Ông sinh năm 1925, quê gốc ở Nam Định, sau Cách mạng tháng Tám 1945 ông gia nhập Quân đội nhân dân, từng tham gia chiến dịch Biên giới 1950. Hiệp định Genève 1954 được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ông rời quân ngũ trở thành nhà viết kịch có tên tuổi của Nhà hát kịch Việt Nam. Tính tình cởi mở, phóng khoáng pha chút hài hước tếu táo nên được bạn bè, quần chúng yêu thích quý mến. Chỗ đông người nào có mặt ông, chỗ ấy vui hẳn lên dù có khi đó là những buổi họp nghiêm túc. Sau đây là mấy mẩu chuyện thuộc loại đó.
1. Hồi ấy nhà viết kịch tên Lan (không nhớ rõ họ) từ miền Trung Trung Bộ tập kết về công tác ở bộ phận tác giả của Nhà hát kịch Việt Nam. Ông được Quảng Ninh mời đi thực tế để viết về đề tài thợ mỏ. Sau khi đi một thời gian, ông tắm biển bị cảm lạnh rồi mất đột ngột.
Văn phòng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức lễ truy điệu ông tại trụ sở Hội, số 51 đường Trần Hưng Đạo. Trong lúc nhà thơ Lưu Trọng Lư - Tổng thư ký Hội (lúc đó chưa có chức Chủ tịch Hội) đọc điếu văn thì bỗng nghe có nhiều tiếng cười rúc rích trong số cử tọa, ông ngừng đọc nhìn anh em nhắc nhở: “Các đồng chí trật tự!”. Ai đó đưa cho ông mảnh giấy có ghi bài điếu tếu táo của Thiết Vũ vừa viết. Ông đọc xong cũng không nhịn được cười, thế là cuộc truy điệu “vui vẻ” hẳn lên. Bài điếu Thiết Vũ viết như sau:
“Nhớ linh xưa:
Mình hạc xác ve
Chuyên nghề viết kịch
Đi chợ đếch dám ăn quà
Về nhà húp toàn mì sợi
Viết bù đầu không leo lên được ti vi
Chết đến đít còn cay Nhà hát Lớn(*)
Nhớ thương ngươi:
Ta thắp cho ngươi mấy nén nhang mậu dịch
Rót cho ngươi thêm một ly rượu quốc doanh
vỗ bụng mà ca rằng :
Đem thân làm lính Lê dương
Có khi chết chợ chết đường như chơi”
2. Sau giải phóng 1975, Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam có cử một đoàn văn nghệ sĩ đi tham quan một số tỉnh miền Trung, trong số này có Thiết Vũ. Đến Quy Nhơn (Bình Định), nhà thơ Trinh Đường (cũng quê gốc miền Trung) được nhà thơ nữ Lệ Thu đưa tặng tập thơ nhờ ông đọc và nhận xét, ông Trinh Đường không đi tham quan các nơi có cảnh đẹp với anh em, mà nằm ở nhà đọc say sưa tập thơ của Lệ Thu. Thiết Vũ làm bài thơ ghẹo ông như sau:
“Trinh Đường từ buổi đến Quy Nhơn
Một củ tình già bỗng cứng hơn!
Nằm đọc thơ ai lòng mấp máy
Luồn tay giữ chặt lấy nguồn cơn”
Ông Trinh Đường đọc bài thơ tuy bực nhưng cũng bật cười với lời viết trêu ghẹo tếu táo của Thiết Vũ.
____
(*) Ông Lan chưa được dựng vở kịch nào cho Nhà hát Lớn.