HV138 - TRAO ĐỔI: Chung quanh bài báo “Mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ...”

Tạp chí Hồn Việt số 137 (tháng 6-2019) có đăng bài Mẩu chuyện nhỏ về Bác Hồ - bài học lớn không bao giờ cũ của tác giả Tôn Ái Nhân. Theo tôi, trong bài có một số đoạn viết chưa chính xác:

1. Trang 14, cột 2 viết: “…Ngay với vua Bảo Đại, sau khi ông đọc bản tuyên bố thoái vị giao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, thì ta lại không sử dụng. Nhưng khi Hồ Chủ tịch về đến Hà Nội nghe tin đó liền phê bình các đồng chí của ta và nói: “Thế giới họ đang nhìn ta với con mắt đỏ lòe, có mỗi tí vàng các chú lại đem xóa đi mất”. Rồi ngay sau đó, Người viết thư và cho đặc phái viên của ta vào Huế mời Bảo Đại ra Hà Nội làm việc với chức danh cố vấn. Và cái tên Cố vấn Vĩnh Thụy đã được nhắc tới từ đó”.

Đoạn viết trên đây không đúng sự thật, dễ gây hiểu lầm tai hại.

Lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức trọng thể tại Lầu Ngọ Môn ở Huế chiều 30-8-1945, có phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào dự. Phái đoàn gồm ông Trần Huy Liệu (trưởng đoàn), ông Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận.

Xin trích một số đoạn ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của triều đình Huế, viết trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc (NXB Thuận Hóa, Huế, 1987) về lễ thoái vị của ông Bảo Đại như sau:

“Đúng 4 giờ (30-8-1945), xe phái đoàn Chính phủ Cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng tiến vào cửa chính của Ngọ Môn giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn năm vạn nhân dân nội ngoại thành Huế…

Sau đó, Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách xúc động, có khi tắt cả tiếng… Theo đề nghị của Bảo Đại, Đoàn đại biểu Chính phủ tặng ông ta một huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực ông Bảo Đại, từ nay trở thành người công dân Vĩnh Thụy, đồng thời Cù Huy Cận công bố điều ấy cho đồng bào biết và đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân Vĩnh Thụy. Vĩnh Thụy tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào và ra về…

Sáng ngày 31-8 năm 1945, khoảng 10 giờ, giữa lúc tôi đang thu xếp đồ đạc để từ giã dinh Ngự tiền Văn phòng tổng lý về nhà riêng thì được anh Tôn Quang Phiệt (một cán bộ lãnh đạo trong Bộ Chỉ huy khởi nghĩa ở Huế) gọi điện thoại nói:

- Trong năm phút nữa, tôi sẽ ghé xe qua anh để chúng ta cùng đi vào Đại Nội gặp Cựu Hoàng có việc rất gấp.

- Việc chi thế anh?

- Tí nữa sẽ biết.

…Trên xe bước xuống, với một nụ cười cởi mở (anh Phiệt) đưa cho tôi một bức công điện và nói:

- Chỉ có nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới làm một việc độc đáo như thế này - “Chính phủ lâm thời mời ông Vĩnh Thụy ra làm Tối cao Cố vấn cho Chính phủ và đã sắp xếp đưa cố vấn ra Hà Nội càng sớm càng tốt…

Năm phút sau, chúng tôi [ông Hòe và ông Phiệt] có mặt tại điện Kiến Trung. Tôi mời anh Phiệt ngồi chờ ở Phòng Phê rồi đi vào nhà trong đọc bức điện cho ông Vĩnh Thụy nghe và mời ông ra tiếp ông Tôn Quang Phiệt. Sửng sốt và tái cả mặt, ông Vĩnh Thụy dồn dập hỏi:

- Có nhận không? Bao giờ phải đi? Ông có đi với tôi không? Tôi muốn đưa Vĩnh Cẩn đi theo có được không?”.

Sau đó, lập tức Chính quyền cách mạng ở Huế cùng với ông Hòe sắp xếp một chuyến xe đặc biệt đưa ông Vĩnh Thụy ra Hà Nội, có ông Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng đi. Việc sắp xếp chỉ trong một ngày. Sáng 2-9, đoàn rời Huế lên đường với tất cả sự ưu tiên, nhưng vì đường xấu, nhiều cầu bị chiến tranh đánh sập cho nên phải đến trưa ngày 4-9, đoàn mới đến Hà Nội.

Xin được nhắc lại là chiều 30-8, ông Bảo Đại thoái vị thì ngay sáng 31-8 có điện của “Chính phủ Lâm thời mời ông Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ” thì làm sao có chuyện “sau khi ông Bảo Đại đọc bản tuyên bố thoái vị giao ấn kiếm cho chính quyền cách mạng, thì ta lại không sử dụng”. Càng không có chuyện Hồ Chủ tịch “phê bình các đồng chí của ta…” “cho đặc phái viên của ta vào Huế mời Bảo Đại ra Hà Nội làm việc”

2. Cũng bài báo nói trên, ở trang 23, có đoạn viết: “Dù bất cứ tình huống nào thì các chú cũng phải cho Bác tiếp xúc với đồng bào, để Bác giải thích cho đồng bào hiểu Hồ Chí Minh không phải là kẻ bán nước như lời một số kẻ thù địch đã cho Hiệp định Fontainebleau là bán nước”.

Đúng ra năm 1946, những kẻ chống phá cách mạng nói Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 là bán nước chứ không phải nói Hiệp định Fontainebleau, vì Hội nghị Fontainebleau bị phía Pháp phá hoại, không ký được bất kỳ văn kiện nào. Phái đoàn Việt Nam rời Pháp về nước. Sau đó Hồ Chủ tịch ký với Marius Moutet một bản Tạm ước mà thôi.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG

(Nam Thành Công - Hà Nội)

 

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn góp ý của bạn đọc Đặng Minh Phương về các chi tiết trong bài, và cũng xin được trả lời về phần 1 như sau:

Bài viết này tôi lấy tài liệu từ các ông: 1- Lê Giản (tức Tô Dĩ), Giám đốc Nha Công an Trung ương trước đây. 2- Chu Đình Xương (tức Chu Đình Khôi) là Giám đốc Ty Liêm phóng Bắc Bộ. Năm 1945, ông Xương là người bảo vệ Bác Hồ và là người gần gũi Bác nhiều nhất, do đó mà ông biết được khá nhiều chuyện về Bác và đã kể tôi nghe, những điều này tôi đã ghi âm và lưu giữ tại Nhà xuất bản Công an, trong đó có chuyện ông kể về câu nói của Bác: “Thế giới họ nhìn mình đỏ lòe, có một tí vàng các chú xóa đi mất”. Nếu như ông Phương cho là không đúng, thì đây là ông Giám đốc Ty Liêm phóng có sự nhầm lẫn chăng??? 3- Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công an Trung Bộ, lúc đó ông cũng trong phái đoàn cử vào Huế đòi vua Bảo Đại thoái vị. Chính ông đã kể tôi nghe khá nhiều chuyện về Huế lúc đó như chuyện Thượng thư Bộ Lại Thái Văn Toản quỳ vái ông ra sao và cô con gái Thái Thị Thu Ngoạn giúp ông bắt tay với tướng Nhật để lấy súng ra sao, tôi đã viết bài Sĩ quan Thiên hoàng trên thành Huế in trong tập “Người con gái năm xưa”. Cách đây năm năm bà Ngoạn đã về Hà Nội gặp tôi để xin quyển sách đó (hiện bà Ngoạn vẫn còn sống và đang định cư tại Mỹ). Tôi cũng giúp ông Ngọc viết Hồi ký mang tên “Gián điệp nhảy dù thành giám đốc công an Trung Bộ”, sau đổi là “Người tù lưu đày trở về”. Cuốn sách này đã được Bộ Công an tặng giải. 4- Ông Lê Văn Lăng (bố đẻ đạo diễn Lê Hoàng). Thời Nhật, ông làm Giám đốc Công an quận Hàng Trống, sau cách mạng làm Chủ sự tư pháp Ty Liêm phóng. Chính ông đã kể cho tôi nghe chuyện đóng giả Bác Hồ khi Bác ở Pháp về. (Rất tiếc là ông đã mất cách đây vài ba năm). 5- Vũ Hồng Khanh - Đảng Trưởng Quốc dân đảng, tôi đã gặp ông ở Thổ Tang gần một tháng để khai thác tài liệu và ông ta chính là người không ưa Bảo Đại...

Toàn bộ tư liệu tôi khai thác để viết là những người cung cấp rất đáng tin cậy. Vậy nên, tôi hoàn toàn tin là sự thật, bởi tôi nghĩ các ông ấy gần gũi Bác Hồ hơn là ông Phạm Khắc Hòe. Vả lại, bài này tôi đã in trong tạp chí Khoa học Công an lưu hành nội bộ nhưng cũng không thấy bạn đọc có ý kiến gì.

TÔN ÁI NHÂN

 

 

TÔN ÁI NHÂN