Lịch sử là một sự kế thừa. Sài Gòn, Nam Bộ thời thuộc Pháp, xuất hiện nhiều tên tuổi lớn trong văn hóa. Đó là những trí thức được đào tạo từ trường Pháp, nhưng yêu nước mãnh liệt và thấm nhuần văn hóa dân tộc. Chúng ta có thể kể đến tấm gương Nguyễn An Ninh mà đồng chí Nguyễn Văn Linh dùng từ vĩ đại và đồng chí Phạm Văn Đồng gọi là người có tầm vóc của một lãnh tụ. Nguyễn An Ninh là nhà văn hóa kiêm toàn Đông - Tây, đã hiến dâng trọn vẹn tâm huyết, trí tuệ, khí phách cho công cuộc giải phóng đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn đó (những năm 20 - 40 của thế kỷ 20) thì không có ai, trừ Hồ Chí Minh, vĩ đại hơn Nguyễn An Ninh. Đó còn là Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy, người tiếp bước Nguyễn An Ninh, người đã làm cuộc khởi nghĩa tháng Tám ở Sài Gòn, Nam Bộ và sau đó là một giáo sư đại học xứng bậc thầy cả nước, một nhà nghiên cứu với những tác phẩm lớn, Giải thưởng Hồ Chí Minh… Tôi chỉ kể vài tên tuổi tiêu biểu, chứ còn hàng chục hàng trăm nhà văn hóa - nhà trí thức yêu nước, tên tuổi xứng đáng tạc vào thế kỷ…

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng
Trần Bạch Đằng lúc mới vào đời là một học sinh 15-17 tuổi. Ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tuổi 19. Và từ đó, trên các cương vị tuyên truyền báo chí, lãnh đạo thanh niên, ông bước tiếp vào chống Mỹ với một cương vị quan trọng - Bí thư Thành ủy Sài Gòn.
Nhưng cái gì đưa ông đến với văn hóa và có những thành tựu sáng ngời trong văn hóa của miền Nam? Tôi xin kể qua một vài việc:
Ông sáng tác văn thơ từ thời chống Pháp.
Những sáng tác đầu tay nhiệt huyết nhưng còn vụng ngượng, chưa bắt kịp dòng chảy cách mạng - hiện đại của văn nghệ.
Đến thời chống Mỹ, ông tiếp tục làm thơ và viết báo. Thơ ông nhiều tứ lạ, độc đáo, dần xa rời những cách diễn đạt xưa cũ và bước vào hiện đại, những tứ thơ cắt ngang một lát cắt của hiện thực, không kể lể dông dài… Nhưng đặc sắc nhất là những bài báo, được viết ngay trên chiến trường, giữa lòng địch, tiếng nói khẳng khái, dũng mãnh của miền Nam khi đó. Ra ngõ gặp anh hùng được đọc say mê và quý yêu ở Hà Nội, là một lệ chứng.
Nở rộ những sáng tác văn học của ông là những năm sau hòa bình thống nhất. Văn xuôi có Ván bài lật ngửa, Bác Sáu Rồng, Chân dung một quản đốc… với một nghệ thuật tự sự đậm chất đời sống - con người Nam Bộ. Đấy là kết tinh cái chất “lưu dân - tự do - nghĩa khí…” ở một vùng đất mới, đoạn tuyệt những tín điều phong kiến cổ hủ hàng ngàn năm, nhưng cũng không thoát khỏi cái ách làng xã - quan lại thời Tây áp bức. Một khi đi vào cách mạng, họ sẵn sàng xả thân, nhưng cái chất “anh Hai” - “đại ca” cũng phát huy tác dụng… Ván bài lật ngửa là một thiên anh hùng ca của một trí thức yêu nước, xuất thân dân Tây, đi vào cách mạng và gánh vác trọng trách đi sâu vô bộ máy của địch, từ đó thực hiện nhiệm vụ của cách mạng là quấy đảo nội bộ địch, tạo đà cho cách mạng tiến lên. Phải nói là không ở đâu trên thế giới lại có những câu chuyện như vậy. Đành rằng yêu nước không phải là độc quyền của dân tộc Việt Nam, nhưng lợi dụng thời cơ, lặn sâu vào trong một vỏ bọc, để làm “tình báo” và góp phần cực kỳ quan trọng vào cuộc chiến đấu như các tình báo Việt Nam, mà người tiêu biểu là Phạm Ngọc Thảo trong tác phẩm này của Trần Bạch Đằng là một tượng đài bất tử của lòng yêu nước Việt Nam thời chống Pháp, chống Mỹ.
Ván bài lật ngửa là một tiểu thuyết ghi nhận sâu sắc vốn sống, vốn hiểu biết về Sài Gòn, một vốn hiểu biết của một nhà lãnh đạo theo dõi sát ta, sát địch… Sài Gòn là tâm điểm của cuộc đấu tranh, ở đó kẻ địch cũng rất đa dạng, không chỉ có Mỹ, Pháp… mà còn cả Trung Quốc cũng có đường dây tình báo ở đây - tình báo Hoa Nam, vốn có đất dụng võ khi Sài Gòn - Chợ Lớn là đất của Hoa kiều. Chỉ có tầm Trần Bạch Đằng mới biết và mô tả sinh động được việc đó.
Belinsky từng gọi tiểu thuyết là anh hùng ca của đô thị tư sản, chúng ta nói nó là anh hùng ca của thời đại. Thông qua tiểu thuyết, chiếc máy cái của văn học, mà người đương thời và mai sau sẽ nhận chân thời đại; con người và văn hóa sẽ tiến thêm một bước với những anh hùng ca như thế của Lev Tolstoi, của Honoré de Balzac… Ván bài lật ngửa là một anh hùng ca của đô thị miền Nam, của cuộc đấu tranh có một không hai của nhân dân miền Nam giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Ván bài lật ngửa được dựng thành phim và trở thành phim kinh điển dưới tài năng độc đáo, được đào tạo từ Mỹ, hiểu sâu Sài Gòn của đạo diễn Lê Hoàng Hoa… Khán giả xem đi xem lại phim này, yêu mến Nguyễn Thành Luân (Nguyễn Chánh Tín đóng vai), yêu mến cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta qua bề rộng, chiều sâu của câu chuyện đó. Phim thành công vượt bực, là một dấu son của điện ảnh Việt Nam. Nhưng đọc lại tiểu thuyết, với những cách diễn đạt của tiểu thuyết, với lời văn, đối thoại… ta càng khâm phục tài năng của Trần Bạch Đằng
Nói đến một nhà văn hóa, thì phải nói đến những tố chất văn hóa. Tố chất đó là do di truyền, do học tập, do tự rèn luyện… Ở Việt Nam, trong kháng chiến, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa vĩ đại của dân tộc, còn lại những vị như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên… khi ta gọi họ là nhà văn hóa, ta đã gộp vào đấy nhiều yếu tố cấu thành:
Chẳng hạn, Trường Chinh xuất thân con nhà Nho học, ở miền đất khoa bảng nổi tiếng là Nam Định, ông cố là Đặng Xuân Bảng, đậu tiến sĩ, trước tác nhiều tác phẩm… Trường Chinh có trình độ Cao đẳng (Thương mại), tức là tiếng Pháp loại thông thạo; ông viết báo (Tin tức…), rồi viết các sách nghiên cứu chiến lược như: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi… rất nổi tiếng khi ở cương vị Tổng bí thư.
Phạm Văn Đồng cũng xuất thân nhà khoa bảng ở Quảng Ngãi, cha là cử nhân Phạm Văn Nga làm thầy dạy cho các hoàng tử, trong đó có Duy Tân. Phạm Văn Đồng là tú tài trường Bưởi, rất giỏi tiếng Pháp, thông minh, học rộng… nên viết về văn hóa, về chính trị có tầm cỡ ở các tác phẩm: Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách dân tộc, Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Đổi mới và văn hóa…, trong đó, ông bàn về tiếng Việt, văn chương cổ điển, về sáng tác văn nghệ… đều uyên bác, thấu lý, đạt tình, được giới văn nghệ cảm phục, thích thú về “ý sâu, lời đẹp” (Hoài Thanh).
Nhưng đó là những lãnh tụ, lãnh đạo. Họ có cương vị nên dễ bao quát tình hình mà cũng có thế để nói. Trần Bạch Đằng ở miền Nam, xa cách đầu não, thông tin quốc tế cũng ít hơn, sự bàn bạc thương thảo để kích hoạt cũng ít hơn ở trung tâm…, nhưng Trần Bạch Đằng rất thông minh, nhanh nhạy, nghĩ bằng cái đầu độc lập của mình, nên ông cũng đi lên đỉnh cao của chính luận, của nghiên cứu, của văn hóa… Những bài báo chính luận của ông sắc bén, súc tích, đặt được vấn đề làm người đọc quan tâm, cùng suy nghĩ. Tập sách Đổi mới đi lên từ thực tế, Thanh kiếm và lá chắn (về ngành Công an nhân dân) của ông cho thấy Trần Bạch Đằng là một đầu óc chiến lược, thấy quy luật lịch sử của Đổi mới, và thấy tình hình cụ thể của Việt Nam trong Đổi mới.
Bên cạnh đó, Trần Bạch Đằng còn viết những bài ngày xưa gọi là viết thay (đại nghĩ cho vua, cho vương hầu), nay thì viết cho các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt đọc trước các Đại hội Đảng bộ Minh Hải, Đồng Tháp… cũng là những áng văn chính luận không phải ai cũng viết được. Phải nắm trúng vấn đề, phải tầm cỡ chiến lược mới có ý kiến chỉ đạo được (dĩ nhiên có ý kiến của Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt…).
Cuối cùng, Trần Bạch Đằng xuất hiện như là nhà khoa học xã hội. Cùng với Trần Văn Giàu, ông đứng đầu Hội đồng Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, một hội đồng khoa học độc đáo, duy nhất cả nước, được thành lập nhờ vào uy tín của hai ông. Hội đồng quy tụ nhiều gương mặt nghiên cứu của thành phố, những nhà nghiên cứu thời xưa rất quý hiếm, nhưng nay hầu như không có việc chi làm trong cơ chế gọi là “biên chế” của chúng ta. Quy tụ họ lại như một viện hàn lâm nhỏ, để rồi chính họ bằng nhiệt huyết của mình mà tự tiến hành công việc, sử dụng cái vốn liếng trí tuệ rất quý, tích lũy cả đời ở những trí thức.
Rồi hai ông làm một bộ sách khổng lồ, bộ sách Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, quy tụ hàng trăm nhà nghiên cứu chuyên sâu để dựng lại lịch sử văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh. Đó là công trình mà chỉ có hai ông mới đủ uy tín học thuật, uy tín xã hội đứng ra làm được. Trần Văn Giàu là giáo sư sử học bậc thầy, nhà chính trị - xã hội vào loại lỗi lạc bậc nhất ở nước ta, còn Trần Bạch Đằng tuy không hàn lâm như thế, nhưng ông nắm rất vững lịch sử Đảng bộ, lịch sử thành phố; hai ông tổ chức viết thì có rất nhiều thuận lợi.
Sau đó, ông Võ Văn Kiệt đứng ra tổ chức viết Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, một công trình tổng hợp lớn, cần nhân lực trí tuệ của cả Nam Bộ. Lúc đầu ông Trần Bạch Đằng không tham gia... Tôi có thưa với ông: “Công trình này mà chú không tham gia thì rất gay, thì thiếu người chỉ huy biết việc”. Sau đó, chắc ông Võ Văn Kiệt nói sao đó mà ông nhận lời làm Chủ biên. Các anh Vũ Hạnh (người sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với ông Trần Bạch Đằng!), TS Phan Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Xuất (Tổng thư ký) đều tích cực tham gia...
***
Tôi là hàng xóm của chú Tư Ánh (Trần Bạch Đằng). Chú Tư say mê làm những công việc lớn của văn hóa, báo chí, sáng tác; cũng dành rất nhiều yêu thương quý mến cho thế hệ trẻ tiếp bước. Còn nhớ khi nhà thơ Huy Cận, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học mất, chúng tôi mời ông làm Chủ tịch thay thế, ông vui lòng nhận lời. Sự giúp đỡ của bác Sáu Giàu (Trần Văn Giàu), của chú Tư Ánh… tạo thêm thuận lợi cho công việc nghiên cứu văn hóa ông cha của chúng tôi.
Rồi kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần chúng tôi cùng ông và bác Sáu Giàu ra Hà Nội dự hội thảo về Từ điển bách khoa, ở nhà số 6 phố Chùa Một Cột của Chính phủ và được ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chăm sóc, mỗi ngày cùng ăn ba lần sáng, trưa, tối với đoàn.
Những ngày ấy đã xa, đã lùi xa vào quá khứ trôi nhanh… Các ông đều đã ra đi, và chúng tôi đã bước vào tuổi “lão”. Hoài niệm về quá khứ, với tôi, bao giờ cũng có chú Tư Ánh, bác Sáu Giàu, Anh Đức, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận… và bao con người nữa vô cùng quý báu của một thời không bao giờ trở lại.