HV139 - Chim đỗ quyên là chim tu hú?

Trong Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1974), Đào Duy Anh giảng “Chim đỗ quyên vốn là chim tu hú, hay kêu về mùa hè. Ở nước ta nhiều người lộn nó với chim cuốc cũng kêu về mùa hè, do tiếng nó kêu “quốc quốc” mà liên hệ với điển Vọng-đế chết hóa thành chim đỗ quyên” (tr.322).

Cách giải thích trên có hai điểm sai:

- Thứ nhất, chim đỗ quyên không phải là chim tu hú.

Hiện nay, từ “đỗ quyên” có hai cách hiểu:

a) Nguồn Trung Quốc: Đỗ quyên 杜鹃(1) là tên chung của một số loài chim đỗ quyên thuộc giống Cuculus, họ Cuculidae (họ cu cu). TD: Tiểu đỗ quyên 小杜鹃 (tên khoa học: Cuculus poliocephalus); Đại đỗ quyên 大杜鹃 (Cuculus canorus); Phi châu đỗ quyên 非州杜鹃 (Cuculus gularis); Mã đảo đỗ quyên 马岛杜鹃 (Cuculus rochii); Tông phúc đỗ quyên 棕腹杜鹃 (Cuculus fugax) hay Hy Mã Lạp Nhã trung đỗ quyên 喜马拉雅中杜鹃 (Cuculus saturatus)(2). Chú ý: đây là cách phân loại cũ, cho thấy đỗ quyên nằm trong giống Cuculus, nhưng ngày nay đỗ quyên thường dùng để chỉ các loài cuốc nằm trong những giống thuộc họ gà nước (Rallidae)(3).

b) Nguồn Việt Nam: đỗ quyên còn được gọi là con cuốc (chim cuốc) với chú thích tiếng Pháp: râle d’eau trong Từ điển Việt Nam (tr.432) của Thanh Nghị (NXB Thời thế, 1958). Đỗ quyên trong từ điển Việt - Anh và Việt - Pháp của Lạc Việt cho thấy hai từ tương ứng: water - rail (Anh) và râle d’eau (Pháp) - hai từ này đều có nghĩa là một loài “gà nước” (tên khoa học: Rallus aquaticus, thuộc giống Rallus, họ Rallidae), nhiều người thường gọi là “gà nước mỏ dài” hay “gà nước Ấn Độ”.

Còn chim tu hú chính là “táo quyên” 噪鹃(4), có tên khoa học hiện nay là Eudynamys scolopacea (hay Eudynamys scolopaceus), thuộc giống Eudynamys, họ Cuculidae (họ cu cu) - (xem thêm mục Tu hú châu Á (Wikipedia tiếng Việt), Asian koel (Wikipedia tiếng Anh) hay Coucou koël (Wikipedia tiếng Pháp)... Nhìn chung, ban đầu Carl Linnaeus(5) đặt tên khoa học cho chim tu hú châu Á là Cuculus scolopaceus Linnaeus (1758), tức cùng giống Cuculus với chim đỗ quyên Trung Quốc nhưng đến năm 1827, Vigors và Horsfield đã đưa loài này vào giống Eudynamys(6) - họ đã tái phân loại vì nhận thấy chúng có những đặc điểm khác với giống Cuculus(7).

Tóm lại, dù theo cách gọi ở Trung Quốc hay Việt Nam thì chim đỗ quyên và tu hú đều được phân loại khác nhau, do đó không thể đánh đồng chúng là một.

- Thứ hai, chim đỗ quyên chính là chim cuốc nên không thể cho là “nhiều người lộn nó với chim cuốc”.

Theo cách dịch ở nước ta thì chim đỗ quyên 杜 鵑 được gọi là chim quyên, chim quốc hay chim cuốc. Thí dụ, trong bài Độ Hoài hữu cảm Văn Thừa tướng 渡淮 有 感 文 丞 相, Nguyễn Du viết: “Ai trung xúc xứ minh kim thạch/ Oán huyết quy thời hóa đỗ quyên” (哀衷觸處鳴金石, 怨血歸時化杜鵑) có nghĩa là “Nỗi thương cảm thốt ra chỗ nào đều reo tiếng vàng tiếng đá/ Máu oán hận lúc trở về hóa thành chim quốc”. Cái từ “Văn Thừa tướng” mà Nguyễn Du nhắc đến chính là Văn Thiên Tường (文天祥, 1236-1282), người giữ chức Thừa tướng trong triều Nam Tống 南宋, còn “Hoài” là sông Hoài thuộc phần đất hai tỉnh An Huy 安徽 và Giang Tô 江蘇. Khi bị người Kim đánh bại, nước Tống phải cầu hòa bằng cách cắt đất dâng nạp cho người Kim và lấy sông Hoài làm ranh giới (phía bắc sông Hoài trở lên thuộc về nước Kim, còn từ phía nam trở xuống thì thuộc về nhà Tống). Vì quá đau buồn trước cảnh chia cắt đó, Văn Thiên Tường đã viết: “Tòng kim biệt khước Giang Nam lộ/ Hòa tác đề quyên đái huyết quy” (從今別卻江南路 / 化作啼鵑帶血歸) có nghĩa là “Từ nay cách biệt Giang Nam/ Khi trở về sẽ thành con chim cuốc kêu ra máu”.

KẾT LUẬN: Một loài chim có thể có nhiều tên khác nhau trong cùng một ngôn ngữ, muốn tìm hiểu chính xác chúng có chung loài hay không cần phải căn cứ vào tên khoa học (tiếng Latinh). Rất có khả năng người ta đã gọi tổng quát vài loài chim đỗ quyên Trung Quốc và gà nước phân bố ở Việt Nam là chim quốc hay cuốc, tuy thế nào đi nữa, đỗ quyên chắc chắn không phải là chim tu hú (căn cứ vào bảng phân loại khoa học tên loài, giống và họ...). Đỗ quyên chính là chim quốc (chim cuốc) hay gà nước như đã trình bày ở trên.

 

_____

(1) Trong quyển Trung Quốc Dược học Đại từ điển, Đỗ quyên còn có tên là Tử tuấn, Dương tước, Oán điểu chu yên… Ngoài ra nó còn hai tên khác có nguồn gốc từ điển tích Trung Hoa, đó là Tử quy 子規 và Đỗ vũ 杜宇.

(2) http://baike.baidu.com/subview/818465/6506468.htm

(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Cu_cu

(4) 噪鹃(学名:Eudynamys scolopacea):

http://zh.wikipedia.org/wiki/%E5%99%AA%E9%B9%83

(5) Carl Linnaeus (1707-1778) là nhà động vật học, thực vật học và thầy thuốc Thụy Điển. Ông là người đặt nền móng cho hệ thống tên khoa học hiện đại, cha đẻ của hệ thống phân loại hiện nay.

(6) http://taxonomicon.taxonomy.nl/TaxonTree.aspx?src=0&id=93918

(7) http://taxonomicon.taxonomy.nl/TaxonName.aspx?id=639119&src=0

VƯƠNG TRUNG HIẾU