhà. Vì thế mà có các công trình nghiên cứu về Chu Mạnh Trinh, Thanh Tâm Tài Nhân thi tập. Từ Tây học chuyển sang Quốc học nhưng cụ rất giỏi chữ Nôm - một thứ chữ dùng chữ Hán để ghi âm tiếng Việt, rất khó học, khó học hơn cả chữ Hán. Cụ đã kiên trì, biết bao nhẫn nại đi vào kho tàng Nôm của Truyện Kiều, để từ đó làm nên những công trình lớn về khảo cứu văn bản. Đây là một công việc rất không dễ làm. Nguyễn Du đã mất, nguyên tác Truyện Kiều không còn, mỗi người căn cứ vào một bản Nôm phiên âm ra tiếng Việt hiện đại, đọc quen miệng rồi thành của Nguyễn Du, chứ chắc đâu là của Nguyễn Du. Chữ nghĩa Truyện Kiều uẩn áo, đó là một tòa lâu đài của tiếng Việt, có cổ có kim, có điển tích, có nhạc điệu... Người đi vào tòa lâu đài ấy để nhận chân ra chữ nào đích là của Nguyễn Du, chữ nào người đời sau sửa chữa, thêm thắt là một việc tuy chỉ qua một chữ nhưng cần có cả một đại dương kiến thức. Có kiến thức tiếng Việt, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, tiếng địa phương, từ cổ, từ Hán và những quy luật về thi học của tác phẩm. Cụ Tuân đã làm việc ấy suốt cả một đời, say mê, tinh luyện, không dừng bước. Cụ bỏ tiền nhà sang tận Paris để tìm cho kỳ được bản Kiều Nôm 1871, gọi là bản Liễu Văn Đường(*), mà ta nói đến hoài nhưng không thấy mặt. Cụ suốt ngày ngồi đọc, ghi chép ở trong thư viện vì về nguyên tắc thư viện không cho chụp lại. Thế rồi cuối cùng chắc là thấy ông cụ này kiên nhẫn quá họ mới cho cụ chụp đem về. Cụ phiên âm, chú giải tinh tường rồi công bố. Hay như bản Kiều chữ Nôm viết tay của Tiểu Tô Lâm Nọa Phu 1870(*), họ ngoại Nguyễn Du nói rằng căn cứ vào nguyên tác mà chép ra, rất quý. Chữ Nôm viết đều tăm tắp như in. Sau năm 1975, bản sách quý này lưu lạc rồi bay sang Mỹ. Học trò cụ Nguyễn Quảng Tuân có được biếu thầy. Thế là từ tình nghĩa thầy trò mà có được một văn bản quý để làm rộng ra biên giới của việc nghiên cứu Truyện Kiều. Bản Kiều 1866 do các nhà văn hóa ở Nghệ Tĩnh sưu tầm được, người ta cũng đem biếu cụ một bản sao và cụ cũng phiên âm và công bố. Đến bản Nôm Duy Minh Thị(*) in ở Phật Trấn Quảng Đông năm 1872 được cụ Hoàng Xuân Hãn và GS Nguyễn Tài Cẩn cho là bản cơ sở để có thể đọc ra nguyên tác Truyện Kiều. Nhưng bản này chắc là do một ông Hoa kiều nào đó tên là Duy Minh Thị có được và đem in ở Quảng Đông. Cả thầy lẫn thợ đều không biết chữ Nôm nên in sai rất nhiều. Bây giờ căn cứ vào đấy mà tìm ra nguyên tác thì rất khó, cho nên cụ Nguyễn Quảng Tuân phải nghiên cứu và biện giải bản Duy Minh Thị để bác thuyết của cụ Hoàng Xuân Hãn và cụ Nguyễn Tài Cẩn, mặc dầu đây là hai học giả lớn trong khảo cứu. Tính không khoan nhượng trước chân lý của cụ Nguyễn Quảng Tuân còn thể hiện ra ở nhiều nơi, nhiều lúc. Vì cụ đi vào nghiên cứu văn hóa rất vô tâm, chỉ muốn tìm ra sự thực cho đồng bào mình, Tổ quốc mình. Vì thế mà cụ giành được sự yêu quý, kính trọng của nhiều người. Trong một đời người ngắn ngủi, như một thoáng đi qua trái đất, dày công tìm tòi và có trình độ cao lắm mới làm được chừng ấy việc. Cụ nói đùa: “Phải nhà giàu thì mới làm được nghiên cứu ông ạ”. Nhà giàu thì cụ chẳng giàu, nhưng con cháu ở khắp nơi họ giúp cụ, chứ tiền nhuận bút 10% thì chẳng đủ mua sách tặng!

Cụ Nguyễn Quảng Tuân là thế. Rồi cụ mê ca trù, mà cụ gọi là một “thú chơi tao nhã” (Tập Kiều: Vịnh Kiều - Ca trù, 2002). Cụ có làm khoảng vài ba trăm bài ca trù in thành một cuốn để tặng bạn bè, được GS Trần Văn Khê rất tán thưởng, cho là cổ kim ít có. Cụ đi lại thân mật với học giả Nguyễn Giản Chi, với GS Trần Văn Khê và với nhiều ca nương, thầy đàn… là vì thế. Lúc nào đến thăm, trò chuyện với cụ, cụ cũng nhắc đến thời đi dạy ở Nha Trang, trường Pháp - Việt, thời đi chấm thi ở Quảng Ngãi, Huế thời học Trường Bưởi... Học trò thời đó còn mê văn chương cổ điển, đến bây giờ thầy trò già cả rồi, gặp nhau ở Mỹ mà vẫn say sưa đọc lại bài Tựa của Chu Mạnh Trinh viết về Truyện Kiều. “Giá thử ngay khi trước Liêu Dương cách trở, Duyên chàng Kim đừng dở việc ma chay…”. Suốt một đời đam mê Truyện Kiều, đam mê văn học cổ điển, có trình độ Hán học lẫn Tây học, cẩn trọng trên từng câu chữ, cụ được đồng nghiệp ở trong Nam ngoài Bắc quý trọng. Có công trình nào in ở trong này họ đều nhờ đến cụ xem lại chữa mo rát giúp. Đừng tưởng đây là chuyện nhỏ. Đừng tưởng chỉ có chữ Hán Nôm mới dễ sai. Hay đâu ở một bản in văn học hiện đại cụ phát hiện ra khoảng 500 chỗ sai lầm!

Công việc làm văn hóa, làm khoa học phần lớn là âm thầm, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, vì yêu quê hương đất nước, yêu tiếng Việt, yêu văn hóa mà làm. Cụ Nguyễn Quảng Tuân mất rồi nhưng những cống hiến của cụ với văn hóa dân tộc ta cần ghi nhận. Vì những người như cụ, nay còn hiếm lắm và nếu ta không nâng niu, ắt có ngày tuyệt chủng.

Vậy có thơ rằng:

Rồi cái người yêu Kiều ấy đã ra đi,

Để lại sau mình bao trang sách.

Soi sáng cho chúng ta một chữ của thiên tài,

Ông là người tri âm của Tố Như sau khi tiên sinh mất.

Chúng ta trân trọng văn hóa cổ điển nên quý trọng ông,

Người sứ giả của Truyện Kiều, của ca trù bất tử.

Ông đã đi rồi, cỏ non ven trời vẫn cứ xanh như thế.

Cái Nguyễn Du chờ không chỉ là dòng lệ.

20-5-2019

 

______

(*) Các sách này đều do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản.

MAI QUỐC LIÊN