* PV: Có thể lật lại đoạn phim cũ của chú bé Vũ Quốc Việt trên đất Mỹ không? Chú bé ấy tuy có dòng máu Việt nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên trên đất Mỹ, vì sao có thể nói rành tiếng Việt và cả đọc, viết tiếng Việt rất tốt mà không hề sai chính tả?
- Đạo diễn VICTOR VŨ: Gia đình tôi luôn giữ truyền thống Việt Nam, và anh em tôi được dạy dỗ để không bao giờ xa lạ với nguồn gốc của mình. Ngay từ bé chúng tôi đã được học thêm ở trường Việt ngữ để đọc và viết được chữ Việt, và trong nhà phải nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng Việt. Lúc đó tôi thực sự không thích chút nào, nhưng vẫn phải học thôi. Bố mẹ tôi mua rất nhiều sách lịch sử bằng tranh và cho chúng tôi đọc, đó cũng là hình thức học tiếng Việt sinh động nhất. Tôi đọc rất nhiều sử Việt, và cảm thấy bị lôi cuốn và say mê những nhân vật lừng lẫy của Việt Nam như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Lý Công Uẩn… Sử Việt rất hấp dẫn và tôi đã từng thầm nghĩ giá như mình có thể làm phim những nhân vật này thì hay biết mấy. Hồi nhỏ tôi từng được mẹ kể câu chuyện về Thiếu phụ Nam Xương, đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam xưa, nó như là một huyền thoại vậy, nó hấp dẫn tôi vô cùng về một đất nước xa xôi mà lại cực kỳ gần gũi với tôi. Nên phim ngắn đầu tay của tôi chính là câu chuyện này. Khi tôi đến trường hay hoạt động bất cứ đâu tôi vẫn thích kết giao với người Việt hơn, tôi tham gia những lễ hội Tết của người Việt rất hào hứng. Trường đại học của tôi không có nhiều người Việt, nơi tôi ở cũng rất hiếm người Việt, nhưng chúng tôi liên kết nhiều trường với nhau, và tôi từng được chọn làm chủ tịch (President) của Hội Sinh viên Việt Nam. Tôi rất hào hứng với công việc này vì thực sự chúng tôi chỉ kết giao với nhau trong những hoạt động văn hóa thôi, mà tôi thì đang rất hào hứng với văn hóa Việt Nam.

Đạo diễn Victor Vũ
* Và đó chính là nguyên do Vũ muốn về Việt Nam để trình làng bộ phim Chuyện tình xa xứ?
- Trước Chuyện tình xa xứ, tôi cũng đã làm 2 phim đề tài Việt Nam tại Mỹ là Buổi sáng đầu năm và Oan hồn, bỏ tiền nhà làm, và thua trắng tay. Tôi về Việt Nam với dự án Chuyện tình xa xứ như một chuyến phiêu lưu, vì tôi không hề quen biết ai, bước đầu thâm nhập rất khó, tôi đã định bỏ cuộc, nhưng rồi tình cờ gặp được chị Trương Ngọc Ánh và anh Trần Bảo Sơn, vậy là dự án có cơ hội ra mắt ở quê nhà. Mở đầu như vậy là ổn, tuy doanh thu phim này chỉ hòa vốn, nhưng về mặt truyền thông cũng có tiếng vang…
* Về Việt Nam làm phim đương nhiên bằng túi tiền tư nhân, Vũ có bị áp lực doanh thu thị trường, áp lực thị hiếu của giới trẻ mà không thể làm phim theo đúng ý muốn của mình?
- Tất nhiên khi làm phim, không có đạo diễn nào không chú ý đến khán giả và thị trường. Nếu không thì công sức lao động nhiều tháng trời của nhiều người mục đích để làm gì? Phim là phải đưa cho được đến người xem, nhưng cũng không phải vì vậy mà mình tự hạ thấp tác phẩm của mình. Trong 10 năm, trải qua nhiều bộ phim có doanh thu phòng vé, tôi rút ra một kinh nghiệm là khán giả không phân biệt thể loại phim mà là ở cách thể hiện nội dung phim như thế nào để lôi cuốn được người xem. Nên dù phim hài, phim lịch sử, phim kinh dị hay phim tâm lý tình cảm, tất cả đều phải có cách kể chuyện gây được sự tò mò và lôi cuốn khán giả đi theo mình. Ví như với những phim thành công nhất của tôi về doanh thu như Cô dâu đại chiến, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…, tôi thực sự không nghĩ là sẽ có doanh thu và cũng không nghĩ ngợi nhiều đến thị trường. Vấn đề tôi quan tâm ở đây là nội dung phim có gần gũi với đời sống không và mình có kể câu chuyện lôi cuốn được khán giả không? Tôi làm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là vì sau phim kinh dị Quả tim máu, nhà sản xuất và tôi muốn tìm về một đề tài rất nhẹ nhàng, lãng mạn… Chúng tôi gần như giao ước với nhau làm phim này là sẽ không nghĩ ngợi nhiều đến doanh thu, nhiều người rất nghi ngờ khả năng của tôi vì cho rằng tôi là Mỹ con, tôi sống và lớn lên ở Mỹ, làm sao có thể hiểu được hết làng quê Việt Nam… Tôi đi suốt dọc miền Trung và quyết định dừng lại ở Phú Yên, vì đó là vùng đất tuyệt đẹp và hãy còn hoang sơ. Và khi đã chọn được bối cảnh là tôi có thể hình dung được đường dây phim sẽ thể hiện như thế nào. Cũng như với Thiên mệnh anh hùng, khi dừng chân ở Ninh Bình tôi đã có thể hình dung được bộ phim mình trước vùng núi non hùng vĩ đó. Và gần như chúng tôi bám trụ ở vùng đất này suốt thời gian quay, bởi cảnh nào cũng có sức hút đặc biệt với tôi…
* Và hiện nay với Mắt biếc, sau khi xong bản dựng đầu tiên, Vũ có cảm thấy hài lòng với những nhân vật của mình? Khi vai chính là những gương mặt còn mới tinh với màn ảnh hiện nay, liệu Vũ có đủ niềm tin Mắt biếc sẽ thành công hơn cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh về mặt doanh thu?
- Vai chính trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng là diễn viên mới tinh đấy thôi. Chưa bao giờ tôi thấy hài lòng 100% với những gì mình đã thực hiện, nhưng với Mắt biếc, tôi thực sự hài lòng ở dàn diễn viên mới và cả những người cũ, tất cả đều làm việc rất nghiêm túc, cả ê kíp làm phim nữa, gần như mọi việc đều diễn ra quá tốt đẹp… Tôi hy vọng sẽ không làm thất vọng mọi người, cả những fan của anh Nguyễn Nhật Ánh, mặc dù tôi có làm thay đổi ít nhiều câu chuyện, nhưng tôi thực sự hài lòng về sự thay đổi này. Còn về số lượng khán giả và doanh thu, thực sự trước nay chưa ai có thể đoán biết được, nó luôn luôn là một ẩn số. Chính tôi và nhà sản xuất vẫn rất bất ngờ về doanh thu cao ngất của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đấy thôi.

Cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
* Nhìn vào những phim Victor Vũ làm, dường như đạo diễn thích làm phim chuyển thể từ tác phẩm văn học hơn là tự viết kịch bản? Vũ làm Thiên mệnh anh hùng từ truyện Bức huyết thư của Bùi Anh Tấn, theo thể loại phiêu lưu hành động hơn là câu chuyện oan khốc của Lệ Chi viên?
- Thiên mệnh anh hùng lúc ban đầu tôi muốn đi vào câu chuyện Lệ Chi viên, nhưng sau đó nhà sản xuất muốn đường dây theo tuyến phiêu lưu, hành động của Bức huyết thư, vì nó lạ hơn, hấp dẫn khán giả hơn là câu chuyện nỗi oan của Nguyễn Trãi mà ai cũng biết. Tôi thích chuyển thể tác phẩm văn học vì tôi nghĩ đó là sự cộng hưởng giữa nhà văn và đạo diễn. Tác phẩm văn học đã là tinh hoa rồi, cớ gì ta không tận dụng nó. Tôi cho rằng điện ảnh rất cần sức sáng tạo ấy, và đạo diễn phải thể hiện được chất văn học của tác phẩm. Thực sự tôi rất muốn làm phim lịch sử, dù đó là thể loại khó làm, nhưng tôi vẫn muốn thử sức mình. Bởi từ nhỏ đọc sử Việt Nam, tôi thấy có nhiều sự kiện, nhiều nhân vật quá hay, sao mình không làm được mà cứ phải coi phim lịch sử Tàu. Nhưng vấn đề ở đây là sự đầu tư, dự án nào cũng phải có nhà sản xuất, mà phim lịch sử thì phải chấp nhận tốn kém gấp đôi phim bình thường còn doanh thu thì chưa biết thế nào…
* Ví như nhà nước bỏ tiền đầu tư, Vũ nghĩ dự án nào Vũ sẽ nghĩ đến trong kho tàng lịch sử Việt?
- Trước kia tôi đã có tính đến chuyện nàng Huyền Trân công chúa, nhưng không được chấp nhận, vì dường như đang vướng chuyện người Chăm. Nếu như chị có đọc được chuyện nào hay thì xin giới thiệu, vì tôi thực sự thiếu thời gian để tham khảo hết…
* Vũ có nghĩ đến việc mang phim ra nước ngoài như Ngô Thanh Vân khi đi chào bán Hai Phượng? Vũ có nhiều điều kiện hơn các đạo diễn trong nước, tại sao không làm?
- Với thị trường nước ngoài, không phải phim hay là phim bán được, mà phải là phim hành động và phim kinh dị. Nó không đòi hỏi nhiều về nội dung, ngôn ngữ… Phim Hai Phượng của Vân có đầy đủ yếu tố ấy, nhất là nhân vật chính cho những pha hành động ấy lại là nữ càng hấp dẫn. Nếu nhắm vào thị trường quốc tế thì tôi sẽ có hướng đi khác, nhưng tôi chỉ muốn nhắm vào khán giả trong nước, với những dự án gần gũi với người Việt Nam và được khán giả Việt Nam chấp nhận. Thường thì khi mang phim ra nước ngoài chỉ có thể bán đứt chứ khó thể chiếu rạp vì chi phí truyền thông chiếu rạp cực kỳ cao, nhiều khi doanh thu không đủ để trang trải đâu.
* Vũ nghĩ thế nào về dòng phim tác giả của một số đạo diễn khi mang phim dự các Liên hoan phim quốc tế, được vài giải, nhưng chiếu trong nước thì không có khán giả? Vài người đã nói tiêu chí làm phim của mình là nghệ thuật, làm phim để thỏa đam mê của mình chứ không phải cho khán giả?
- Làm phim mà không cần khán giả thì làm phim để làm gì? Để một mình mình xem à? Tôi cho đó là một cách nói thôi. Phim nào mà không cần nghệ thuật. Không có nghệ thuật thì sao lôi cuốn được khán giả đến với phim mình. Mà thực sự làm phim giải trí khó hơn phim tác giả nhiều, vì phim tác giả chỉ để mình xem còn phim giải trí là cho công chúng xem.
* Theo Vũ thì hiện trạng nền điện ảnh Việt Nam rồi sẽ đi tới đâu?
- Không biết tôi có lạc quan không, nhưng tôi nghĩ nhìn chung thì điện ảnh Việt Nam đang phát triển tốt. Bất kỳ nền điện ảnh nào cũng vậy, có lúc thăng, lúc trầm, phải có nhiều thử thách. Nhưng tôi tin điện ảnh Việt sẽ tốt thôi vì có một hậu thuẫn rất lớn của công chúng. Người Việt rất yêu phim Việt, chắc là do tinh thần dân tộc rất cao, nên cả nhiều phim bom tấn của Mỹ về Việt Nam vẫn phải xếp sau phim Việt ở phòng vé, không phải đất nước nào cũng được như thế đâu…
* Vũ có nghĩ nếu nền điện ảnh Việt chỉ còn lại phim giải trí để phục vụ số đông khán giả thì chúng ta sẽ có gì để đến với các Liên hoan phim quốc tế?
- Tôi nghĩ không nên phân biệt phim nghệ thuật và giải trí. Vấn đề chính là thể hiện nội dung có gần gũi với đời sống hay không? Ví như đạo diễn phim Ký sinh trùng Bong Joon Ho của Hàn Quốc vừa mới đoạt giải Cannes năm nay, vẫn là đạo diễn của phim giải trí. Và phim Ký sinh trùng được làm theo phong cách giải trí. Vấn đề là thông điệp nó để lại trong lòng khán giả là gì? Và đó mới làm nên giá trị bộ phim.
* Một câu hỏi có chút riêng tư nhé. Vũ có nghĩ lập gia đình ở tuổi 41 là trễ hay không? Vì sao đến giờ mới chịu tìm cho mình nơi chốn để trở về?
- Quá trễ là đằng khác. Là bởi vì tôi là người của chủ nghĩa độc thân. Trước nay tôi luôn cảm thấy gia đình và con cái khá là ràng buộc và rắc rối trong cuộc sống rất tự do của mình. Nhưng đến một ngày nhìn lại, bỗng dưng tôi cảm thấy mình cần một tổ ấm biết chừng nào… Và khi người đàn ông đã hoàn toàn sẵn sàng chịu ràng buộc, và nhất là mong ước có một đứa con thì có nghĩa là anh ta đã dừng chân một cách rất chín chắn cùng mái ấm của mình… Tôi quen Ngọc Diệp năm 2009 từ phim Chuyện tình xa xứ, cô ấy vào vai cô gái Việt kiều về nước, nhưng đến 2016 chúng tôi mới cưới nhau. Chúng tôi có đủ thời gian và sự thử thách để hiểu rõ về nhau hơn. Và tôi tin vào hạnh phúc…
-----------------------------------------------
Victor Vũ tên Việt Nam là Vũ Quốc Việt. Gia đình anh định cư ở Mỹ năm 1975, cũng là năm sinh của Vũ. Khi rời Việt Nam mẹ anh đã có mang và sinh anh tại Mỹ nên Vũ vẫn thường nói vui về mình: Tôi được sản xuất ở Việt Nam, nhưng phát hành ở Mỹ. Victor Vũ được sinh ra và lớn lên ở thành phố Bắc Hollywood, Los Angeles, bang California, nước Mỹ. Anh tốt nghiệp trường Đại học Loyola Marymount. Bộ phim đầu tiên của Victor Vũ đạo diễn là phim ngắn năm 1997 mang tên Firecracker, anh cũng là đạo diễn các bộ phim Chuyện tình xa xứ, Cô dâu đại chiến, phim cổ trang võ thuật Thiên mệnh anh hùng, phim kinh dị Scandal - Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu. Nhưng có lẽ bộ phim thành công nhất của anh là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Giải thưởng:
- Giải Đạo diễn điện ảnh xuất sắc, phim Thiên mệnh anh hùng, tại Cánh Diều Vàng 2012.
- Giải Đạo diễn xuất sắc, phim Scandal - Bí mật thảm đỏ và Thiên mệnh anh hùng, tại Liên hoan phim Việt Nam 2013.
- Giải Đạo diễn xuất sắc, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, tại Liên hoan phim Việt Nam 2015.