HV139 - Mấy ghi nhận về văn học Lý - Trần (thế kỷ 11 - thế kỷ 14)

Lý - Trần cựu sự diểu nan tầm(1)

(Việc Lý Trần xa xôi khó tìm, khó biết)

Ta cứ tưởng như Nguyễn Du gần gũi, cùng thời với các tác giả Lý - Trần, vì cùng Hán học, cùng một nền văn hóa… Nhưng hóa ra Nguyễn Du lại thấy xa xôi. Thời gian đi nhanh quá. Một thời đại lớn, rạng rỡ, anh hùng, phục hưng văn hóa Đại Việt với biết bao tư tưởng, thi hứng lớn… dễ chừng bị các đời sau lãng quên. Cho nên, ý thức điều ấy, Lê Quý Đôn đã làm Toàn Việt thi lục. Nhà đại bác học này đã bỏ thời gian quý báu của đời mình, sưu tầm, biên tập, sắp xếp thơ Việt vào một bộ sách lớn, và đi đến kết luận: nó không thua gì Trung Quốc!: “Nước Việt ta từ lập quốc tới nay văn minh không thua kém Trung Quốc” (Lệ ngôn).

Mở đầu thơ Việt là thơ đời Lý - Trần. Trước đó, phải kể đến bài từ của thiền sư Khuông Việt viết thay vua tiền Lê tiễn sứ Tống Lý Giác với lời lẽ hào khí, “nõn nà”, thể hiện cái tâm lý độc lập của thời đại.

Cái mạch văn này rồi sẽ tiếp nối mấy trăm năm sau, tương ứng với những biến thiên lịch sử, những chiến công ngàn đời ghi nhớ…

Đời Lý, phải kể đến đầu tiên bài Nam quốc sơn hà. Bài này, gần đây, PGS Bùi Duy Tân sau khi khảo cứu công phu, nghi ngờ nó không phải của Lý Thường Kiệt. Vì cũng có nhiều tướng soái dùng bài ấy, đọc bài ấy. Nhưng xưa nay, người ta tin nó là của Lý Thường Kiệt. Vì ông có dùng bài ấy trên chiến tuyến đánh Tống ở sông Như Nguyệt. Vì đại danh của ông! Vì cái thời “phạt Tống” của ông nó mới khớp với cái cảm hứng vĩ đại của bài thơ:

Núi sông nước Nam vua Nam ngự,

Sách trời đã phân định rõ rành.

Giặc dữ cớ sao dám xâm phạm,

Chúng bay sẽ bị đánh tan tành!(2)

Quả đúng đó là bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của ông cha ta. An Nam lúc đó đã có vua (đế) ngang với Trung Hoa, lãnh thổ An Nam đã được phân định rõ ràng (tiệt nhiên) ở sách trời (thiên thư), tức là từ những chế định thiêng liêng, cao cả nhất. Vi phạm điều ấy, xâm lược An Nam, thì tất yếu sẽ bại vong! Chỉ 4 câu, 28 chữ, chắc nịch, oai dũng. Của ai làm, nếu không phải Lý Thường Kiệt, không quan trọng bằng cái mốc đóng vào lịch sử và văn học, sừng sững trong thiên niên vạn đại.

Đời Trần, nối tiếp cái mạch hùng văn ấy, với nhiều bài thơ, nhiều tứ thơ. Trần Quang Khải “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân Hồ/ Thái bình nên gắng sức/ Muôn thuở núi sông xưa”; gắn chiến công chống giặc với xây dựng cơ đồ ngàn năm. Phạm Ngũ Lão “Múa giáo non sông trải mấy thâu/ Ba quân khí thế nuốt trôi trâu/ Công danh nam tử chưa xong nợ/ Luống thẹn ngồi nghe chuyện Vũ Hầu”.

Đó là những bài thơ làm ngay trong thời chiến. Những chiến công vĩ đại chống Nguyên - Mông sẽ còn vang vọng mãi trong ký ức, làm nên cái mà người ta gọi là hào khí đời Trần (Đông A). Trần Minh Tông trong bài Bạch Đằng giang, kết lại hai câu:

Giang thủy đình hàm tàn nhật ảnh/ Thác nghi chiến huyết vị tằng can.

(Chiến trường mấy độ trên sông đó/ Đỏ lựng vầng dương giọt máu rơi).

Đã qua mấy đời rồi, trận đánh Bạch Đằng vĩ đại, tưởng như hiển hiện ra trước mắt. Đó cũng là cái tinh thần “vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (kể mãi chuyện Nguyên Phong) của người lính già đầu bạc không bao giờ quên được đời Nguyên Phong - chiến công Nguyên Phong!(3)

Kể ra, thơ làm về chiến công, chiến trận còn ít! Cần kể thêm, nhớ thêm những danh cú khác, như về “ngựa đá lấm bùn” của Trần Nhân Tông.

Thời xưa, thơ làm không tràn lan, thơ làm khi có cảm hứng thật, đáng viết. Vả lại, cái thời ấy, người có học, có chữ đủ để làm thơ làm sao có nhiều được.

Cùng chảy trong dòng cảm hứng này, nên nói đến thơ bang giao, ngoại giao, tiếp, tiễn sứ phương Bắc. Chúng ta biết rằng, đế quốc Nguyên - Mông hùng mạnh và nhiều thủ đoạn, đã áp dụng một chính sách ngoại giao độc hiểm đi đôi với quân sự, để ép Đại Việt đầu hàng. Nhiều đoàn sứ bộ Nguyên - Mông đã sang Đại Việt như: Thượng thư Ma-cáp-ma (Ma Hợp) và Thị lang bộ Lễ Kiều Tông Lượng (Kiều Nguyên Lãng)…

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong Hịch tướng sĩ rằng: chúng “uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ”. Năm 1278, Sài Thung sang sứ, đã tỏ thái độ hết sức ngạo mạn…

Trước tình hình đó, triều Trần ngoài việc giữ vững quốc thể, như không quỳ lạy…, như biện bạch lý lẽ một cách kiên quyết mà nhún nhường…, cũng đã dùng đến một vũ khí là dùng thơ vào công việc bang giao. Đây có lẽ là một việc ít có trong lịch sử bang giao giữa các nước. Vua nhà Trần, tất cả đều là những bậc học rộng tài cao, đã dùng tất cả tài năng, tâm huyết vào việc mà xưa có khi gọi là “tài mọn chạm sâu” (điêu trùng tiểu kỹ) đó để giữ nước. Mà hóa ra ở đây các ngài đã nâng cao thể loại ấy lên ngang tầm - hoặc cao hơn tất cả công dụng của thể loại - ngang tầm nhiệm vụ quốc gia. Đọc thơ bang giao này, ta mới thấy kính phục, tự hào về tài học, tài thông thạo văn chương điển cố của kho tàng cổ văn Trung Hoa xưa. Nhà Trần xuất thân nhà chài, tất cả các hoàng đế triều Trần từ Trần Thái Tông đến Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông… vì việc nước đã học giỏi đến thế để làm nhiệm vụ của bậc quân vương,

Những bài thơ ngoại giao ấy cũng là cách tỏ cho sứ thần phương Bắc biết Đại Việt là nước văn hiến như thế nào, khí phách như thế nào. Nhưng bao giờ cũng lấy đức, đề cao đức khiêm nhường làm cốt và dùng tinh thần, dùng văn hóa để chế ngự kẻ thù, để hòa hoãn khi còn có thể hòa hoãn… Chiến thắng của thời Trần là một chiến thắng toàn diện, trong đó có chiến thắng về văn hóa.

***

Văn học Phật giáo đã là một dòng chính trong văn hóa thời Lý - Trần. Phật giáo từ Ấn Độ vào Giao Châu theo đường biển, trước cả khi vào Trung Quốc thời Hán Linh Đế (156-189). Trong khi ở Luy Lâu (Bắc Ninh) đã dịch được 15 bộ kinh, thì Phật giáo mới vào đến Bành Thành, Lạc Dương ở Trung Quốc. Giao Châu khi đó quả là một mảnh đất màu mỡ để ươm trồng giáo lý - niềm tin vào đạo Phật. Đạo Phật quan niệm cuộc đời là bể khổ, vì thế nên phải “giải thoát” nỗi khổ bằng lòng từ bi trí tuệ. Dân Giao Châu khi ấy là nô lệ của Hán rồi Ngô…, mất độc lập, tự chủ, phải sống dưới ách các thái thú bạo tàn, tìm đến Phật giáo như là một giải thoát. Phật giáo phát triển như thế trong hàng chục thế kỷ, trong dân gian, trong cung đình…, thấm sâu vào văn hóa bản địa cùng với văn hóa dân gian của người Việt.

Trong nền văn học Phật giáo, đầu tiên, thơ đã được dùng như một phương tiện chức năng để diễn giải giáo lý. Xuất hiện thể loại kệ. Kệ là sự tóm tắt bài giảng đạo, một cách súc tích, nghệ thuật… Bài kệ độc đáo nhất, sâu sắc nhất có lẽ là bài kệ diễn tả cơ sở triết học cơ bản của Phật là Hữu không (Đạo Hạnh thiền sư):

Có thì có tự mảy may,

Không thì cả thế gian này cũng không.

Thật tuyệt vời! Có hay không là do tư duy, do ý niệm, do tâm…; đó là một quan niệm duy tâm về thế giới. Chúng ta theo thuyết duy vật, xem thế giới là sự tồn tại khách quan, nhưng đọc câu kệ này, thì thấy người giảng đạo đã thấm sâu quan niệm sắc, không - có không, không , trong không, trong không …, thế giới vô thường.

Bài thơ Cáo tật thị chúng của sư Mãn Giác được chúng ta tán thưởng, cũng là một bài thơ Thiền - nó nêu lên cái ý: vạn vật sinh diệt, diệt rồi sinh, mãi mãi, cho nên các học trò chớ nên lo sợ. Nhưng bài thơ, bao gồm những “hình tượng rộng hơn tư tưởng”, lại dẫn ta đến triết lý lạc quan về cuộc sống:

Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân đi, trăm hoa rụng/ Xuân đến nở trăm hoa/ Sự đời qua trước mắt/ Trên đầu già đến rồi/ Đừng nghĩ xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước nở cành mai).

Thật là một bài thơ đạo - tôn giáo, lại có sức sống vượt thời gian, ra ngoài cõi Đạo, trở thành chân lý vĩnh cửu. Người phương Tây đọc các bài thơ này của Việt Nam, họ thực lòng khâm phục, vì ở đầu thời trung đại mà có thơ sâu sắc đến như vậy. Triết lý Thiền càng ngày càng thấm sâu vào thơ, biến thành cảm hứng thơ nhuần nhị, thành hình tượng thơ độc đáo. Thơ cần triết học, và ở thế kỷ 13-14, thì đó chỉ có thể là triết lý Thiền. Chúng ta may mắn có được một triết lý nhân văn như thế ở thế giới trung đại - một triết lý mà với thời gian, với diễn biến của thế giới, chúng ta càng nhận ra mặt tích cực của nó.

Trần Nhân Tông (1258-1308) là một bậc đại tuệ gia, đại bồ tát, một nhà văn hóa hàng đầu của dân tộc và nhân loại, hơn thế còn là đại anh hùng dân tộc đã hai lần lập chiến công chống Nguyên - Mông. Đó lại là một người viết văn Nôm; tiếng của dân tộc, đầu tiên. Thơ của Người còn lại ở đây 24 bài, tất cả thật là thanh khiết, trong lắng, cân đối hài hòa giữa cảm xúc và ý tưởng, tạo nên những bức tranh xinh xắn trong thế giới nghệ thuật của một tâm hồn lớn.

Như bài Thiên trường vãn vọng:

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng,

Bóng chiều dường có lại dường không.

Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).

(Ngô Tất Tố dịch)

Nói đến thơ Thiền, không thể không nói đến thơ Nho. Đây đều là hai nền triết học, hai nền văn hóa cổ truyền vĩ đại. Một tưởng như xuất thế để giải thoát hết mọi ràng buộc, mọi khổ đau của cuộc đời, một chủ trương nhập thế tích cực để giúp đời, cứu dân. Đã từng có thời, như Trần Nhân Tông, chủ trương phối hợp Phật và Nho trong việc xây dựng con người lý tưởng:

Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ-tát trang nghiêm;

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu.

(Cư trần lạc đạo phú, Đệ lục hội)

Yêu cầu của thời đại đặt ra như thế. Và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Phật hoàng, người đứng đầu trường phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử đã hành động như thế. Chính điều đó lập nên một sự nghiệp, một con người vô song trong lịch sử dân tộc và thời đại.

Nhưng cho đến nửa cuối thế kỷ 15 thì Phật giáo quá suy vong, không còn có thể gánh vác sứ mệnh lịch sử, là “quốc đạo” cho dân tộc được nữa. Những bất công, những mâu thuẫn xã hội gay gắt, sống còn đòi hỏi phải được giải quyết không thể bằng “từ bi”, “trí tuệ” Phật giáo được nữa. Nó sẵn sàng chờ một ngòi nổ để bùng nổ, sức phản kháng ấy được các Nho sĩ thấm nhuần quan niệm thân dân, huệ dân, “kính trời chăm dân”… thấu hiểu, thông cảm. Những Nho sĩ ở gần dân như Chu Đường Anh, Nguyễn Phi Khanh… là những người như thế. Bài thơ Đề Đường Minh Hoàng dục mã đồ của Chu Đường Anh thật là mãnh liệt:

Ngọc hoa dạ chiếu tuyệt quyền kỳ,

Dục bãi khiên lai cận xích trì.

Nhược sử ái nhân như ái mã,

Thương sinh hà chí hữu thương di?

(Ngựa Ngọc hoa sao khéo lạ lùng,

Tắm rồi đem tiến dưới sân rồng.

Nếu lòng yêu mến người như ngựa,

Lọ phải lo dân nỗi khốn cùng?)

(Đinh Văn Chấp dịch)

Và rồi, thậm chí một đại quý tộc như Tư đồ Trần Nguyên Đán (1325?-1390) cũng nói đến lòng yêu dân một cách bất lực trong thơ mình:

Tam vạn quyển thư vô dụng xứ,

Bạch đầu không phụ ái dân tâm.

(Đọc ba vạn quyển sách mà thành vô dụng

Bạc đầu đành phụ dạ yêu dân).

(Nhâm Dần niên lục nguyệt tác - Trần Nguyên Đán)

Họ Hồ đã lên nắm quyền trong hoàn cảnh ấy. Nhưng không kịp nữa rồi! Mặc dù cha con họ Hồ đã đề ra những chính sách cách tân để khắc phục những nhược điểm của chế độ đại điền trang, chế độ nô tì…, nhưng sự bất công quá lớn của xã hội thời đó đã làm yếu đi nội lực Đại Việt và nhà Minh đã thừa cơ hội ấy tiến hành xâm lược. Mười năm chiến đấu dưới ngọn cờ đại nghĩa của Lê Lợi, Nguyễn Trãi… thực chất là ngọn cờ của độc lập dân tộc và giải phóng chế độ nô tì, trả ruộng đất cho nông dân cày cấy, thực hiện lý tưởng Nho giáo của Nguyễn Phi Khanh, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi… và sau kháng chiến chống Minh thắng lợi là của Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên… rồi là tiếp đến triều Lê Thánh Tông – một ông vua được đào luyện trong triết lý Nho giáo - Việt nho thuần thành. Còn có thể nói rất nhiều điều với thơ của Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, những khoa bảng, đại Nho với những tứ thơ cao diệu, mới lạ mà gần gụi, còn cần phải chú ý đến mối quan hệ tuyệt vời giữa các thi nhân và thiên nhiên như là người bạn tri giao…

***

Như thế, toàn cảnh thơ Lý - Trần là một bức tranh nhiều màu sắc, nhiều cung bậc. Nó là thành phần chủ đạo của văn hóa Đại Việt thời ấy còn lại cho đến ngày nay. Chúng ta quý từng viên gạch đào được trên nền hoàng thành Thăng Long, từng viên ngói, từng cái bát sành có màu men độc đáo; quý từng ngôi chùa, những bản kinh còn lưu giữ ở chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang… Đó là những giá trị, những chứng tích của nền văn hóa vĩ đại thời phục hưng dân tộc, dấu vết của nền văn minh Thăng Long nghìn năm…

Nhưng thơ lại là cái tinh hoa của hồn người, của những cảm xúc tinh tế bậc nhất. Nó là sự tiêu biểu cho văn hóa ở dạng thuần khiết nhất:

Cổ lai hà vật bất thành thổ?

Tử hậu duy thi khả thắng kim.

(Xưa nay ai chẳng tan thành đất?

Chỉ thơ để lại quý hơn vàng).

(Duy thi khả thắng kim - Trần Quốc Toại)

Chúng ta trân trọng, yêu quý tâm hồn ông cha, tâm hồn của một thời đại vĩ đại mà chúng ta vinh hạnh được kế thừa trong xây dựng con người, văn hóa ngày nay. Thơ Lý - Trần sẽ không còn xa cách với chúng ta nữa nếu chúng ta biết nâng niu từng câu, từng chữ, hiểu sâu sắc rằng đó là những giọt máu hồng mà cha ông chúng ta rơi vãi trên con đường đi tới, như nhà thơ lớn của thời đại chúng ta Chế Lan Viên từng nói.

3-6-2019

 

_____

(1) “Trấn Nam Quan”, Nguyễn Du toàn tập, T.2, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học, 2015, tr.382.

(2) Bản dịch này của tác giả bài viết. Các bản dịch dẫn ra sau đây, đều nằm trong Toàn Việt thi lục (quyển 1, 2).

(3) Đây là bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng của Trần Nhân Tông, bài này được chép trong TVTL bản A.132, bản A.1262 không thấy chép.

MAI QUỐC LIÊN