Vậy là 95 năm đã qua tính từ ngày tiếng bom Sa Diện nổ tại khu nhượng địa của Pháp ở tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc. Dù không giết được tên thực dân cáo già là Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Martial Merlin, tiếng nổ do liệt sĩ Phạm Hồng Thái gây nên đã góp phần thức tỉnh những người còn chưa nhận ra con đường cách mạng ở nước ta, làm chấn động dư luận mấy nước Đông Á và xáo trộn chính trường Pháp.
Lịch sử cách mạng nước ta đã có nhiều công trình và tác phẩm viết về liệt sĩ Phạm Hồng Thái, tên thật Phạm Thành Tích, con trai quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ, người làng Do Nha (Xuân Nha), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông cùng bạn là Lê Huy Diễm (tức Lê Hồng Phong, người sẽ làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1935-1936) tìm đường sang Trung Quốc qua Lào và Thái Lan đến Quảng Châu gia nhập Tâm Tâm Xã do Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn sáng lập, tháng 4 năm 1924.
Bài này cung cấp một số tư liệu của “một số người trong cuộc” thuộc phía bên kia và từ Kho lưu trữ Hồ sơ hải ngoại Pháp ở thành phố Aix-en- Provence, tại đó không chỉ có các báo cáo mật của nhà cầm quyền thực dân từ Đông Dương gửi về mà còn có nhiều nguồn tư liệu khác.
* * *
Martial Henri Merlin là một viên quan cai trị thực dân từng đô hộ nhiều nơi tại châu Phi như Congo, Guadeloupe, Madagascar, làm Phó toàn quyền Pháp tại Tây Phi, Tổng thư ký các thuộc địa của Pháp trước khi sang Đông Dương thay thế toàn quyền Maurice Long năm 1923. Chuyến công du của y năm 1924 sang Trung Hoa dân quốc và Nhật Bản không chỉ nhằm vận động chính quyền các nước này trục xuất các nhà yêu nước Việt Nam để cho Pháp tìm cớ “trừng trị”, mà có tầm quan trọng lớn hơn nhiều trong toàn bộ chính sách đối ngoại của Pháp thời đó.
Từ đầu những năm 1920, Hoa Kỳ được sự đồng tình và cộng tác của Vương quốc Anh đã mưu đồ loại bỏ dần những ưu tiên mà Pháp giành được tại Hội nghị Versailles, Pháp năm 1919 về các vùng Viễn Đông, nhằm thay thế vai trò của Pháp, một trong những nước chiến thắng trong thế chiến I tại khu vực Thái Bình Dương. Pháp cũng như Nhật Bản, Trung Hoa dân quốc đều ý thức được mưu đồ này của Mỹ và Anh. Trong khi Nhật Bản phất cao ngọn cờ Đại Đông Á, mau chóng tăng cường sức mạnh hiếu chiến của mình thì lục địa Trung Hoa lại chia rẽ thành nhiều phe phái tranh giành quyền lực với nhau. Pháp đang mải mê tập trung sức khai thác tài nguyên thuộc địa ở Việt Nam sau khi triều đình nhà Nguyễn không còn chút quyền lực nào, qua việc đẩy mạnh khai hoang và xuất khẩu lúa gạo từ đồng bằng Nam Bộ, sản phẩm cao su từ Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, than đá từ Đông Bắc Bộ..., lấy tiền góp phần nuôi chính quốc. Chuyến công du của toàn quyền Merlin đến mấy nước do đó được chuẩn bị khá bài bản. Bắt đầu từ việc sang Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, gặp lãnh chúa Đường Kế Nghiệm, Đốc quân tỉnh này vốn được Pháp ủng hộ, củng cố mối quan hệ giữa hai bên; tiếp đó đến Nhật Bản và “được các nhà cầm quyền đát nước Phù Tang đón tiếp nồng nhiệt” - lời của chính y trong một báo cáo gửi Bộ Thuộc địa Pháp. Từ Nhật Bản, Merlin về Mãn Châu gặp Trương Tác Lâm, Đại nguyên soái Lục quân và Hải quân Trung Quốc, người lãnh đạo trên thực tế Chính phủ Bắc Dương hồi bấy giờ, sau đó tới Bắc Kinh hội đàm với Ngô Bội Phu cầm đầu một chính phủ do Anh và Mỹ dựng lên, rồi mới về Quảng Châu hội kiến với nhà yêu nước Tôn Dật Tiên, người sáng lập Trung Hoa dân quốc, lúc này ông đang lãnh đạo một “chính phủ cấp tiến thân Liên Xô” (cấp tiến là từ được dùng tại một hồ sơ mật của Pháp lưu trữ ở Aix-en-Provence) dự kiến vào ngày 20-6-1924.
Vào thời gian này tại thành phố Quảng Châu, một số nhà cách mạng Việt Nam chủ yếu chịu ảnh hưởng của chí sĩ Phan Bội Châu (cụ đang sống khiêm nhường tại một thành phố khác ở Trung Hoa) hoạt động.
Vừa mới đặt chân đến Quảng Châu, toàn quyền Merlin quyết định mở tiệc khoản đãi một số người Pháp đang lưu trú tại Sa Diện, tô giới của Anh và Pháp hồi bấy giờ. Sa Diện trên thực tế là một đảo nhỏ tách biệt khỏi toàn bộ thành phố Quảng Châu bởi con sông Châu Giang. Từ trung tâm thành phố đông đúc cư dân muốn đến Sa Diện, tô giới của Anh và Pháp do hai nước này quản lý toàn diện, phải đi qua hai cầu, một do Anh, một do Pháp xây dựng, thường xuyên được canh phòng nghiêm cẩn. Buổi tiệc chiêu đãi sẽ tổ chức tại khách sạn Victoria thuộc tô giới Anh, bởi tại tô giới Pháp ở Sa Diện, người Pháp không có được một khách sạn nào ra hồn.
Các nhà cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu đã tổ chức tốt việc bám sát hành trình của toàn quyền Merlin, nhờ vậy dù việc y mở tiệc chiêu đãi được quyết định muộn, ta vẫn nắm được nguồn tin và quyết tâm hạ sát bằng được tên thực dân cáo già đã phạm nhiều tội ác(1).
Chàng thanh niên Phạm Hồng Thái là người đứng ra nhận sứ mệnh này dù biết trước là vô cùng nguy hiểm. Mật thám Pháp vốn theo dõi sát từng bước chân của Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong kể từ ngày hai ông rời nước ra đi, vậy mà tuyệt nhiên không hay biết tí gì về kế hoạch hành động được chuẩn bị khá bài bản cuả các nhà yêu nước ta.
Vì bữa tiệc tổ chức tại vùng tô giới thuộc Anh, người Pháp tin tưởng và ký thác việc bảo đảm an ninh cho nhà cầm quyền Anh, trong khi người Anh lại cứ tảng lờ. Lúc này viên lãnh sự Pháp tại Sa Diện là Goubault đang đi nghỉ hè xa, mọi công việc ở nhà do bác sĩ Casabianca, giám đốc bệnh viện Pháp tại Quảng Châu, tạm kiêm nhiệm. Sau khi thoát chết, Merlin cáu tiết lên án Goubault là “một tên đào ngũ!”.
Bữa tiệc vừa bắt đầu, các thực khách (khoảng trên 40 người) đứng lên nâng ly chúc tụng lẫn nhau thì một vật thể lạ từ phía bên ngoài một trong hai cửa sổ mở ra vườn hoa được ném vào. Thoạt đầu nhiều người ngỡ là có anh chàng nào chơi trò đùa bất lịch sự, nhưng Châtel, chánh văn phòng của toàn quyền Merlin, cảnh giác thét lên “Nằm xuống!”. Quả bom nổ, toàn quyền Merlin và phần lớn các cận vệ của y may mắn thoát chết. Tên thực dân cáo già không chui xuống gầm bàn như một số báo chí Pháp hồi bấy giờ viết theo lời kể của bà Clara, vợ nhà văn André Malraux (tác giả các tiểu thuyết nổi tiếng Thân phận con người, Những kẻ chinh phục…) lúc này lưu trú tại Thượng Hải, mà đơn giản là y thoát thân nhờ nằm bẹp xuống đất như nhiều người khác. Năm thực khách Pháp trúng bom chết, ba người chết tại chỗ, viên quyền lãnh sự Pháp tại Sa Diện là bác sĩ Casabianca cùng một số người tháp tùng Merlin bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Thoát chết trong gang tấc, toàn quyền Merlin kinh hoàng và giận dữ, hủy bỏ cuộc hội kiến với nhà lãnh đạo Tôn Dật Tiên như dự kiến, chuồn về Hà Nội ngay sáng hôm sau, không buồn đến thăm những khách mời cùng một số thành viên trong đoàn của y đang điều trị tại bệnh viện - báo chí Pháp hồi đó đã kịch liệt phê phán Merlin về thái độ vô cảm này.
Mấy hôm sau, thi hài một người đàn ông trẻ được tìm thấy trong dòng sông Châu Giang, trong người ông còn có một số viên đạn giống hệt những viên đã bắn vào mấy tên lính gác rượt đuổi người ném bom tối hôm đó. Mật thám Pháp nhận ra người đàn ông này là Phạm Hồng Thái, dù vậy vẫn lần chần nhiều tuần sau mới chính thức công bố.
* * *
Vụ mưu sát dù bất thành toàn quyền Merlin gây chấn động giới báo chí và chính trường Pháp. Merlin thậm chí còn cho là nhà lãnh đạo Tôn Dật Tiên là người đứng đằng sau vụ này. Một tờ báo xuất bản tại Paris bịa ra chuyện Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh là Karakhan tỏ ra “rất vui thích” về chuyện toàn quyền Pháp bị mưu sát, từ đó khăng khăng nói đấy là chứng cớ người Nga có dính vào vụ việc. Tên thực dân Outrey, đại biểu Nam Kỳ trong Quốc hội Pháp, cũng nêu vấn đề ấy lên tại phiên họp ngày 9-12-1924 của Hạ viện Pháp, bị nghị sĩ Doriot thuộc Đảng Cộng sản Pháp bác bỏ luôn: các “chứng cứ và tài liệu” mà Outrey dẫn chứng đều hoàn toàn giả mạo. Marius Moutet, nghị sĩ thuộc Đảng Xã hội Pháp tiếp lời, vạch rõ những thông tin ấy là do một tờ báo vốn kịch liệt chống Liên Xô bịa đặt ra từ đầu tới cuối.
Nghị sĩ Outrey vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Đến phiên họp ngày 22-12-1924, y công bố một bức thư của nghị sĩ Marius Moutet gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Édouard Daladier yêu cầu bộ này nhanh chóng tổ chức việc đưa chí sĩ Việt Nam Phan Châu Trinh về nước. Moutet đứng bật dậy đặt ngược vấn đề: “Đó là một bức thư riêng của tôi, và tôi vẫn lớn tiếng khẳng định yêu cầu ấy. Nhưng tôi hỏi, từ đâu ông có được bức thư? Đây là một hành động vi phạm quyền riêng tư của người khác, và như vậy là hiện đang có một kẻ phạm tội hình sự ngồi lù lù tại Quốc hội nước ta, kẻ phạm tội ấy phải được truy cứu trách nhiệm và đưa ra xét xử tại tòa án theo luật hình sự!”.
Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Daladier từ hàng ghế dành cho các thành viên chính phủ cũng đứng lên chất vấn: “Từ kẻ nào và bằng những thủ đoạn gì ông có được trong tay bức thư riêng của một nghị sĩ gửi cho tôi?”. Đại biểu Đảng Cộng sản Pháp Ernest Lafont thét luôn vào mặt Outrey: “Có phải cá nhân ông cùng những kẻ đồng lõa vẫn thường xuyên lục lọi ngăn kéo các tủ đựng công văn của nhà nước?”.
Outrey cứng họng ngồi im. Phần lớn các nghị sĩ thuộc phe tả và cả phe trung trong Quốc hội Pháp cùng lớn tiếng la ó. Nghị sĩ Marius Moutet một lần nữa lại đứng lên: “Tôi biết rõ, ông Phan Châu Trinh không phải là một người cộng sản. Rồi đây ông có trở thành một người cộng sản nếu như ông muốn, đó là quyền của ông ta. Tại nước Pháp chúng ta, quyền tự do tư tưởng vẫn đang tồn tại trong luật pháp cơ mà!”.
Tháng 7-2019
_____
* Thơ Tố Hữu
(1) Viết theo lời nhà sử học Yves Le Jariel, tác giả cuốn Paul Monin, người bạn bị lãng quên của Malraux tại Đông Dương, do Jean Lacouture đề tựa, Nhà xuất bản Les Indes Savantes, Paris, 2014.