Tôi gặp anh Nguyễn Phước Bảo Tài trong dịp được họ Nguyễn của tôi cử ra Huế sưu tầm tư liệu một cụ tổ từng làm quan thời triều Nguyễn. Cụ viễn tổ nhà tôi là quan văn được vinh danh là Hành thư đại bút, một cây bút lớn viết thư, thảo chiếu. Gia phả họ tôi do cụ soạn đề năm thứ tư đời vua Thành Thái. Còn tác phẩm của cụ để lại chỉ là một tập thơ chữ Hán, thời gian ghi dưới các bài thơ thường là Thành Thái niên… nguyệt… có nghĩa là sáng tác vào đời vua Thành Thái năm… tháng…
Buổi chiều ấy, tôi đang lang thang trong thành nội thì gặp một người đàn ông bận áo dài màu huyết dụ hoa văn đồng tiền Tự Đức, vấn khăn điều, mặt đôn hậu, đi cùng người đàn bà còn trẻ nhưng dáng hơi tiều tụy dìu một em bé bị dị tật, đi không vững, nói không rõ lời; cả hai mặc áo dài xanh, đi hài, khăn đóng kiểu trang phục hoàng cung. Nhìn người đàn ông tôi thấy như đã gặp đâu đó:
- Chào anh, nhìn quý anh tôi thấy rất quen.
Dứt lời, tôi thấy mình nói năng hơi sáo, có phải đến đất cố đô đã mấy tuần, tiếp xúc với nhiều người thuộc dòng dõi hoàng tộc nên tôi nhiễm cách nói năng nhỏ nhẹ, thưa gửi rất bặt thiệp của họ… Nghe tôi hỏi, nét mặt khắc khổ của người đàn ông sáng lên vẻ kiêu hãnh, giọng Nam Bộ thân tình, mộc mạc:
- Tôi là Nguyễn Phước Bảo Tài, cháu nội của vua Thành Thái, sống ở Sài Gòn - anh chuyển giọng hài hước - Tôi hành nghề chạy xe ôm nên nhiều người rành mặt lắm.
Không giấu được sự ngạc nhiên, tôi nói to:
- Đành rằng xe ôm cũng là nghề đáng trân trọng nhưng cháu nội một nhà vua yêu nước, mà kiếm sống bằng những cuốc xe máy? Ông thì ngự ngai vàng trước văn võ bá quan, cháu chực ở đầu một ngõ hẻm trông đợi khách nhận từng đồng tiền lẻ… Vật đổi sao dời vậy sao?
Thốt ra những lời ấy, tôi vẫn chưa nguôi bàng hoàng. Anh Bảo Tài khoác tay tôi thân tình, mắt vẫn đảo qua đảo lại quét lọc đám khách hành hương ra vào, thói quen của dân xế ôm chuyên nghiệp. Nhân dịp này, anh cung cấp cho tôi về thân thế sự nghiệp vua Thành Thái, bổ sung vào vốn tư liệu ít ỏi, rời rạc, chắp nối của tôi.

Thành Thái là chắt của vua Thiệu Trị, con vua Dục Đức, tên khai sinh Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn, lên ngôi năm 1889. Lúc này thực dân Pháp gần như bình định được hết thảy các vùng trong nước, đã có những viên quan ba, quan tư Pháp ra vào hoàng thành như nhà của chúng, viên thái thú ngang nhiên tham dự công việc của triều chính. Khi vua Đồng Khánh qua đời, con trai là Bửu Đảo mới lên ba, triều đình Huế xin viên Tổng trú sứ Bắc và Trung Kỳ là Pierre Paul Rheinart cho Bửu Lân kế ngôi. Ngay trong ngày lễ Bửu Lân lên ngôi và lấy hiệu là Thành Thái, một toán lính Pháp bồng súng đứng trong Ngọ Môn thị uy. Nhà vua trẻ tuổi Thành Thái đứng trước sự lựa chọn, một là chịu sự cai quản của thực dân Pháp, cụ thể là viên Toàn quyền Đông Dương, Tổng sứ Bắc - Trung - Nam Kỳ, ngai vàng mới yên ổn và có nhiều bổng lộc nhưng nhục nhã, hai là chống sự xâm lăng của Pháp sẽ được lòng nhân dân, các sĩ phu yêu nước, nhưng có khi mất quyền bính. Nhà vua trẻ Thành Thái đã chọn đứng về phía nhân dân. Chính vì Thành Thái ủng hộ những cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu, lên án sự can thiệp của thực dân Pháp vào nội bộ hoàng triều, nên bị chúng đày sang đảo Réunion. Thông thường đi đày thì một người chịu nhưng ở đây chúng bắt cả vợ con nhà vua cùng đi, gọi là án biệt xứ cả gia đình. Tới năm 1947 mới được trở về Việt Nam và sống ở Ô Cấp, tức Vũng Tàu bây giờ. Thời bấy giờ Vũng Tàu còn hoang dã, dân cư sống bằng nghề làm ruộng, cuộc sống của nhà vua vừa mãn hạn đi đày túng thiếu. Chính ở đây hoàng tử Nguyễn Phước Vĩnh Giu chào đời. Gia đình cựu vương Thành Thái phải sống tự túc bằng lương thực mình làm ra. Nhưng nỗi khổ nhất là luôn bị mật thám Tây theo dõi. Đói khổ, bị ức chế về tinh thần, hoàng phi Chi Lạc đưa con là Nguyễn Phước Vĩnh Giu về Cần Thơ nương náu. Bây giờ, cái chất hoàng tộc cũng đã phai đi nhiều rồi, họ chỉ lo làm lụng để cầu mong đủ ăn. Sự đời khi lâm vào cảnh túng đói thì danh cũng chỉ là danh hão, nói ra chẳng bõ thiên hạ cười cho. Được điều Vĩnh Giu chăm làm ăn, tới tuổi thanh niên anh kết hôn với cô gái miệt vườn Lý Ngọc Hóa. Sống giữa miệt vườn đang còn mang quan niệm sinh nhiều con chừng nào hay chừng đó, trời sinh voi tất sinh cỏ, họ có bảy người con, Nguyễn Phước Bảo Tài là con trai út. Gia cảnh sa sút thê thảm, mười nhân khẩu sống chen chúc trong căn nhà cao cẳng, lợp lá dừa nước bên kinh rạch, gạo đong theo bữa, thực phẩm là rau dại mọc trên bờ ruộng, cá mú bắt ở đìa. Tuy không bao giờ xưng với dân ấp mình là con cháu, dòng dõi hoàng tộc, nhưng trong gia đình, những đêm trăng sáng, trải tấm nệm bàng ra sân đất tắm trăng, với giọng tự hào, có phần muối tiếc, người cha thường kể cho đàn con về gốc gác dòng dõi hoàng tộc của mình, răn con đã làm người phải sống đàng hoàng, dẫu nghèo cũng phải giữ tư thế làm người.
Cũng như các anh chị, Bảo Tài không có điều kiện để đèn sách tới nơi tới chốn, phải nghỉ học nửa chừng để đi làm mướn, bổ củi, gánh nước, trèo dừa, ai thuê gì làm nấy. Được điều Bảo Tài sống thiệt thà, chẳng bao giờ ra giá công việc được mướn, thường cuối ngày làm xong việc là nhảy xuống kênh rạch hay bến sông tắm, nhà chủ nào có lòng mời cơm thì anh dùng, mâm cao cỗ đầy cũng vui vẻ như tô cơm nguội ăn với mắm kho quẹt, trả cho bao nhiêu tiền, anh lấy bấy nhiêu, không hề đòi thêm hay phàn nàn. Hình như anh đã biết, ở đời được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Anh cũng chẳng ham làm giàu, cho dù trong đời cũng có nhiều cơ hội. Đúng là ở đời sống dân dã, tay làm hàm nhai, đủ ăn, thanh thản là quý, còn giàu có, tiền kho, bạc sập, cung tần này mỹ nữ nọ, ngự trị cả một vương quốc nhưng sống ngay ngáy giữa thù trong giặc ngoài, mưu mô hãm hại nhau, trong sự ghen tuông, cũng chẳng sung sướng gì và sơ sẩy là trắng tay, cám cảnh tù đày như giỡn.
Anh giới thiệu người phụ nữ và bé gái dáng không được bình thường:
- Đây là bà xã và con gái tôi.
Tôi hỏi quý danh, chị cho biết tên là Huỳnh Thị Bích, người Cần Thơ. Chị Bích lớn lên trong gia đình tá điền, mất hết ruộng đất phải đi làm mướn, gọi vui là nghề đụng, nghĩa là đụng ai thuê làm gì làm nấy. Thấy tôi nhìn cháu bé gái đầu ngoẹo sang một bên, mặt ngây ngô, anh bảo:
- Cháu bị bệnh não từ nhỏ nhưng không có tiền thuốc thang điều trị nên thành dị tật vầy đó.
Khuôn mặt đang hứng khởi khi nhắc tới dòng dõi hoàng tộc của mình chợt chùng xuống, như có bóng tối lướt qua đôi mắt nâu. Con cái là tài sản lớn nhất nhưng bị tật bệnh như vậy không buồn sao được. Ba má đều khỏe mạnh nhưng sao con lại không bình thường. Anh cho biết, cháu bé sinh thiếu tháng và khi chào đời chỉ nặng 0,9kg. Bác sĩ kê đơn thuốc nhưng đem ra hiệu mua giá lên tới 3 triệu, lấy đâu tiền mà mua, đành phải mua thứ thuốc rẻ nhứt, điều dưỡng bảo mua sữa ngoại có dinh dưỡng cao, nhưng hỏi mới biết một hộp nửa triệu, đành bó tay, cho con ăn loại sữa giá rẻ. Một thời gian cháu phát bệnh bại não, cả gia đình lên Sài Gòn để chữa trị, đưa đi viện, lại không có tiền mua thuốc tốt, đành bất lực nhìn con bị bệnh hoành hành. Con mắc bệnh, phải ở nhà mướn chật chội, chồng chạy xe ôm, vợ bán vé số, kiếm sống qua ngày nhưng gia đình ấy vẫn bền chặt, tuyệt nhiên không có cãi lộn hay trách cứ nhau mà luôn vang lên tiếng cười nói. “Đó là nhờ tụi tôi giữ được nền nếp, gia phong của hoàng tộc”, anh nói vậy.
Rồi anh cho biết, được đưa cả gia đình ra viếng mộ và dự lễ giỗ ông cố, ông nội và cha là nhờ sự giúp đỡ của hoàng tộc ở Huế, cho người vào đón ra Huế dự lễ kỵ. Tục lệ ở xứ này từ đời thứ tư trở lên làm giỗ một ngày, gọi là giỗ họ cũng được. Khi biết cháu bé mang tật, ai cũng thương cảm, biếu tiền để đến các danh y ở Huế khám và điều trị bằng thuốc Bắc thuốc Nam. Thuốc Bắc thuốc Nam trước đây được các nhà vua chuộng, các danh y giỏi ở các miền đều được vời vào đây phục vụ hoàng triều, giờ đây hậu duệ và con cháu những người được thầy thuốc truyền nghề vẫn kế nghiệp bốc thuốc ở xứ này. Có thầy còn nắm bí quyết sản xuất thuốc Minh Mạng thang, nghe đâu đàn ông xài sẽ cường sức, tuổi thất thập vẫn sanh con như thường. Anh nói vui vậy. “Mới được uống dăm thang thuốc Bắc và châm cứu, bệnh tình cháu bé đã đỡ hẳn. Muốn trở thành người bình thường phải điều trị lâu dài nhưng lấy đâu ra kinh phí. Chẳng lẽ gia đình tôi ở đây mướn chiếc xe máy, sắm đôi quang gánh, nồi niêu, chồng chạy xe ôm, vợ bán trà đá. Một đứa cháu nội của vua kiếm sống bằng những cuốc xe ôm, người cháu dâu bán từng ly trà đá, dưới bóng lăng tẩm cha ông thì coi đâu có được. Hẳn người ta sẽ quy cho tôi phỉ báng, làm ô uế danh hoàng tộc, mà chính tôi cũng thấy xấu hổ kìa. Vậy nên xong kỵ là gia đình tôi lên tàu về Sài Gòn ngay”.
Bảo Tài tình nguyện dẫn tôi đi viếng mộ ba vị vua là Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân. Những ngôi mộ xây bằng chất liệu vôi và mật mía, nước lá cây chùa cùm, trải bao mưa nắng, da mộ đã xỉn màu. Kể ra, với điều kiện hiện nay, các ngôi mộ này có thể tôn tạo, xây to hơn, ốp đá hoa cương, nhưng thuộc về di tích lịch sử văn hóa nên để nguyên vậy. Mộ vôi là di sản đặc biệt thời Nguyễn. Ba vị vua ngự ngai vàng vào thời đất nước đã rơi vào tay giặc, loạn lạc diễn ra khắp nơi, dân tình khốn đốn, chốn cung đình xảy ra lắm chuyện nhiễu nhương, thực dân Pháp, viên Tổng trú sứ Bắc và Trung Kỳ Pierre Paul Rheinart giám sát rất ngặt mọi động thái, cả chiếu chỉ vua ban hằng ngày. Thành Thái lên vua cũng phải được phê chuẩn của tên toàn quyền thực dân ấy. Nói cho cùng, nước mất thì ngai vàng đâu có yên ổn. Năm Thành Thái lên bốn, cha là vua Dục Đức bị phế truất và giam trong ngục cho tới chết. Cũng năm đại tang đó, ông ngoại là Phan Đình Bình, quan Thượng thư bộ Hộ, khi Đồng Khánh lệnh ra Quảng Bình dụ nhà vua Hàm Nghi đầu hàng đã hiên ngang mắng Đồng Khánh hèn, nịnh bợ giặc Pháp nên đã bị bắt, tống giam cho đến chết. Hóa ra, giữa hoàng cung sặc sỡ hoa văn, cờ đuôi nheo rợp đất, hình rồng phượng uốn lượn trên các đền đài, xiêm áo rỡ ràng, ngôn từ xiểm nịnh của thơ nhạc cung đình, vua quan phải sống giữa bão tố. Có điều, phần lớn vua quan nhà Nguyễn, tiêu biểu là Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân đã thể hiện lòng yêu nước, chống thực dân, không màng tới vương quyền, công danh.
Anh Bảo Tài nói khi chúng tôi chia tay:
- Nếu anh không xấu hổ khi tiếp xúc với đám xe ôm thì vô trỏng tụi mình gài cuộc nhậu sương sương nói chuyện cà rỡn chơi. Bên bờ kè Nhiêu Lộc - Thị Nghè có nhiều quán ngon, thực phẩm sạch, giá cả vừa túi tiền cánh xe ôm ba gác tụi này, đó anh.
***

Bữa tiệc sương sương tôi đãi Bảo Tài ở nhà hàng bên đường Hoàng Sa đầu bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào chiều tà cuối tuần. Tôi mời thêm sáu người bạn, năm người khi nghe tin cháu nội vua Thành Thái háo hức muốn đến chiêm ngưỡng, một người kinh doanh bất động sản và rất thích giao tiếp với những nhân vật gốc gác từ gia đình quan lại xa xưa, con cháu những nhân vật có chức tước cao qua các chế độ, với tham vọng viết một cuốn sách về sự vang bóng, dư âm của quyền bính qua hậu duệ. Bảo Tài đến trước dăm phút. “Cánh xe ôm tụi tôi luôn phải đúng giờ, để khách chờ là có tội với thượng đế”. Anh hăm hở nói vậy. Nét mặt anh đã thấy vui hơn, chắc chuyến hành hương về cố đô, được gặp gia tộc, sống trong hồi ức cảnh vương triều, đã cho anh niềm hứng khởi.
Tôi mời anh ngồi vào bàn, dành cho anh ghế đầu bàn là chỗ trang trọng nhất. Anh xua tay:
- Tôi không ngồi chỗ này được đâu.
Một người bạn tôi nói vui:
- Anh ngồi đó cho tụi này được thấy cháu nội vua dùng bia rượu như thế nào và để tưởng tượng tới chân dung hoàng đế Thành Thái, một nhà vua yêu nước.
Bảo Tài lắc đầu quầy quậy:
- Không, không, tôi không dám, không dám.
Vậy là phải sắp xếp ghế thành hai hàng như nhau. Khi sắp ngồi vào bàn, Bảo Tài lại gọi người phục vụ đến:
- Cho tôi cái ghế nhỏ hơn, thấp hơn ghế của mấy vị này.
Người phục vụ chạy đi lấy chiếc ghế đẩu nhựa nhỏ hơn và thấp, kiểu ghế dùng cho quán cà phê cóc vỉa hè. Bảo Tài có vẻ hài lòng, anh lùi ghế ra một quãng chứ không để ngang hành với chúng tôi. Tôi ngạc nhiên:
- Ghế có chỗ dựa chắc chắn sao không ngồi mà ngồi cái ghế của trẻ con lại lùi ra vậy là sao?
- Tôi muốn mình phải chịu thua thiệt thiên hạ để mong cho con cái có tương lai.
Thấy chúng tôi chưa thật hiểu, Bảo Tài giải thích, ở đời mình phải biết nhường nhịn, chịu thiệt, chớ ăn trên ngồi trốc, ăn tới cạn triệt lộc của con cháu, ngồi cao ngất ngưởng án hết cả người khác. Lộc của đời vốn có hạn, mà lòng tham con người vô hạn, chỗ ngồi cũng đâu có nhiều, ai cũng giành ngồi trên, che mắt thiên hạ, họa từ đó mà ra. Cha ông ta dạy, ăn xem nồi, ngồi trông hướng là vậy đó.
Vào bữa, Bảo Tài nói nhỏ với chúng tôi, giọng thành thực:
- Cho tôi được lấy đồ ăn hầu mấy anh nghe.
Rồi anh lấy thêm đôi đũa và các muỗng lấy thức ăn đặt vào bát cho chúng tôi, thái độ ân cần, cung kính, khiến chúng tôi nhìn nhau ngạc nhiên lắm nhưng không dám hỏi. Bảo Tài nói:
- Thời xưa, đã có nhiều người, trong đó có ông viễn tổ anh Trung, là quan văn đã giúp việc vua Thành Thái, ông nội tôi. Dù ông tổ anh Trung là người viết lách giỏi, cũng khó tránh khỏi có lúc ông nội tôi nặng lời trách cứ. Đó cũng là tật của người có quyền. Rồi can của tôi là vua Thiệu Trị, cố tôi là vua Dục Đức, bác tôi là vua Duy Tân, được rất nhiều người, biết đâu có các ông tổ các vị đây từng cung phụng, không trực tiếp thì cũng đóng góp sưu thuế. Không có của cải bằng mồ hôi nước mắt của dân thì vua quan sống sao nổi. Bây giờ tôi xin được hầu mấy anh bữa ăn này là mong trả lễ và cũng là lẽ đời. Mà người ta hầu hạ dòng tộc nhà tôi những mấy chục năm, tôi chỉ hầu mấy anh mấy tiếng đồng hồ thì nhằm nhò chi, phải không?
Bảo Tài nói nghiêm túc chứ không phải giễu cợt. Anh ăn uống từ tốn, chậm rãi, ngay khi chúng tôi cụng ly, giục thách nhau uống cạn trăm phần trăm, anh cũng nhẹ nhàng xin thứ lỗi và khẽ nhấp từng ngụm nhỏ. Tôi tưởng làm nghề chạy xe ôm anh phải ăn hè nói chợ chớ. Nghe anh bạn tôi hỏi, Bảo Tài đáp: “Từ nhỏ anh chị em tụi tôi đã được cha dạy cách ăn uống rất chu đáo, khi ăn không ngốn ngấu, uống bia rượu cũng phải từ tốn từ ngụm nhỏ, tuyệt đối không được uống tới xỉn, mặt mày đỏ bấy, thảy ra giọng hồ đồ”.
Tôi ngắm nhìn anh, trên khuôn mặt rám nắng toát lên nét kiêu hãnh, mà phải nhìn kỹ mới nhận ra. Có phải nhờ vậy mà anh sống rất đàng hoàng với tư cách làm người cho dù nhiều lúc rơi vào cảnh khốn khổ? Nghĩ cho cùng, con người ta bị tha hóa chỉ vì quên đi nguồn cội và mất sự kiêu hãnh làm người.
Tàn bữa ăn, chúng tôi kéo nhau sang quán cà phê bên cạnh hóng gió. Kênh Nhiêu Lộc đã xanh trở lại, gió lăn phăn trên mặt nước đang sẫm xanh trong nắng chấp chới buổi cuối chiều. Cà phê trộn bột bắp để kiếm lời khó thể nói là ngon, nhưng chẳng sao, chúng tôi cần một không gian yên tĩnh để đàm đạo. Bảo Tài đưa mắt ngó giày chúng tôi, rồi rảo đi đâu đó, lát quay lại tay cầm cái hộp gỗ hình chữ nhật đã mòn cũ:
- Mấy anh cởi giày để tôi đánh cho, giày dơ cả rồi.
Chúng tôi lại ngơ ngác nhìn nhau. Tôi hỏi:
- Anh tìm đâu ra đồ đánh giày vậy?
- Tôi luôn thủ sẵn để khi thấy người quen tôi đánh giùm. Tánh tôi thấy ai đi giày dơ là áy náy lắm.
Bảo Tài đánh giày theo công đoạn tỉ mẩn, bắt đầu lau hết bụi bặm, đem đoạn dây cước căng ra chà cho hết nếp nhăn trên mặt giày, rồi mới phết lớp keo mỏng, dùng bàn chải đánh nhịp nhàng, cuối cùng dùng giẻ lụa chà bóng. Kiểu đánh giày rất chuyên nghiệp. Vừa đánh giày, anh vừa nói với chúng tôi về phúc họa ở đời là do chính con người tạo nên, về luật nhân quả diễn ra lúc đến nhanh chóng dữ dằn, khi thì âm thầm trải mấy đời. Vậy nên làm người phải biết chăm chút trồng đức. Anh là người hay chuyện nhưng không nói nhảm, nói lan man mà biết nói điều người ta cần nghe. Lúc đầu tôi tính góp chuyện với anh nhưng giờ đây đã ngược lại, anh cung cấp cho chúng tôi những lời răn vô cùng bổ ích, chắc là anh góp nhặt, đúc kết từ lịch sử hoàng tộc, từ cuộc sống lam lũ của chính anh. Những câu chuyện dẫn chứng nghe qua tưởng cũ, nhưng ý nghĩa luôn mới mẻ. Hóa ra, đôi lúc thầy của ta ở đời là những người bình thường nhất.
Khi chúng tôi chia tay, anh vào tận bãi gửi xe máy dắt xe cho từng người ra vỉa hè, dùng cái khăn bông trắng anh để trong cốp xe lau yên xe một cách kỹ lưỡng. Thêm một việc làm khiến bọn tôi ngỡ ngàng. Lau xong yên xe cho tôi, Bảo Tài vỗ vai tôi thân mật:
- Với ai tôi cũng làm thế này, chớ không riêng mấy anh đâu. Tôi luôn có tiêu chí phục vụ, hầu hạ mọi người một cách vô tư như là để lấy phước đức cho con cháu, chớ hoàn toàn không mưu cầu một tí xíu lợi ích nào khác.
TP.Hồ Chí Minh, 1-2017 – 6-2019