HV140 - Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy: “Tao còn sống là nhờ Bác Hồ…”

Từng nghe báo đài nói về ông rất nhiều, vì ông là một hiện tượng đặc biệt không lẫn với bất kỳ ai. Ông như một huyền thoại kỳ vĩ của 60 năm trước, một anh hùng phi công tham chiến trên mặt trận không đối không và bắn hạ tổng cộng 7 máy bay Mỹ gồm hai chiếc F-105 và năm chiếc F-4, được xếp hạng ACES của thế giới(1). Và bây giờ người anh hùng ấy đã trở lại với gốc gác của mình đúng như lời tâm sự hồn nhiên của ông: “Tao gốc nông dân, đánh giặc xong rồi tao phải trở về với cuộc sống của tao…, bây giờ mới thật sự là tao được sống đúng với ý mình”. Ông chính là Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy.

Cùng đoàn phim tài liệu Thực hiện 50 năm di chúc Bác Hồ(2), chúng tôi đã tìm đến nhà ông, qua nhiều ngả đường ngoằn ngoèo xa tắp, ở tận ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông hẹn 15 giờ chiều vì còn phải tiếp một đoàn khách khác tới thăm nhà… Chúng tôi đến, ông vừa tiễn đoàn khách và đón chúng tôi vào nhà, ông đã ngà ngà say và có vẻ hơi mệt, nhưng vẫn vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi… Dường như ông đã quá quen với các báo đài, quen với máy ảnh, máy quay, nên mặc cho mọi người rộn ràng xung quanh, ông vẫn ngồi bình thản và kể chuyện, cái cách kể của một lão nông, tập hợp con cháu xung quanh kể câu chuyện đời xưa. Cũng là người từng ái mộ ông, NSND Trà Giang bỗng dưng trở thành người dẫn chuyện, bởi ông cũng là người ái mộ chị 50 năm trước. Và không hẹn mà gặp, hai người cùng ái mộ nhau, ngồi cạnh nhau để nghe ông kể lại câu chuyện như là chuyện cổ tích của đời ông.

Phi công Nguyễn Văn Bảy sau khi bắn rơi máy bay địch lái máy bay về an toàn trong niềm vui của đồng đội

Từ Anh hùng phi công 50 năm xưa…

Bằng giọng khề khà, chân chất ông kể về cuộc đời ông, “hồi đó nhà tao nghèo rớt, từ nhỏ tao suốt ngày đi chăn bò, cỡi bò đua với mấy đứa hàng xóm, lần nào cũng dìa nhứt. Lúc đó chỉ ước được ngồi trên chiếc xe hơi một lần trong đời, xe đạp còn chưa biết đi nói gì tới chuyện lái máy bay”. Và ông kể đơn giản về lý do ông theo cách mạng:

“Nhà nghèo, nên tao chỉ học tới lớp ba thôi, rồi ở nhà chăn bò, làm ruộng, tới năm 17 tuổi ông bà già bắt lấy vợ sớm, tao không chịu nên trốn nhà theo cách mạng làm du kích và tới năm 1954 đi tập kết luôn. Tao nhớ trước khi đi tập kết, ông già mua cho chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mà tao còn chưa biết đọc số. Từ nhỏ tới lớn chỉ đi chân không, vô bộ đội được phát cho đôi giày bố, tao sướng đến nỗi mang giày ngủ luôn, tới sáng đi chưa được 1 cây số, chân đã bị phồng lên đau quá, vậy là tao phải cởi giày ra đeo lên cổ và đi chân không. Đến năm 1960, tao được chuyển từ sư đoàn bộ binh sang không quân, rồi được chọn đi học lái máy bay. Cái hồi được tuyển tao cao 1m67, nặng chưa đầy 70kg. Hồi ấy, để được học lái máy bay, ít nhất cũng phải xong lớp 10/10 (tương đương lớp 12 hiện nay), trong khi tao mới học tới lớp 3. Vì vậy, phải học văn hóa ở Trường bổ túc văn hóa Lạng Sơn đúng một tuần theo phương châm “cần gì học đó”, nghĩa là bỏ qua hết mọi môn học khác, chỉ học toán đại số thôi, mà tao tiếp thu cũng nhanh, nên mỗi ngày qua 1 lớp, 7 ngày là coi như tao hoàn thành lớp 10. Nói là “học 7 lớp”, thực ra tao chỉ cố ghi nhớ các hình vẽ, định lý, định luật, nguyên lý cơ bản của chương trình phổ thông để học lái máy bay.

Khi thi qua được phần lý thuyết cơ bản lái máy bay trong nước, tao được sang nước ngoài học trường Hàng không số 3, nơi đào tạo lái máy bay tốt nhất bấy giờ để học lái. Thời điểm đó, đoàn học viên của Việt Nam được đào tạo lái máy bay MiG- 17 chỉ có 34 người, ấy vậy mà tao được lọt vô. Sau 5 năm học tập, năm 1965, tốp phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay trở về Gia Lâm, sẵn sàng chiến đấu…

Thật ra, cũng không phải dễ dàng gì. Cũng có lúc tao nản chí muốn bỏ rồi, bởi khi học, mỗi lần lên máy bay luyện tập là tao ói thốc tháo, mà lúc đó đâu có bọc ni lông như bây giờ, tao phải lấy ruột trái banh đeo ở cổ để ói. Mỗi lần nản quá muốn bỏ thì lại nhớ lời Bác Hồ dặn trước lúc lên đường đi học. Bác nói, chú là người miền Nam phải học giỏi, lái giỏi để khi thống nhất đưa Bác về miền Nam thăm đồng bào. Lời hứa với Bác làm sao quên, nên khi Bác mất, ngày 9-9-1969, vào thời điểm thiêng liêng, xúc động nhất trong lễ tang Bác Hồ, trên bầu trời Hà Nội xuất hiện 2 biên đội MiG- 21 và MiG-17 bay thật thấp qua quảng trường Ba Đình nghiêng cánh chào vĩnh biệt Bác. Lúc đó, Phi đội trưởng của nhóm MiG-17 là tao, vừa bay vừa khóc... vì nhớ tới lời Bác dặn năm nào…”.

  

Khi được hỏi về cách hạ máy bay địch, mắt ông trở nên sáng rực, những hồi ức hào hùng như sống lại trong giọng nói sang sảng đầy phấn khích: “Năm 1965, người Mỹ không thể hiểu nổi vì sao những chiếc MiG-17 đời cũ của không quân Việt Nam bay chậm hơn nhưng lại bắn hạ được máy bay tiêm kích, ném bom F-105 tốc độ cao của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam. Hồi ấy máy bay tiêm kích, ném bom tầm xa siêu lắm, có thể hoạt động trong mọi thời tiết, ai cũng sợ, cho nên nó còn được gọi là “Thần sấm”. Thế mà họ vừa đưa vào chiến đấu tại Việt Nam thì bị rơi như sung rụng bởi những chiếc MiG-17 cổ lỗ. Máy bay Mỹ toàn loại siêu đẳng, nên muốn đánh thắng chúng thì ta phải có cách riêng của mình. Lần đầu tiên tao cất cánh tấn công máy bay Mỹ là 10 giờ ngày 19-6-1965, do chưa có kinh nghiệm mà lúc đó máy bay Mỹ lại rất đông, một thằng đi ném bom có tới 10 thằng bảo vệ, nên bị chúng áp đảo và bắn máy bay tao bị thương. Tao biết máy bay mình bị trúng đạn rồi, nhưng thấy vẫn còn điều khiển được nên nhất định không chịu nhảy dù, bởi nhảy dù là cứu mình nhưng coi như mất máy bay. Vì vậy, tao vẫn cố lái về và hạ cánh an toàn, tới nơi mới biết mình còn sống, coi lại thì đuôi máy bay nát hết, tới 84 lỗ đạn…”. Thấy nét mặt cả đoàn tỏ vẻ kinh ngạc, ông cười khà khà giải thích:

“Cái máy bay nó cũng giống như cơ thể con người mình vậy, hễ trúng chỗ hiểm thì một phát nó cũng rơi, nhưng không trúng thì dù bị thương bấy bá nó vẫn sống nhăn, điều khiển được nghĩa là nó chưa sao, máy móc vẫn tốt, vậy sao không ráng cứu nó. Chuyến đầu tiên nhớ đời đó, mình thoát chết, mà các chuyên gia quân sự Liên Xô và đồng đội cũng nể cái nước liều của tao lắm, bởi máy bay trúng đạn là phi công phải nhảy dù ngay, đâu có ai lường được là nó bốc cháy lúc nào…

Bị đạn lần đầu thì mấy lần xuất kích sau tao rút kinh nghiệm riêng cho mình: Người Việt Nam đánh giặc theo cách của người Việt Nam, đi học ở nước ngoài cũng chỉ để tham khảo thôi. Ở nước ngoài khác, nước mình khác, nước mình đánh theo kiểu du kích. Du là chạy, kích là đánh, nghĩa là vừa chạy vừa đánh”.

Rồi ông cười ha hả: “Máy bay nó to, hiện đại hơn mình, bay nhanh hơn mình nhiều lần, trang bị toàn súng hiện đại, trong khi MiG-17 của mình chỉ có 3 khẩu pháo với 200 viên đạn, bởi vậy mình phải bay sát nó mới bắn được, mà vì mình gần nó quá thì nó không bắn mình được. Vì vậy, mình phải lợi dụng được cái lợi thế đó, nên khi vừa thấy nó, tao xiết cò là nó rơi ngay. Nói cho dễ hiểu như vầy, mình là người bảo vệ đất nước, nhiệm vụ mình là ngăn không cho nó đánh trúng mục tiêu, máy bay mình chỉ bay 1.500km/giờ, còn nó tới 2.800km/ giờ, nó bay cái vèo tao hít khói nó còn không kịp, nhưng tao buộc nó phải đánh, dù tao đánh 1 chọi 10. Khi bay lên, radar chỉ huy dẫn đường cho mình bay đến mục tiêu, khi phát hiện được mục tiêu rồi thì đó là việc của phi công, tao nhào vô thì nó phải tránh tao vì nó không dám đụng với mình, nếu nó bay luôn thì coi như mình hỏng giò, nhưng nó muốn bắn mình thì phải quay lại, nhưng hỏa tiễn nó phải cách 2km mới bắn được, còn tao chỉ cần 200-300m là tao nhả đạn. Bắn trúng đã tay lắm, trúng lưng nghe tiếng bụp bụp nó sướng giống như mình giựt câu được con cá bự vậy, cứ thấy một thằng nhảy dù ra là bay về được rồi. Chuyện tiếp theo bắt nó là chuyện của dân quân.

Còn nói chuyện né tên lửa tụi bây nghe mắc cười hả? Thực ra mình biết tâm lý chiến đấu nên né được hết. Do máy bay của mình là loại “cổ lỗ sĩ” bay chậm rì nên phi công Mỹ muốn đánh với mình bắt buộc họ phải giảm tốc độ cho ngang với mình. Do lợi thế về tốc độ nên họ không bao giờ đón đầu mà chỉ đuổi sau lưng để bắn tên lửa. Khoảng cách lý tưởng nhất để bắn là 2-3km.

Nắm được nguyên tắc này, khi giao chiến tao luôn để ý phía sau. Nếu mình nhìn mắt thường máy bay địch thấy to bằng bắp tay thì phải chú ý bên dưới cánh. Khi chúng khai hỏa, 2 quả tên lửa nhỏ bằng đầu đũa sẽ rơi xuống, khói dưới cánh xịt ra. Tao chỉ việc đếm trong miệng 1...2…3… là đánh lái thật mạnh. Dù là tên lửa tầm nhiệt và điều khiển bằng radar nhưng tốc độ của nó quá cao so với MiG-17 nên mình ngoặt lái bất ngờ là nó sẽ bay quá đà, chưa đầy chục giây sau thì nó sẽ phát nổ nên không thể quay lại... Nghĩa là đánh phải mưu trí, chớ không phải liều mạng ưỡn ngực ra cho nó đánh là chết không kịp ngáp. Mà tao nghiệm rồi, trong khi đánh nhau thằng nào sợ chết thì mới chết, còn mình bảo vệ tổ quốc nên không biết sợ là gì, cứ bay lên là quyết chiến thôi.

Nhưng tao chỉ bắn được 7 chiếc, năm 1967 được tuyên dương Anh hùng thì Bác Hồ không cho tao đi đánh nữa, Bác muốn bảo toàn lực lượng miền Nam và muốn tao phải có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn. Rồi đơn vị cho tao đi học ở Liên Xô 1 năm, khóa học về chỉ huy”.

- Nghe nói những phi công Mỹ mà chú bắn rơi đã từng về đây thăm chú Bảy? Vậy chú tiếp đón họ như thế nào? - À à, ông Bảy gật gù: “Năm 2016 tao có tiếp một phi công Mỹ tên Marshall L. Michel III, tao tiếp khách bằng gương sen và cây trái nhà tao trồng, vả khoái lắm. Thiệt tình, anh phi công này không hề đối đầu với tao trên bầu trời, nhưng do đọc cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía của Nguyễn Sỹ Hưng - Nguyễn Nam Liên và nhóm tác giả, mới biết tao mà tìm đến đây. Vả nói vả rất may mắn khi ông Bảy không tham gia không chiến từ năm 1967, bởi nếu ông còn tiếp tục thì ắt sẽ còn nhiều máy bay của chúng tôi bốc cháy hơn nữa”.

Ông Bảy chỉ nói đến đó và chỉ nhớ đại khái có nhiều đoàn phi công Mỹ đến thăm ông, ông không nhớ hết tên, nhưng chúng tôi biết đây không phải là lần viếng thăm đầu tiên. Trước đó, năm 2009, Trung tướng không quân Mỹ Steve Richie đã tới Hà Nội trong một chuyến du lịch, đến thăm Bảo tàng Phòng không - Không quân, tình cờ biết trong buổi giới thiệu sách của một cựu phi công Việt Nam về Anh hùng Nguyễn Văn Bảy, đã tha thiết xin được tham dự để gặp mặt đối thủ bởi hơn 40 năm trước ông ta cũng từng lái máy bay F-4 trên không phận miền Bắc Việt Nam. Ông Bảy sau đó đã mời vị tướng này về nhà mình để đón tiếp bằng một bữa cơm có thịt gà thả vườn, cá dưới ao và rượu tự nấu.

Và cũng từ cuốn sách này, Joseph Charlie Plum đã lần ra manh mối về người 48 năm trước giao chiến với mình trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ngày 13-7-2015, cựu phi công Plum đã về thăm “đối thủ chưa biết mặt” tại Đồng Tháp. Ông nói “Trước khi đi, mẹ tôi dặn lần này sang Việt Nam tìm lại người phi công đã bắn mình năm trước, chuyển lời của mẹ là cảm ơn anh ấy vì bảo vệ tổ quốc, bắn con mẹ, nhưng không giết chết con mẹ”. Căn nhà mà Plum đến thăm, ngoài tấm phù hiệu không quân đắp nổi trước nhà ông Nguyễn Văn Bảy, không có gì ở đây tiết lộ cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy của chủ nhân. Tiếp vị cựu sĩ quan Mỹ là một lão nông Nam Bộ chính hiệu, quắc thước và chân quê như một nông dân thứ thiệt chứ không phải là một cựu phi công đã từng gây kinh hoàng cho các phi công Mỹ ngày nào...

Đáp lại chuyến thăm đó, tháng 9-2017, đoàn 12 cựu phi công tiêm kích Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát dẫn đầu, đã có chuyến thăm thành phố San Diego, Mỹ. Cuộc hội ngộ lịch sử lần thứ hai đó có chủ đề “Từ không chiến đến hòa giải”. Trong cuộc gặp gỡ này, Marshall L. Michel III và Nguyễn Văn Bảy đã gặp nhau.

Nhắc đến chuyến đi này, ông Bảy lại cười khà khà: “Tao sang Mỹ gặp con gái vả luôn, tao hỏi ngày xưa nếu tao bắn chết ba mày, mày gặp tao mày có ghét và đòi đánh tao không? Nó nói “No” lia lịa và còn xin nhận tao là ba nuôi Việt của nó. Tao qua Mỹ 5 ngày mà tao đã lấy cả Đất - Nước Mỹ rồi đó”. Thấy cả đoàn trố mắt kinh ngạc, ông lấy ngay một lọ nước đặt lên bàn: “Thì đây là bình nước tao lấy từ bên Mỹ về, còn cục đất Mỹ thì tao đã trộn vào mớ đất trồng cây trước nhà. Tao nói với mấy phi công Mỹ tới thăm tao: Ngày xưa mình đối địch, tao bắn mày để bảo vệ tổ quốc tao, nhưng giờ đã bình thường hóa quan hệ rồi, vậy bây giờ mình là bạn bè…”.

…Đến lão nông tri điền bây giờ

Giờ thì đã hết giờ kể chuyện chiến đấu, ông Bảy thay cái áo không quân gắn đầy huân chương ra và mặc bộ đồ nông dân của ông. Ông trở về cuộc sống mà ông vô cùng yêu thích… Ông nói đây mới là cuộc sống của ông, những năm sống ở thành thị là nhiệm vụ mình phải làm. Nghỉ hưu rồi thì mình phải trở lại là mình, sống an nhiên với 5 công ruộng của cha mẹ chia cho. “Mỗi sáng thức dậy, cho cá, cho gà ăn, rồi lội ao gỡ lưới, bơi xuồng hái sen. Nhà tao có thập vật quanh năm, cá bắt dưới ao, rau hái ngoài vườn, còn tài nấu ăn của tao thì khỏi bàn, hồi còn chiến đấu tao còn nấu được cho 200 quân ăn nữa kìa. Ở xã Hậu Thành, tao nổi tiếng bởi tài trồng mì cho ra củ bự. Củ mì tao trồng hơn 20kg, nhiều người kéo tới coi xin giống, ít lâu sau tao đào tiếp gốc mì củ nặng tới 90kg, phải 2 người mới khiêng nổi vào nhà. Vụ lúa rồi, 5 công của tao thu hoạch tới 5 tấn lúa - năng suất thuộc hàng cao nhất trong xã, chớ bây đừng có tưởng tao là nông dân tài tử nghen… Tao gốc nông dân, giờ nghỉ hưu rồi thì trở lại làm nông dân. 5g30 thức dậy, tao xách nước 2 thùng, mỗi thùng 15 lít tưới cây. Làm vậy như tập thể dục thôi, thấy còn khỏe hơn thể dục nữa…”.

Với chiếc khăn rằn quấn trên đầu, ông cởi trần dầm mình dưới ao và trên ruộng lúa. Ông gặp các doanh nghiệp sản xuất phân bón bàn cách tìm loại chế phẩm nào mới phù hợp với đồng ruộng và giống lúa quê hương, ông vận động bà con làm đường sửa cầu, ông nói chuyện với các cháu học sinh về cuộc chiến đấu của dân tộc. Về miệt vườn sinh sống, thấy cảnh người dân nghèo chưa có điện, ông Bảy vận động doanh nghiệp, bà con góp tiền cùng chính quyền kéo điện về thắp sáng vùng quê. Hằng tháng ông Bảy còn dùng số lương hưu của mình, tiền hoa lợi từ vườn cây, ao cá để giúp đỡ các hộ nghèo, các em học sinh khó khăn vượt khó và những cựu chiến binh đang khó khăn; đồng thời góp gạo từ thiện cho Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật.

“Tại tao không thích sống ở thành thị, suốt ngày ngồi trong nhà cà phê, đọc báo, có vậy thôi thì chán lắm, không lao động lại mau chết nữa. Tao lúc này cũng lãng tai rồi, ai nói gì cũng nghe bập bõm, phải hét lớn mới nghe, cho nên tao chế ra cái tai nghe này đây để còn coi phim nghe cho rõ”, ông chỉ vào cái tai nghe được “chế” dài 2 mét mà cười.

- Chú Bảy chưa kể gì về thiếm Bảy hết, không có thiếm đồng ý sao chú có thể sống theo ý thích của mình được, phải không chú? Ông Bảy lại cười ha hả: “Thiếm tên Trần Thị Niên, là học sinh miền Nam trường 6, còn tao là phi công ở sân bay Cát Bi - Hải Phòng. Tao muốn lấy vợ cùng quê, vậy là tao đi tìm danh sách học sinh trường miền Nam, thấy bả cũng quê Lai Vung, vậy nên quyết tình tìm gặp, rồi yêu, rồi xin cưới. Lúc đang tổ chức đám cưới ở Cát Bi (tháng 4-1966), mới được 45 phút thì có báo động, tao tức tốc lên máy bay đi chiến đấu, bỏ bả phải làm lễ một mình… Tội nghiệp bả, mỗi lần tao xuất kích là bả mất ăn mất ngủ, bỏ hết việc chạy tới doanh trại ngóng tin coi tao có về được không… Suốt cuộc không chiến, máy bay Mỹ thiệt hại nhiều, nhưng mình hy sinh đâu phải là ít, có tới 160 phi công mình hy sinh trên trận địa. Tao mà còn sống là cũng nhờ Bác Hồ thôi, chớ dù có bắn rơi thêm vài chiếc nữa, nhưng mình cũng có thể rơi theo rồi… Chiến tranh mà, có ai biết chắc điều gì. Mãi đến 50 năm sau, khi có 1 gái 2 trai, tao với bả mới có dịp làm lại đám cưới tại quê nhà Lai Vung khi cả hai đã vào tuổi xế chiều. Giờ về quê hương cũng đồng vợ đồng chồng làm nông dân, không màng danh lợi vật chất gì. Hạnh phúc nhất là vợ chồng được nhìn thấy nhau già đi và thanh thản với cuộc đời…”.

 

_____

(1) Ông là một trong 16 phi công Việt Nam đạt đẳng cấp ACES, một danh hiệu có từ thế chiến II, dành cho những phi công lái máy bay quân sự có số lần bắn hạ máy bay đối phương đạt con số từ 5 trở lên.

(2) Phim do Nguyễn Hoàng làm đạo diễn.

 

_____

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936, tên thật là Nguyễn Văn Hoa, là con thứ bảy trong gia đình. Do người Nam Bộ hay gọi tên theo thứ tự nên dần dần cái tên Nguyễn Văn Bảy thành tên chính. Ông sinh tại huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Trong thời gian 1965-1968, ông được kết nạp đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 1-1-1967, ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam. Khi được tuyên dương, mang cấp bậc Thượng úy, Đại đội phó Đại đội 1 không quân, thuộc Trung đoàn 923, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.

Thời gian sau đó, ông dần được thăng lên hàm Đại tá và giữ nhiều chức vụ trong Quân chủng như Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 937, Phó tư lệnh Sư đoàn 372, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Không quân.

Năm 1975, ông tiếp quản sân bay Cần Thơ và tham gia điều hành các sân bay khác ở miền Nam như Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ và chỉ huy làm nhiệm vụ tại Campuchia.

Năm 1989, nghỉ hưu, ông làm Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Không quân tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 1990, ông về xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc sống cảnh điền viên cùng gia đình. Năm 2009, gia đình ông chuyển về quê làm nghề nông.

 

NGÔ NGỌC NGŨ LONG