Yên Tử
Sớm, vào chơi Yên Tử
Chiều, chưa đành rời chân
Hỏi ai người lục thức
Hỏi ai người lục căn
Hỏi ai người hiếu tử
Hỏi ai người minh quân
Hỏi ai người nghiêm phụ
Hỏi ai người thiền nhân
Hỏi ai là thi sĩ
Hỏi ai ngang thánh thần
Không người, đành hỏi gió
Gió thổi vào Trúc Lâm.
Mũi Cà Mau
Nước, gió, cây, mây
Miền Tây Nam Bộ
Đi vào mênh mông
Dạ này chợt ngộ
Thấy một cây tàn
Trăm ngàn cây nở
Biết đón triêu dương
Từ trong nhật mộ
Thấy biển lui dần
Ba bề sóng vỗ
Biết đem bùn hoang
Làm nên quốc thổ
Nhìn kiếp lênh đênh
Cùng con xuồng nhỏ
Biết ta ở đời
Là hoa là cỏ
Nhìn sông lở bồi
Cánh chim bạt gió
Biết không ai người
Ra ngoài bể khổ
Rượu đong ly đầy
Đờn ca một trổ
Biết lấy tâm tư
Viết thành vọng cổ
Trông nước vơi đầy
Mây tan trong gió
Vỗ tay cả cười
Tang bồng hết nợ!
Bắc Giang
Sông Lục Nam mềm xanh
Thành Nhã Nam rắn rỏi
Rừng Lục Ngạn không biết đâu là cuối
Bắc Giang thu, nắng trải đón chân người.
Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi
Màu lúa chín tràn về tận cửa
Sông Thương đục, sông Thương trong muôn thuở
Gió rải đồng trong tiết hanh heo
Trung du thơm như khay mật ong chiều
Đến sỏi đá cầm lòng còn chẳng được
Ai hát khúc núi đồi thuở trước
Dẫu không đò, ta cũng phải sang ngang.
Vạt lúa chín Phồn Xương như dải khăn vàng
Buông thơm thắm bên ngực trần sơn nữ
Quân Đề Thám còn đang ngồi đâu đó
Dưới bóng rừng, bên hồ rượu mùa thu
Tay đã buông gươm súng tự bao giờ
Rượu men lá, tấm lòng như nhật nguyệt
Ta cảm khái vén tay tìm nhập cuộc
Bát rượu đầu, xin cạn với non sông
Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng
Trời không tựa, anh hùng đành ôm hận
Thân về đất, tim hồng thành ngọc nát
Thành hoàng hôn thắm đỏ đất trời thiêng
Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng
Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế
Người khởi nghĩa, áo mang màu đất mẹ
Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay
Xin cạn với riêng ông bát rượu thứ hai này
Giặc đã chạy, quốc thù xưa đã báo
Quanh đồn lũy, đá như nồi như đấu
Ngổn ngang nằm trong sắc cỏ mùa thu
Không phải đá đâu. Đó là những câu thề
đã hóa thạch - “Quyết không làm nô lệ!”
Lời thề đá, xưa xây thành đắp lũy
Vẫn nguyên lành dù lũy vỡ thành tan
Vẫn nguyên sinh trong cỏ nội hoa ngàn
Rồi sẽ lại gầm lên khi giặc đến
Bao trượng nghĩa mới nên bờ nên bến
Bát rượu thứ ba này, xin cạn với ba quân
Nắng nhuộm vàng cây, lúa trải đỏ đồng
Thu thắng trận, thu hòa đàm, thu thất thế
Thu chết tướng, thu tan quân, thu yên nghỉ
Thu lộng lẫy, thu hào hùng, thu giản dị
Chuốc rượu dưới quân kỳ, bao cung bậc thu qua.
Chuông thu không, rừng động dưới trăng già
Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt
Nhưng tiếng hát thì không bao giờ chết
Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông
Rằng, “Muôn năm dòng máu anh hùng!”
Rằng, “Vạn tuế giống dòng hào kiệt!”
Thời gian trôi, thời gian trôi mải miết
Dạ ngọc gan vàng chói lọi giữa thiên thu.
Rượu Bắc Giang sóng sánh dưới trăng mờ
Bát này nữa, rồi xa miền cổ tích
Bát này nữa, nữa, nữa, nữa...
Rồi mỗi khi ấm lạnh
Môi dịu dàng, ta gọi: “Bắc Giang thu!”.
Chùa Hương
Em ạ! Mùa thu trang nhã thế
Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương
Sáu thôn(1), ngàn cửa then cài lỏng
Trùng Cửu(2), heo may trẩy ngập đường
Vạn đại phong sương hồn cổ thạch
Suối dài, mây hạc đến soi gương
Cá đợi nghe kinh là có thật
Mõ kình như gọi, như đưa đường
Nhẹ nhàng sóng động bên thuyền khách
Lòng người như lụa ướp trầm hương
Gác gió, chuông chùa buông đủng đỉnh
Sơn thủy đồng sàng cùng vô thường
Phật điện đồng môn tam - tứ phủ
Tục lụy xa dần, gần thiên lương
Lá chạm vai người dường tay bụt
Tán oan, phổ độ cả mười phương
Nâng lão mai trà là thu ẩm
Thiền đàm, phật pháp được hoằng dương
Nhớ bóng ngư ông qua cầu Hội
Trông trẻ lùa trâu qua hang Luồn
Nghe tiếng rừng mai sơn nữ gọi
Cần gì vạn thọ với vô cương
Em ạ! Mùa thu trang nhã thế
Vì năm nào, thu cũng qua chùa Hương.
(1) Hương Sơn gồm 6 thôn: Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ, Phú Yên, Tiên Mai, Hạ Đoạn.
(2) Tết Trùng cửu (9-9 âm lịch) còn gọi là Tết Trùng dương. Vào ngày này, văn nhân - thi sĩ thường rủ nhau lên núi uống Hoàng hoa tửu (rượu Hoa cúc vàng), ngâm ngợi, thù tạc. Khi về thì đem theo thù du - những loại cành, dây hoa vàng thuộc họ cúc. Đó cũng là Tết Tiễn thu sớm của người phương Đông.