HV139 - Huy Cận và thế hệ thơ tiền chiến

“Tiền chiến” - để nói về thơ trước 1945, gồm hai hệ thơ cũ và mới; và cuộc giao tranh mới - cũ diễn ra suốt thập niên 1930 đến đầu 1940, đưa tới sự chiến thắng của Thơ mới. Chiến thắng này đã có được một tổng kết xứng đáng, kịp thời và giàu sức thuyết phục trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân ấn hành năm 1942. Một tuyển chọn 45 tên tuổi(1), với lời bình, cùng một tổng kết đặt ở đầu sách có tên: Một thời đại trong thi ca.

Một thời đại trong thi ca, với 45 thi nhân được chọn, cho 10 năm 1932-1942; trong một biển “thơ cũ” rồi sẽ mất chỗ đứng, sau một thiên niên kỷ tồn tại; vì những chuyển động và thay đổi của đời sống theo hướng Âu hóa, từ cái Ta đến với cái Tôi, nó vừa là khởi đầu vừa là kết thúc cho một tiến trình mang tên hiện đại hóa mà phong trào Thơ mới là một biểu tượng, một kết tinh trọn vẹn.

Trong 45 tên tuổi được chọn - nếu tính theo số lượng bài được tuyển thì Huy Cận ở vị trí thứ 2, cùng với Lưu Trọng Lư (11 bài), sau Xuân Diệu (15 bài), trên Chế Lan Viên, Nguyễn Bính (8 bài), Thế Lữ, Hàn Mặc Tử (7 bài)…

Còn về lời bình, tôi chú ý có 2 đoạn quan trọng gắn với Huy Cận, ngay trong bài Mở đầu.

“Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên…, và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”.

Vậy là, từ cái Ta chuyển sang cái Tôi mà phong cách cá nhân cá tính sáng tạo của thi nhân phải được tìm đến và khẳng định như một yêu cầu quan trọng, nếu không nói là hàng đầu của một nền thơ hiện đại.

Ở đây Hoài Thanh đã nắm bắt được nét cốt lõi ấy nơi cái riêng của 8 tên tuổi trong số 45 thi nhân được chọn; và với Huy Cận - đó là “ảo não”, một trạng thái buồn hơn mức bình thường.

Tiếp đó, sau khi xác định chủ trương thoát ly sự trốn lánh thực tại là xu thế phổ biến trong Thơ mới, Hoài Thanh đồng thời xác nhận sự vô hiệu của nó: “Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.

Vậy là, với Hoài Thanh, tất cả mọi chỗ trốn đều vô hiệu, đều thất bại, chỉ còn một hiện hữu, nơi cái buồn, là cái không ai tránh được; và với cái buồn, đó là một khẳng định nét bao trùm nơi một hồn thơ, điệu thơ Huy Cận.

“Cái buồn Lửa thiêng là cái buồn tỏa ra từ đáy hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. Có người muốn làm thơ phải tìm những cảnh nên thơ. Huy Cận không thế. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng, đời thi nhân không cần có nhiều chuyện. Huy Cận có lẽ đã sống một cuộc đời rất bình thường nhưng người luôn luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng, lặng lẽ của thế giới bên trong (…). Người nói cùng ta nỗi buồn nơi quán chật đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của ta người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn đêm mưa, buồn nhớ bạn…”.

Ghi dấu ấn vào một thời đại thơ, vào một cuộc cách mạng trong thơ bằng cái buồn, cái ảo não riêng của mình ở tuổi ngoài 20, Huy Cận sớm trở thành một tên tuổi vừa có vị trí đỉnh cao, vừa có vai trò kết thúc, qua những bài như Buồn đêm mưa:

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...

Tai nương nương giọt mái nhà

Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn.

Bài Vạn lý tình:

Nắng đã xế về bên xứ bạn

Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy

Trông vời bốn phía không nguôi nhớ

Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.

Bài Tràng giang:

Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bài Ngậm ngùi:

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ

Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

Tay anh em hãy tựa đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Và hẳn chưa phải là cuối cùng, trong Nhạc sầu, với:

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!

Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường

Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương

Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!

Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương

Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương

Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ!

Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

Vậy là, với Hoài Thanh - tác giả Thi nhân Việt Nam, Huy Cận là một trong số không hơn 5 người có công đầu định hình gương mặt Thơ mới, và cũng là thơ Việt nói chung, ở đỉnh cao và kết thúc của nó, trong một chiến thắng toàn diện và triệt để mọi hệ… thơ cũ, với người đại diện cuối cùng là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), người được Hoài Thanh đặt tên lên đầu sách trong một bài “cung chiêu anh hồn” với rất nhiều bùi ngùi, thương cảm và trân trọng, vào những năm tiếp cận Cách mạng tháng Tám. Trong mọi chỗ trốn, mọi hướng thoát ly mà Thơ mới khuyến dụ con người - một lớp thanh niên không bằng lòng với thực tại, nhưng cũng chưa tìm được lối thoát cho mình (trừ Tố Hữu), thì trốn vào nỗi buồn vẫn là một tư thế, một tâm thế có thể chấp nhận, thay vì những chỗ trốn khác như điên, như say, như phóng túng hình hài và trụy lạc… Một nỗi buồn trải khắp mặt không gian và thời gian; nhìn vào đâu, và vào bất cứ lúc nào cũng không thoát được. Và sự thực là thế, một xã hội như xã hội Việt Nam trong chế độ thuộc địa ngót 80 năm, ở thời điểm tiền cách mạng - 1945 với 2 triệu người chết đói, sao mà vui cho được!

Thời viết xong Lửa thiêng (1940) và Kinh cầu tự (1942) là thời Huy Cận bắt đầu tham gia các phong trào thanh niên yêu nước, rồi nhanh chóng có đóng góp và có vị trí cao trong Mặt trận Việt Minh và Chính phủ lâm thời - điều này khỏi cần phải nói nhiều. Điều cần nói ở đây là tư cách nhà thơ, hơn nữa, người đứng ở hàng đầu nền thơ Việt trước 1945 - một nền thơ có thành tựu đột xuất trên cả hai phương diện: dân tộc hiện đại, đáp ứng kịp các yêu cầu của thời hiện đại, rồi sẽ phải trải một chuyển đổi vất vả trong một thời gian dài, từ cái buồn sang cái vui, do những cập kênh giữa tư cách người công dân và tư cách người nghệ sĩ. Không nhanh được như Xuân Diệu, cũng chậm trễ như Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Tế Hanh, phải hơn 10 năm sau, Huy Cận mới đến được với quần chúng và niềm vui trong Trời mỗi ngày lại sáng (1958). Và đây là một niềm vui thật sự, không gượng gạo, không phô diễn, cùng lúc với nhiều bạn đường thời Thơ mới, như Xuân Diệu trong Riêng chung (1960), Chế Lan Viên trong Ánh sáng và phù sa (1960), Tế Hanh trong Tiếng sóng (1960), Nguyễn Xuân Sanh trong Nghe bước xuân về (1961)… Và nói niềm vui ở Huy Cận là nói niềm vui cho cả một chùm, chứ không riêng một quyển, gồm từ Trời mỗi ngày lại sáng (1958), qua Đất nở hoa (1960), đến Bài thơ cuộc đời (1963), cả ba - ngay từ tên gọi đã cho thấy một Huy Cận không chỉ mới mà còn là khác, rất khác với Huy Cận thời Lửa thiêng như chính nhà thơ đã tổng kết:

Mưa xưa rời rạc tần ngần

Mưa nay ríu rít nhân quần tiếng ca

Giọt mưa cũ ố vàng thơ phú

Triều mưa nay đoàn tụ lúa xanh

Cũng là thức giữa năm canh

Mưa xưa lạnh lẽo, an lành mưa nay

Từ xa lánh đời, chui sâu vào cái Tôi, bây giờ Huy Cận áp sát vào đời. Trước hết với những người lao động nơi những tuyến đầu của họ: Anh Tài Lạc, Bác Phở Cầu, Anh Phòng, Năm người con gái anh hùng ở Cẩm Phả, Tiếng sáo anh Điều mù…

Và cảnh - hết cái trầm mặc, u tịch, đơn côi của con người trong ngùi ngẫm với cái buồn, để đến với cái vui của kiến thiết, dựng xây - như trong Xe cát sông Hồng:

Ta xúc dồn lên chị với anh

Công trường giáo dựng ngất trời xanh

Trộn bền vôi cát cho ai đợi

Nhịp kẻng trong chiều vọng nắng hanh

Thuyền tiếp thuyền đi như trẩy hội

Nước sông xe cát mấy mùa rồi

Sông ơi có thỏa lòng khi thấy

Những Việt Trì lên nghiêng bóng soi!

hoặc Đoàn thuyền đánh cá:

Cá nhụ, cá chim, cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở sao lùa nước Hạ Long

Và suy tưởng - như một đặc trưng riêng trong thế giới thơ Huy Cận; có điều những suy tưởng bây giờ không còn trong siêu hình, mà gắn với đời thực, tập trung rõ nét trong nhiều bài thơ nổi tiếng như Các vị La Hán chùa Tây Phương, và có ở nhiều bài thơ khác:

Rồng không bay ở bốn đầu mái rạ

Nhưng cuộc đời dưới mái đã về ta

(Bài thơ cuộc đời)

Hạnh phúc xưa không cập bến này

Lạnh, trăm năm lạnh cóng bàn tay

Nắng hòa giọng ấm em ơi hát

Khúc nhạc triều lên ta dựng xây

(Tiếng hát trên cảng)

Quả có một thời như thế trong hành trình dân tộc vào mở đầu thập niên 1960, trên miền Bắc, mà dấu ấn rõ nét là Bài ca mùa xuân 1961 của Tố Hữu, trong tập thơ Gió lộng (1961). Thời của sự gặp gỡ đầu tiên giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội:

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu!

(…)

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau

Đảng cho ta trái tim giàu

Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!

Thời, niềm vui và sắc xuân không chỉ tràn ngập trong thơ mà còn tràn lấn sang văn, với Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Cỏ non của Hồ Phương, Trăng sáng của Nguyễn Ngọc Tấn, Lên cao của Xuân Cang…; bên cạnh các tiểu thuyết nhiều tập, hàng nghìn trang cùng lúc và lần đầu tiên ra đời như Sống mãi với thủ đô (tập I) của Nguyễn Huy Tưởng, Sóng gầm của Nguyên Hồng, Vỡ bờ (2 tập) của Nguyễn Đình Thi, Những người thợ mỏ của Võ Huy Tâm…

Thời tạo được một cảm hứng dâng trào cho toàn dân tộc, sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, và Đảng Lao động Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ ba - Đại hội định ra Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất: 1961-1965.

***

Có tuổi thọ cao, ở tuổi ngoài 85, luôn được trao những trọng trách trong bộ máy chính quyền và đoàn thể, Huy Cận là người thuộc con số hiếm hoi trong đội ngũ nhà văn Việt Nam thế kỷ 20 có một sự nghiệp sáng tác rất dồi dào và liên tục, ngay từ khi xuất hiện cho đến tận cuối đời, không lúc nào ngưng nghỉ(2). Trở lên tôi chỉ xin giới hạn trong hai giai đoạn sáng tác thời kỳ đầu, trước và sau 1945 của Huy Cận. Hai giai đoạn cho thấy: từ đỉnh cao Thơ mới, cũng là thơ Việt thời tiền chiến nói chung đến với hàng đầu đội ngũ các thế hệ nhà thơ sau 1945; trong một chuyển động hoặc bước ngoặt từ thâm sâu một nỗi buồn thế kỷ đến với cái vui một cuộc đổi đời của toàn dân tộc mà Huy Cận là một trong số ít các chứng nhân tiêu biểu.

Tây Hồ, tháng 4-2019

 

_____

(1) Trong số này hai người có lời bình nhưng không có thơ chọn là T.T.Kh và Trần Huyền Trân.

(2) Trong thư mục sách Huy Cận - Về tác gia và tác phẩm do Trần Khánh Thành và Lê Dục Tú biên soạn, NXB Giáo dục ấn hành năm 2000 (trước khi Huy Cận mất 5 năm), sau Bài thơ cuộc đời (1963) Huy Cận còn có tiếp 22 tập thơ và 6 tập văn, trong đó có những tập thơ nổi tiếng như Hai bàn tay em (1967), Những năm sáu mươi (1960), Chiến trường gần, chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Hạt lại gieo (1984), Ta về với biển (1997)…

GS PHONG LÊ