HV140 - LÁ CỜ TỔ QUỐC làng tôi

Từ khi gánh hát Đệm Buồm có cô đào Kim Thoa nó trở thành cánh buồm thật sự, được lưu diễn trên chiếc ghe của chị còn nổi rõ chữ Kim Thoa đi khắp các xã lân cận càng nổi đình nổi đám. Phải nói rằng từ khi có cô đào Kim Thoa trên sân khấu thì tiền bán vé ngày càng nhiều hơn. Có hôm chị cười bảo “Giá mà vở Chén cơm cuối cùng người đóng vai chính là một cô gái thì sẽ kéo thêm khán giả”. Có anh vọt miệng “Vậy chị Năm đóng vai đó đi”, thì chị cười ngất trả lời: “Em nghĩ thế nào trong cảnh đói khát tàn tạ đó lại xuất hiện một cô gái như Kim Thoa chớ?”. Cả đám hiểu ra và cười ngặt nghẽo. Một anh bạo miệng lại trả lời, rằng “nó như truyện cổ tích, khi đang ngặt nghèo thì luôn xuất hiện một nàng tiên vậy mà chị”.

Nhưng rồi một hôm không khí làng tôi bỗng chộn rộn. Một số người từ thành phố Cần Thơ sang gặp đào kép gánh Đệm Buồm nói với nhau gì đó coi mòi gấp rút và bí mật.

Thiên hạ rần rần kháo nhau là đã có cách mạng, mà cách mạng là gì càng không ai biết, nhưng xuất hiện lực lượng Thanh niên Tiền phong với lá cờ vàng sao đỏ. Người ta bảo ta và Tây sắp đánh nhau nữa và quả thật, tin Thanh niên Tiền phong đảo chính quân Nhật ở Sài Gòn, rồi Cần Thơ và khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Vậy là, gánh hát do đào kép là thanh niên nên nó trở thành Thanh niên Tiền phong hết, nên gánh Đệm Buồm đành giải tán để lo chuyện quốc sự.

Chúng tôi trả ghe lại cho chị, trả luôn cả phông màn quần áo cần thiết lại cho chị. Các anh trai làng tôi trở thành lực lượng Thanh niên Tiền phong. Mấy chị phụ nữ làng tôi mạnh dạn bầu chị Năm Kim Thoa làm Hội trưởng Phụ nữ Tiền phong làng Tân Quới của tôi. Họ giải thích thế nào đó mà chị từ chỗ e dè bỗng ừ… “được rồi tôi sẽ làm Hội trưởng Phụ nữ Tiền phong, nhưng nó sanh ra để làm gì thì Năm Kim Thoa hổng biết”.

- Là để giúp cho thanh niên, cho dân làng chuẩn bị đánh Tây.

- Họ thì đánh, được đi, còn đàn bà con gái tụi mình làm cái gì hả?

- Là quyên góp lương thực, là động viên con trai, đàn ông làng mình dũng cảm ra trận - có người giải thích.

- Vậy thì được… Cái gì chớ cái kiểu đó thì Năm Kim Thoa này làm được.

Một chị cười nói:

- Chị có cái mà người ta không có.

- Có cái gì? - chị hỏi lại.

- Có uy tín và có tiếng tăm. Nội cái việc chị xung phong vào gánh hát Đệm Buồm, nội cái vai Thị Kính mà chị đóng đủ để lại trong lòng dân làng ta lòng tin ở chị.

Vậy là Năm Kim Thoa trở thành Hội trưởng Phụ nữ Tiền phong làng Tân Quới của tôi.

Dân làng bầu ông bầu gánh Đệm Buồm làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, lấy cái nhà việc của Ban Hội tề làm trụ sở.

Có người nêu lên là thấy ở bên Cần Thơ có treo lá cờ đỏ sao vàng, còn Thanh niên Tiền phong thì cờ vàng sao đỏ, làng Tân Quới mình làm sao có?

- Nó cỡ bao lớn? - anh tôi, ông Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, hỏi.

- Cỡ một thước rưỡi, rộng độ chín tấc.

- Làng mình có bán vải không?

- Hổng có đâu. Lâu nay vải sô cũng mất biệt như xà bông, thuốc tây, cả đường, muối… còn ngặt nghèo.

- Vậy làm sao có lá cờ đỏ sao vàng bây giờ?

Đang bàn cãi thì bất ngờ chị Hội trưởng Phụ nữ Tiền phong Kim Thoa đến. Chị vẫn còn thói quen phấn son tô điểm như lúc lên sân khấu, và cũng chưa quen về quê mặc quần áo bà ba mà vẫn rực rỡ với chiếc áo dài đen bằng nhung có viền kim tuyến, cái màu đen tuyền lung linh ấy làm tôn lên nước da trắng ngọc trắng ngà của chị.

Chị hỏi các anh đang bàn tính việc gì mà coi bộ găng vậy hả? Ông chủ tịch tình thật trả lời là tụi này đang bí không biết làm sao kiếm đâu ra một vài thước vải đỏ vải vàng để làm lá cờ của đất nước.

- Chớ ở cần Thơ không có vải đỏ vải vàng à? - chị hỏi vẻ ngạc nhiên.

- Hổng nơi nào còn… bởi nó không phải loại để dùng hằng ngày của dân nên không tìm ra ở đây.

Chuyện chưa đi đến đâu thì có lệnh từ trên xuống. Làng Tân Quới phải có bộ đội để sẵn sàng đánh Tây sắp kéo tới.

- “Quánh” bằng vũ khí gì đây? - họ ồn lên hỏi. Có tiếng trả lời:

- Bằng giáo mác và tầm vông vạt nhọn, với lấy súng hai nòng của Ban Hội tề, có gì chơi cái nấy.

Ngày hôm đó có cuộc vận động tòng quân. Ông chủ tịch liền nhờ chị Năm Kim Thoa đứng ra hô hào vận động thanh niên nhập ngũ.

Trên lễ đài chị chỉ nói: - Thưa bà con và các bạn thanh niên. Tôi đi hát lâu nay nhiều nơi, nơi nào gánh Kim Thoa cũng bị bọn mật thám Tây rình rập theo dõi nên tôi rất ghét Tây. Bây giờ nó trở lại xâm lược nước ta một lần nữa thì dân ta phải đánh, nhứt là các bạn thanh niên, là những người phải thay dân làng đứng lên đánh bọn Phú Lang Sa. Chúng tôi và riêng tôi rất tiếc là đàn bà con gái không thể ra chiến trận được. Vậy tôi lấy hết xiêm y của ông hoàng bà chúa của gánh Kim Thoa xin hiến dâng cho cách mạng, cho Việt Minh để xé nó ra thành những cuộn băng cho các chiến thương nơi trận tiền.

Lời nói mộc mạc của chị Năm Kim Thoa với cương vị là lời của một cô đào hát và của người Hội trưởng Phụ nữ Tiền phong làng Tân Quới như phát súng lệnh khiến nhiều trai làng thi nhau ký tên tòng quân giết giặc ngoài sức tưởng tượng.

Thanh niên Tiền phong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến

Lại nói về hai chục chiếc áo dài của chị cống hiến. Chị bảo hãy cắt nó ra thành những cuộn băng cứu thương. Họ xổ tung tất cả ra những chiếc áo dài đủ màu sắc của nhung, lụa, gấm vóc. Đặc biệt trong đó có một tấm áo choàng bằng nhung đỏ. Thứ xiêm y khi chị đóng vai bà hoàng, chẳng những nó quá đẹp mà rộng mênh mông, cái vạt của nó kéo lên cao hết cỡ mà vẫn còn lủ phủ dưới đất.

- Trời ơi toàn là hàng đắt giá mà cắt ra sao nỡ chị Năm - một cô ta thán.

Chị Năm Kim Thoa nói rằng “chính cái thứ đắt giá hơn hết là xương máu của các chiến sĩ ngoài trận tiền, còn những thứ này không còn chỗ đứng trên sân khấu, giờ chỗ đứng của nó là cùng quân ta ra trận. Tôi không thể làm cứu thương được nên chỉ góp từng này coi như tấm lòng của Năm Kim Thoa này với Tổ quốc đang lâm nguy”.

Vậy là các chị các cô gái đành phải dùng kéo cắt tất cả thành mấy trăm cuộn băng để gởi ra mặt trận.

Duy có tấm hồng bào kể trên là các chị run tay phân vân chưa nỡ cắt. Chị Năm bảo đưa kéo đây cho tôi ra tay. Thì vừa lúc đó bất ngờ ông Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến đi ngang qua. Ông chợt nhìn thấy chị Năm Kim Thoa đang ôm một tấm áo màu đỏ rực rỡ. Ông hỏi ở đâu có tấm vải đỏ quý giá đó, thì chị Năm Kim Thoa trả lời: - Đây là áo choàng của bà hoàng Kim Thoa này đây, tôi sẽ cắt thành những cuộn băng cho chiến sĩ ta.

Ông chủ tịch chợt nhớ ngay đến lá cờ Tổ quốc mà ông không biết tìm đâu ra thứ vải đỏ để làm lá cờ treo trên nóc nhà việc tượng trưng cho linh hồn của Tổ quốc. Ông liền chạy đến sớt lấy tấm hồng bào, can:

- Không, cái áo màu đỏ này không nên cắt làm băng cứu thương. Để tôi làm lá cờ Tổ quốc của làng Tân Quới mình.

Chị Năm Kim Thoa chưng hửng:

- Trời ơi, ba thứ này tôi mặc nó lâu nay để diễn… nó là xiêm y mà tôi đã mặc sao lại biến nó thành lá cờ của nước mình được?

Ông chủ tịch không đầu hàng:

- Không có kỳ gì hết. Thời buổi kinh tế, có được cái hồng bào này là trời cho đó, đưa đây cho tôi. Mà không, tôi đứng đây chờ các cô may để mình có lá cờ màu đỏ, còn tấm màu vàng kia thì các cô cắt thành một ngôi sao năm cánh. Xong may chần ngôi sao vàng lên giữa nền cờ đỏ cho tôi. Ha ha… - ông cười đắc chí - vậy là làng mình cũng có cờ đỏ sao vàng như ai. Nó lại bằng nhung với lụa hảo hạng nữa chớ.

Lá cờ ấy ngày hôm sau được treo trên nóc nhà việc là trụ sở của cách mạng làng Tân Quới. Nhưng rồi chẳng mấy ngày quân Pháp từ Cần Thơ chạy tàu qua. Chúng đổ quân lên bộ. Các anh tôi phải trèo lên nóc nhà việc hạ lá cờ xuống rồi kéo nhau chạy sâu vào ngọn kinh xa quân địch, lại mượn nhà dân làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến và Thanh niên Tiền phong.

Là phụ nữ Tiền phong, chị Năm Kim Thoa cũng hỏa tốc cho tài sản xuống chiếc ghe gánh hát Kim Thoa chèo thục mạng theo ủy ban. Chị ở dưới ghe, nó trở thành ngôi nhà nổi của chị.

Tưởng là đã xa quân địch, ông chủ tịch đích thân giữ lá cờ khi rút lui. Giờ ông lại trịnh trọng treo nó lên trên vách. Nào ngờ một hôm trời vừa hừng sáng bỗng quân Pháp tràn tới. Quá bất ngờ nên mạnh ai nấy chạy dưới làn đạn như mưa của địch. Chị Năm Kim Thoa ở dưới chiếc ghe cách trụ sở Ủy ban Kháng chiến non trăm thước, bí quá nên đành chịu trận trên chiếc ghe đậu khuất dưới bóng một cây gừa (si).

Do quá đột ngột, ông chủ tịch cùng một Thanh niên Tiền phong bất kể đạn bom, cậu ta cố gắng trèo lên ghế lấy được lá cờ. Cậu ta quàng lá cờ qua cổ mình và bốc chạy theo dọc bờ kinh. Đội quân của làng Tân Quới nổ súng hai nòng và tầm vông vạt nhọn xông lên diệt thù. Nhưng chính lá cờ đó đã trở thành tâm điểm cho nòng súng của quân Pháp. Chúng nã đạn như điên cuồng vào anh Thanh niên Tiền phong, vào lá cờ Tổ quốc đỏ rực phía trước. Và anh đã ngã xuống, máu anh loang đỏ càng thấm nhuộm lá cờ…

Sau khi quân Pháp rút quân, chị Năm Kim Thoa mới biết mình còn sống, chị trèo lên bờ kinh, ôm xác người chiến sĩ cùng với lá cờ đỏ sao vàng lỗ chỗ vết đạn và thấm đẫm máu người liệt sĩ đầu tiên của làng tôi. Chị bàng hoàng nức nở, máu của anh thấm đỏ cả ngôi sao vàng năm cánh, thấm đỏ cả ngực áo chị… Đó là tấm hoàng bào chị từng diễn trên sân khấu, từng diễn những màn hy sinh ngoài trận địa, còn bây giờ nó đã trở thành lá cờ thiêng của Tổ quốc và đã thấm đỏ dòng máu của người con yêu nước, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc…

NGUYỄN KẾ NGHIỆP