HV138 - Tôi được tác giả “Điêu tàn” giảng dạy về thơ

Từ năm 1961 đến năm 1967, tôi được Nhà nước cho đi du học tại Liên Xô. Tôi theo học ngành hóa tinh vi tại trường Đại học Lomonosov, Moskva. Một hôm, vào mùa hè năm 1966, khi đã là sinh viên năm thứ 5, tôi nhận được cú điện thoại của chị Nguyễn Hồng Thúy, tùy viên văn hóa Đại sứ quán ta tại Moskva, nhờ một việc: Nhà thơ Chế Lan Viên vừa đi thăm Cuba, trên đường về nước dừng chân tại Moskva ít ngày, muốn nhờ một người biết tiếng Nga dẫn đi thăm thành phố hoặc mua vài thứ lặt vặt; chị muốn nhờ tôi giúp hộ việc này. Thường sinh viên các năm trên không bận bịu, vất vả như những năm đầu. Vậy là tôi nhận lời. Theo địa chỉ chị cho, tôi tìm đến khách sạn Komsomol skaya, một khách sạn mới xây, loại trung bình của Nga thời đó. Gõ cửa, không thấy anh ra mở! Rõ ràng nghe có tiếng người hình như đang thu dọn hoặc đang làm gì đó trong phòng. Tôi nghĩ bụng: chắc nhà thơ đang sắp xếp hành lý, không muốn cho mình nhìn thấy cảnh đồ đạc lộn xộn trong phòng; tôi kiên tâm chờ đợi ngoài hành lang. Phải đến mươi phút sau, cửa mới mở, và tôi nhìn thấy một Chế Lan Viên mặt đỏ ửng, tóc tai ướt mềm. Anh nhoẻn miệng cười: “Anh xin lỗi để chú phải chờ. Lúc nghe tiếng gõ cửa là lúc anh đang xát xà phòng trong buồng tắm!”. Ra thế! Hai anh em cười xòa nhìn nhau. Vào trong phòng rồi anh mới nói: “Anh trông chú quen quá. Hình như ta đã gặp nhau ở đâu rồi thì phải?”.

- Vâng, cách đây khá lâu, anh em ta đã gặp nhau rồi, tại nhà nhà văn Bùi Hiển, trên đường Bà Triệu, Hà Nội. Hôm đó anh và chị Thường tới thăm cụ thân sinh của nhà văn Bùi Hiển vừa ở Nghệ An ra. Em cũng tới thăm cụ và ta đã tình cờ gặp nhau.

- Nhớ ra rồi, nhớ ra rồi!

Thế là anh và tôi hồ hởi, cởi mở, nói với nhau đủ thứ chuyện. Anh hỏi thăm tôi về việc học hành, về cuộc sống của sinh viên. Tôi hỏi anh về tình hình trong nước vì đã lâu chưa có dịp về thăm. Lát sau, bỗng nhớ tới chuyện sứ quán nhờ, tôi hỏi anh:

- Anh có cần em dẫn anh đi thăm viếng nơi nào hoặc đi mua món hàng, món quà gì thì anh em ta tranh thủ đi ngay, kẻo anh không đủ thời gian.

- Cứ ngồi nói chuyện đã. Mấy món quà vặt thì mua lúc nào chẳng được. Có ít đồng rúp phụ cấp tiêu vặt thôi mà!

Nhà nước ta ngày ấy còn nghèo lắm. Rất ít ngoại tê. Cán bộ ra nước ngoài công tác chỉ được hưởng mấy rúp tiêu vặt. Tiền vé, tiền ăn phần lớn nước bạn lo đài thọ. Cán bộ đi công tác nước ngoài, trước ngày lên đường phải đến kho của Bộ Tài chính để mượn quần áo (bộ com lê, mũ, khăn quàng, cà vạt), giày da, va li, cặp da. Nếu đi công tác nước ngoài vào mùa đông thì còn được mượn thêm áo rét, mũ lông… Chuyến đi công tác nước ngoài nào mà dành dụm được tiền để mua chiếc bàn là 7 rúp, chiếc quạt “tai voi” 15 rúp cho gia đình, vài chiếc dây may so (để làm cái đun nước), mấy cuộn chỉ, vài tá kim khâu tặng cho anh chị em trong cơ quan… là đạt yêu cầu lắm rồi! Trường hợp của nhà thơ nổi tiếng của chúng ta thì cũng vậy thôi.

Tôi hỏi anh: “Tới thăm Cuba, người và cảnh có nhiều cái lạ, gây cho anh nhiều cảm xúc, chắc anh viết được nhiều lắm?”.

- Ừ, nhiều chuyện thú vị lắm. Nhưng cái cảm giác chung, bao trùm lên tất cả là, thấy Cuba rất giống Việt Nam. Cả cảnh lẫn người. Người đây không phải nói về ngoại hình mà là tâm hồn, tính cách, chí khí…

Và Chế Lan Viên đã đọc cho tôi nghe những dòng đầu tiên của bài thơ viết về Cuba, sau này có nhan đề là Tôi đi từ… tôi đến…:

Tôi đến Cuba giữa lúc các thiếu nữ ném hoa xuống bể

Mỗi ngọn sóng đổ vào bờ đều thầm thì nhắc Camilô

Những người đã khuất vẫn nghĩ đến chúng ta trong im lặng

Nhận hoa ta, họ tin thêm vào trái của đời.

Thấy anh đang cao hứng nói chuyện thơ, tôi “khoe”: “Những năm tháng sống ở Nga, em cũng ghi chép một số cảm xúc của mình bằng những bài thơ nho nhỏ”. Anh hỏi ngay: “Có mang theo không?”. Tôi lấy từ trong cặp ra một cuốn sổ, không phải hình chữ nhật như thường thấy, mà là hình thang. Mở cuốn sổ ra, hai hình thang của hai trang vở nom như hai cánh bướm. Cuốn sổ độc đáo này do một anh bạn Nga, sống cùng phòng với tôi ở ký túc xá, mua tặng tôi nhân dịp sinh nhật. Nhà thơ Chế Lan Viên cứ thích thú mãi với hình thù và vẻ đẹp của cuốn sổ. Anh bảo: “Đầu óc sáng tạo của con người thật kỳ lạ và đáng quý biết bao! Cuốn sổ này chú để chép thơ là đúng lắm rồi! Nom lãng mạn, đáng yêu quá!”. Anh lật giở từng trang, đọc lướt từ đầu đến cuối mấy chục bài thơ. Sau đó đọc lại lần thứ hai và lần này anh lấy bút đánh dấu + vào những câu thơ mà anh thích.

Khi anh gấp cuốn sổ tay thơ của tôi lại, tôi hỏi anh: “Anh có nhận xét gì không ạ?”. Anh mỉm cười, nói một cách nhẹ nhàng: “Cái quý báu nhất thì chú đã có rồi, đó là một tâm hồn nhạy cảm với mọi điều xảy ra ở xung quanh, với những sự thay đổi của thiên nhiên, cuộc sống. Còn những cái khác thuộc về kỹ thuật làm thơ, thì theo thời gian chú sẽ học được, sẽ tìm được con đường riêng cho mình đi. Có một điều thú vị nữa là tuy xa nước lâu năm rồi mà giọng thơ lục bát của chú vẫn ngọt ngào, dễ thương. Nhưng không phải lúc nào cũng cần mượt mà quá, chau chuốt quá. Đôi khi quá cầu toàn, quá lệ thuộc vần điệu lại không diễn tả hết những ý tứ mà mình muốn nói. Một số bài viết chưa tập trung vào chủ đề làm bài thơ loãng đi. Khi có một sự kiện xảy ra trong cuộc sống, tác động vào tâm hồn mình, mình chọn được một đề tài để viết, thì phải chọn một tứ thơ chính, có thể thêm một số tứ thơ phụ khác để làm cho bài thơ thêm phong phú, nhưng không thể quá lan man, dàn trải, làm mờ đi cái chủ đề chính, cái tứ thơ chính. Sau đó chọn các từ cho chính xác, cho đắt để chuyển tải tứ thơ. Đừng dùng những mỹ từ nhiều quá, đừng dùng những từ “đao to búa lớn”, sáo rỗng và cố gắng tránh những hình tượng đã sáo mòn: đã “hoa” thì phải có “bướm”, đã “chia ly” là phải có “lệ nhòa”…”.

Rồi bỗng dưng anh hỏi: “Sao chú không làm thơ tự do, thơ văn xuôi?”.

- Em cũng đã tập làm, nhưng thấy lủng củng, chưa thành công. Cái cố tật của em, là cứ bắt tay vào viết bài thơ nào đó, thường hay nghĩ về vần điệu, luật lệ… do đó viết khó, nhiều khi không diễn tả hết những suy nghĩ trong mình, như anh nói.

Anh bảo: “Cái quan trọng nhất là tứ thơ”. Anh đưa ra một thí dụ, tôi không nhớ là câu thơ của nhà thơ nào, đại ý: “Mỗi lần, bọn chúng giải ra pháp trường, bắn vào ngực những người đồng chí của tôi, thì những viên đạn đó là găm thẳng vào trái tim tôi”. Câu nói đó được diễn tả bằng những câu thơ có vần điệu hay những câu thơ văn xuôi, đều không quan trọng. Quan trọng nhất ở đây là cái tứ thơ, cái ý thơ tuyệt vời của nhà thơ, cái tấm lòng của nhà thơ với những người đồng chí, người bạn chiến đấu của mình.

Hay câu thơ của Thâm Tâm: “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng/ Bóng chiều không thắm/ Không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”. Câu thơ này dù viết bằng văn vần hay bằng thơ văn xuôi đều không thể làm mờ đi những hình ảnh, những tứ thơ rất thơ của nó…

Anh nhắc lại cách dùng từ: “Đừng dùng từ hoa mỹ, cầu kỳ quá mà phải chọn lọc, thật giản dị, như cắt xén từ cuộc sống, thả vào thơ. Thơ cũng như họa. Có phải các cô gái trong đời thường cô nào cũng đẹp như tranh của Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị cả đâu. Cũng có các cô gái bình thường, gồ ghề như những minh họa của Bùi Xuân Phái chứ?”.

Anh giở lại cuốn sổ ghi thơ của tôi, đọc trong bài Sao Vệ nữ:

“Bạch dương buồn đứng mấy hàng

Gió đông rứt nốt lá vàng cuối thu

Cái hình tượng gió đông rứt nốt những chiếc lá vàng héo úa từ mùa thu còn vương lại, rất đời thường, rất thực, phải đưa thêm nhiều những hình ảnh đó vào thơ cho thêm sức sống.

Bài chú viết về Nguyễn Văn Trỗi có nhiều đoạn, nhiều câu, nhiều từ anh thích. Đoạn mở đầu rất tinh tế:

Tôi đi trong nắng ban mai

Mà như đi giữa đường dài đêm sương

Tuyết rơi phủ trắng bên đường

Mà sao tôi thấy tuyết vương máu đào

Đoạn này nói được sự day dứt, đau đớn, thương xót của một sinh viên sống xa nước, khi nhận được tin về sự hy sinh của mấy người đồng bào mình, của người thợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đến mức nhìn tuyết trắng cũng nghĩ tới dòng máu của người anh hùng đã đổ xuống.

Nhiều đoạn tả rất thực:

Rồi anh ngắm trời xanh quê mẹ

Những đám mây trắng nhẹ nhàng bay…

Hoặc:

Súng Mỹ đã nhằm anh, lạnh ngắt

Anh còn kêu tên Bác ba lần

Mười viên đạn Mỹ xé thân

Anh còn vĩnh biệt hai lần: Việt Nam!”.

Trong phòng chỉ có mình tôi với anh, mà anh say sưa nói về thơ, nói những lời nhận xét về thơ tôi một cách hùng hồn, nhiệt tình như nói với cả đám đông. Sau cùng, anh dặn tôi về chép gửi anh năm bài mà tôi tự thấy thích nhất, về bất cứ đề tài gì, để anh góp ý tỉ mỉ và có điều kiện thì giới thiệu. Tôi suy nghĩ, đắn đo mãi, cuối cùng tôi thấy chưa nên gửi vì thơ của mình mới ở dạng “ghi chép bằng thơ”, các đề tài mới gói gọn về những kỷ niệm riêng tư, về gia đình, những người thân của mình…

Cũng có thể đó là một sai lầm của tôi. Nếu tôi gửi thơ tôi cho anh để được anh cho những nhận xét tỉ mỉ hơn, dạy cho tôi những bài học, những kinh nghiệm quý báu, thì chẳng tốt hơn sao?

***

Chế Lan Viên là một con người rất giản dị và dễ gần. Anh có vóc dáng bé nhỏ, khuôn mặt vuông, đôi mắt lúc nào cũng nheo cười. Anh có mái tóc đen rất dày, bồng bềnh nhưng không lượn sóng điệu đàng như Xuân Diệu. Trong những ngày gần anh, tôi chưa thấy anh thắt cà vạt bao giờ. Anh mặc com lê nhưng bẻ cổ sơ mi ra ngoài áo vét. Một đặc điểm rất dễ nhận thấy ở anh, là hay đãng trí và hơi luộm thuộm. Có lẽ đây cũng là cái bệnh chung và dễ thương của các nhà thơ chăng? Đang làm việc, nảy ra một tứ thơ nào đó, anh ghi ngay vào bất cứ mảnh giấy nào có trước mặt, dường như sợ sẽ quên tứ thơ. Hôm chúng tôi đưa anh tới nói chuyện về thơ với các sinh viên Việt Nam, anh tìm tờ ghi dàn bài buổi nói chuyện đã chuẩn bị sẵn ở nhà, nhưng không nhớ để ở túi nào. Anh móc túi áo sơ mi, túi áo vét, túi quần trước, túi quần sau, đều không thấy. Cuối cùng, trước mặt các thính giả trẻ đáng yêu, anh phải moi các bản nháp từ mọi túi ra, để một đống trên bàn và tìm lại một lần nữa. Té ra tờ dàn bài đó nằm giữa các bản nháp một bài thơ chính luận đang viết dở! Bọn sinh viên chúng tôi vừa cười vừa vỗ tay ào ào động viên và bày tỏ lòng yêu mến đối với anh.

TRẦN QUÂN NGỌC