HV140 - Câu chuyện về nguồn

Không riêng con người mới biết quay về nguồn cội của mình. Các nhà khoa học đã cho ta thấy nhiều điều kỳ lạ, về hiện tượng này, ở trong muôn loài. Giống chim hải yến được đem xa rời tổ ấm trên ngàn cây số, vẫn dễ dàng quay lại mái nhà xưa. Dơi được đem nhốt trong thùng, mang đi ba bốn trăm dặm và lúc thả ra vẫn không lạc lối về hang động cũ. Từ đầu thế kỷ 20, Johannes Schmidt đã từng theo dõi nhiều năm dưới một độ sâu hơn 5.000m, ở gần vùng Tam giác quỷ Bermuda, thuộc Đại Tây Dương, hành trình kỳ bí của những con lươn. Sau khi chào đời, với thân hình dẹp, trong suốt, con lươn đã sớm rời khỏi quê hương để buông trôi mình theo dòng nước chảy về phía đông, hướng về bờ biển châu Âu. Qua một đường dài có thể gần đến 5.000km, trong 3 năm trời phiêu bạt, con lươn đã dài được chừng 8cm, cùng với thân hình chuyển đổi thành tròn. Đến được lục địa, chúng lại theo các dòng sông, vượt qua muôn ngàn trở ngại tiến sâu vào vùng đất liền. Chúng càng lớn dần theo những thử thách và càng dài ra cùng những gian lao. Rồi chúng dừng chân ở một đầm lầy, hay một ao hồ nào đó, tìm cái thú vui định cư trong chốn xa quê. Nhưng đến 5 năm, hoặc 8 năm sau, lươn lại vẳng nghe tiếng gọi về nguồn, và bị khuấy động bởi niềm mong ước quay về chốn cũ. Bất chấp đường xa diệu vợi, lươn đã tuân theo mệnh lệnh thiêng liêng tìm lại quê xưa. Và ở nơi lòng đại dương ngày nào mở mắt chào đời bây giờ lươn lo hoàn tất nhiệm vụ cuối cùng, và cũng cao cả của mình, đã sinh sản đàn con cái để cho chủng loại trường tồn, trước khi giã biệt cõi đời.

Sự kiện con lươn quay về cội nguồn, dầu có những nét kỳ bí vẫn chưa chứng tỏ được cái hấp lực phi thường của tiếng réo gọi từ nơi phát tích xa xưa, nhưng trong khá nhiều sinh vật đã được biến đổi qua nhiều bậc thang tiến hóa. Chúng ta đều biết biển cả là quê hương lớn của muôn loài và tế bào sống đầu tiên đã được kết thụ từ lòng đại dương. Nhiều sinh vật biển như loài ếch nhái cùng các chủng loại đa túc và các côn trùng, khi đổ bộ lên đất liền từ thời đệ nhất nguyên đại đã trải qua cuộc tiến hóa kéo dài có trên 300 triệu năm, một số mới biến thành loài động vật mang cái xương sống nơi mình, rồi phải gần 300 triệu năm sau mới xuất hiện loài có vú đầu tiên.

Trong suốt thời gian dài dặc ở trên mặt đất, khá nhiều sinh vật vẫn luôn mơ tưởng về chốn quê cũ đại dương, vẫn cố hồi phục lại những nếp sống quen thuộc của thủy tổ mình trong các điều kiện sinh sống vô cùng khác biệt. Người ta có thể nhắc đến một loài bò sát nhỏ bé là con chàng hiu ở xứ Brasil, dầu sống trên ngọn thông cao vẫn lấy nhựa thông đắp thành hình chậu, đợi mưa rơi đầy mới đẻ trứng vào trong lúc không thiếu những loài bò sát, lưỡng thê ở một độ cao không thể đẻ trứng, đã theo quy luật thích nghi mà dùng phương cách thai sinh.

Cuộc hỗn chiến tại lễ rước kiệu hoa tre trong lễ hội Gióng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội

Có lẽ, đáng cho chúng ta quan tâm hơn cả là trường hợp của cá voi. Nhiều nhà khoa học đã có cơ sở để khẳng định rằng cá voi vốn là động vật có vú sống trên đất liền. Từ khi rời biển lên đất, hưởng được bao nhiêu chuyển hóa, cải thiện về phần cơ thể, cấu trúc sinh lý, suốt nhiều triệu năm mới tiến lên thành động vật có vú, cá voi vẫn không hoàn toàn thích ứng với cuộc sống mới và giống như chàng Từ Thức hay là Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngày xưa, mặc dầu ở nơi tiên cảnh vẫn khắc khoải niềm lưu luyến trần gian và đành chấp nhận giã từ tất cả để về lại nơi quê quán cội nguồn. Từ Thức cũng như Lưu - Nguyễn, chỉ thấy bơ vơ, lạc loài giữa một xóm làng xa lạ với những cụ già râu tóc bạc phơ kể lể sự tích về vị tiên tổ ngày nào đã đi mất tích vào trong núi thẳm, bởi lẽ một ngày trên Tiên ngang bằng một năm dưới trần. Con đường quay lại Bồng Lai cũng đã khép kín, và như Tản Đà diễn tả trong những lời thơ:

Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Trường hợp cá voi có lẽ tệ hại hơn nhiều. Với cái thân hình đồ sộ và cái cấu trúc sinh lý thích hợp trên mặt đất liền, cá voi một khi quay về biển cả khó lòng trở lại với miền đất mới, mà ngay giữa vùng sóng nước đại dương cũng gặp bao nhiêu là nỗi gian nan. Những khi bị cơn sóng dữ đánh dạt vào bờ, buồng phổi cá voi bị khối hình thể nặng nề đè bẹp đã dẫn đến một cái chết thảm thương.

Đối với con người, trường hợp cá voi có thể xem là biểu tượng cho một kiểu lối tiêu cực trong sự về nguồn. Bởi lẽ, khác với muôn loài, quay trở về nguồn nhờ tuân theo một quán tính lâu đời hoặc để kết thúc hẳn một chu kỳ sinh lý, Người là động vật hội đủ được các điều kiện để mà tiến hóa, trong đó lý trí vốn là sản phẩm của xã hội, Người giữ một vai trò quyết định. Dẫu rằng con đường đi lên của nhân loại này có lúc dậm chân tại chỗ, có lúc phải bước vòng vèo, thậm chí có khi phải chịu thụt lùi, song cái hướng tiến cuối cùng của nó vẫn là một sự hoàn thiện càng ngày càng được nâng cao. Con người không thể tiến lên nếu không có vốn cũ như là nền tảng và sự việc quay tìm trong vốn cũ của dân tộc mình - như của nhân loại - chỉ có ý nghĩa thực sự khi tìm tòi ấy có thể đóng góp tích cực cho việc xây dựng hiện tại cũng như tương lai.

Thực tế những năm qua cho thấy có những nỗ lực đáng quý của sự gạn đục, khơi trong các nguồn vốn cũ, phục hồi được nhiều nếp sống đậm đà tình nghĩa đồng bào cùng lòng biết ơn đối với tiền nhân.

Tuy nhiên cũng phải thành thật nhận rằng sự kiện về nguồn còn đầy dấu vết đáng thương của kiếp cá voi. Không ít những người, mới ngày nào đây, chỉ đặt niềm tin vào cái lý trí phân tích và sức đấu tranh cùng sự kết đoàn thì nay lại tin tưởng vào ma quỷ, thánh thần các loại, tin vào tốt xấu, hên xui của lẽ tình cờ. Ngày nào, sau cuộc Cách mạng tháng Tám, chúng ta sắp xếp những hạng thầy bói, thầy rùa vào cái thành phần bất lương ở trong xã hội, nay thì để chúng xuất hiện nhan nhản trên các ngả đường, nơi nhiều cổng chùa, ở các bến xe, với đủ tác phẩm cùng loại - kể cả ngoại nhập - ở trên thị trường. Với một cái nhìn nhân bản, khoa học chúng ta nhìn nhận tôn giáo như một tổ chức khuyến khích điều thiện vừa là cơ sở bồi dưỡng tâm linh cho một lớp người, thì nay phổ biến là sự quỳ lạy, cầu xin, là những thuyết giải mang đầy mê tín cùng những khói nhang vẩn đục môi trường, nghi thức chứa đầy lãng phí.

Những năm gần đây, với sự phục hồi các thứ lễ hội, người ta lại muốn dẫm chân lên bước cá voi. Cứ theo cung cách phát huy lễ hội, người ta như muốn cho rằng áo dài cùng với khăn đen là những giá trị có tính tượng trưng cho một truyền thống dân tộc. Thực ra, các hình thức ăn mặc ấy chỉ hợp trong một giai đoạn và đã từng bị vượt qua. Chúng ta chưa hề nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đội chiếc khăn đen và vận áo dài, nhưng Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Cẩn thì luôn xuất hiện ở ngoài công chúng với trang phục ấy. Và chẳng ai có thể nghĩ là Hồ Chủ tịch thiếu vắng tinh thần dân tộc hơn hai anh em ông Diệm vốn luôn phục vụ cho những quyền lợi ngoại bang. Qua nhiều cải tiến, áo dài phụ nữ Việt Nam đã thành một thứ trang phục đẹp nhưng chỉ đáng nên khuyến khích sử dụng trong các lễ hội, còn trên cơ sở của một cuộc sống cần hiện đại hóa và công nghiệp hóa thì đó không phải là thứ trang phục thích nghi cho các sinh hoạt thường ngày.

 

_____

Tài liệu tham khảo:

- La faune des océans (E.G. Boulenger)

- Về nguồn (Phan Du - B.Kh.)

VŨ HẠNH