Đi tìm đồng đội…
Ngày Giải phóng, thoát khỏi tù ngục, trở lại với đời thường, nhưng ông chưa bao giờ quên những tháng ngày đấu tranh cùng đồng đội ở chốn địa ngục trần gian ấy. Ông không quên, không bao giờ quên máu đồng đội đã đổ xuống bên cạnh ông khi bọn địch nã mấy chục quả phi tiễn vào phòng giam đàn áp… Đồng đội của ông, những người tù không có tấc sắt trong tay, chỉ có chí khí và tấm lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc. Mấy chục năm trôi qua, nhưng cứ mỗi khi nằm xuống, nhắm mắt lại là ông nhớ như in ánh mắt sáng rực của đồng đội khi ngã xuống trước trận đòn thù của bọn trật tự bên cạnh ông. Rất nhiều người đã hy sinh, và bị vùi lấp đâu đó trên mảnh đất này, không còn lưu dấu tuổi tên. Có người đi làm cách mạng, gia đình không hề biết, đến khi chết đi, bị bọn giặc tráo hồ sơ thành thường phạm, gia đình khi nhận lại hồ sơ chỉ còn là giọt nước mắt tủi hổ. Trên mảnh đất Hàng Dương này có hơn 20.000 liệt sĩ đã hy sinh trong suốt thời gian chống Pháp đến chống Mỹ, nhưng chỉ có gần 1.000 ngôi mộ có tên, còn lại là tầng tầng lớp lớp những nắm xương không tên tuổi… Buổi trưa, ông cùng đoàn phim đi viếng đền liệt sĩ ở Hàng Dương, cơn mưa ập xuống bất chợt, ông không kịp đốt nhang cho đồng đội, đành phải quay về. Tối hôm đó, 23 giờ, ông đã không thể ngủ được. Ra tới Hàng Dương mà không đốt cho đồng đội nén nhang nào, làm sao có thể ngủ yên? Ông đã bật dậy và giữa khuya, ông đi tìm đồng đội để tạ lỗi bằng bó nhang nghi ngút khói. Ông gọi tên từng người và đến đúng từng ngôi mộ…, chỉ riêng có một người không phải là người cùng thời với ông. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Mười, thời kháng chiến chống Pháp, ông tìm mãi không thấy vì trời tối quá. Đó là nhân vật ông vô cùng cảm phục, nên lần nào đến Hàng Dương, ông cũng đến đốt cho người ấy một nén nhang. Ông gọi tên người ấy giữa khuya, trong tiếng gió rít đến lạnh người: “Ông Mười ơi, ông ở đâu, tôi đến thăm ông đây…”. Gọi 3 lần, và ông tìm thấy ngay mộ… Nhân vật này từ thời chống Pháp sao anh lại cứ phải ghé thăm mỗi lần ra Côn Đảo? Chúng tôi hỏi trong sự hiếu kỳ tột bậc. Và câu chuyện của người nằm dưới mộ được ông kể trong nỗi bùi ngùi.
.jpg)
Ông Bùi Văn Toản trước Di tích lịch sử nghĩa trang Hàng Keo
“Ông Mười thuộc tầng lớp giang hồ theo kháng chiến là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 308 tỉnh Tây Ninh, võ giỏi và đánh giặc cũng rất giỏi, nhưng ông rất khó khép mình vào kỷ cương, cứ thấy giặc là đánh, nhiều lúc cứ bị khiển trách vì không chịu chờ quân lệnh. Rồi ông lấy vợ, một cô gái rất đẹp chủ động đến làm quen. Cuộc tình có vẻ rất đẹp, chỉ có điều sau khi ông ấy lấy vợ thì bộ đội mình cứ bị phục kích, hao hụt quân số một cách lạ lùng. Tất nhiên là cấp trên đã điều tra và báo ngay vợ ông chính là điệp báo của giặc Pháp, đề nghị bắt giữ và giải về trên để điều tra. Nhưng con người tính nóng như lửa này đã không kềm chế được, nên đã lập tức bắn chết ngay cô vợ yêu. Hành động đó không phải chỉ là bất tuân thượng lệnh mà còn bị ghép vào án tử vì bị nghi ngờ giết người diệt khẩu. Ông tự biết mình phạm tội lớn nên xin chấp hành án nghiêm chỉnh. Nhưng trong thời gian giam giữ, có lệnh ân xá của Hồ Chủ tịch nên ông thoát chết. Nhớ ơn ấy, ông xăm trên ngực dòng chữ “Hồ Chí Minh muôn năm”. Chính dòng chữ ấy đã giết ông sau này. Bọn giặc bắt buộc ông phải xóa, nhưng ông cương quyết thà chết chứ không xóa. Và chúng đã đánh chết ông, vùi thây ở đây… Con người như thế, không đáng mặt anh hùng sao? Cho nên, dù ông ấy thuộc bậc tiền bối, tôi chưa từng quen biết, nhưng tôi không thể để mộ ông ấy lạnh lẽo mỗi khi đến đây…”.

Một góc nghĩa trang Hàng Dương
Ông cũng không nhớ được mình đã đọc khoảng bao nhiêu trang tài liệu... Hầu như những cặp tài liệu liên quan đến tù nhân ông đều đọc qua. Những trang tư liệu ông sao chụp, ghi chép cứ dày thêm lên. Bên cạnh những tư liệu phản ánh tình hình trong từng thời điểm còn có những tư liệu về những người tù đã mất. Có người còn khá đủ thông tin chi tiết như một bản lý lịch trích ngang, nhưng có người chỉ còn có họ tên, thậm chí chỉ là con số tù kèm theo ngày mất. Làm sao trả lại họ tên, quê quán cho họ? Sau nhiều đêm trăn trở, ông đã tìm được lối ra. Cứ thu thập, sao chụp, ghi chép hết những gì có tên người tù, có số tù rồi lần lượt đối chiếu giải mã từng trường hợp… Và ông đã làm được, Sau hơn 15 năm tích cóp thông tin, ông đã hoàn thành bộ sách Nhà tù Côn Đảo - Danh sách hy sinh và từ trần 1930-1975 gồm 7 tập, in chung với thông tin của 3.276 người đã mất. Và cùng đồng đội tổ chức mang sách đến tặng cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước…
Và câu chuyện làm báo trong tù…
Ông bảo, truyền thống làm báo trong tù không phải đến thời ông mới có. Giai đoạn tiền khởi nghĩa đã có tờ báo Tiến lên và tờ Ý kiến chung ra đời từ đầu năm 1936, một trong những người tham gia là GS Trần Văn Giàu, nhưng đến nay không thể tìm lại được. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp có 2 tập báo Địa ngục trần gian và Bản án xâm lược Pháp ấn hành cuối tháng 7-1954 sau khi ký Hiệp định Genève, nội dung tố cáo chế độ man rợ của giặc Pháp đối với tù nhân Côn Đảo...

Những tờ báo làm trong tù còn lưu được trong Bảo tàng Côn Đảo
Trong kháng chiến chống Mỹ, việc làm báo phát triển và tập trung ở Trại 6 khu B vào giai đoạn cuối năm 1972 và cả năm 1973. Đây là thời điểm thuận lợi nhất, vì sau 19 ngày tuyệt thực, cả trại đã nắm được quyền tự quản, bọn trật tự chỉ ra vào những giờ khắc nhất định, còn hầu hết là không léo hánh tới, các sinh hoạt ăn uống, y tế đều do anh em tù điều hành.
Trước tiên là phải tự quyết từng phòng, mỗi phòng đều có tờ báo riêng của mình, và đã có hơn 50 số báo ra đời, mỗi tháng đều có 8 tờ báo của phòng, 1 tờ báo chung của trại và 1 tờ báo của Đoàn Thanh niên. Toàn trại có tờ Xây dựng, ra được 10 số, Đoàn Thanh niên Nguyễn Văn Trỗi có tờ Vươn lên, 8 phòng giam đều có tờ báo của riêng mình như Sinh hoạt, Rèn luyện, Đoàn kết, Niềm tin, Tiến lên, Văn nghệ…
Muốn làm báo trước tiên phải có giấy, viết, mực, màu, mà nhu cầu rất lớn vì cả trại phòng nào cũng có tờ báo của riêng mình. Vậy là phải nhờ “trật tự người của mình” mua giấy viết thư, vì đó là nhu cầu chính đáng của tù nhân, và còn phải có bút bi, và pin để nghe radio. Bởi chính chiếc radio mới là nguồn thông tin chính cho anh em làm báo. Nhưng làm sao trong tù mà có được radio để nghe tin tức? ông cười: “Đó là một chiếc radio hiệu Sony 3 băng lớn được lực lượng thanh niên bảo vệ đem từ Chí Hòa ra Côn Đảo do 2 người Pháp đã kéo cờ Mặt trận ở Sài Gòn năm 1970 là André Menras và Jean-Pierre Debris tặng cho Phạm Văn Ba khi được tin ông này bị đày ra Côn Đảo”.

Loại giấy trên chỉ được dùng để viết bản chính thức còn bản thảo thì phải tận dụng tất cả thứ gì có thể để viết như bao thuốc lá, thùng cạc tông, vỏ bao xi măng, giấy gói bưu kiện... mà người nhà gửi vào. Tất cả đem ngâm nước tách mỏng thành nhiều tờ, đến khi không còn tách được nữa mới thôi. Bao thuốc lá viết được 3 mặt, tờ giấy xi măng viết 4 mặt, một miếng thùng cạc tông 3 lớp viết đến 6 mặt. Ruột bút không thể mua nhiều được nên chỉ dùng cho việc viết bản chính thức. Hết mực, anh em trong tù tự chế mực, bơm vào dùng tiếp. Đó là những gói thuốc nhuộm đen trộn chung với glycérine có ở bộ phận y tế (loại thuốc bơm thụt hậu môn để chống táo bón) đem đun trên ngọn lửa nhỏ cho đến khi cô đặc lại theo ý muốn, sau đó bơm mực vào viết. Để trang trí cho bìa và các tựa bài viết, chúng tôi tự chế mực với các loại màu sắc bằng cách: màu vàng chế từ bột nghệ - vốn là quà của gia đình gửi ra dùng làm thuốc bổ phổi, hoặc ngâm vài viên thuốc bọc đường màu. Màu đỏ lấy từ thuốc đỏ của y tế hoặc lớp vỏ đỏ bọc ngoài viên thuốc. Màu xanh dương là màu của bleu méthylène - thuốc trị ghẻ. Cọ vẽ sẵn cả “kho”, muốn lúc nào cũng có, cỡ nào cũng sẵn. Đó là những nhánh dương tươi, cọng chổi quét nhà, cứ lột hết vỏ, vót xéo đầu, cắn dập ra là sử dụng tốt.
Có tất cả phương tiện để trình bày về hình thức, nhưng nội dung lấy từ đâu ra? Ông chỉ vào đầu mình: “Cái bộ nhớ của tôi cũng thuộc loại xuất sắc đây, lúc ấy tôi chỉ mới 25-26 tuổi thôi mà, nhưng lại được giao nhiệm vụ theo dõi tin tức trên radio để phổ biến lại. Mỗi tối, 9 giờ - khi cả trại đã ngủ, chỉ có tôi và Phạm Văn Ba vẫn thức. Tôi nghe radio bằng dây ê cút tơ gắn vô tai… rồi tốc ký trong bóng tối, thực ra cố nhớ là phần lớn, vì rất khó ghi. Nghe tới 1 giờ sáng thì gói radio, giấu vào lõm tường được ngụy trang rất kỹ, cả phòng không ai biết được.
Đêm nào cũng tới 3 giờ sáng mới xong. Cho đến năm 1975, trại 6B không bị lạc hậu với tình hình cũng nhờ tin tức trên radio, đêm 20-1, tôi nghe bản tin cuối cùng, đó là tin giải phóng Phước Long”.
Người tham gia viết bài, chủ yếu vẫn là thanh niên, sinh viên, nhưng bên cạnh đó, các cụ già đã đến lục tuần cũng tích cực tham gia. Công tác in ấn có cả một đội ngũ biên soạn không còn tính đến giờ giấc. Vẽ bìa, trình bày... đều có phân công rõ ràng. Khỏe cũng chép, mệt cũng chép, bị bệnh, ho ra máu vẫn cố gắng chép. Đói, bệnh không làm họ bận lòng, miễn báo ra mắt đúng ngày dự định. Trong một góc phòng giam với ánh sáng lờ mờ, khó nhìn rõ mặt, người chép báo căng mắt, còng lưng bên chiếc thùng cạc tông dùng đựng quần áo và đồ dùng, chăm chú nắn nót từng con chữ, đôi lúc phải dừng lại vì cơn ho rồi khạc ra một búng máu tươi vào chiếc lon. Chép xong, đóng tập, xén cạnh cho đúng kích thước 13x19cm bằng chiếc dao cưa ống thuốc mài sắc cạnh. Xong xuôi, anh em ấn loát mới thở phào nhẹ nhõm, chuẩn bị bắt tay vào tập kế tiếp. Công việc cuốn hút mọi người đến mức đôi lúc còn giận mình chậm chạp để thời gian trôi đi quá nhanh, cái câu “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, anh em sửa lại là “Ba năm tù như một giấc ngủ trưa”.
Báo ra mắt bạn đọc trong giờ đóng cửa, từng phòng quây quần bên nhau lắng nghe 1 người đọc, mỗi phòng chỉ được giữ báo trong 3 ngày, sau đó đã có tờ khác của phòng khác ra mắt, cứ thế xoay vòng trong cả tháng, ngày nào anh em cũng có báo đọc. Báo sau khi phát hành, được gom lại, bọc một lớp ni lông, cho vào chai thủy tinh, phân công người đem chôn cất. Cất vì không nỡ hủy và không để cho địch lấy được, chứ chưa nghĩ đến việc lưu giữ cho ngày sau.
Sau ngày thống nhất đất nước, các tù nhân tập hợp bằng nhiều nguồn trong đó có khá nhiều tờ báo được ông Lê Thân chôn ngoài rẫy, để đưa về khu trưng bày di tích lịch sử Côn Đảo. 10 tờ báo Xây dựng anh em đem bỏ vào chai, bọc ni lông moi cát chôn ngoài trại. Trời mưa, cát trôi lòi ra. Đám trật tự lấy, đem về để ở ty công an đảo. Ngày giải phóng tiếp quản, 10 số báo Xây dựng được anh em lấy từ ty công an đem về. Khi có lệnh trao trả, anh Trần Duy ở Quảng Nam mang theo 2 số báo Sinh hoạt của phòng định đem ra ngoài đời nhưng khi tập trung tại trại 3, giặc xét quá anh đục tường giấu lại.
Mãi đến năm 1987, khi ra thăm lại Côn Đảo, anh moi ra 2 số báo Sinh hoạt còn nguyên. Hai số này có đăng trong tập sách về tù nhân Côn Đảo.

Đoàn phim Hãng phim Hội Điện ảnh TP.HCM ghi hình ông Bùi Văn Toản ở Mũi Cá Mập
Ngày giỗ chung của tù nhân Côn Đảo
Ông như thuộc hết từng bờ cây ngọn cỏ nơi đây. Từng dấu tích nơi nào là hố chôn tập thể Bãi sọ người, nơi nào ông xác định là trường bắn tù nhân. Mỗi lần trở về đây, ông như trở về nhà. Lần này, đi theo đoàn phim của Hội Điện ảnh TP.HCM, ông cũng kết hợp để lo toan cho lễ giỗ chung của các cựu tù Côn Đảo vào 20 tháng 6 âm lịch mà ông là một trong những người khởi xướng.
“Chúng tôi chọn ngày đám giỗ dựa trên hai tiêu chí, đó là ngày nhiều người chết nhất và nhất thiết phải là ngày âm lịch theo quan niệm của người Việt. Trong hồ sơ Pháp và Mỹ để lại, chỉ có ngày dương lịch, do đó phải quy đổi, sau khi nghiên cứu tôi thấy năm 1942 là năm nhiều người mất.
Trong 12 tháng, tháng 8 có số người chết nhiều nhất và ngày mồng một cũng có số người chết đông nhất. Từ ngày 1 tháng 8 năm 1942 quy ra ngày âm lịch ngày 20 tháng 6, chọn ngày đó làm đám giỗ chung cho những người đã nằm lại Côn Đảo”.
Ngày hôm đó, sau khi đi theo đoàn phim, quay nhiều, đi nhiều và nói nhiều, ông mệt. Căn bệnh ung thư gan nhiều năm nay vẫn hoành hành cơ thể ông, nhưng ông nói ông chưa chết được. Ông nói còn nhiều việc phải làm quá, ông còn sống ngày nào là phải cố trả món nợ cho những người đã nằm xuống. Còn bao nhiêu đồng chí mình vùi thân ở đây không tên không tuổi, hòa vào cỏ cây. Tìm ra tên được người nào là trả món nợ ân tình cho người ấy. Nhưng mà đến 2 vạn người, 2 vạn người đã ngã xuống trên mảnh đất linh thiêng này… Vậy chúng ta, những người đã hưởng trọn hòa bình sao không thể có buổi giỗ chung cho các đồng chí mình… Đó là điều duy nhất chúng ta phải làm… Ông nói mà cố giấu đi dòng nước mắt… Và chúng tôi lặng lẽ nhìn theo dáng hình như bay trong gió của ông… Chúng tôi không dám khua mạnh gót giày, đi nhè nhẹ trên từng ngọn cỏ úa vàng giữa bãi cát trắng trùng trùng điệp điệp những anh linh, giữa những cành dương thẳng tắp và mướt xanh, xôn xao trong gió… Ông bảo có lẽ hàng dương nơi đây cũng linh thiêng vì trong từng thớ gỗ đã hòa quyện cùng xương thịt anh em mình…
------------------------------------------
Hàng chục lần trở đi trở lại Côn Đảo tìm đồng đội, xác minh những câu chuyện, cuộc sống của những người tù chính trị Côn Đảo đã được ông lần lượt tái hiện qua các tác phẩm: Ác liệt Côn Đảo, Côn Đảo - 6.694 ngày đêm, Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo, Côn Đảo - Bản anh hùng ca bất khuất, Huyền thoại Côn Đảo... Trong đó, tâm đắc nhất và cũng mất nhiều công sức nhất là hai bộ sách: Nhà tù Côn Đảo - Danh sách hy sinh và từ trần 1930- 1975, Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 (3 tập), đã cung cấp thông tin trên 8.400 tù nhân Côn Đảo. Hơn 10 năm ấy ông đã xử lý một lượng tài liệu khổng lồ, đã học thêm phần mềm Access để xử lý số liệu, rồi để có thêm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu của mình, ông đã trở lại giảng đường, khai thác những đề tài về Côn Đảo để làm luận văn thạc sĩ và năm 2011, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học về Côn Đảo. Cũng năm đó, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.