HV141 - Chuyện quá cũ nhưng rất mới

Hãy coi chừng các lời khuyên dạy trong nhiều loại sách viết về hạnh phúc gia đình. Và sau đây là một ý kiến của một phụ nữ có 30 năm sống đời hạnh phúc.

Khởi đầu câu chuyện tôi chỉ nói với các bạn rằng đa số “Những lời khuyên cho những cặp vợ chồng trẻ” mà hiện nay người ta đã xuất bản và cho phổ biến tràn lan một cách vô liêm sỉ trên nhiều tờ báo, trong nhiều tập sách đều là những điều nhảm nhí. Hẳn phần lớn nhờ chồng tôi cũng như tôi chẳng bao giờ chịu đọc những thứ ấy trước ngày lễ cưới, nên cuộc hôn nhân chúng tôi là một thành công. Nếu vào thời đó xuất hiện một trong những loại tác phẩm nói về hôn nhân như là ngày nay thường thấy thì chúng tôi có cơ may là không hề biết đến nó. Chúng tôi lấy nhau, đơn giản vậy thôi. Và đã cùng nhau dọ dẫm tìm một công thức tốt nhất.

Mới hôm nào đây, một trong những bà chuyên gia ở lĩnh vực này đã chẳng viết rằng làm một người vợ là phải biến thành “một trăm phụ nữ đối với chồng mình”. Làm như ông chồng là đồ cục súc! Một trăm đàn bà! Chỉ làm mỗi một người thôi cũng đủ cho tôi kiệt sức đây rồi. Còn như chồng tôi, nếu một chiều nào anh ta rời khỏi bàn giấy để trở về nhà và nhìn thấy tôi lượn quanh trong phòng với chiếc may ô da báo trên người và một đóa hồng giữa răng, thì hẳn anh ta chết khiếp lên vì sợ hãi. Điều tệ hại nhất trên đời này mà anh ta tìm thấy khi trở về nhà, là một người vợ xa lạ. Bước vào ngưỡng cửa gia đình, anh chỉ mong mỏi được sự thanh thản một khuôn mặt thân quen. Anh đâu muốn rằng, chiều về, lại gặp trong nhà một người đàn bà bất hạnh.

Còn về phần tôi, tôi hoàn toàn không đồng ý với các lập luận rằng một người chồng cần phải luôn luôn tán tỉnh vợ mình, và ngược trở lại. Thật tôi chẳng hề mong rằng người chồng xem tôi như đôi giày cũ, và đối ngược lại tôi cũng không nhìn thấy viễn ảnh nào đáng sợ và ảnh hưởng nguy hại đến tình cảm vợ chồng bằng sự hiện diện thường trực trong nhà một Roméo. Có một cái thời dành cho thơ mộng ở trong đôi lứa, nhưng phải đến thời mà các bữa ăn phải dọn đúng giờ. Hôn nhân là việc dành cho người lớn và không có gì làm tôi nổi giận bằng những phán truyền của những loại người gọi là chuyên viên bảo rằng người chồng rốt cuộc chỉ là một đứa trẻ nhỏ đã lớn nhiều lên.

Ở vào lứa tuổi mà những bài học thấm vào tâm não, tôi đã được nghe người cô xinh đẹp và khá thông minh của tôi phát biểu hai điều nhận xét mà tôi nhận thấy đáng giá hơn hết những lời khuyên dạy của các chuyên viên trong lĩnh vực này và giúp tôi học hỏi được nhiều hơn về những quan hệ nhân sinh giữa vợ và chồng. Cô tôi đã lấy người chồng vào loại tuyệt vời hiếm thấy và sống với nhau gần 50 năm hạnh phúc. Điều đó đã không ngăn bà, vào một tối nọ tâm sự với tôi:

- Con hỏi về dượng con hả? Quả có những ngày cô những mong muốn giết chết ông ta cho khuất mắt. Nhưng ngày hôm sau, cô thật vui mừng vì mình đã không thực hiện cái ý đồ ấy.

Một lần khác, sau cuộc chơi bài với mấy người bạn, bà đã bước vào nhà tôi kể cho tôi nghe rằng một người bạn của bà suốt chiều hôm ấy không ngừng thở than với bà rằng không được chồng thông hiểu; nói xong, cô ta thở dài một cách thỏa mãn. Và bà thêm rằng:

 - Ngày nào cô cũng cám ơn Thượng đế về chuyện dượng mày đã không hiểu cô một chút nào hết. Nếu như ông ấy hiểu cô, thì ngay tức khắc ông đã bước ra khỏi nhà mà không kịp có thì giờ thu xếp va li.

Dẫu hôn nhân là hiện tượng phổ biến của loài người nhưng sự thành công trong lĩnh vực này là một vấn đề hết sức riêng tư. Có những công thức đối với kẻ này thì rất thích hợp nhưng nếu kẻ khác áp dụng lại là một tai họa. Tuy vậy, tôi cũng có đôi nhận xét thiết yếu như sau: hôn nhân hơn bất cứ cảnh tình nào khác, đòi hỏi những người trong cuộc có một tính cách lịch sự tuyệt vời đến mức tối đa. Tôi không muốn nói đến cái nước sơn hời hợt bên ngoài để thiên hạ khỏi nhìn thấy sự trống rỗng của một kết hợp thiếu hẳn chiều sâu. Tôi muốn nói đến một sự nhã nhặn đáng yêu trong cách xử sự giữa hai vợ chồng, tương tự cung cách xử sự mà một trong hai người ấy ứng phó tự nhiên giữa những bạn bè thân thiết.

Hôn nhân là cái mặt tiền công khai của một định chế riêng tư mà mỗi một người trong cuộc được hiểu rằng mình vẫn giữ tối đa cá tính cho mình. Sống cho hai người, theo một tinh thần cộng sinh, thật là tuyệt vời cho những ai đó được sinh ra để chịu đựng sự thân tình khép kín. Nhưng vẫn có những con người thích sống cô đơn trong nỗi riêng tư. Mỗi người vẫn có cái quyền giữ phần riêng lẻ cho mình, và bất cứ người vợ nào hay người chồng nào khăng khăng đòi hỏi chia sẻ tất cả ý tưởng của người bạn đời, chắc chắn rồi sẽ hối hận.

Trong ngữ vựng của một lứa đôi, có một tiếng nói cần được loại bỏ, đó là sở hữu tĩnh từ “của tôi”, dĩ nhiên ngoại trừ khi phải nói đến một chiếc áo choàng. Sử dụng ngôn từ “chúng ta” sẽ rót được chất dầu thơm trên những mặt nước trước khi dậy sóng. Còn người phụ nữ có cái thói quen đáng buồn là cứ chạy đến cửa tiệm để thay đổi món quà tặng mà người chồng phải tốn công lựa chọn cho mình, hẳn nhiên là lúc nào đó bà ta sẽ thấy không còn quà tặng và không còn… chồng.

Hôn nhân - nhờ trời - không phải là cái dấu hiệu của sự tan vỡ toàn diện về mặt nhân cách cũng như trí năng. Phải biết cùng nhau sống trong thư giãn nhưng xin hãy tránh cho điều phóng túng. Người ta đã chẳng bảo rằng không có danh nhân với kẻ bồi phòng. Cũng không có danh nhân nào đối với vợ mình, và ngược lại cũng rất chính xác. Đừng quá lạm dụng thân mật mà để bộ râu hai ngày không cạo, hoặc để mái tóc hai ngày không chải.

Và cho phép tôi được nói tình cảm của mình đối với vấn đề tin cậy giữa hai vợ chồng. Cứ tin theo các chuyên gia thì không có gì tai hại hơn sự phó mặc rất là mù quáng cho tình cảm ấy. Tuy nhiên nếu như người ta không trao cho người bạn đời một niềm tin tưởng trọn vẹn và thật bền chặt, thế thì lấy nhau làm gì? Khi chúng tôi dự dạ hội, chồng tôi thích nhìn thấy tôi đùa cợt với những người đàn ông khác và tôi hiểu rằng, về phía anh ta, anh cũng tán tỉnh đôi chút những nàng xinh đẹp. Và có gì đâu…? Chỉ có xử sự ngược thế mới là đáng ngại.

(VŨ HẠNH dịch từ tuần báo Pháp Sélection)

INEZ ROBB