Sách dày hơn 500 trang với hơn 80 bài phóng sự được tác giả thực hiện trong khoảng từ những năm 1990 đến 2010. Tác giả tự giới thiệu quyển sách của mình bằng một câu ngắn gọn: “Những bài viết trong cuốn sách này đã đăng trên báo Tuổi trẻ được tác giả in lại để kỷ niệm 30 năm làm báo”. Nhưng trên các trang bìa gấp, ta có thể đọc nhanh trích đoạn của những bài giới thiệu rất có sức nặng chuyên môn:
- “Bên cạnh những ưu điểm về cách phát hiện và chọn đề tài khá phong phú, Ngọc Vinh còn thế mạnh nữa là viết phóng sự rất đúng chất phóng sự báo chí, không cầu kỳ khoe chữ, không vay mượn chất văn học để đánh bóng giọng điệu, không đi theo trào lưu câu view dù cách đặt tít phóng sự của Ngọc Vinh cũng rất thu hút người đọc...” (Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, giảng viên khoa Báo chí Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).
- “Một cây bút nặng lòng với nhân sinh, với cuộc đời không thể không cúi xuống thật gần để thấy hết cái tối tăm đang vây bủa nhiều phận người và chia sẻ với họ cái nỗi buồn mang mang ấy” (Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên - nguyên Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi trẻ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
…
Và theo tôi, quyển sách này không chỉ là “kỷ niệm làm báo” mà còn thể hiện nhiều điều đáng trân trọng của nghề làm báo:
- Ba mươi năm lặn lội đầu non cuối biển để viết về đất nước và con người - đó là cả một sự nghiệp báo chí. Các bạn trẻ làm báo thuộc các thế hệ sau này nên tìm đọc Đảo gió hú để hiểu thêm về lao động nghề nghiệp nghiêm túc của một cây bút phóng sự.
- Đọc những cái tít Đảo gió hú, Rừng và Máu, Ghé thăm làng Vũ Đại... tôi không khỏi liên tưởng đến những tiểu thuyết Đỉnh gió hú (Wuthering heights) của Emily Brontë, Vàng và Máu của Thế Lữ, Chí Phèo của Nam Cao... Đấy là cái bóng của những danh tác văn học thấp thoáng trong phóng sự của Ngọc Vinh. Cách đặt tít này cho thấy ngay ở thể loại phóng sự, cả người viết và bạn đọc đều cần có kiến thức nền và cảm hứng lớn của văn học để cảm nhận sâu sắc hơn những vùng sáng tối của phận người.
- Tôi còn nhận ra rằng hầu hết các bài phóng sự của Ngọc Vinh trong Đảo gió hú đều có thể xem là kịch bản văn học thú vị để làm thành những cuốn phim tài liệu thuộc các thể loại: tài liệu nghệ thuật, lịch sử, địa chí, giáo khoa... Nhiều đề tài - như Rừng và Máu - nói về nạn lâm tặc phá rừng, được viết từ năm 1994 nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi của hiện thực xã hội đương đại.
Giả sử có một đơn vị làm phim nào chịu chơi, đầu tư và hợp tác với Ngọc Vinh để chuyển thể Đảo gió hú thành kịch bản phim tài liệu nhiều tập, nhiều kỳ thì hy vọng sẽ góp phần “xóa đói giảm nghèo” cho nội dung phát sóng của các đài truyền hình trong nước hiện nay. Ai đã theo dõi các kênh National Geographic hay Discovery qua truyền hình cáp hẳn thấy phần lớn đề tài làm phim của họ cũng chẳng phải là những gì quá cao đến nỗi mình không thể với tới. Trong khi đó, chất liệu của cuộc sống và của điện ảnh ngồn ngộn trong Đảo gió hú nếu chỉ để dùng cho một bài phóng sự coi một lần rồi bỏ thì thật lãng phí.
(Được biết hiện nay quyển Đảo gió hú của NXB Trẻ đang bị tạm đình chỉ và thu hồi để hiệu đính một số sai sót nào đó. Nếu vấn đề không quá khó xử lý, rất mong nhà xuất bản tích cực khắc phục để sách sớm đến với bạn đọc).
_____
* Đảo gió hú - Phóng sự - Hiện thực xã hội Việt Nam đương đại của Ngọc Vinh - NXB Trẻ, 2019. Giá bìa 180.000đ.