HV139 - Thời sự & Suy ngẫm

Chúng ta vẫn thường hay nói: tình hình diễn biến phức tạp, khó lường. Tưởng là nói theo công thức nhưng không ngờ đúng là như vậy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn Quốc hội (trong đó có 9 ủy viên Trung ương) thăm Trung Quốc. Chuyến thăm thu được kết quả tốt. Hai bên nhất trí với nhau tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường giao thương… Hai bên nhất trí căn cứ trên nhận thức chung của lãnh đạo hai nước về tình hình trên biển, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình…

Đó là những tin tức đáng mừng. Quan hệ Việt - Trung là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Trung Quốc là nước láng giềng lớn ai cũng biết. Giữ cho được cân bằng quan hệ với Trung Quốc là một vấn đề liên quan đến đại cục. Nhưng vấn đề trở nên không đơn giản, vì Trung Quốc luôn luôn tuyên bố biển Đông là của họ và họ muốn thực thi việc khai thác tài nguyên, đưa tàu đi tuần tra, tôn tạo thêm các bãi đá, quân sự hóa và làm căn cứ hậu cần…

Mao Trạch Đông và tấm bản đồ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. (Tranh cổ động của Trung Quốc về việc thực hiện kế hoạch 5 năm 1953-1957) Nguồn: chineseposters.net

Hiện giờ, chưa có đủ cứ liệu từ phía Việt Nam và Trung Quốc về việc các tàu hải cảnh Trung Quốc và Việt Nam “vờn nhau” ở ngoài bãi Tư Chính (Vanguard) (trong thềm lục địa của Việt Nam - trong vòng 200 hải lý chủ quyền tính từ bờ theo Luật biển, nơi có các lô khai thác dầu khí của Việt Nam cho Rosneft (Nga) làm), do đó chúng tôi chưa thể có ý kiến gì, mặc dù các cơ quan truyền thông nước ngoài có ý kiến nhiều rồi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng về những nguyên tắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Việt Nam bao giờ cũng hết sức tự kiềm chế - một sự tự kiềm chế phi thường, đáng ngạc nhiên như có người bình luận. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam rằng cả hai nước “cần bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng những hành động cụ thể”. Cả hai nước đều cần một môi trường ổn định để phát triển và do đó cả hai bên đều cần kiểm soát hiệu quả những bất đồng, tăng cường mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Chúng ta nên nhớ rằng: Biển Đông của ta với hơn 2 triệu km2 (mà Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, không xa rời, dịch chuyển. Cho nên, tạm thời hòa hoãn không có nghĩa là vấn đề ấy xóa nhòa. Trung Quốc sắp phát sóng một phim tài liệu 7 tập về biển Đông, nhan đề “Bin Hoa Nam - Trung Quc – ngôi nhà ca chúng ta”. Truyền thông Trung Quốc cho biết bộ phim này với “bằng chứng pháp lý đầy đủ”, “chứng minh rằng các đảo ở biển Đông và vùng biển liên quan từ xưa đến nay là thuộc về Trung Quốc”. Thực ra, khỏi cần xem phim, chúng ta cũng đã biết cái quan niệm này rồi! Như đã nhiều lần lên tiếng, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử, pháp lý, chứng minh biển Đông là của Việt Nam.

Từ thời xa xưa, Trung Quốc không có thư tịch, bản đồ… nào về Trường Sa, Hoàng Sa, biển Đông là của Trung Quốc. Còn nhớ bà Thủ tướng Đức Merkel đã có lần tặng ông Tập Cận Bình một bản đồ cổ - thế kỷ 19 của Trung Quốc - không vẽ gì về Trường Sa, Hoàng Sa, biển Đông.

Nhưng những điều ấy không có ý nghĩa gì với Trung Quốc khi họ quyết tâm làm. 2 triệu km2 trên biển với bao tài nguyên, với đường biển đi lại của cả thế giới, họ đã tính toán để thu về cho “giấc mơ Trung Hoa”. Cho nên bên cạnh đường lối đối ngoại hoàn toàn đúng đắn của ta (và đã đưa lại kết quả) thì ta cũng chẳng bao giờ được mất cảnh giác, mặc dù quý trọng bao nhiêu tình láng giềng hữu nghị, ý nghĩa của hòa bình ổn định đối với sự phát triển đất nước!

Trong chuyện biển Đông, gần đây do sự va chạm trực tiếp với Trung Quốc, Philippines đã hiểu hơn bản chất của vấn đề và họ đã có biến chuyển về thái độ. Từ “thiên Trung, khuất Trung” sang độc lập hơn, tự chủ hơn. Trong dịp tới thăm Việt Nam từ ngày 7 đến 10-7-2019, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Teodoro Lopez Locsin cùng Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết của việc “không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng” ở biển Đông, khẳng định tiếp tục ủng hộ lẫn nhau, duy trì đoàn kết trong ASEAN trong việc thực hiện DOC và đàm phán COC… Trong khi đó (ngày 16-7-2019) Philippines và Mỹ tái khẳng định quan hệ đồng minh quốc phòng, an ninh: Mỹ cam kết bảo vệ Philippines trước một cuộc tấn công từ bên ngoài vào vùng biển tranh chấp này. “Biển Đông nằm ở Thái Bình Dương và bất kỳ cuộc tấn công có vũ trang nào nhằm vào lực lượng vũ trang, tàu và máy bay của Philippines ở biển Đông sẽ kích hoạt điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) giữa Philippines với Mỹ.

***

Việc nước ta được bầu làm Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với một số phiếu cao ngất (192/193), việc nước ta năm tới sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN là những thắng lợi ngoại giao nâng tầm Việt Nam trên thế giới, củng cố vị thế Việt Nam trên bàn cờ chính trị quốc tế. Các hiệp định thương mại với EU được ký, cùng với các Hiệp định như TPP, sẽ tạo thêm đà cho kinh tế - xuất khẩu của ta tăng trưởng.

Khó khăn còn rất nhiều. Hạn hán ở miền Trung, sạt lở xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, nắng nóng kéo dài ở Bắc Bộ… rồi việc phải đối phó với “thẻ vàng” EU về việc đánh bắt cá, việc thiếu điện sắp tới, việc chọn thầu cho cao tốc Bắc Nam, việc giáo dục - đào tạo tuy đã qua một mùa thi yên ổn nhưng tất cả vẫn còn ngổn ngang (môn Lịch sử mà có hơn 70% thí sinh đạt dưới điểm trung bình là một chỉ báo về tư tưởng - văn hóa trong nhà trường)… Tất cả những điều đó và còn bao nhiêu thách thức khác đang đặt ra trước mắt của bộ máy Đảng, chính quyền. Tuy nhiên, như Trung ương đã nhiều lần nhấn mạnh, phải giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Kinh nghiệm cho thấy, dù khó khăn đến đâu, mà chúng ta nhất trí, đoàn kết, tin tưởng đi lên thì chúng ta thắng lợi. Còn nếu phân tâm, do dự, thiếu lòng tin… - nhất là tình trạng tư tưởng của lớp trẻ, đặc biệt trong nhà trường - thì sẽ rất gay go. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: đào tạo lớp trẻ cách mạng cho đời sau là việc vô cùng quan trọng. Hiện nay, chúng ta thấy, bắt đầu có sự dao động, chuyển qua phía khác từ một số thầy cô giáo. Lợi dụng khẩu hiệu “tự trị đại học”, có nơi người ta thay đổi cả chương trình dạy, đưa vào dạy cả những tác giả tác phẩm có ý xấu rõ ràng. Nhưng không ai có thể nói gì, vì không biết, vì quản không xiết, vì… Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy chú ý việc này, cấp trên nên chú ý phân bố nhân sự trong Bộ để có người hiểu biết, nắm việc này. Hãy kiểm tra xem văn học cách mạng - kháng chiến có còn địa vị của nó trong nhà trường không? Có hay không có luận án thạc sĩ, tiến sĩ làm về văn học cách mạng; làm về Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi… những nhà văn tiêu biểu cho thời đại Hồ Chí Minh về văn hóa? Người ta đang tính chuyện tảng lờ nền văn học, văn hóa này, trong khi trong bối cảnh của thị trường tự do và hội nhập quốc tế, những luồng văn hóa ngoại lai, xa lạ với bản sắc dân tộc đang tràn ngập, và có người có nơi đang dùng thị trường - tiền để câu khách, xóa nhòa hết mọi ranh giới! Như thế nào là “hòa hợp”, như thế nào là “khoan dung”, cởi mở… dường như không còn có câu trả lời.

***

Ông Trump, ông ấy đang hướng tất cả đến cuộc tranh cử Tổng thống vào sang năm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề Iran, vấn đề Nga… mọi việc ông đều tính “ghi điểm” cho tranh cử. Tới Panmunjeom (Bàn Môn Điếm) gặp Kim Jong Un, dắt tay nhau qua biên giới vào đất Triều, hội đàm hàng giờ, người ta cũng nghi là ông “đóng kịch”. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không dễ giải quyết trong ngắn hạn. Trước mắt, nếu Mỹ gỡ bỏ bớt cấm vận để làm điều kiện cho Triều Tiên bước lùi, thì tình hình sẽ bớt căng. Còn Trung Quốc, Nga… đứng bên, họ cũng là những thế lực, những “cực” có ảnh hưởng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu đi vào hòa hoãn, “đình chiến tạm thời”, vì với Mỹ nó cũng có những thiệt hại chứ không phải chỉ “ăn ngon”. Tuy nhiên, đây là vấn đề chiến lược. Trung Quốc đang thấm đòn trừng phạt, mức tăng trưởng GDP giảm còn 6,2% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên, Trung Quốc còn đt hiếm, còn c phiếu mua của Mỹ, còn tiềm lực của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Họ kêu gọi “trường kỳ chiến đấu”, họ đâu phải là “con hổ giấy”. Iran kiên quyết không chịu lùi một phân. Ông Trump nếu chủ quan vì các chỉ tiêu kinh tế, thất nghiệp, lạm phát… có đà đi lên, coi kinh tế là quyết định hết thảy, thì ở đời, vô thường, ông có thể bị cử tri xa lánh (nay đã có dấu hiệu rồi!), và khi đó ông sẽ là nạn nhân của chính mình!

19-7-2019

HỒN VIỆT