HV140 - Con gà trống Gô Loa không được quyền gáy sáng!

Ở Pháp có những chuyện cười ra nước mắt, thí dụ như chuyện con gà trống Gô Loa (Gaulois) được gáy hay không được gáy.

Con gà vốn đã được thần tượng hóa, kể từ khi người Pháp biết học câu “Tổ tiên chúng ta là người Gô Loa”, và người ta tìm thấy những cái xương gà trong những ngôi mộ cổ đại, những vùng đất người Pháp sinh sống. Con gà trống là biểu tượng của dân tộc Pháp, được đứng cao trên nóc của mọi nhà thờ để chỉ hướng gió.

Thế mà nay thì con gà trống không được quyền gáy, nó “làm phiền”, làm “rối loạn quan hệ hàng xóm”, gây hỗn loạn trật tự công cộng! Quan tòa xử đấy nhé.

Dân thành thị đã quen với đủ thứ tiếng động hỗn tạp của thành phố, tiếng ồn ào rầm rì ngày lẫn đêm của khu phố, hàng xóm. Ở thành phố thì họ như điếc, chẳng nghe gì cả. Nhưng khi họ về nhà quê ở thì khó chịu với những tiếng động của thiên nhiên: tiếng mưa rơi, tiếng gió thổi xào xạc, tiếng chuông nhà thờ, tiếng gà gáy sáng, tiếng chim hót, tiếng chim bồ câu cù rục cù rục, tiếng mèo kêu meo meo, tiếng chó sủa gâu gâu, tiếng dế kêu ran suốt đêm thâu, tiếng ễnh ương ngáo ộp kêu ộp ộp... và tiếng động của người nhà quê, tiếng máy cắt cỏ, máy cắt rào dậu, tiếng máy cày chạy trên đường làng... Trong một bầu không khí im ắng, trong lành thì những tiếng động thiên nhiên và tự nhiên này càng nổi rõ hơn lên.

Báo chí Pháp trong mùa nghỉ hè này đăng tải câu chuyện ở một thành phố nhỏ có một cô nữ tiếp viên hàng không nọ đi thuê luật sư, vác đơn thưa kiện con gà hàng xóm, chỉ vì nó gáy to, nó gáy sáng sớm ò ó o ò o nhiều lần, làm cô ngủ không được.

Cô ta thắng kiện, chủ con gà trống bị buộc phải làm sao dẹp nguyên nhân của cái tiếng ồn khó chịu đó đi, hoặc cho vào nồi nấu rượu vang đỏ, hoặc cho vào lò rô ti... ăn cho sạch. Anh ta bèn đem chú gà bị kết án, đi đày biệt xứ qua ở trọ một gia đình khác gần đó, vì đó là chú gà trống của người bà để lại cho anh khi bà qua đời.

Chuyện chỉ có thế, nhưng đặt ra một vấn đề xã hội người và xã hội vật sống với nhau gây nhiều tranh cãi: làm sao thú vật biết là mình không được “làm ồn”? làm sao con người thành thị có thể áp đặt nhu cầu của mình thành luật pháp đối nghịch với thiên nhiên? làm sao quan tòa có thể xét xử nghiêm minh công bằng giữa người và thú?

Trên thực tế đã có những vụ kiện ở nhà quê, về nhà quê bị ong đốt, bị ngửi mùi đồng áng, bị khói rác nhà bên bay vào, bị nghe chuông nhà thờ đinh tai nhức óc... và những vụ kiện này theo báo chí Pháp ngày càng nhiều.

Phải nói, người Parisien, người thành thị, trưởng giả sang trọng, khác hẳn người nhà quê, ấy cùng là người Pháp với nhau. Họ giàu có, chỉ cần chỉ tay năm ngón là cỏ được cắt thẳng băng, không một ngọn cỏ nào cao hơn ngọn kia một chút, các loài hoa được xén thẳng hàng, góc cạnh, uốn lượn, biểu nở là nở mỗi khi có khách đến chơi nhà, cây cối bị đầy ra xa hàng rào dậu, mỗi một chiếc lá vàng, cành cây rơi xuống là được dọn sạch, cứ nhìn cái vườn thì biết chủ nhà là ai.

Thôn quê của Pháp nổi tiếng là thơ mộng, đẹp như tranh vẽ. Những ngôi làng chỉ vài trăm dân, ẩn hiện trong những rặng núi, những khu rừng thưa xanh rì, những cánh đồng bát ngát bỗng chốc thay màu áo sau mùa gặt hay mùa cây trồng mới lên, màu xanh lẫn với màu trắng, màu tím, màu vàng.

Vườn của người nhà quê thì rất là sạch sẽ nhưng hoa không thẳng lối, cây không thẳng hàng, cứ theo thiên nhiên, đất hợp với giống nào thì mọc giống nấy. Chim chóc kéo đến làm tổ, buổi sáng thức dậy nghe chim hót, buổi chiều đi ngủ cũng nghe một bản nhạc thiên nhiên. Nhất là loài chim hét (merle) hót rất to, rất rõ ràng những âm điệu trầm bổng, nó hót hàng giờ không mỏi miệng để báo hiệu ngày mai trời sẽ mưa, không sai lần nào. Kể cả tiếng kêu của đại bàng săn mồi, tiếng hoẵng con khóc khi lạc bầy, tiếng chó sói hú đêm... con vật nào cũng phát ra tiếng kêu của chúng.

Mỗi năm lại có một bình chọn 10 ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, để kéo du khách về.

Thế mà người thành thị, khi họ về nhà quê, dù chỉ ở nghỉ hè có 15 ngày, lập tức họ “cấm” đủ điều, từ con chó sủa bâng quơ đến tiếng máy cày đều đều trên đồng, cả tiếng chuông nhà thờ to quá... cái gì cũng viện lý lẽ “môi trường” để cấm, ra điều họ là chủ nhân, đứng trên muôn loài muôn vật.

Đến nỗi, một ông dân biểu nọ của đảng cánh hữu dự thảo một điều luật mới đệ trình lên Quốc hội sau mùa nghỉ hè 2019. Ông dự tính một đạo luật ghi thành danh sách tất cả tiếng động và mùi của nhà quê! Một ông xã trưởng đồng tình yêu cầu thêm là phải đệ trình lên UNESCO xét duyệt trong chương trình công nhận “văn hóa bản sắc phi vật thể”.

Trong làng tôi ở, chủ nhân một căn nhà được thừa kế là người thành thị, dân Parisien, đã thành công trong việc bắt buộc ông xã trưởng phải thay đổi âm điệu chuông nhà thờ và cường độ, vì họ không ngủ được. Mấy khi họ về làng, mấy tháng mới một lần hai ba ngày rồi họ đi, thế mà cả làng mất tiếng chuông báo giờ quen thuộc! “Miệng kẻ sang có gang có thép” có khác!

MATHILDE TUYẾT TRẦN (Paris - Pháp)