Cuối năm 1944, khi quân Nhật ào ạt đổ vào Đông Dương, chiếm hết các trường học làm doanh trại, học sinh phải nghỉ học. Má tôi lo quân Đồng minh sẽ ném bom vào các doanh trại quân Nhật, sợ bom rơi đạn lạc, nên má tôi đưa năm đứa con tản cư về Cần Giuộc.
Cần Giuộc là quê hương của cả ba và má tôi, về Cần Giuộc như về nhà, họ hàng rất đông. Cần Giuộc thuộc tỉnh Chợ Lớn, gồm cả Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Chúng tôi về ở nhà anh Trương Văn Khải, một ngôi nhà gỗ mái ngói 3 gian, ngay dốc cầu Cần Giuộc, nằm trên đường tỉnh lộ thuận tiện đi lại.
Má tôi có hai người cháu trai gọi bằng cô, Trương Văn Khải là con người anh trai lớn của má tôi, còn Trương Văn Bang là con người anh thứ, cả hai anh cùng sinh năm 1911, chỉ nhỏ hơn má tôi đúng một con giáp, được má tôi chăm sóc từ nhỏ. Năm má tôi 18 tuổi, muốn thoát cảnh đói nghèo nên lên Sài Gòn lập nghiệp và trở thành cô chủ tiệm may giàu có, má tôi đã đưa hai anh lên Sài Gòn cho đi học. Năm 1924 má tôi lấy chồng, đó là ông chủ tờ báo Tiếng chuông rè, tờ báo chống Tây nổi tiếng ở Sài Gòn, tờ báo mà hằng ngày hai anh Khải và Bang mua và đọc cho má tôi nghe, rồi cả ba cô cháu đều mê ông chủ tờ báo. Sau ngày cưới, má tôi bán cửa tiệm, bao nhiêu vàng và tiền bạc đem về nhà chồng cùng với hai người cháu trai. Anh Khải và anh Bang theo ba tôi hoạt động từ đó, lúc mới 13 tuổi. Những buổi diễn thuyết của ba tôi cứ rót vào tai và thấm dần, 18 tuổi cả hai anh trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, 20 tuổi cả hai anh đều là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn.

Trương Văn Bang (1911-1981), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ những năm 1933 và 1935-1936.
Người xây dựng bộ đội chủ lực đầu tiên khi chuẩn bị giành chính quyền năm 1945 ở Cần Giuộc.
Năm 1933, anh Trương Văn Bang được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, lúc mới 22 tuổi, do có kẻ phản bội nên bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn rồi đày ra Côn Đảo cho đến khi Mặt trận Bình dân Pháp lập chính phủ mới được ân xá.
Anh Bang ra tù đúng lúc chú Trần Văn Giàu bị bắt, anh phải thay chú Giàu làm tiếp Bí thư Xứ ủy đến khi bầu Bí thư mới là chú Võ Văn Tần. Nam Kỳ khởi nghĩa bị đàn áp do có kẻ phản bội, hàng loạt cán bộ cấp ủy các tỉnh và cả Xứ ủy đều bị bắt trước ngày khởi nghĩa. Anh Bang tưởng thoát nhưng không ngờ tên phản bội Năm Hưng vẫn đêm ngày lùng sục, anh bị bắt tại ngã sáu Sài Gòn. Lần này anh bị đày lên Bà Rá. Vậy là anh nếm đủ Khám Lớn, Côn Nôn, Bà Rá. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, cả đất rừng mênh mông của trại giam không còn quân lính canh gác, anh cùng anh em lội rừng ra đường cái đón xe đò về Biên Hòa, rồi trở về Cần Giuộc chuẩn bị giành chính quyền.
Anh Khải chưa bị tù lần nào, nhờ có vỏ bọc an toàn. Thời kỳ hoạt động bí mật, anh là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn kiêm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc. Xứ ủy phân công anh đóng vai ông chủ xe đò, đưa đón khách từ các tỉnh về trung tâm Sài Gòn. Má tôi đưa tiền cho anh sắm xe, còn ba tôi hướng dẫn anh lập “Hiệp hội xe đò” của liên quận Cần Giuộc - Cần Đước, đến Hiệp hội tỉnh Chợ Lớn, dần dần phát triển lên “Nghiệp đoàn xe đò” liên tỉnh, tập hợp được nhiều chủ xe đò yêu nước đưa rước an toàn cho các cô chú hoạt động bí mật và chuyên chở đồng bào từ các tỉnh lên Sài Gòn biểu tình. Những năm từ 1935 đến 1939 khi Trung ương về đóng tại Hóc Môn, rất nhiều cán bộ cao cấp của Đảng thường đi lại từ Sài Gòn về các tỉnh, những chuyến xe quan trọng đều do anh tự lái. Cô Minh Khai lúc mới vào Sài Gòn chưa thuộc địa hình đi lại, mà là Bí thư Thành ủy thì phải đi lại nhiều. Theo đề nghị của tổ chức, anh Khải phải đưa cô về ở tại nhà cho tiện việc đi lại, anh phải bảo vợ nói dối với hàng xóm cô là vợ bé của anh. Nhưng nguy hiểm hơn là những chuyến chở vũ khí chuẩn bị cho Nam Kỳ khởi nghĩa hay chuyến đi rước các chú vượt ngục Tà Lài do ông Dương Quang Đông chỉ đạo năm 1941 vì phải vượt qua rất nhiều đồn bót.
Khi anh Bang từ Bà Rá về Cần Giuộc tháng 3-1945 đã gặp đông đủ cả nhà, cũng là lần đầu tiên hơn hai chục người lớn nhỏ của 3 gia đình cô cháu cùng sống chung dưới một mái nhà. Mọi người đều phấn khởi háo hức chờ đợi ngày giành lại chính quyền.
Chủ trương của Xứ ủy là ai ở đâu thì có trách nhiệm xây dựng cơ sở và tổ chức lực lượng để giành chính quyền tại chỗ. Riêng anh Khải và anh Bang thì Xứ ủy phân công thêm ngoài lãnh đạo giành chính quyền phải chịu trách nhiệm trấn giữ và bảo vệ mặt trận số 4 ở phía Nam Sài Gòn. Do đó hai anh tranh thủ thời gian gấp rút hoàn thành nhiệm vụ. Anh Khải xây dựng lực lượng vũ trang dân quân, còn anh Bang xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực.
Má tôi và chị Một (vợ anh Bang) lo quyên góp tiền để mua lương thực và vũ khí cho hằng ngày và dự trữ, vận động lập tổ chức Thanh niên Tiền phong và Phụ nữ Tiền phong tạo khí thế đoàn kết phấn khởi trong dân chúng. Vợ anh Khải lo bảo bọc cả đàn em và con cháu.
Đêm 24-8-1945, Sài Gòn đã làm xong việc giành lại chính quyền từ tay quân Nhật. Quân Nhật không chống trả nhưng không đồng ý cho ta tước khí giới, chúng chỉ giao số vũ khí của quân Pháp mà chúng tước lúc đảo chính tháng 3 và chỉ cho ta các kho vũ khí mà quân Pháp chôn giấu. Vũ khí không thiếu, nhưng thiếu tiền. Từ sau khi đảo chính Pháp, hằng đêm Nhật đã bí mật cho xe chở hết vàng ở các ngân hàng và vơ vét hết tiền trong các kho bạc. Chính quyền ngày đầu tiên biết bao nhiêu là việc cần đến tiền: nuôi lực lượng vũ trang và lực lượng biểu tình, tổ chức in ấn tài liệu, truyền đơn, xe cộ, xăng dầu… Vậy mà không có tiền, các chú lãnh đạo bối rối, phải huy động dân chúng đóng góp bằng cách nào nhanh nhất? Chú Ung Văn Khiêm chợt nhớ ra: Có một người, chị Ninh, phải, chỉ có chị Ninh thôi. Những lần Nguyễn An Ninh bị bắt, đồng bào kéo nhau lên nhà chị cho tiền cả bao lớn.
Ngày 25-8-1945 trời chưa sáng tỏ, một chiếc xe jeep không mui, có cắm lá cờ đỏ sao vàng đỗ xịch trước nhà anh Khải, chú Nguyễn Văn Trấn - thủ lĩnh Quốc gia tự vệ cuộc nhảy xuống xe bước vào nhà gọi:
- Chị Ninh ơi chị Ninh, có việc gấp lắm, mặc áo rồi ra xe lên Sài Gòn ngay!
- Có việc gì mà gấp dữ vậy? chú nói đi.
Chú Trấn nói vắn tắt, má tôi hiểu ngay.
Ngày hôm ấy, chú Trấn đưa má tôi đi khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Cứ có tiệm vàng, tiệm buôn nào lớn thì ghé. Có nhiều tiệm má tôi không quen nhưng họ đều nhận ra bà Nguyễn An Ninh và họ nói:
- Ai chớ bà Ninh là chúng tôi tin, cả ông và bà đều vì nghĩa lớn hy sinh cả gia sản tánh mạng cho dân cho nước, lẽ nào chúng tôi lại tiếc của khi đất nước đang cần.
Nhận mấy bao tiền các chú mừng lắm, tiền đã đủ cho chính quyền cách mạng chi dùng những ngày đầu khó khăn. Các chú còn cấp giấy công lệnh và phân công cô Nguyễn Thị Lựu đi cùng má tôi về các tỉnh miền Tây, nơi có rất nhiều điền chủ, để tiếp tục quyên tiền.
Hồi đó, Cách mạng cần tiền thì tìm đến các nhà tư sản, điền chủ, hầu hết các vị đều là những người có tấm lòng và yêu nước. Má tôi thường bảo họ là ân nhân, họ luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần. Mãi đến đầu năm 1946, khi có chủ trương của Trung ương vận động quần chúng tham gia bầu đại biểu Quốc hội khóa I và vận động “Tuần lễ vàng” thì ở Nam Bộ đồng bào hưởng ứng nhiệt liệt. Mọi người đều có thể đóng góp, từ người bán hàng trong các chợ, từ thầy cô giáo các trường học đến công chức, tiểu thương ở các công sở và tiệm buôn, ai có nhẫn thì tháo nhẫn, ai có bông tai thì tháo bông tai…, đồng bào Nam Bộ đều được đóng góp cho kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược.
Khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, chú Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn, tìm má tôi đưa mấy trăm đồng và căn dặn rằng các chú đề nghị má tôi nên đưa các con trở về Sài Gòn thuê nhà mở tiệm buôn gạo để nhận công tác, còn hai anh Khải và Bang đưa lực lượng vũ trang về Rừng Sác chờ chủ trương của Xứ ủy.
Kháng chiến chống Pháp chưa kết thúc, anh Trương Văn Khải đã hy sinh trong một lần chỉ huy chống càn tại Vườn Thơm là căn cứ của tỉnh Chợ Lớn năm 1949. Anh được Nhà nước Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì.
Má tôi là bà Trương Thị Sáu tiếp tục công tác qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975, được Nhà nước trao Huân chương Độc lập hạng nhất và Huân chương chống Pháp hạng nhất. Còn anh Trương Văn Bang tập kết ra Bắc mới được nghỉ mất sức do bệnh tật từ những năm tháng trong lao tù, được Nhà nước trao Huân chương Hồ Chí Minh.
Tháng 3-2019
_____
* Con gái của nhà trí thức yêu nước Nguyễn An Ninh (HV)