Tình hình Iran và Mỹ vẫn rất căng thẳng, khi mà hai tàu chở dầu bị tấn công trên vịnh Oman gần eo biển Hormuz. Mỹ cáo buộc Iran gây ra chuyện này, nhưng Iran cực lực phản đối. Cả thế giới lo lắng vì vụ này có thể làm cho tình hình vùng Vịnh gia tăng căng thẳng và có thể dẫn đến chiến tranh. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa đến Iran để thực hiện sứ mệnh “giải hòa” giữa Iran và Mỹ. Nhật là nước được cả hai bên Mỹ và Iran tín nhiệm. Tuy nhiên, sứ mệnh của ông Abe chưa đi đến đâu vì Iran vẫn rất dứt khoát đòi Mỹ bỏ cấm vận rồi mới nói chuyện, thì xảy ra vụ hai tàu chở dầu này. Iran tuyên bố sẽ làm giàu uranium như trước khi ký hiệp ước hạn chế với P5+1, một hiệp ước mà Mỹ đã rút ra. Cả thế giới đều “can” hai bên phải bình tĩnh, không được sai lầm.
Giữa Nga và Mỹ cũng đang rất căng thẳng khi Mỹ điều hàng ngàn binh sĩ đến Ba Lan, áp sát biên giới Nga. Tổng thống Nga V. Putin cảnh báo hành động đó của Mỹ: nếu xung đột xảy ra thì Ba Lan sẽ là nước bị hứng chịu. Ai cũng biết, hiện giờ Nga có các thứ vũ khí siêu mạnh, vượt cả Mỹ và có thể uy hiếp cả Mỹ, cả NATO… Nhưng Ba Lan rước Mỹ vào để phòng thủ với Nga, liệu đã có tính toán kỹ càng, hay chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng.
Hiện tình hình Nga vẫn ổn, theo nhiều nhà khoa học Việt Nam ta có quan hệ với Nga, vừa đi làm việc ở Nga về. Tuy cấm vận của Mỹ có gây khó khăn, kinh tế Nga, đời sống Nga vẫn duy trì ổn định. Nga và Trung Quốc nhích lại gần nhau hơn bao giờ hết, đó là do họ cùng bị Mỹ ra đòn. Nhưng liệu mối liên minh này sâu sắc bền chặt đến đâu, khi cả hai nước có nhiều khác biệt. “Tình bạn” giữa V. Putin và Tập Cận Bình cũng là một trong những cơ sở cho mối quan hệ Nga - Trung. Vừa qua, khi thăm Nga, Tập Cận Bình được V. Putin đưa đi thăm những nơi ở cũ, nơi hoạt động của mình ở Saint Petersburg suốt cả một buổi tối. Nhưng “tình bạn” giữa các nguyên thủ cũng thường phụ thuộc vào nhiều việc khác.
Mỹ trừng phạt Trung Quốc về thương mại, ta đã biết. Sắp tới, trong hội nghị G-20 ở Nhật, hai nhà lãnh đạo Trump và Tập sẽ gặp nhau bên lề và theo ông Trump, cuộc điện đàm của ông và ông Tập “rất tốt đẹp”, các đoàn đàm phán đang trở lại; thị trường chứng khoán do đó khởi sắc.
Người ta vẫn gọi đây là cuộc chiến thương mại. Nhưng chính xác, sâu xa hơn, đây là cuộc chiến công nghệ. Sau gần 40 năm, Mỹ mới ngộ ra là Trung Quốc lấy được bí mật công nghệ của Mỹ và phát triển “thần kỳ” tới mức đuổi kịp Mỹ, có cái vượt như 5G của Huawei vươn ra được toàn cầu và quan trọng hơn, ứng dụng công nghệ cao vào quốc phòng. Nếu Mỹ bị bỏ rơi sau Trung Quốc về công nghệ, Trung Quốc có lợi thế thương mại - kinh tế hơn, chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ phát triển cận kề Mỹ, thì Mỹ sẽ mất địa vị số 1 toàn cầu. Trung Quốc và chính sách toàn cầu qua “một vành đai - một con đường” của mình, sẽ là mối đe dọa với Mỹ.
Ở châu Á, nơi mà Trung Quốc cho là địa bàn chiến lược của riêng mình, đòi Mỹ không được can dự, Mỹ và Trung Quốc đang tranh chấp nhau qua vấn đề Đài Loan và biển Đông (bao gồm cả biển Hoa Đông). Đài Loan thì muốn độc lập (“Đài độc”) nhưng Trung Quốc thì tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của mình, một tỉnh “nổi loạn”. Mỹ ủng hộ Đài Loan trên nhiều phương diện, bán vũ khí cho Đài Loan phòng thủ, làm Trung Quốc nổi giận. Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố ở hội nghị Shangri-La rằng Trung Quốc sẽ “chiến đấu tới cùng” trong vấn đề Đài Loan, thương mại… Trung Quốc cũng đang hăm he dùng vũ lực lấy lại Đài Loan. Chắc chắn là không dễ, nhưng Trung Quốc cho rằng trong việc này (một việc nội bộ của Trung Quốc - vì thỏa thuận Thượng Hải năm 1972 giữa Mỹ - Trung đã thừa nhận như thế rồi) vấn đề là thời gian mà thôi. Có người đoán rằng đến năm 2020 Trung Quốc sẽ làm việc đó. Chúng ta phải chờ “hạ hồi phân giải”.
Dư luận cho rằng, với việc Mỹ điều tàu đi qua đi lại “vô hại” để đe Trung Quốc về việc quân sự hóa biển Đông, bá chiếm biển Đông, làm chủ con đường hàng hải, hàng không huyết mạch của thế giới, là chưa ăn thua. Sắp tới, Mỹ sẽ có hành động mạnh hơn không, như thông qua điều luật do các nghị sĩ cả hai đảng ở Mỹ, trừng phạt việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều không muốn có cuộc chiến xảy ra. Lúc này, Mỹ đang dàn mỏng lực lượng ở Âu, Á, cả Mỹ La tinh… hiệu quả tất nhiên là thấp. Đe nhau thế thôi, căng thẳng trả đũa thế thôi, chứ chắc rồi sẽ phải có thỏa hiệp, nhân nhượng…
Việt Nam ta là chủ nhân chân chính, đích thực của Hoàng Sa, Trường Sa và theo đó là chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán 200 hải lý tính từ bờ biển… Chúng ta liên tục phản đối việc chiếm đóng đảo, quân sự hóa, gây căng thẳng… Chúng ta dùng hòa bình giải quyết mọi tranh chấp theo luật pháp quốc tế. Chúng ta không thể chấp nhận - như nhiều tuyên bố của các nước - những tuyên bố “mơ hồ” về “chủ quyền từ xa xưa” (chứng cứ đâu?) ở biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam có quan hệ mật thiết với Trung Quốc về nhiều mặt, Việt Nam hết sức nhân nhượng để mưu tính hòa bình, phát triển với nước láng giềng lớn. Trung Quốc và ASEAN nên hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý, có thực chất để góp phần vào gìn giữ hòa bình trên biển đảo và khu vực. Cả châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh (và nay cả Đức), cũng quan tâm đến biển Đông, vì quyền lợi qua lại của họ. Họ có những động thái tích cực. Canada cũng vừa đưa tàu đến thăm Cam Ranh, hứa hẹn những quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Nhật và Australia cũng vậy, cũng cùng Mỹ diễn tập hải quân ở biển Đông…
Vấn đề Đài Loan là một cái nhọt trong tim đối với Trung Quốc. Mỹ chạm đến vấn đề ấy là sự “khiêu khích” không thể dung thứ với Trung Quốc. Bán 2 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan, “khoét sâu một vết thương nghiêm trọng” vào quan hệ Mỹ - Trung; đạo luật đi lại Đài Loan cho phép các cuộc đàm phán Mỹ - Đài v.v… là những động tác khiến Bắc Kinh tức giận. Đài Loan gợi nhắc đến một thế kỷ tủi nhục của Trung Quốc khi Trung Quốc bị các thế lực nước ngoài chia cắt và rơi vào nội chiến. Chú ý đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng cần phải chú ý đến sự leo thang của Trump quanh vấn đề chính sách “một Trung Quốc”.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ tăng 40% trong mấy tháng qua. Đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam đang tăng (7,8 tỉ USD, tức là tăng gần 30%). Bộ Công thương Việt Nam cũng vừa có quyết định ngăn chặn một số công ty nước ngoài dán nhãn Made in Vietnam để xuất khẩu hàng vào Mỹ. Đó là một động thái cần thiết, nếu không Việt Nam sẽ rắc rối với Mỹ. Việt Nam nhập siêu 16,2 tỉ USD từ Trung Quốc tuy xuất khẩu hàng hóa hoa quả qua Trung Quốc tăng mạnh.
Việt Nam vừa được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193). Đó là một thắng lợi ngoạn mục, một thắng lợi mà thế giới xem là khá “bất ngờ”. Rồi đây, Việt Nam sẽ phát huy tiếng nói tích cực của mình vào công việc toàn cầu, giữ gìn hòa bình và phát triển.
Kinh tế và đối ngoại của Việt Nam là những mặt công tác có thành tựu không thể chối cãi, dù nợ công tuy giảm nếu tính so với GDP nhưng vẫn là con số khá lớn (3,2 triệu tỉ đồng, 32 triệu đồng/ đầu người). Vừa qua, cuộc họp về đồng bằng sông Cửu Long quyết định chi thêm 2 tỉ USD cho việc “thuận thiên”, phát triển kinh tế theo cách lợi dụng những biến chuyển của thiên nhiên (nuôi tôm nước mặn, trồng lúa nghịch...) là một quyết sách to lớn cho một khu vực kinh tế có tỷ trọng lớn trong kinh tế nước nhà. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) dự kiến sẽ được ký vào chiều 30-6-2019 tại Hà Nội. Hiện còn một số khúc mắc (với Tây Ban Nha, Bỉ, Ý) nhưng chắc sẽ được tháo gỡ.
Xã hội - văn hóa - giáo dục thì còn những vấn đề nhức nhối. Hằng ngày nghe tin những tội ác, những tai nạn giao thông, những vụ việc tham nhũng, những xét xử tòa án… thấy xã hội chưa ổn. “Bao giờ cho đến ngày xưa”, tưởng như nói đùa mà hóa thật.
Văn hóa đã được Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch giải trình trước Quốc hội, tuy đại lược, nhưng cũng thấy là tình hình khó. Khó ở đây nhiều khi là cái khó chiến lược. Bây giờ không còn có thể có những nhà sáng tạo văn hóa như ngày xưa, nhưng sáng tạo văn hóa của ta (bao gồm âm nhạc, điện ảnh, văn chương…) hiện giờ sa sút đến đâu? Điện ảnh gần đây có những dấu hiệu phim tư nhân có vài phim ăn khách (như Hai Phượng, chiếu cả ở Mỹ, thu 200 tỉ VNĐ), nhưng vẫn chưa thể lấp đầy khoảng trống của điện ảnh về chất lượng, khi Nhà nước buông tay tài trợ phim và các rạp phim rơi hết vào tay nước ngoài. Âm nhạc thì bolero lên ngôi (tuy bolero không phải nhất nhất là tiêu cực), nhạc trước 1975 được Bộ hợp pháp hóa lên ngôi, còn nhạc truyền thống cách mạng - kháng chiến chỉ còn trong những dịp lễ… Văn chương đang đứng trước thử thách sống còn trên toàn thế giới bởi cuộc cách mạng công nghệ, làm cho sự đọc sách teo tóp. Giải quyết vấn đề là không dễ và không phải chỉ của Bộ Văn hóa…
Về tổng thể, chúng ta phải có một chiến lược nâng cấp văn hóa theo nghĩa rộng. Trong đó, sáng tạo văn hóa, thể hiện tiềm lực nội sinh của một dân tộc phải được chú ý đúng mức. Và cơ bản phải có người, có vốn…, những cái chúng ta còn thiếu. Trung ương có ra những nghị quyết hay. Vấn đề là làm nghị quyết thì chúng ta rất giỏi, nói cái gì cũng đúng, nhưng đi vào thực hiện thì đìu hiu… Có rất nhiều vấn đề cấp bách đặt ra trong văn hóa, nhưng giờ đây, trong thị trường - hội nhập, dường như chúng ta bất lực trước những vấn đề ấy, đành để mặc cho nó trôi nổi.
Giáo dục lại càng khó. Một “vương quốc” mênh mông mấy chục triệu người từ mẫu giáo đến thạc sĩ, tiến sĩ… đã trì trệ nhiều năm, giờ giải quyết, phải “tài thánh”. Người ta hay chê ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (kể cả việc ông nói ngọng do giọng địa phương Hưng Yên), nhưng “đứng ngoài chiến trận, ai cũng là thiên tài quân sự”. Cả nước, cả hệ thống chính trị phải đấu sức lại, quan tâm sâu sắc, chiến lược thì mới mong có ngày ra khỏi khủng hoảng và có cơ may giáo dục - nơi đào tạo con người, nhân lực, nhân tài… sẽ có những đóng góp làm rạng danh Tổ quốc, “sánh vai các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn. Thầy giáo, học sinh… có nhiều tâm huyết (xem chương trình truyền hình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”) nhưng họ chưa được giải phóng khỏi những trói buộc, kể cả “cơm áo gạo tiền”! Nhiều thầy cô vẫn còn bị “cơm áo ghì sát đất” như Nam Cao viết!
Dân ta trải qua 30 năm - 40 năm chiến tranh, đã khổ quá, giờ mới mở mày mở mặt ra được một phần nhờ kinh tế phát triển. Nhưng hạnh phúc của con người không chỉ có cơm ăn, áo mặc… (hàng triệu người còn sống ở mức nghèo). Được thế đã là quý lắm, dù sao chúng ta phải quan tâm đến những hưởng thụ về giáo dục, văn hóa… nhiều hơn nữa. Quan tâm đến chính trị như về nhân sự Đại hội Đảng là cần, nhưng quan tâm đến văn hóa - giáo dục… còn cấp thiết và lâu dài hơn. Cả đất nước đang trông chờ những giải pháp có hiệu quả, thiết thực, có chuyển biến trông thấy được cho văn hóa - giáo dục… “Một ngày nào đó người ta sẽ cần Thơ hơn cần cơm”, ôi, mong ước đó của nhà văn hóa - Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bao giờ có thực, trong khi ngày nay, thơ dở bị lạm phát làm cho người ta ngấy: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng - Tặng gì thì tặng, xin đừng tặng thơ!”.
19-6-2019
------------------------------------------
“Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, đó là chủ đề bài viết quan trọng của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Bài viết nhìn qua vấn đề mạng trên toàn cầu, thấy rõ mặt trái, mặt nguy hiểm, bị lợi dụng để kích động, xuyên tạc, tổ chức bạo loạn, lật đổ… của mạng xã hội. Từ đó, đề ra các giải pháp để quản lý mạng.
Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay, liên quan đến an ninh quốc gia.